Nội dung text A 232_Những nét chính về Kito hoc, Giao hội học và truyền giáo.pdf
Những nét chính về Kitô Học, Giáo Hội Học, và Linh Đạo Truyền Giáo trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu -------------------------------------------------------------------------------- Thiên Lâm VietCatholic News(18/11/2000). Nhập đề Để nhận ra những nét chính yếu trong bức phác họa về Đức Giêsu, về Giáo hội và viễn cảnh truyền giáo trong Tông huấn Giáo hội tại Á châu có lẽ điều trước tiên chúng ta cần lưu ý đến là hai chữ "Á châu" và tất cả những gì được bao hàm trong hai từ ngữ này. Khi nhấn mạnh đến hai chữ Á châu thì không phải là ta không còn biết gì đến các lục địa khác, không còn biết đến các Giáo hội tại các lục địa khác và Giáo hội toàn cầu. Nhấn mạnh đến tính Á châu không có nghĩa là phá hủy đi tính phổ quát, tính công giáo mà là để hiểu rõ một không gian mà Tin mừng được gieo vào. Á châu là không gian sống của Giáo hội tại Á châu và là không gian sống của các kitô hữu Á châu. Á châu là không gian của cuộc đối thoại giữa Tin mừng và các truyền thống tôn giáo và văn hoá lâu đời và phong phú nhất của thế giới. a) Vùng đất Á châu và những gì làm nên Á châu : Trước hết, tông huấn nói lên những nét là Á châu và làm nên Á châu, vùng đất mà Giáo hội tại Á châu được mời gọi sống và loan báo Tin mừng. Nét độc sáng của cái là Á châu và làm nên Á Châu đó là lòng khao khát Đấng Tuyệt đối, là mối liên hệ giữa con người với Thượng đế, là chiều kích tôn giáo. Con người Á châu là con người tôn giáo, một con người sống tương quan với Đấng-khác- con-người. Vùng đất Á châu là mảnh đất tốt của các tôn giáo lớn trên thế giới. Á châu là chiếc nôi của các tôn giáo lớn như An độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Do thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo. Á châu là thửa đất của lòng khao khát Vô Hạn. Qua các truyền thống tôn giáo và văn hoá lớn của Á châu, chúng ta đọc ra được dấu chỉ của hành trình con người đi tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Lòng khao khát Thượng đế của người dân Á châu được nhắc đến nhiều lần trong Tông huấn (ss. 9, 18, 50):
Bằng những nét chính yếu, Đức Thánh Cha phác họa ra bức tranh về con người Á châu trong các mối tương giao khắng khít giữa Thiên-địa-nhân. Con người Á châu kính trọng Trời Đất, yêu mến bậc tiền bối, yêu mến thiên nhiên, yêu mến tình liên đới, yêu mến sự an bình : " Nhận thức là người Á châu này được khám phá cách tốt đẹp nhất và được xác quyết không do bởi sự đối chất và chống đối, nhưng trong tinh thần hoà hợp và bổ xung" (s. 6) Sau khi nhận ra nét Á châu, chúng ta sẽ dễ dàng đọc được bức họa về Đức Giêsu và về Giáo hội trong Tông huấn. Nói khác đi, chúng ta sẽ khám phá ra những nèt chính yếu của Kitô học và Giáo hội họccủa Tông huấn. Tù đó, ta sẽ thấy được viễn cảnh của một nền linh đạo truyền giáo Á châu. 1-Những nét chính yếu của Kitô học trong Tông huấn. Chủ đề của Tông huấn là nhằm giới thiệu về Đức Giêsu, Đấng Cứu độ, về sứ vụ tình yêu và phục vụ của Người tại Á châu "để họ được sống và sống dồi dào " (Ga 10, 10) Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất là đối tượng chính của Tông huấn và Giáo hội tiếp nối sứ mạng tình yêu và phục vụ của Người trong bối cảnh của Á châu xét như là một thực tại bao gồm các khía cạnh : kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá, tôn giáo. Trong chương II và III của Tông huấn, Đức Thánh Cha cho thấy tại sao Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất và tại sao Người là Đấng cứu chuộc muôn dân (s. 10). Đức Thánh Cha nhận xét : "Các nghi phụ thượng hội đồng ghi nhận rằng việc rao giảng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, có thể gây nên những khó khăn đặc biệt trong những nên văn hoá của các ngài, lý do vì nhiều tôn giáo Á châu dậy rằng chính các tôn giáo là những biểu lộ của Thượng đế mang đến ơn cứu rỗi" (s. 10) Điều làm cho chúng ta thắc mắc là tại sao Đức Thánh Cha lại cứ nhấn mạnh Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ duy nhất, trong khi tại Châu Á có nhiều tôn giáo lâu đời và các tín đồ của các tôn giáo ấy không thể chấp nhận khẳng định này, nhất là đối với những tín đồ Hồi giáo ? Đức thánh Cha đã tìm cách trả lời cho những nhận xét của các nghị phụ của Thượng Hội đồng, trước hết, qua việc phác họa ra một Kitô học mang nét Á châu. a) Phác họa bức chân dung về Đức Giêsu
Trong Tông huấn, Đức Thánh Cha đã thử phác họa bức chân dung về Đức Giêsu với các nét Á châu : Đức Giêsu là con người Á châu Ngài sinh ra và lớn lên trong một cuộc sống nghèo nàn. Ngài là người tỵ nạn. Ngài vâng phục cha mẹ. Ngài cầu nguyện liên lỉ (s. 10) Ngài sống gần kẻ nghèo, kẻ bị bỏ rơi và thấp bé.. (s. 10) Nhưng Đức Giêsu bị tố cáo là phạm thượng, một người lỗi luật thánh, một mối họa công khai cần thanh toán (s. 11) Thiên Chúa đã đặt Người làm Trung gian duy nhất của ơn cứu độ. Trước hết, Tông huấn nhấn mạnh đến nét Á châu của Đức Giêsu. Chắc chắn, khi nói đến khuôn mặt Á châu của Đức Giêsu, Đức thánh Cha không dừng lại gương mặt bên ngoài, nhưng muốn nói đến Người là con người Á châu với những nét làm nên người Á châu mà chúng ta đã nói ở trên, chẳng hạn như Người có một tâm hồn tôn giáo thật sâu xa, là con người của chiêm niệm, con người có tấm lòng xót thương người nghèo, kẻ bị bỏ rơi, người thấp bé trong xã hội, là con người của quần chúng và yêu mến đám đông. Một trong những lý do làm cho người Á châu khó gần gũi với một hình ảnh Đức Giêsu được giới thiệu là họ thấy "gương mặt tây phương" của Người nhiều hơn là "khuôn mặt Á châu" của Người. "Gương mặt tây phương" ở đây có lẽ phải được hiểu là con người của suy luận, lý trí. Đức Giêsu tiên vàn là con người của tình thương, con người của mọi người và đặc biệt là của người nghèo và người đau khổ. Tuy nhiên, khi phác họa bức chân dung Á châu của Đức Giêsu, Đức Thánh Cha cũng nói ngay đến cái cớ vấp phạm của Kitô giáo và như vậy suy tư của ngài đi ngay vào cái cốt lõi của Kitô giáo, cái làm cho Kitô giáo khác với các tôn giáo khác.Cái cốt lõi này đã vấp phạm đến nền văn hoá Á châu và không chỉ Á châu. Cớ vấp phạm của Kitô giáo là tin rằng Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, toàn năng và toàn tri lại mặc lấy bản tính loài người chúng ta, chịu khổ nạn và chịu chết để đem lại phần rỗi cho mọi người (x. 1 Cr 1, 23 ; s. 12) Cớ vấp phạm Kitô giáo lại càng triệt để hơn khi chiêm ngắm Đức Giêsu trong mầu nhiệm hiệp thông với Chúa Cha, khi chiêm ngắm Người là chính Thiên Chúa (s. 12 ) và là Đấng Cứu Độ duy nhất. Đây là điều phân biệt Đức Giêsu với nhiều vị "Cứu tinh" khác trong các tôn giáo tại Á châu.