PDF Google Drive Downloader v1.1


Báo lỗi sự cố

Nội dung text B 231_CÓ thien Chua khong.pdf

CÓ THIÊN CHÚA KHÔNG ? Câu trả lời của vũ trụ LM. PHÊRÔ LÊ DUY LƯỢNG Lược dịch cuốn Dieu existe-t-il ... Réponse de l'univers của Thivollier ^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^^ NỘI DUNG Phần I : Rảo qua thế giới tinh tú Phần II : Đi vào trong lòng nguyên tử Phần III : Trở về giữa lòng thế giới sinh vật Vấn nạn 1 : Tôi không tin có Thiên Chúa vì tôi không thấy Vấn nạn 2 : Vũ trụ chẳng qua chỉ là một sự tình cờ Vấn nạn 3 : Chỉ một mình lực lý hóa nơi vật chất đã đủ giải thích vũ trụ PHẦN THỨ NHẤT RẢO QUA THẾ GIỚI TINH TÚ
Để nhận định câu trả lời của vũ trụ đối với vấn đề có Thiên Chúa hay không, trước tiên chúng ta hãy làm một cuộc du hành vũ trụ bằng trí óc. Để làm quen với những khoảng cách, những tỷ lệ, ta thử thiết lập ra một thái dương hệ tí hon. Giả sử ta leo lên khá đài của một vận động trường cực kì mênh mông và được trang bị một ống nhòm có sức phóng đại hết sức mạnh. Ở giữa vận động trường, ta đặt một quả cầu đường kính mặt trời để nó biểu thị mặt trời. Để mọi vật giữ đúng tỉ lệ của chúng, ta biểu diễn sao Thủy là hành tinh gần mặt trời nhất bằng một hạt anh đào đặt cách quả cầu kia 40m. Một hòn bi đặt cách quả cầu 105m sẽ là quả đất. Còn một có sao Mộc to lớn, ta đặt một quả cam cách xa 600m, cứ thế cho đến sao Hải vương thì sẽ là một quả mơ đặt cách quả cầu 3 km. Bây giờ mới đến chỗ rắc rối đây. Muốn theo tỉ lệ đó mà biểu diễn một trong những ngôi sao gần mặt trời nhất, thì phải đặt một quả cầu không phải cách quả cầu thứ nhất một ít cây số, mà là xa hơn, sang Trung quốc hay Nhật bản nữa, tức là cách đó 30.000km. Đó là một ý niệm thô sơ về độ bao la của vũ trụ. Thế mà thực tế thì không phải ta ở trong lược đồ thu nhỏ đó. Ta biết rằng quả đất (hòn bi tẻo tẹo lúc nãy ấy mà !) quay chung quanh mặt trời (tức là quả bóng có đường kính 1m) ở một khoảng cách là 150 triệu km với tốc độ 108.000 km/giờ. Mặt trời mà thể tích bằng 1.300.000 lần quả đất, là một lò lửa nóng rực, ở ngoài mặt nóng 3.000 độ và ở trong lòng nóng từ 5 đến 6 nghìn độ. Ở đó mọi kim loại đều ở trạng thái khí. Những vệt đen ở mặt trời thực tế là những khối vật chất khổng lồ nóng chảy quay cuồng rộng đến 180.000 km, có lúc nó phun ra những ngọn lửa cao trên 300.000 km ; quả đất ta nếu bỏ vào đó sẽ biến đi như một hột dẻ ném vào lò nung hay một hạt lúa ném xuống giếng. Ánh sáng đi một giây được 300.000 km. Thế là mặt trời ở xa quả đất ta đến nỗi ánh sáng của nó phải mất 500 giây mới đến nơi ta, tức là mất 8 phút. Khi ta nói : "Mặt trời mọc", tức là theo con mắt ta thấy, nó vượt qua đường chân trời đã 8 phút rồi đấy ! Nhưng nó xa ta đến nỗi ánh sáng sau 8 phút mới đến tận ta. Cái tia sáng đầu tiên của mặt trời buổi sáng đập vào mắt ta đã khởi hành từ mặt trời cách đó 8 phút. Nói một cách cụ thể hơn tí nữa là nếu ta cỡi lên một tia sáng mặt trời đi cứ mỗi giây là 300.000 km. Thì với vận tốc lạ lùng đó, ta phải mất 9 phút sau lúc khởi hành từ quả đất mới tới nơi mặt trời. Còn giả sử ta ngồi lên một toa tàu có tốc độ 100 km/giờ và phóng về phía mặt trời không nghỉ thì phải mất 170 năm mới tới ga ở mặt trời. Nhưng thế chưa ăn thua gì đâu. Đó chỉ mới nói trong phạm vi thái dương hệ. Còn nếu ta muốn du hành từ quả đất lên ngôi sao gần mặt trời nhất là sao Wolf 424 thì phải đi mất 4 năm ánh sáng, nghĩa là 4 năm với tốc độ ánh sáng tức là 300.000 km/s. Năm ánh sáng là một đơn vị thiên văn, dùng đo khoảng cách để rút gọn con số lại cho đỡ kềnh càng. Chẳng hạn sao Alfa của chòm Centaure (Nhân mã) cách xa quả đất ta là : 300.000 km x 60 giây x 60 phút x 24 giờ x 365 ngày x 4 năm và 4 tháng tức là : 43 triệu tỷ cây số hay là 43.000.000.000.000.000 km. Sao Bắc cực cách xa chúng ta 47 năm ánh sáng tức là xa hơn 10 lần. Nếu ánh sáng nó dừng lại trong chốc lát hoặc nó biến mất khỏi vũ trụ giờ phút này thì ta vẫn còn thấy ánh sáng nó trong 47 năm nữa. Và tia sáng nó gửi đến tận nơi chúng ta chiều nay đã ra đi từ 47 năm rồi ! Nếu hiện nay một người ở sao Bắc cực - giả sử là trên đó có người ở - dùng một cái ống nhòm khổng lồ mà quan sát những cái xảy ra trên quả đất chúng ta thì người đó hiện đang thấy những hình ảnh những màu sắc có ở trên quả đất này cách đây 47 năm chứ không phải là thấy những hình ảnh những màu sắc hiện có như ta đang thấy. Hay là ta giả sử trên sao Bắc đẩu có đài phát thanh mạnh đến mức dưới quả đất có thể nghe được thì từ lúc một người phát thanh từ trên đó đến khi tiếng xuống đến ta, những tin tức đó đã cách đây 47 năm rồi. Như vậy là chẳng bao giờ ta có thể biết được những tin tức thời sự nóng hổi của các ngôi sao hết ! Sở dĩ người ta có thể tính toán khoảng cách giữa các ngôi sao với mức chính xác như thế là nhờ dùng những phương pháp của môn hình học, của lượng giác học, bằng cách lấy khoảng cách từ quả đất đến mặt trời làm đáy đã biết của tam giác. Từ ngôi sao gần nhất, người ta chỉ thấy cái khoảng cách ấy kể cũng to lớn lắm vì những 150 triệu km cơ mà ! Như độ lớn của một sợi tóc ở cách xa 30m. Như thế đủ biết các phép tính của các nhà thiên văn chính xác nó tỷ mỉ chừng nào ! Với mắt thường người ta chỉ nhận ra độ 5.000 ngôi sao thôi, nhưng những kính thiên văn lớn nhất đã cho phép người ta chụp ảnh được hơn 400 triệu sao. (Báo Ef. Báo khoa học số 45 trang 5) Hiện nay kính thiên văn ở Mont Wilson, con mắt khổng lồ của châu Mỹ ấy, trọng lượng tới 100 tấn và đường kính của nó là 2 mét rưỡi, đã có thể giúp người ta khám phá ra 2 tỷ sao. Hiện nay chúng ta còn chưa có khả năng lục soát hết tất cả các ngôi sao rải rác khắp đại dương không gian vô
bờ bến của vũ trụ. Muốn có một ý niệm về đại dương đó, ta hãy hình dung con sông Ngân hà tức là cái vệt sáng vắt qua giữa bầu trời. Đó là một khối bụi sao trong đó có sao phải mất 18.000 năm mới chiếu sáng tận chúng ta, đến nỗi chúng ta không biết những sao kia hiện có còn nữa hay không vì tia sáng chúng ta nhận được từ chúng, đã khởi hành thế là 600 đời người rồi. Và muốn hình dung khoảng cách giữa các ngôi sao ấy thì phải đặt 4 hoặc 5 hòn bi - vào một thể tích lớn bằng quả đất. Tất cả những ngôi sao kia lớn, bé rất khác nhau. Nếu mặt trời lớn bằng quả cam thì theo tỷ lệ ấy quả đất sẽ bé bằng đầu một cái kim, còn sao Bételgeufe sẽ cao 30 m và một số sao của chòm Clocher sẽ bé bằng tháp Eiffel tức là 300 mét. Tuy nhiên ta cũng cần biết là một số trong những ngôi sao nhỏ hơn qủa đất nhưng phát ra một sức sáng và một sức nóng lạ lùng. Và tỷ trọng chúng trái lại rất lớn : người ta trù rằng một cái bao (dùng đút vào ngón tay để may) đựng đầy vật chất của các sao kia sẽ cân nặng 40 tấn. Chỉ một lít chất ấy sẽ nặng bằng cả tháp Eiffel. Trong bầu trời có những ngôi sao xanh đang ở vào tuổi ấu trĩ của đời sống tinh thể của mình, có những ngôi sao vàng đang phát triển và có những ngôi sao đỏ đã "xé bóng", sắp trở thành ngôi sao chết. Trong chòm sao Nhân mã cung (Sagittaire), người ta trù có 800 triệu mặt trời, mỗi mặt trời đều có lịch sử của nó như mặt trời chúng ta vậy. Người ta cũng trù rằng trong vũ trụ mênh mông mà thái dương hệ chúng ta chỉ chiếm một chỗ vô nghĩa này, có hơn 50 tỷ ngôi sao sống, không kể hàng tỷ ngôi sao chết, hằng tỷ tỷ tấn bụi sao và mảnh vụn vũ trụ, dưới ánh sáng của một ngôi sao khác sẽ sáng lên (như mặt trăng chúng ta sáng lên dưới ánh sáng mặt trời) và làm thành cái mà người ta gọi là các mây Thiên hà. Và tất cả cái vũ trụ đó, tất cả cái Thiên hà đó (theo như người ta quen gọi) quay quanh mình. Mặt trời chúng ta quay trong lòng cái vũ trụ kia xung quanh một trọng tâm (ở trong chòm sao Sagittaire) với tốc độ 1 giây là 300 km và phải mất 260 triệu năm mới được một vòng. Còn cái Thiên hà kia thì các nhà thiên văn trù là chiếm trong không gian một chiều dài 100.000 năm ánh sáng, nghĩa là đô chừng 1.000.000.000.000.000.000 km. Như thế là làn sóng điện rađio phải mất 1.000 thế kỷ mới đi qua vũ trụ ấy. Nó có hình một cái thấu kính khổng lồ ở giữa hơi phình ra. Vấn đề tại sao biết được Thiên hà có một chiếc thấu kính phình ra ở giữa không phải là khó hiểu. Mỗi người chúng ta đều có thể nghiệm được điều đó. Ta tưởng tượng dứng giữa cánh đồng quê một đêm trăng sao vằng vặc. Chúng ta đứng trên quả đất ở trong lòng vũ trụ như ở trong một chiếc thấu kính bằng thủy tinh to lớn khi ta nhìn về phía mặt bằng của thấu kính thì tia nhìn của ta vượt qua cả một rừng sao : đó là cái mà ta gọi là "sông ngân hà". Và như vậy là mắt ta đã rảo qua một khoảng cách từ 40 đến 70 nghìn năm ánh sáng, vì thế mà ta nhìn thấy ít sao hơn nhiều. Cho đến đây, chúng ta chỉ mới nói đến vũ trụ chúng ta thôi. Nhưng ngoài ra còn có những vũ trụ khác nữa. Đã lâu có một số tinh vân, nghĩa là đám mây kết bằng hằng hà sa số vì sao, các nhà thiên văn ngần ngại không biết có nên sát nhập vào cho vũ trụ của chúng ta hay không. Chẳng hạn như tinh vân Andromède cách ta 800.000 năm ánh sáng. Và chiếc kính viễn vọng mạnh nhất đã ghi được hàng tỷ tinh vân khác giống như tinh vân đó. Chắc hẳn bấy nhiêu tinh vân ấy cũng là những vũ trụ, mỗi vũ trụ như thế cũng gồm hàng tỷ sao ở rải rác trong một không gian rộng 500 triệu năm ánh sáng. Kích thước của không gian mà hiện nay người ta biết được là độ 500 triệu lần 1 vạn tỷ km. Đó là một con số người ta không thể đọc được nữa. Một số trong các vũ trụ kia không phải có hình dạng cái thấu kính như vũ trụ chúng ta, mà lại có hình xoắn ốc. Ta đã thấy rằng muốn tính khoảng cách giữa các ngôi sao trong vũ trụ, các nhà thiên văn đã sử dụng phương pháp lượng giác của hình học. Nhưng đó là đối với những khoảng cách tương đối nhỏ thôi. Còn khi muốn đo những khoảng cách lớn, người ta phải dùng đến kính quang phổ. Được các nhà thiên văn sử dụng để nghiên cứu sự chuyển vận của các ngôi sao, kính quang phổ là một dụng cụ có công dụng phân tích các chấn động ánh sáng xuyên qua không gian. Chắc ta có biết định luật vật lí của Doppler - Fiseau thường được áp dụng vào việc đo tốc độ của các máy di chuyển, chẳng hạn dựa vào tiếng vù vù của động cơ máy bay hay tiếng rít đầu máy tàu hỏa. Các làn sóng âm ngắn lại khi chiếc phi cơ hay chiếc tàu tới gần và nới rộng ra khi nó xa ra. Người ta áp dụng cách tính đó vào các sóng quang. khi một ngôi sao tới gần, nghiên cứu trong kính quang phổ người ta thấy các vật sáng của nó ngả về màu tím, còn lúc ngôi sao ra xa thì chúng lại chuyển sang màu đỏ. Nhờ đó mà người ta có thể tính ra rằng sao Vega tiến về phía chúng ta theo tốc độ 14 km/s, tức là 50.000 km/ giờ, có những ngôi sao của vũ trụ chúng ta vút theo một tốc độ rất lớn là 300 km/s tức là hơn 1 triệu km/giờ. Có lẽ ngày tận thế sẽ đến khi quả đất chúng ta va chạm phải một trong số hàng 50 tỷ sao của vũ trụ
chúng ta. Nhờ có kính quang phổ người ta lại được biết rằng các tinh vân không gian cứ rời xa nhau với tốc độ còn ghê gớm hơn nữa tức là 45.000 km/s. Những lục địa sao kia cứ tản mát với tốc độ 150 triệu km/giờ. Như thế là hình như không gian cứ nới rộng ra mãi. Ý kiến này thuộc thuyết " vũ trụ bành trướng" tức là một thuyết hiện nay đang được hoan nghênh nhất trong các giới khoa học cao cấp. Và bác học đề xướng ra thuyết đó là Cha Lemaitre, nhà thiên văn tiếng tăm của trường đại học Louvain bên Bỉ. Khi người ta nghĩ đến sự sống luôn luôn hoạt động náo nhiệt trên quả đất chúng ta, trên mặt đất có chừng 60 vạn loài động vật và 80 loài thực vật, tự nhiên người ta có thể thắc mắc muốn biết trên muôn vàn ngôi sao rải rác trong vũ trụ bao la kia có người ở không, hoặc ít nhất có sinh vật không. Các nhà bác học quyết chắc rằng các ngôi sao cũng được cấu tạo bằng những chất như quả đất chúng ta. Tuy nhiên cho đến nay chưa có gì cho phép kết luận có sự sống trên đó. Chẳng hạn người ta chắc chắn là sự sống không có trên mặt trăng, 4 là một vệ tinh của quả đất quay chung quanh và cách quả đất 348 nghìn km. Là vì đó là một thế giới chết, không có khí quyển, có một nhiệt độ thay đổi trong khoảng 24 giờ từ + 180 đến - 100 độ. Hình như sự sống là cái đặc ân chỉ dành riêng cho một mình hành tinh chúng ta mà thôi. Sau lúc đã đi du hành khắp các vũ trụ, bây giờ chúng ta đặt chúng ta vào vị trí của mình trên quả đất này mà nhận định một tí xem cái "chỗ đứng" chúng ta trong vũ trụ nó như thế nào. Cái chỗ ta chiếm trong vũ trụ thật là bé nhỏ tí hon. Trước hết cái nhà ta ở, cái chỗ ta đứng đây so với diện tích quả đất 510.000.000 km vuông thì có nghĩa gì. Nhưng nếu so quả đất với mặt trời lớn hơn nó 1.300.000 lần và ở cách nó 150 triệu km thì lại càng nhỏ bé bao nhiêu. Càng nhỏ bé hơn nữa khi ta thấy mặt trời lại là trung tâm thái dương hệ và thái dương hệ chỉ là một thành phần nhỏ bé trong vũ trụ thiên hà gồm hằng tỷ thái dương hệ. Phương chi nó càng nhỏ bé hơn nữa khi ta sánh vũ trụ thiên hà với hàng triệu vũ trụ thiên hà khác trong không gian mù mịt... thật là không tưởng tượng được độ nhỏ bé của chúng ta sánh với vũ trụ ... Thế mà nhiều lúc ta cứ nghĩ là ta to lớn lắm, tưởng chừng như mình là trung tâm vũ trụ, vũ trụ phải phụ thuộc vào mình . Nhà độc tài thế lực nhất thế giới được hàng trăm triệu con người tuân phục có thể làm nổ ra trên mặt đất một cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng ông ta có vì đó mà gây ra một cái gì xáo động trong bước vận hành chung của vũ trụ không ? ... hoàn toàn không. Quả đất có thể phủ đầy thây chết và nhà cháy, nhưng nó vẫn tiếp tục bước đi không hề xê xịch của nó trong không gian và mặt trời vẫn soi sáng nó. Thật là bé bỏng một ông đại tướng, một vua thượng vị hay một vị tổng thống nước cộng hòa sống 5, 60 năm trên cái hạt cát tý hon là quả đất chúng ta, giữa hàng tỷ sao đã hàng tỷ năm. Đấng tạo thành ra các thế giới kia có coi họ ra cái gì. Điều này làm ta nhớ đến lời nói của ông Viviani phát biểu ở quốc hội Pháp vào đầu thế kỷ này rằng : "Chúng ta đã tắt đi nhiều ngôi sao trên trời mà người ta không thắp sáng lên được nữa !" Câu nói buồn cười thay ! Ta tưởng tượng nhà chính khách kiêu căng kia cần một cái sào tắt nến dài 30.000 tỷ km để với tới ngôi sao gần nhất : thật là một bức biếm họa ngộ nghĩnh. Khi nghĩ đến cái bề sâu vô hạn của bầu trời rộng rãi bao la, người ta không hề nghĩ rằng có một trí tuệ tối cao điều chỉnh bước vận chuyển của các vũ trụ. Quả vậy, quả đất ta vút đi quanh mặt trời với một tốc độ 30km/s, thế mà chung quanh ta vẫn thấy mọi cái yên hàn cả, đất không rung chuyển, cây cối không bị bật tung rễ lên. Thế nhưng chúng ta đang chạy, đang quay tít trong không gian ấy. Ai là nhà hoa tiêu, ai là người điều khiển ? Ai chủ trương những phép tính vi phân kia ? Những phép tính mà người ta tìm ra rất chính xác. Tất cả chúng ta đều biết rằng quả đất quay chung quanh mặt trời trong 365 ngày 1/4, và tự quay một vòng hết 24 giờ. Nhưng các nhà bác học có thể thấy trước hằng thế kỷ cái vị trí của một tinh thể nào đó vào một ngày, một giờ nhất định nào đó. Vì đó mà họ có thể biết trước lúc nào có nhật thực, nguyệt thực, có sao chổi đi qua ... Chẳng hạn sao chổi Halley hoàn thành cái vòng di chuyển của nó trong không gian trong 76 năm 90 ngày, người ta đã thấy nó năm 1910, đến năm 1986 nó tái xuất hiện trên bầu trời của chúng ta. Ở nhà thờ lớn thành Strasboung có một chiếc đồng hồ khổng lồ có một kích thước cực kỳ to lớn và một hệ thống máy móc cực kỳ phức tạp. Nó chạy đã nhiều thế kỷ nay rồi. Ngày nay nó vẫn hoạt động điều hòa, chỉ năm, mùa, tháng, ngày, các tuần trăng và bước vận chuyển của các ngôi sao nữa. Hơn nưã chiếc máy kỳ lạ này còn có nhiều loại hình tượng cứ đến ngày giờ nhất định thì lại hiện ra đến gõ vào các chiếc chuông của đồng hồ.

Tài liệu liên quan

x
Báo cáo lỗi download
Nội dung báo cáo



Chất lượng file Download bị lỗi:
Họ tên:
Email:
Bình luận
Trong quá trình tải gặp lỗi, sự cố,.. hoặc có thắc mắc gì vui lòng để lại bình luận dưới đây. Xin cảm ơn.