PDF Google Drive Downloader v1.1


Báo lỗi sự cố

Nội dung text ĐỀ SỐ 16.docx

ĐỀ SỐ 16 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Câu 1 (0,5 điểm). Các hình ảnh “mây đầu ô” được thể hiện trong bài thơ: Mây ở đầu ô mây lang thang; Mây ở đầu ô/ Hẹn những chân trời xa lạ; Mây trắng lang thang; Mây mùa thu/ Lọt qua trời hẹp ngõ/ Lướt nhanh qua mái ngói ba tầng; Mây ở đầu ô/ Trời xanh lộng lẫy,... Câu 2 (0,5 điểm). Học sinh chỉ ra được một biện pháp tu từ trong bài thơ. Ví dụ: nhân hóa (mây lang thang, Mây ở đầu ô/ Hẹn những chân trời xa lạ,...); điệp cú pháp (Mây ở đầu ô); so sánh; câu hỏi tu từ,... Câu 3 (1,0 điểm) (1) Hình ảnh “những lớp người hai mươi tuổi” và “mây đầu ô” trong bài thơ cùng có sự gặp gỡ, đồng điệu về tâm hồn phóng khoáng, sự khao khát vượt lên những giới hạn gò bó, chật chội và khát vọng vươn đến một cuộc sống giàu ý nghĩa, sẵn sàng cống hiến. “Mây đầu ô” “lang thang”, cảm nhận sự bức bối, chật chội của “góc phố phường”, “hẹn những chân trời xa lạ”, “lướt nhanh qua mái ngói ba tầng” mà cảm nhận một “trời xanh lộng lẫy” thênh thang mở ra thoải sức vẫy vùng. Còn “những lớp người hai mươi tuổi”, họ cũng “hẹn những chân trời xa lạ” như “mây đầu ô”. Họ “cháy hết mình” ở những vùng trung du bóng cọ với “Ca nước đập vỏ bình tông/ Khăn mặt thấm mồ hôi/ Bụi đỏ/ Bụi vàng”. Họ có mặt ở những “triền cao” “tay sém ngấn mặt trời”. Họ là những áng “mây đầu ô” ở “trời công trường xa tít tắp”. Họ là những “áng mây đầu ô” ở nơi đầu sóng ngọn gió - “Áo ngực xanh yếm biển/ Bay bay dải mũ Hải quân”. Cả “mây đầu ô” và “những lớp người hai mươi tuổi” đều khao khát chinh phục những chân trời của ước vọng cháy hết mình và dâng hiến - đều là những tâm hồn trẻ tràn đầy khát vọng. (2) Cả hai hình ảnh “mây đầu ô” và “những lớp người hai mươi tuổi” đều được thể hiện bằng cảm hứng khẳng định nhiệt thành, sôi nổi của tác giả và qua đó, bộc lộ khát vọng đẹp đẽ, mãnh liệt, tràn đầy sức trẻ của tâm hồn nhà thơ. Câu 4 (1,0 điểm). Bài thơ thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của tác giả Quang Dũng: (1) Tâm hồn phóng khoáng, niềm khao khát vượt thoát khỏi những khuôn khổ chật hẹp, tù túng, hướng đến sự tự do, thoả khát vọng sống mạnh mẽ, tràn đầy sức trẻ và niềm nhiệt huyết say mê. Tâm hồn ấy luôn khát khao ước hẹn “những chân trời xa lạ”, đã sống tuổi hai mươi tràn đầy của thế hệ mình và vẫn luôn dạt dào sức trẻ, niềm đam mê, khao khát hướng về thênh thang “trời xanh lộng lẫy” tựa như áng “mây ở đầu ô”. Đó là một tâm hồn sống tràn đầy năng lượng! (2) Vẻ đẹp tài hoa, tinh tế trong cách cảm nhận được thể hiện qua những hình ảnh thơ độc đáo, sáng tạo (hình ảnh tràn đầy không gian của “mây đầu ô”; hình ảnh không gian phố phường với ngọn cột đèn chiều tối lại “bừng con mắt đỏ”, cành bàng khẳng khiu, mở tàn xanh,...; hình ảnh “những lớp người hai mươi tuổi”; hình ảnh cái tôi “bay theo tiếng nhạc”, “mê xanh thẳm” “như cánh chim trời”,...), sử dụng thể thơ, từ ngữ,... Câu 5 (1,0 điểm). Câu hỏi “Nhưng ta có gì/ Tự thấy những ngày không tẻ?” là lời nhân vật trữ tình gửi gắm nhắn nhủ những điều sâu sắc đến chính mình và người đọc. Ta có gì, ta đánh dấu sự hiện hữu của mình trong cuộc đời như thế nào để sự tồn tại của bản thân trở nên thực sự giàu ý nghĩa, giàu đóng góp, để những ngày tháng trong quỹ thời gian mà cuộc sống ban tặng cho ta không nhàm tẻ, đơn điệu? Ta sống như những áng “mây đầu ô” khao khát vẫy vùng, luôn hướng về bầu trời xa rộng, xanh thẳm, “lộng lẫy”, luôn khát khao “hẹn những chân trời xa lạ” hay chịu chôn chân trong những chật chội, quẩn quanh, đơn điệu, nghèo nàn? Câu hỏi truyền thông điệp để mỗi cá nhân biết tự vấn bản thân, biết lựa chọn lối sống đẹp: sống mạnh mẽ, tràn đầy năng lượng, tràn đầy sức trẻ, làm đầy cái lồng cuộc sống của bản thân bằng những khát khao đẹp đẽ và sẵn sàng cống hiến. Hãy làm những áng mây ở đầu ô vẫy vùng thoả sức như cánh chim trời! Hãy mang sức trẻ và nhiệt huyết của bản thân để chinh phục bầu trời phía trước! Đó là một thông điệp sâu sắc, giàu ý nghĩa đối với mỗi chúng ta. II. PHÂN VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) a. Mở đoạn: Nêu vấn đề nghị luận: vẻ đẹp của nhân vật Thị Phương trong văn bản. b. Thân đoạn: Làm rõ vấn đề nghị luận (1) Vẻ đẹp của lòng hiếu thảo, của sự thủy chung son sắt: được thể hiện qua các chi tiết trong lời bài hát của Thị Phương: chồng lên đường dẹp giặc Xiêm theo lệnh của nhà vua, một mình nàng đã phụng dưỡng mẹ già, “nuôi mẹ truân chuyên” trong cơn binh lửa, gặp những loài “ác thú hổ lang”, những người “rắp làm hại”,... Đặc biệt, nàng đã dâng đôi mắt của mình cho thần để xin được cứu mẹ, chấp nhận cuộc sống “mù mịt, tối tăm”. Nàng cũng “thờ chồng chực tiết khăng khăng chẳng rời”, “Quyết liều phận bạc chẳng dám quên ngãi chàng”. Tấm lòng dành cho mẹ, cho chồng của Thị Phương đã thấu động đến “lòng trời”: các nàng tiên đã dạy hát cho nàng để nàng dắt mẹ đi kiếm ăn độ nhật qua ngày, đôi mắt nàng được sáng trở lại - “Ngọc nhảy vào, mắt được phong quang”, nàng được gặp lại chồng, gia đình đoàn viên. Nhân vật Thị Phương mang vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: tảo tần, lam lũ, giàu tình nghĩa, thủy chung, hết lòng vì cha mẹ,... (2) Vẻ đẹp của nhân vật Thị Phương được thể hiện qua những đặc sắc nghệ thuật của kịch bản chèo truyền thống: sự tổng hợp của âm nhạc (lời hát) và ngôn ngữ nhân vật, cốt truyện với kết thúc có hậu, thể hiện quan niệm sống “ở hiền gặp lành” của tác giả dân gian,... c. Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề nghị luận. Câu 2 (4,0 điểm) a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Lựa chọn lối sống của người trẻ trong bối cảnh hiện nay: bằng lòng chấp nhận sống trong vùng an toàn hay dám bứt phá, vượt thoát khỏi giới hạn để khám phá và khẳng định bản thân - Người trẻ ơi, bạn có nên bước ra khỏi “vùng an toàn”? b. Thân bài b1. Giải thích: (1) Người trẻ: Những con người ở độ tuổi thanh niên, tuổi trẻ trong cuộc đời. Về thể chất, người trẻ là những con người phơi phới tuổi thanh xuân, tràn đầy sức sống, cơ thể phát triển mạnh mẽ, sung sức. Về tâm hồn, trí tuệ, người trẻ là những người ở ngưỡng cửa cuộc đời, giàu hiểu biết, có khả năng học tập, khám phá, tràn đầy khát khao, hoài bão, niềm đam mê, ý chí và sức sáng tạo dồi dào,... Người trẻ là tương lai của một quốc gia. (2) Vùng an toàn (Comfort zone) là một khái niệm trong lĩnh vực tâm lý, để chỉ “trạng thái hành vi trong đó một người hoạt động ở vị trí trung lập về lo lắng” (Judith Bardwick), “nơi mà sự không chắc chắn, khan hiếm và dễ bị tổn thương của chúng ta được giảm thiểu - nơi chúng ta cảm thấy mình có quyền kiểm soát” (Brené Brown). Như vậy, có thể thấy, “vùng an toàn” là trạng thái tâm lý thoải mái của con người khi hoạt động trong môi trường quen thuộc, không có áp lực lớn hay đòi hỏi phải mạo hiểm, vì thế, con người có cảm giác an toàn, không phải lo lắng điều gì, tất cả đều nằm trong quyền kiểm soát của bản thân. (3) Vấn đề được thể hiện dưới hình thức một câu hỏi mở, khơi gợi sự suy nghĩ và lựa chọn của mỗi cá nhân: bằng lòng chấp nhận sống trong vùng an toàn hay dám bứt phá, vượt thoát khỏi giới hạn để khám phá và khẳng định bản thân. b2. Nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề nghị luận và sử dụng lý lẽ, bằng chứng để phân tích, chứng minh bảo vệ suy nghĩ, quan điểm đã nêu Ví dụ có thể chọn một trong số những quan điểm sau đây và lập luận để bảo vệ quan điểm: Người trẻ nên bước ra khỏi “vùng an toàn”. Người trẻ không nên mạo hiểm bước ra khỏi “vùng an toàn” nếu như không có hiểu biết đầy đủ về bản thân, về bối cảnh, về những khó khăn thử thách,... khi chấp nhận ở ngoài “vùng an toàn”. Thay vì bước ra khỏi “vùng an toàn”, chúng ta nên chủ động mở rộng “vùng an toàn” cho bản thân trong cuộc sống. Câu trả lời “nên” hay “không nên” bước ra khỏi “vùng an toàn” phụ thuộc vào từng cá nhân người trẻ, trong những điều kiện hoàn cảnh cụ thể, nhất định, không có một câu trả lời chung cho tất cả mọi người và trong mọi bối cảnh;... Lưu ý, lựa
chọn quan điểm nào thì đều phải sử dụng lý lẽ và minh chứng để lập luận phù hợp với logic của hiện thực khách quan để thuyết phục, bảo vệ quan điểm của mình. Dưới đây là ví dụ lựa chọn câu trả lời: Người trẻ nên và dám bước ra khỏi “vùng an toàn” để khám phá bản thân, khám phá cuộc sống, tạo dựng một cuộc đời giàu ý nghĩa. (1) “Vùng an toàn” thực ra tiềm ẩn nhiều hạn chế đối với sự phát triển của người trẻ: Nó có thể khiến bạn hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đang sở hữu; thiếu động lực phấn đấu; thiếu sự tự tin vào bản thân và ý chí bứt phá,... Vì vậy, bằng lòng với việc ở trong “vùng an toàn” bạn sẽ không thể gặt hái được những thành công mới, không biết năng lực thực sự của bản thân, cuộc sống có thể sẽ đơn điệu, một màu, thiếu những “điểm nhấn” ấn tượng. Thêm nữa, không có “vùng an toàn” tuyệt đối. Cuộc sống luôn chảy trôi, biến đổi, mang đến những thử thách và cơ hội mới. Môi trường, điều kiện bối cảnh hôm nay có thể phù hợp với sở trường, khả năng hiện có của bạn, đem đến cảm giác an toàn. Nhưng trong tương lai, điều đó chưa chắc còn đúng. Cho nên nếu không sẵn sàng bước ra khỏi “vùng an toàn”, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng bị động trước mọi biến đổi của cuộc sống. (2) Bạn nên bước ra khỏi “vùng an toàn” vì hành động đó giúp bạn rèn luyện ý chí, nghị lực, khả năng dám đối mặt với sự sợ hãi,... Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý, ngay phía sau “vùng an toàn” là “vùng sợ hãi”, nơi cá nhân bị ảnh hưởng, chi phối bởi ý kiến của người khác, nơi con người luôn tìm lý do để né tránh, nơi cảm giác mất thăng bằng, lo lắng, thiếu tự tin hiện diện. Bước khỏi “vùng an toàn”, bạn sẽ phải kinh qua vùng tối của sự sợ hãi đó, đồng nghĩa với việc chúng ta được tôi luyện bản lĩnh, ý chí, sự vượt qua những trở ngại, “quán tính” tâm lý. (3) Bạn nên bước ra khỏi “vùng an toàn” vì hành động đó giúp bạn học hỏi và phát triển bản thân. Kinh qua “vùng sợ hãi”, bạn bước vào “vùng học hỏi”. Ở đó, chúng ta buộc phải nỗ lực thay đổi mình để đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Bạn sẽ đặt ra cho mình những mục tiêu mới. Bạn biết sống có ước mơ, khát vọng - trong đó có khát vọng khám phá, mở rộng giới hạn của bản thân. Bạn nhận ra mình cần phải bổ sung, học tập những gì để đạt được mục tiêu, mơ ước đó. Bạn nỗ lực chinh phục các thử thách bằng cách không ngừng mở mang hiểu biết mới. Bạn sẽ rèn luyện những kỹ năng mới: kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng phân tích tình huống, kỹ năng hợp tác, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng đàm phán, thương lượng,... Và như vậy, bạn sẽ chấp nhận nếm trải cả thất bại và thành công để từng bước trưởng thành. Cứ như thế, những vùng thử thách kế tiếp dần dần được chinh phục, trở thành “vùng an toàn” mới, rồi từ “vùng an toàn” mới này, con người lại khát khao những vạch đích phía trước và can đảm bước lên,... Bằng hành trình bước ra khỏi “vùng an toàn”, bạn đã xây dựng nên con người của chính mình với ý thức cầu tiến mạnh mẽ, với niềm khát khao hướng về phía trước, sự nỗ lực học hỏi, sự dũng cảm bứt phá khỏi quán tính của sức ì, sự chấp nhận đứng lên từ vấp ngã, niềm tin vào bản thân, sự tôi luyện ý chí và bản lĩnh vững vàng, tinh thần chủ động trong cuộc sống,... Hành trình bước ra khỏi “vùng an toàn” cũng làm cho cuộc sống của bạn có nhiều điều bất ngờ, mới mẻ, thú vị, mang lại nhiều đóng góp ý nghĩa hơn cho cá nhân và cộng đồng,... Điều này đặc biệt quan trọng với người trẻ, bởi họ là tương lai của đất nước. Tinh thần dám bứt phá của người trẻ là một trong những nội lực quan trọng của sự phát triển. “Con người không có rễ. Nó có hai bàn chân” (Bertolt Brecht). Bởi vậy, con người không nên cắm rễ mãi ở trong “vùng an toàn”. (4) Chứng minh, làm rõ ý kiến bằng các minh chứng: Tham khảo một số bài viết về các tấm gương thoát khỏi “vùng an toàn” của bản thân: “Người trẻ nên bước ra khỏi vùng an toàn như thế nào?” (dansinh.dantri.com.vn, ngày 11/09/2020); Cô gái “thoát khỏi vùng an toàn” đam mê khám phá và luôn mong muốn đóng góp cho cộng đồng (tienphong.vn ngày 15/4/2021); “Câu chuyện của những người chọn bước ra khỏi vùng an toàn để chinh phục thành công” (vietnamnet.vn, ngày 21/05/2024); “Bước ra khỏi vùng an toàn để khởi nghiệp” (baobinhduong.vn, ngày 21/05/2024),... b3. Bình luận, liên hệ
(1) Hiện tượng một bộ phận giới trẻ sống an phận, không dám vượt thoát khỏi “vùng an toàn”, chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt, đơn điệu, nhàm chán, thụ động, dễ bị gục ngã khi đứng trước những khó khăn, thử thách trong thực tiễn hoặc bị bỏ lỡ những cơ hội quý giá mà cuộc sống đem đến. (2) Cần cân nhắc, cẩn trọng, lường trước những thử thách, sự thất bại,...; cần hiểu rõ về bản thân để lựa chọn cách thức phù hợp khi quyết định bước ra khỏi “vùng an toàn”. (3) Chia sẻ ngắn gọn trải nghiệm về việc bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân người viết bài (ví dụ: việc lựa chọn trường, chọn lớp, chọn môn học, chọn môn thể thao,...). c. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận, khơi gợi sự chia sẻ của các quan điểm khác về vấn đề “Người trẻ ơi, bạn có nên bước ra khỏi ‘vùng an toàn?”

Tài liệu liên quan

x
Báo cáo lỗi download
Nội dung báo cáo



Chất lượng file Download bị lỗi:
Họ tên:
Email:
Bình luận
Trong quá trình tải gặp lỗi, sự cố,.. hoặc có thắc mắc gì vui lòng để lại bình luận dưới đây. Xin cảm ơn.