Nội dung text 234.164 - TVTT0002334 - Bí Tích Truyền Chức Thánh - Thần Học Tín Lí - Đỗ Xuân Vinh - Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn.pdf
BẢNG CHỮ VIẾT TẮT
3 BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH THỰC TẠI VÀ THÁCH ĐỐ Trong tiếng Việt, chúng ta nên gọi “chức thánh” hay “tác vụ”? Về mặt từ ngữ, đối với cha Stêphanô Huỳnh Trụ, theo nghĩa Hán – Nôm: “tác vụ” [作務] có nghĩa là công việc, chỉ về nhiệm vụ; “chức” [職] chỉ về thân phận, chỉ về con người. 1 Bí tích này không chỉ trao ban một nhiệm vụ cho người lãnh nhận, mà còn thánh hiến trọn vẹn bản thân người lãnh nhận. Hơn nữa, qua Tự sắc Ministeria quaedam, được ban hành ngày 15.08.1972, chính Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng phân biệt giữa “tác vụ” [ministeria] Đọc sách và Giúp lễ với “các chức” [ordines]. Do vậy, trong giáo trình này, chúng ta sẽ gọi là “chức thánh”. Ngoài ra, chúng ta nên gọi “truyền chức thánh” hay “phong chức thánh”? Đối với cha Stêphanô Huỳnh Trụ, theo chữ Hán, “phong” [封] thuộc loại chữ hội ý, loại chữ Kim Văn bên trái là hình cây mọc trên đất; chư hầu được phong tước thì được cấp đất. Như vậy “phong chức” là cấp trên ban cho cấp dưới chức vị và danh hiệu. “Truyền” [傳] thuộc loại chữ hình thanh, có bộ nhân [亻] và chữ chuyên [專]; và một trong những ý nghĩa của chữ này là kế thừa (gia truyền). Do vậy, đối với tác giả, thuật từ “truyền chức thánh” thì đúng hơn vì nhấn mạnh đến tính kế thừa. Giám mục thông ban chức Linh mục cho các ứng viên. 2 1 X. Huỳnh Trụ, Tìm hiểu từ vựng Công Giáo (Hà Nội: Tôn Giáo), 2021, 122-123. 2 X. Huỳnh Trụ, Tìm hiểu từ vựng Công Giáo, 689-693.
4 Nếu như các Bí tích khác đều được dệt nên từ ba chiều kích là thần linh – Hội Thánh – nhân sinh, thì Bí tích Truyền Chức Thánh cũng được hình thành như thế. Đó là điều “Sách Giáo lý Công Giáo” đã dạy: “Truyền Chức Thánh là Bí tích qua đó, sứ vụ Đức Kitô đã ủy thác cho các Tông Đồ của Người được tiếp tục thực thi trong Hội Thánh cho đến tận thế. Vì vậy, đây là Bí tích của thừa tác vụ Tông Đồ. Bí tích này gồm ba cấp bậc: chức Giám mục, chức Linh mục và chức Phó tế” (GLCG 1536). Vì được dệt nên từ ba chiều kích, cho nên thực tại mà Bí tích Truyền Chức Thánh muốn diễn tả rất phong phú. Tuy nhiên, cũng chính trong sự phong phú ấy mà thần học Bí tích này cũng gặp nhiều thách đố. Thứ nhất, thách đố từ chiều kích thần linh: Đức Kitô có thực sự thiết lập Bí tích này không, nếu có thì đâu là chứng cứ minh nhiên của Thánh Kinh; hay đây chỉ là sáng kiến của Hội Thánh, vì dường như thần học Bí tích này chỉ được hình thành một cách tiệm tiến theo dòng thời gian? Thứ hai, thách đố từ chiều kích Hội Thánh: phải chăng về mặt xã hội, Hội Thánh cũng chỉ là một tổ chức cần có cơ cấu phẩm trật cho nên Hội Thánh cũng cần có Bí tích này? Thứ ba, thách đố từ chiều kích nhân sinh: thừa tác viên chức thánh phải chăng chỉ là những công chức của Hội Thánh; và chức thánh phải chăng chỉ là chức tước, như sự thăng tiến về mặt xã hội? Đâu là ý nghĩa của việc thừa tác viên có chức thánh phải sống độc thân khiết tịnh? Phải chăng chức tư tế thừa tác của Linh mục đã làm cho chức tư tế phổ quát của mọi tín hữu bị lu mờ; và làm cho phẩm giá của các phụ nữ không được nhìn nhận vì họ không được phong chức? Những thách đố trên đây sẽ là động lực để chúng ta học hỏi về Bí tích Truyền Chức Thánh. Hơn nữa, nhờ việc học hỏi ấy, chúng ta sẽ ý thức hơn trong việc chuẩn bị đón nhận Bí tích này. Việc học hỏi của chúng ta sẽ gồm bốn chương. Thứ nhất là nền tảng Thánh Kinh. Nếu các Bí tích đều có nền tảng từ Thánh Kinh, nơi biểu lộ tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện