Nội dung text 21. Quy định về án treo theo luật hình sự một số nước và kinh nghiệm cho Việt Nam - Ths. Kim Nguyễn Hồng Minh.pdf
1 QUY ĐỊNH VỀ ÁN TREO THEO LUẬT HÌNH SỰ MỘT SỐ NƯỚC VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM Kim Nguyễn Hồng Minh Tóm tắt Bên cạnh những biện pháp cưỡng chế hình sự thì các biện pháp miễn, giảm trách nhiệm hình sự cũng đóng vai trò rất quan trọng để đạt được các mục tiêu trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Để đa dạng hóa các biện pháp cưỡng chế hình sự, giúp Tòa án cá thể hóa hình phạt dành cho người phạm tội thì án treo là một chế định rất quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam nói riêng và pháp luật hình sự các nước trên thế giới nói chung. Tuy án treo đã được quy định từ rất sớm trong lịch sử lập pháp của Việt Nam nhưng cho đến hiện nay Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa pháp lý về án treo và những quy định khác liên quan đến chế định này vẫn còn nhiều thiếu sót. Đồng thời cũng chưa có nhiều bài viết nghiên cứu về chế định này. Trên cơ sở nghiên cứu so sánh quy định về án treo theo pháp luật hình sự của Tây Ban Nha và Trung Quốc, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện đối với chế định về án treo trong pháp luật hình sự Việt Nam. Từ khóa: án treo, pháp luật hình sự, Bộ luật hình sự, hoàn thiện pháp luật. Đặt vấn đề Chế định án treo xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử lập pháp của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Quy định về án treo lần đầu tiên được xuất hiện ở Vương quốc Bỉ vào năm 1888. Sau đó 03 năm pháp luật hình sự của Pháp cũng quy định về án treo. Kéo theo đó là sự nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước khác và quy định về án treo được nhân rộng, như: Luxembourg và bang Geneva (Thụy Sĩ) quy định về án treo vào năm 1892, ở Bồ Đào Nha vào năm 1893, ở Na Uy vào năm 1894, ở Thụy Điển vào năm 1906, ở Nhật Bản năm 1907 và ở Tây Ban Nha năm 19081 . Có thể thấy Tây Ban Nha là một trong những nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận quy định về án treo trong Bộ luật hình sự. Các nước ở Châu Á cũng sớm tiếp thu kiến thức lập pháp từ các nước phương Tây. Ở Trung Quốc, vào cuối triều đại nhà Thanh và thời kỳ đầu của nhà nước Trung Hoa Dân Quốc (1912 – 1949) Thạc sĩ. Giảng viên Khoa Luật Hình sự trường Đại học Luật TP.HCM. 1 Nial Osborough (1969), “The Emergence of the suspended sentence in England”, 4(1) Irish Jurist, tr. 23-35.
2 đã có sự thay đổi lớn khi văn hóa lập pháp của phương Tây bắt đầu có ảnh hưởng. Chế định án treo lần đầu tiên xuất hiện trong Bộ luật hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ban hành năm 1928 và có hiệu lực vào năm 19352 . Như vậy có thể thấy Trung Quốc cũng ghi nhận quy định về án treo khá sớm so với các nước trong khu vực Châu Á. Khi nghiên cứu chế định về án treo theo pháp luật hình sự các nước trên thế giới, tác giả nhận thấy quy định về án treo trong Bộ luật Hình sự của Tây Ban Nha và Trung Quốc có nhiều điểm mới và phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam. Do đó tác giả lựa chọn nghiên cứu so sánh quy định về án treo theo luật hình sự của Tây Ban Nha và Trung Quốc và từ đó rút ra các kinh nghiệm để nhằm hoàn thiện chế định này trong luật hình sự Việt Nam. 1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về chế định án treo 1.1. Khái niệm và bản chất của án treo Mặc dù án treo được quy định từ rất sớm trong pháp luật hình sự Việt Nam tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn không có một văn bản pháp luật hình sự nào ghi nhận định nghĩa pháp lý về án treo. Chính vì vậy mà khái niệm, bản chất, nội dung pháp lý của án treo được nhận thức rất khác nhau qua từng giai đoạn phát triển của luật hình sự Việt Nam. Trước đây theo Điều 10 Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1996 quy định án treo được áp dụng như một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Nhưng trong Bản hướng dẫn về trình tự tố tụng phúc thẩm hình sự được ban hành kèm theo Thông tư 19/TATC ngày 02/10/1974 và trong lời tổng kết Hội nghị tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1976 thì TANDTC lại giải thích “án treo phải được xem là hình thức xử lý nhẹ hơn án tù giam”. Mặc dù vậy trong thực tiễn xét xử của các Tòa án đều thống nhất xác định án treo không phải là một loại hình phạt mà nó là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, tức là căn cứ vào nhân thân của người phạm và những tình tiết giảm nhẹ, Tòa án sẽ miễn cho người bị kết án không phải chấp hành hình phạt tù nếu trong thời gian thử thách không phạm tội mới 3 . Điều 44 BLHS 1985, Điều 60 BLHS 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và Điều 65 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã kế thừa và phát triển chế định án treo nhưng vẫn chưa có một định nghĩa pháp lý về án treo mà chỉ quy định những điều kiện, nội dung của chế định này. Hiện nay án treo được hiểu là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án án dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào 2 Xue Yang (2018), Community Sanctions: A comparative study between China and Europe, Luận án tiến sĩ, Faculty of Law and Criminology of Ghent University (Bỉ). 3 Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 18/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn về việc áp dụng Điều 44 Bộ luật hình sự.
3 nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần buộc phải chấp hành hình phạt tù4 . Án treo là một biện pháp cá thể hóa trong chấp hành hình phạt tù có thời hạn, không buộc người bị kết án phạt tù cách ly khỏi xã hội, tức là người bị két án phạt tù kèm theo thời gian thử thách nhất định và được quy định trong luật hình sự, do Tòa án quyết định trong bản án kết tội đối với người bị kết án, khi có đủ căn cứ và các điều kiện luật định. Án treo là một chế định tiến bộ thể hiện cụ thể phương châm “Trừng trị kết hợp với giáo dục” và tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Nhà nước ta. Là một biện pháp giáo dục, án treo khuyến khích người bị kết án tự nguyện lao động cải tạo với sự giúp đỡ tích cực của xã hội. Chế định này không buộc người bị kết án cách ly khỏi xã hội, họ vẫn được làm ăn sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường dưới sự giám sát, theo dõi, giáo dục của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị quân đội, cơ sở giáo dục, đào tạo của UBND cấp xã nơi người được hưởng án treo làm việc, công tác, học tập hoặc cư trú và gia đình của người đó. Hiện nay trong BLHS Việt Nam không quy định về việc chấp hành xong thời gian thử thách của án treo. Thay vào đó được quy định tại Điều 85 Luật Thi hành án hình sự như sau: “Vào ngày cuối cùng của thời gian thử thách, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách”. 1.2. Điều kiện để được hưởng án treo Theo quy định tại khoản 1 Điều 65 BLHS khi quyết định để cho người bị kết án được hưởng án treo thì Tòa án phải căn cứ vào những điều kiện sau: Thứ nhất, về thời hạn hình phạt tù: Đièu kiện đầu tiên để Tòa án xem xét cho một người được hưởng án treo là người đó bị xử phạt tù không quá 03 năm. Khoản 1 Điều 65 BLHS cũng không quy định người bị phạt tù không quá 03 năm về loại tội gì thì có thể được xem xét cho hưởng án treo nếu có đủ các điều kiện khác. Thứ hai, về nhân thân người phạm tội: Án treo được áp dụng đối với người có nhân thân tốt. Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp 4 Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP (đã nêu) của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo.
4 hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc. Thứ ba, về tình tiết giảm nhẹ: Khoản 1 Điều 65 BLHS quy định chỉ cho hưởng án treo với người có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS và không có tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS5 . Thứ tư, về nơi cư trú, làm việc: Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục. Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo. Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thứ năm, xem xét, đánh giá của Tòa án: Các điều kiện cho bị cáo hưởng án treo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và Tòa án phải đánh giá trên cơ sở xem xét toàn diện các điều kiện này. Tòa án chỉ cho phép người bị kết án được hưởng án treo nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. 1.3. Thời gian thử thách và cách tính thời gian thử thách của án treo Thời gian thử thách của án treo là khoảng thời gian đủ để người bị kết án tực khẳng định về sự tự giáo dục, cải tạo của mình, đồng thời khoảng thời gian thử thách này cũng giúp Tòa án có điều kiện kiểm tra tính đúng đắn của việc quyết định áp dụng án treo đối với người bị kết án trong thời gian chấp hành án. Vì vậy khoản 1 Điều 65 BLHS và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định khi cho người bị kết án được hưởng án treo, Tòa án bắt buộc phải quyết định thời gian thử thách gấp 02 lần mức phạt tù nhưng phải trong khoảng từ 01 năm đến 05 năm. Về thời điểm tính thời gian thử thách của án treo thì Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP và Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn cụ thể như sau: “(1) Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm; (2) Trường 5 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo.