Nội dung text 6. Nguyen Thi Anh Tho_K25BQTKD_Trich yeu Luan an.pdf
TRÍCH YẾU LUẬN ÁN TIẾN SĨ Tóm tắt mở đầu - Tên tác giả: Nguyễn Thị Ánh Thơ - Tên luận án: Tác động của lãnh đạo chuyển đổi tới đổi mới tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam: Vai trò điều tiết của vốn tâm lý cá nhân - Chuyên ngành: Quản trị kinh doanh (Mã số: 9340101) - Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Hồng Quân, TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Ngoại thương Nội dung bản trích yếu: 1. Mục tiêu và đối tượng nghiên cứu của luận án Mục tiêu của luận án là đề xuất các khuyến nghị nhằm khuyến khích đổi mới tại các NHTM Việt Nam thông qua việc khám phá sức ảnh hưởng của lãnh đạo chuyển đổi (LĐCĐ) lên các cấp độ đổi mới trong tổ chức và vai trò điều tiết của nhân tố vốn tâm lý cá nhân (VTLCN) đối với mối quan hệ này. Đối tượng nghiên cứu của luận án là tác động của LĐCĐ tới các cấp độ đổi mới tại các NHTM Việt Nam và vai trò điều tiết của VTLCN tới mối quan hệ trên. 2. Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng Luận án kết hợp giữa nghiên cứu định tính và định lượng, thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp, thực hiện kiểm định mô hình và các giả thuyết nghiên cứu. Từ những câu hỏi nghiên cứu, sau khi tiến hành nghiên cứu tổng quan, luận án đưa ra các giả thuyết và mô hình nghiên cứu, thực hiện việc nghiên cứu tại bàn, hệ thống, phân tích, đánh giá tài liệu thứ cấp và điều tra xã hội học để kiểm định giả thuyết, mô hình nghiên cứu cũng như đưa ra những đánh giá, nhận định về vấn đề nghiên cứu 3. Các kết quả chính và kết luận Kết quả nghiên cứu của Luận án là một công trình khoa học nghiêm túc, công phu, đảm bảo có tính mới. Luận án đã đạt được một số kết quả như sau: Về mặt lý luận: Thứ nhất, Luận án hệ thống hóa các lý thuyết về định nghĩa, cấu thành, vai trò, phân loại,
các yếu tố ảnh hưởng của các khái niệm có liên quan, bao gồm: LĐCĐ, đổi mới và VTLCN nhằm thể hiện một bức tranh tổng thể về mối quan hệ qua lại giữa các mối quan hệ này. Trên cơ sở đó, Luận án đề xuất được mô hình nghiên cứu phản ánh tác động tích cực của LĐCĐ tới các cấp độ đổi mới khác nhau (cá nhân, nhóm và tổ chức) thông qua vai trò điều tiết của VTLCN. Thứ hai, Luận án kiểm định được các giả thuyết nghiên cứu, đánh giá được mức độ ảnh hưởng của lãnh đạo chuyển đổi đến các cấp độ đổi mới thông qua vai trò điều tiết của vốn tâm lý cá nhân. Từ đó, kết luận được tác động tích cực của LĐCĐ tới các cấp độ đổi mới trong tổ chức và mức độ điều tiết thuận chiều, nghịch chiều của các thành tố trong VTLCN tới ảnh hưởng của LĐCĐ tới đổi mới. Thứ ba, từ đó, Luận án mở rộng khung nghiên cứu, khung lý thuyết đối với các lý thuyết về lãnh đạo như lý thuyết Trao đổi giữa Lãnh đạo – Nhân viên (LMX) (Dienesch & Liden, 1986), các lý thuyết lãnh đạo tình huống bao gồm lý thuyết đường dẫn – mục tiêu (House, 1971), lý thuyết lãnh đạo tình huống (Hershey & Blanchard, 1997), lý thuyết quản trị cấp cao (Hambrick & Mason, 1984) và các lý thuyết về đổi mới như lý thuyết tài nguyên (Damanpour & Evan, 1984) và lý thuyết sáng tạo (Amabile, 1988), lý thuyết quản trị đổi mới (Tidd & Bessant, 2009), cũng như các lý thuyết còn ít ỏi về chủ đề VTLCN như lý thuyết vốn tâm lý (Luthans & đồng sự, 2007). Cụ thể, những kết luận của Luận án đóng góp vào các lý thuyết trên thông qua (1) kiểm định lại tác động thuận chiều của LĐCĐ tới đổi mới các cấp trong tổ chức, đặc biệt đặt tác động của LĐCĐ trong bối cảnh cụ thể của các NHTM Việt Nam; đồng thời, (2) xây dựng mô hình khám phá vai trò điều tiết của VTLCN và làm rõ mức độ tác động của biến này tới mối quan hệ giữa LĐCĐ và đổi mới các cấp bậc trong tổ chức. Việc khám phá vai trò điều tiết của yếu tố bối cảnh xã hội này sẽ trả lời được khoảng trống nghiên cứu chưa được khám phá, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam. Về mặt thực tiễn: Luận án đánh giá một cách hệ thống và cung cấp cho QTV các cấp và người nhân viên thừa hành ở các NHTM Việt Nam thông tin về các đặc điểm về LĐCĐ, đổi mới các cấp bậc trong thực tiễn tại các tổ chức này. Đồng thời, luận án phản ánh vai trò của các hành vi LĐCĐ tác động lên đổi mới các cấp bậc. Từ đó, xác định được vai trò của hành vi lãnh đạo phù hợp trong công tác tăng cường đổi mới nhằm đưa ra các đề xuất về hành vi lãnh đạo hướng tới khuyến khích đổi mới trong tổ chức. Bên cạnh đó, luận án trình bày các đặc điểm về VTLCN nhân viên trong bối cảnh của các NHTM Việt Nam và làm rõ liệu yếu tố này và các khía cạnh của nó có thể phát huy tác
động của LĐCĐ tới đổi mới các cấp bậc trong tổ chức. Nghiên cứu về tác động điều tiết của VTLCN nhân viên nhằm đưa ra các đề xuất khuyến khích VTLCN nhằm có các giải pháp can thiệp VTLCN nhân viên để tăng cường hay giảm nhẹ tác động của LĐCĐ tới sự đổi mới của tổ chức. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để các lãnh đạo, nhà quản trị tại các NHTM nói riêng và các TCTD thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng tại Việt Nam nói chung có thể tham khảo, đối chiếu và hoàn thiện hơn về hành vi lãnh đạo nhằm tạo dựng và phát triển môi trường khuyến khích đổi mới. Ngoài ra, các giải pháp đề xuất còn là căn cứ để các nhà quản lý có thể đưa ra các khuyến nghị về hành vi lãnh đạo, đặc biệt dựa trên điều kiện VTLCN của nhân viên hướng tới thúc đẩy đổi mới toàn diện trong tổ chức. Hà Nội, ngày tháng năm 2024 Người hướng dẫn (đã ký) TS. Nguyễn Hồng Quân TS. Nguyễn Thị Thu Trang Nghiên cứu sinh (đã ký) Nguyễn Thị Ánh Thơ