Nội dung text C. CÁCH VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN.docx
I. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 1. Yêu cầu, đặc điểm của kiểu bài Nghị luận xã hội là kiểu bài yêu cầu người viết nêu lên ý kiến và các lí lẽ, bằng chứng cụ thể nhằm thuyết phục người đọc tán thành ý kiến của mình về một vấn đề của đời sống xã hội. Có hai dạng nghị luận xã hội chủ yếu sau đây: a) Dạng (1): Nghị luận về một vấn đề xã hội (độc lập) - Thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm. Ví dụ: Anh/chị có một người bạn thường hay so sánh mình với người khác rồi cảm thấy tự ti. Hãy viết một bài luận (khoảng 600 chữ) thuyết phục người bạn của anh/chị thay đổi thói quen đó. - Viết bài luận về bản thân. Ví dụ: Anh/chị muốn đăng ký xét tuyển vào một ngành mà mình yêu thích ở một trường đại học trong nước. Nhà trường yêu cầu anh/chị viết một bài luận về bản thân để thể hiện sự phù hợp của anh/chị đối với ngành học đó. Hãy viết bài luận (khoảng 600 chữ) theo yêu cầu của nhà trường. - Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý. Ví dụ: xem câu 1 phần viết đề 6. - Nghị luận về một hiện tượng đời sống. Ví dụ: xem câu 1 phần viết đề 30. Các cách nêu vấn đề ở trên đều yêu cầu học sinh bàn luận trực tiếp về một vấn đề xã hội nói chung hay một vấn đề xã hội có liên quan đến tuổi trẻ. Để làm dạng bài này, học sinh cần huy động những hiểu biết xã hội và trải nghiệm của bản thân về vấn đề mà đề bài đặt ra, vận dụng cách triển khai từng kiểu bài cụ thể theo hai yêu cầu viết đoạn hoặc viết bài văn để giải quyết vấn đề. b) Dạng (2): Nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đọc hiểu Ở dạng này, vấn đề nghị luận không tồn tại độc lập mà được lẩy ra, phát hiện,... từ nội dung của văn bản học sinh được yêu cầu đọc hiểu. Ví dụ: xem đề ôn luyện số 20, Phần 3. Với yêu cầu như trên, để giải quyết vấn đề cần nghị luận, trước hết, học sinh cần hiểu được nội dung của văn bản/đoạn trích ở phần Đọc hiểu (có thể là văn bản văn học hoặc văn bản nghị luận hay văn bản thông tin), thể hiện ở chỗ: xác định được nội dung chính và các nội dung cụ thể của văn bản; xác định được tình cảm, quan điểm, tư tưởng của người viết; bày tỏ được sự đồng tình hay phản đối với tình cảm, quan điểm, tư tưởng ấy của tác giả. Đồng thời, học sinh cần tìm hiểu về vấn đề xã hội mà đề bài đặt ra (sự thức tỉnh của con người trong cuộc sống - câu 2, phần Viết, đề ôn luyện số 20), kết nối nội dung của văn bản/đoạn trích đã đọc với vấn đề xã hội được yêu cầu. Sau đó, vận dụng kĩ năng viết đoạn hoặc bài văn nghị luận xã hội để giải quyết yêu cầu của đề bài. Nhìn chung, để viết tốt văn nghị luận xã hội, học sinh cần tích lũy những hiểu biết về đời sống chính trị xã hội, có nhiều trải nghiệm để đưa được vào bài viết những bằng chứng sinh động, chân thực, khách quan,... đồng thời cần phải thể hiện quan điểm, suy nghĩ riêng của bản thân một cách tự nhiên, chân thành. 2. Cách viết bài nghị luận xã hội Khi viết bài văn nghị luận xã hội, học sinh cần tuân thủ theo quy trình bốn bước: chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý, viết, kiểm tra và chỉnh sửa sau khi viết; đồng thời, cần vận dụng cách triển khai từng dạng bài cụ thể cho phù hợp với yêu cầu của đề bài. a) Cách viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội (độc lập) * Chuẩn bị - Phân tích đề bài và xác định vấn đề xã hội cần bàn luận. - Huy động những trải nghiệm của bản thân về vấn đề xã hội đã nêu. * Tìm ý và lập dàn ý
Phần thân bài cần nêu được ba ý lớn sau đây: (1) Giải thích vấn đề (giải nghĩa các từ khóa trong tư tưởng đạo lý được nêu ra rồi khái quát về tư tưởng đạo lý đó hoặc trình bày một cách khách quan về hiện tượng đời sống được đề cập đến). (2) Bàn luận về vấn đề (khẳng định xem tư tưởng đạo lý hoặc hiện tượng đời sống đó là đúng/sai, hay/dở, tích cực/tiêu cực; chỉ ra các biểu hiện cũng như tác dụng hoặc tác hại của vấn đề; nguyên nhân của suy nghĩ hoặc hiện tượng đó; cho ví dụ minh họa). (3) Bài học nhận thức và hành động cho bản thân và những người xung quanh (Bản thân và những người xung quanh nên suy nghĩ và làm gì để phát huy được tác dụng hoặc hạn chế được tác hại của vấn đề đã nêu? Cần nhìn nhận và ứng xử như thế nào về vấn đề ấy cho khách quan, toàn diện, thấu đáo?) Lưu ý: Học sinh không nên thay đổi thứ tự ba ý trên bởi chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Giải thích đúng về vấn đề thì học sinh mới có cơ sở để bàn luận về vấn đề đó; đồng thời bàn luận xong, học sinh cần nêu được những bài học nhận thức và hành động có liên quan đến vấn đề nghị luận cho bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, với mỗi đề bài cụ thể, học sinh sẽ đặt tên ý cho phù hợp. * Viết Khi viết, ngoài việc tập trung triển khai theo bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài), phần thân bài triển khai đủ ba ý nêu trên, người viết cần phối hợp sử dụng các thao tác lập luận, thể hiện rõ thái độ, tình cảm, quan điểm của bản thân khi bàn luận về vấn đề đã nêu thông qua việc vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân. Bằng chứng cần được lựa chọn để đảm bảo chính xác, tiêu biểu, tùy từng vấn đề được nêu trong đề bài mà kết hợp giữa bằng chứng về các nhân vật tiêu biểu, nổi tiếng với những con người đời thường, giản dị, giữa người khác trong xã hội và cá nhân người viết. Bằng chứng cần được trình bày ngắn gọn nhưng đầy đủ thông tin, các thông tin có liên quan chặt chẽ đến vấn đề cần nghị luận. Đặc biệt, khi nêu bằng chứng cần kết hợp giữa “diện” và “điểm”, giữa liệt kê một loạt các ví dụ, số liệu,... làm minh chứng với việc chọn trình bày kỹ lưỡng, tỉ mỉ một số trường hợp. Khi trình bày sâu các bằng chứng được chọn, người viết nên sử dụng phương thức tự sự, phương thức miêu tả để cung cấp, làm rõ thông tin: Ai? Làm gì? Ở đâu? Vào thời gian nào? Đã làm việc gì có liên quan đến vấn đề đang bàn luận? Kết quả ra sao? Mỗi ý/ luận điểm trong phần thân bài cần được viết thành ít nhất một đoạn văn. * Kiểm tra và chỉnh sửa sau khi viết Đọc lại yêu cầu của đề bài, đối chiếu bài viết với dàn ý đã lập, rà soát các lỗi chính tả và ngữ pháp,... để chỉnh sửa, bổ sung cho bài viết (nếu cần). Lựa chọn một ví dụ trong các đề minh họa ở Phần ba của tài liệu này. Thực hành viết bài nghị luận xã hội theo cách thức được hướng dẫn trên đây. b) Cách viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đọc hiểu * Chuẩn bị - Phân tích đề bài và xác định vấn đề xã hội cần bàn luận. - Đọc kĩ văn bản được nêu ở phần Đọc hiểu, xem lại câu trả lời cho các câu hỏi đọc hiểu (nhất là những câu hỏi về nội dung của văn bản hay những câu hỏi yêu cầu học sinh liên hệ, so sánh, kết nối) để có thêm tư liệu cho bài viết. - Huy động những trải nghiệm của bản thân về vấn đề xã hội đã nêu. * Tìm ý và lập dàn ý Phần thân bài cần nêu được ba ý lớn sau đây: (1) Giới thiệu và phân tích ngắn gọn về vấn đề xã hội liên quan đến văn bản đọc hiểu.
(2) Bàn luận về vấn đề xã hội đó trong đời sống. (3) Bài học nhận thức và hành động cho bản thân và những người xung quanh. Trong ba ý trên, ý (2) là trọng tâm của bài viết, vấn đề xã hội liên quan đến văn bản đọc hiểu ở ý (1) chỉ là đề tài để người viết bàn bạc, trao đổi, mở rộng, nâng cao ở ý (2). * Viết Xem lại cách viết dạng bài nghị luận về một vấn đề xã hội (độc lập) đã nêu ở trên. * Kiểm tra và chỉnh sửa sau khi viết Xem lại cách cách kiểm tra, chỉnh sửa sau khi viết dạng bài nghị luận về một vấn đề xã hội (độc lập) đã nêu ở trên. Xem hướng dẫn làm bài câu 2, đề ôn luyện số 20 của tài liệu này. 3. Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội Tương tự với viết bài văn, khi viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần tuân thủ theo quy trình bốn bước: chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý, viết, kiểm tra và chỉnh sửa sau khi viết; vận dụng cách triển khai từng dạng bài cụ thể cho phù hợp với yêu cầu của đề bài. a) Cách viết đoạn văn nghị luận về một vấn đề xã hội (độc lập) * Chuẩn bị: Tương tự cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội độc lập như đã nêu ở trên. * Tìm ý và lập dàn ý: Trong phạm vi của đoạn văn, thường đề bài sẽ yêu cầu người viết làm rõ một nội dung/ khía cạnh của vấn đề xã hội. Việc tìm ý cần bám sát, tập trung vào nội dung/ khía cạnh được yêu cầu. Các nội dung khác như giải thích, bàn bạc mở rộng, rút ra bài học cần được viết ngắn gọn, như là điều kiện để triển khai nội dung được yêu cầu (giải thích), kết luận rút ra từ việc triển khai nội dung được yêu cầu (bàn bạc mở rộng, bài học), tránh triển khai thành các ý độc lập có vai trò tương đương như nội dung/ khía cạnh được yêu cầu trong đề bài. * Viết Khi viết, ngoài việc tập trung triển khai theo bố cục ba phần (mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn), phần thân đoạn triển khai được các ý chính nêu trên, người viết cần phối hợp sử dụng các thao tác lập luận (nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận), thể hiện rõ thái độ, tình cảm, quan điểm của bản thân khi bàn luận về vấn đề đã nêu thông qua việc vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân mình. Bằng chứng cần được chọn lọc và nêu ngắn gọn, rõ ràng. * Kiểm tra và chỉnh sửa sau khi viết Đọc lại yêu cầu của đề bài, đối chiếu đoạn văn đã viết với dàn ý đã lập, rà soát các lỗi chính tả và ngữ pháp,... để chỉnh sửa, bổ sung cho bài viết (nếu cần). Lựa chọn một nhiệm vụ viết đoạn văn nghị luận xã hội trong Phần ba của tài liệu này và thực hành theo hướng dẫn nêu trên. b) Cách viết đoạn văn nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đọc hiểu * Chuẩn bị: Tương tự cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội liên quan đến văn bản đọc hiểu như đã nêu ở trên. * Tìm ý và lập dàn ý Phần thân đoạn nêu được ba ý lớn sau đây: (1) Nêu ngắn gọn về vấn đề xã hội liên quan đến văn bản đọc hiểu. (2) Bàn luận về vấn đề xã hội đó trong đời sống. (3) Nêu bài học nhận thức và hành động cho bản thân và những người xung quanh. Trong đó, ý (2) là trọng tâm của đoạn văn. Do dung lượng của đoạn văn (chỉ khoảng 200 chữ) nên ý thứ nhất và thứ ba cần được viết hết sức ngắn gọn để tập trung vào ý thứ hai. * Viết: Tương tự cách viết đoạn văn nghị luận về một vấn đề xã hội (độc lập) đã nêu ở trên. * Kiểm tra và chỉnh sửa sau khi viết
Xem lại cách kiểm tra, chỉnh sửa sau khi viết đoạn văn nghị luận về một vấn đề xã hội (độc lập) đã nêu ở trên. Tự chọn một vấn đề nghị luận xã hội đặt ra trong một văn bản đọc hiểu thuộc Phần ba của tài liệu này. Thực hành viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bàn về một khía cạnh của vấn đề đó theo hướng dẫn nêu trên. II. NGHỊ LUẬN VĂN HỌC 1. Yêu cầu, đặc điểm của kiểu bài Nghị luận văn học là kiểu bài yêu cầu người viết nêu lên ý kiến và các lí lẽ, bằng chứng cụ thể nhằm thuyết phục người đọc tán thành ý kiến của mình về một vấn đề văn học (tác phẩm văn học, tiếp nhận văn học,...). Có ba dạng nghị luận văn học chủ yếu như sau: a) Dạng (1): Phân tích, đánh giá một tác phẩm/ đoạn trích văn học Dạng bài phân tích, đánh giá một tác phẩm/ đoạn trích văn học có thể được nêu dưới dạng yêu cầu viết đoạn văn (phân tích, đánh giá một đoạn trích hoặc một khía cạnh nội dung/ hình thức của đoạn trích ngắn/ văn bản ngắn) hoặc viết bài văn (phân tích, đánh giá một tác phẩm/ đoạn trích lớn hoặc một khía cạnh nội dung/ hình thức của văn bản). Ví dụ: xem câu 2, phần Viết, đề số 25 của tài liệu này. b) Dạng (2): So sánh, đánh giá hai tác phẩm/ đoạn trích văn học Dạng bài so sánh, đánh giá hai tác phẩm văn học thường được nêu dưới dạng yêu cầu viết bài văn so sánh, đánh giá hai tác phẩm hoặc hai đoạn trích cùng thể loại (về một khía cạnh nội dung hoặc hình thức hoặc cả nội dung và hình thức). Với yêu cầu so sánh, đánh giá hai tác phẩm/ đoạn trích thơ, học sinh có thể so sánh, đánh giá nét đặc sắc về ngôn từ nghệ thuật, chi tiết/ hình ảnh đặc sắc, đặc điểm của hình tượng nghệ thuật, tâm trạng/ cảm xúc/ tư tưởng của nhân vật trữ tình. Với yêu cầu so sánh, đánh giá hai tác phẩm/ đoạn trích truyện hoặc truyện kí, học sinh có thể so sánh, đánh giá nét đặc sắc về cách kể chuyện, cách mở đầu/ kết thúc truyện, chi tiết nghệ thuật đặc sắc, đặc điểm của hình tượng nghệ thuật/ nhân vật, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật/ nhân vật, tình cảm/ tư tưởng của tác giả,... Với yêu cầu so sánh, đánh giá hai tác phẩm/ đoạn trích kịch, học sinh có thể so sánh, đánh giá đặc điểm của nhân vật, xung đột kịch, đặc sắc về ngôn ngữ kịch, tình cảm/ tư tưởng của tác giả,... Với yêu cầu so sánh, đánh giá hai tác phẩm/ đoạn trích kí, học sinh có thể so sánh cách tiếp cận vấn đề, cách khai thác số liệu/ tài liệu, đặc điểm của đối tượng được ghi chép, tình cảm/ tư tưởng của tác giả,... Ví dụ: xem câu 2 đề ôn luyện số 28 của tài liệu này. c) Dạng (3): Phân tích làm rõ một đặc điểm thể loại của tác phẩm văn học Dạng bài này yêu cầu người viết phân tích một ngữ liệu cụ thể để làm rõ một đặc điểm về thể loại của tác phẩm/ đoạn trích đó. Ví dụ với tác phẩm truyện, có thể có một số đặc điểm nổi bật về thể loại như: Ngôi kể và điểm nhìn, tình huống truyện, cốt truyện đơn tuyến, đa tuyến,... Với thể loại thơ, có thể quan tâm đến các yếu tố: đặc điểm về hình thức của thể thơ, nhân vật trữ tình trong thơ, cấu tứ của bài thơ,... Ví dụ: xem câu 2 đề ôn luyện số 14 của tài liệu này. 2. Cách làm bài nghị luận văn học Khi viết bài văn nghị luận văn học, học sinh cũng cần tuân thủ theo quy trình bốn bước: chuẩn bị, tìm ý và lập dàn ý, viết, kiểm tra và chỉnh sửa sau khi viết. Đồng thời, cần vận dụng cách triển khai từng dạng bài cụ thể cho phù hợp với yêu cầu của đề bài. a) Dạng (1): Phân tích, đánh giá một tác phẩm/ đoạn trích văn học