Nội dung text ĐỀ SỐ 17.docx
ĐỀ SỐ 17 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Câu 1 (0,5 điểm). Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ tám chữ. Câu 2 (0,5 điểm). Các từ ngữ chỉ thái độ, phong cách sống của nhân vật trữ tình: mang theo từng suối rượu, nguồn tình; mến yêu; phong nhã; nồng. Câu 3 (1,0 điểm). Đoạn thơ có một số biện pháp tu từ như: ẩn dụ (hai dòng thơ đầu, dòng thơ cuối,...); tương phản (thể hiện qua các từ trái nghĩa như phong nhã - tục, giá đúc - ấm,...); điệp cấu trúc câu (Để...);... Học sinh chọn và nêu tác dụng của một biện pháp trong số các biện pháp tu từ ấy. Ví dụ: Nhà thơ Xuân Diệu sử dụng biện pháp ẩn dụ ở dòng thơ “Tôi có sẵn một mặt trời giữa ngực”. “Mặt trời giữa ngực” chính là tình yêu đời sống nồng nàn, cháy bỏng luôn thường trực (“có sẵn”) trong tâm hồn của nhà thơ; là cách nhìn đời sống lạc quan, tích cực. Xuân Diệu dùng tình yêu ấy, cách nhìn ấy để yêu đời, yêu người. Hơn thế nữa, ông muốn lan toả tình yêu ấy sang mọi người để mọi người cũng yêu đời, yêu người như ông. Phải có tình yêu cuộc sống mãnh liệt, Xuân Diệu mới có “mặt trời giữa ngực” như thế. Câu 4 (1,0 điểm). Trong đoạn thơ, Xuân Diệu đã triển khai, tổ chức hình ảnh, mạch cảm xúc theo cách tương phản, tạo nên sự đối lập giữa cuộc đời và thái độ, phong cách sống của nhiều người (đạm bạc, tục, giá đúc,...) với thái độ, phong cách sống của tác giả (mang theo suối rượu, nguồn tình, mến yêu, phong nhã, nồng,...). Với cấu tứ này, nhà thơ nhấn mạnh, khẳng định quan điểm, cách sống riêng, tích cực của bản thân; đồng thời mong muốn làm cho cuộc đời trở nên đẹp đẽ, con người trở nên tràn đầy sức sống và có nhiều niềm vui, hạnh phúc. Câu 5 (1,0 điểm). Trong đoạn thơ, Xuân Diệu đã thể hiện một quan điểm sống tích cực: sống chủ động, yêu đời và yêu người nồng nàn, cháy bỏng (cho dù cuộc đời không như ý), muốn làm cho cuộc đời trở nên đẹp đẽ, đáng sống. Từ quan điểm đó của nhà thơ, anh/chị hãy nêu ngắn gọn quan điểm sống của mình và giải thích vì sao mình lại chọn quan điểm ấy (bằng cách chỉ ra ý nghĩa, giá trị của cách sống ấy trong việc làm cho bản thân và cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn). II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm) a. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề nghị luận: Đoạn trích diễn tả những trăn trở về cuộc sống và khát khao được sống trong hòa bình của tác giả Đặng Thùy Trâm. b. Thân đoạn: Làm rõ vấn đề nghị luận (1) Nêu hoàn cảnh làm bộc lộ tâm trạng và tư tưởng của tác giả: xa gia đình đi chiến đấu, “đã hy sinh cuộc sống riêng mình” vì “nền hòa bình độc lập” của đất nước, trời mưa làm tăng nỗi nhớ nhà và khát khao được sống trong hòa bình. (2) Nêu và phân tích tâm trạng của tác giả: + trăn trở về cuộc sống (càng sống và chiến đấu thì “càng thấy phức tạp”; nhận thấy con người có “nhiều đòi hỏi quá”, “không bao giờ thỏa mãn được cả”, “càng ngày càng muốn hoàn chỉnh, càng ngày càng lắm yêu cầu và trong những bước tiến lên ấy bao nhiêu là gai góc cản trở, nếu không vững trí bền tâm sẽ dễ dàng thất bại”); + tự an ủi, động viên mình (“nghĩ làm gì cho nhiều để rồi phải nặng những đau buồn”); + khích lệ bản thân hãy sống tích cực hơn nữa (“Hãy cứ tìm lấy những niềm vui đi, hãy cứ sống giàu lòng tha thứ, giàu sự hy sinh một cách tự giác đi. Đừng đòi hỏi ở cuộc đời quá nhiều nữa.”); + buồn nhớ gia đình (nhìn, nghe mưa mà “thêm buồn thấm thiết” và “thèm khát vô cùng một cảnh sum họp của gia đình”, mong ước “có cánh bay về căn nhà xinh đẹp ở phố Lò Đúc để cùng ba má và các em ăn một bữa cơm rau muống và nằm trong tấm chăn bông ấm áp ngủ một giấc ngon lành”). Đó cũng là những trăn trở của những con người khi phải đối diện với cuộc sống phức tạp và đấu tranh để lựa chọn cho mình cách sống phù hợp, có ý nghĩa; tìm về với gia đình (dù chỉ là sự tìm về trong tâm tưởng) là tìm đến chỗ dựa tinh thần vững chắc để vượt qua những phức tạp, khổ đau mà con người đang phải chịu đựng. (3) Nêu và phân tích tư tưởng của tác giả: khát khao được
sống trong hòa bình (thể hiện qua giấc mơ “thấy hòa bình lập lại”, “trở về gặp lại mọi người”); suy ngẫm về giá trị của cuộc sống hòa bình và cuộc đấu tranh của dân tộc, trong đó có bản thân để đổi lấy Độc lập Tự do (ở bốn câu cuối). Đó là tư tưởng đúng đắn, sâu sắc của tác giả - một thanh niên giàu lòng yêu nước và đức hy sinh. c. Kết đoạn: Khái quát được nghệ thuật của đoạn trích (tiêu biểu cho thể loại nhật ký) và những phẩm chất đáng quý của người viết (tỉnh táo, lạc quan, giàu lòng vị tha và đức hy sinh, yêu gia đình và khát khao hòa bình cho dân tộc,...). Câu 2 (4,0 điểm) a. Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận: vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. b. Thân bài b1. Giải thích: (1) Bản sắc văn hóa dân tộc: những điểm đặc trưng tạo nên màu sắc văn hóa riêng của một dân tộc, như: nét riêng về phong tục tập quán, về trang phục, lễ hội, về cách ứng xử giữa người với người và những quan niệm về giá trị, về những sản phẩm vật chất và tinh thần như tiếng nói, văn học, nghệ thuật,... của dân tộc đó. Bản sắc văn hóa không sẵn có mà được xây dựng, bồi đắp qua trường kỳ lịch sử, được giữ gìn, phát triển và truyền trao qua các thế hệ. (2) Giữ gìn là bảo lưu, trân trọng những nét tốt đẹp, phát triển là tiếp thu, cải biến để làm cho các giá trị văn hóa đó tiếp tục được khẳng định, “tươi tốt” trong hiện thực đời sống. Câu chuyện giữ gìn và phát triển thời nào cũng đặt ra, nhưng ráo riết hơn bao giờ hết ở bối cảnh hội nhập. (3) Hội nhập là tham gia vào các tổ chức, tạo ra các liên hệ, kết nối giữa các cá nhân, tổ chức, quốc gia, dân tộc. Thời đại hội nhập là thời đại mà tất cả các quốc gia, dân tộc không còn tồn tại tách biệt riêng lẻ một cách tuyệt đối mà phụ thuộc lẫn nhau, cùng tham gia vào những tổ chức chung, vào guồng máy sản xuất và tiêu dùng, cùng giải quyết các vấn đề chung và cùng phát triển. Thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập. b2. Nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề nghị luận và sử dụng lý lẽ, bằng chứng để phân tích, chứng minh bảo vệ suy nghĩ, quan điểm đã nêu (1) Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập là vấn đề quan trọng, cấp bách, thực sự có ý nghĩa đối với tất cả các dân tộc, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam: + Quan trọng bởi lẽ, bản sắc văn hóa dân tộc có vai trò sống còn đối với sự tồn vong, phát triển của một dân tộc: Bản sắc văn hóa giúp bạn bè quốc tế và bản thân chúng ta nhận ra gương mặt của mình giữa đại dương nhân loại. Gương mặt cá nhân, phong cách cá nhân, tâm hồn của cá nhân quan trọng với chúng ta ra sao thì bản sắc văn hóa cũng quan trọng với dân tộc như vậy. Không có bản sắc văn hóa, bạn chỉ là một tồn tại “chân không”, đứt mọi cội nguồn, gốc rễ, chao đảo giữa vòng xoáy của đại dương toàn cầu hóa. Không có dấu ấn riêng, bạn sẽ chẳng là một giá trị độc đáo giữa mọi người. Tương tự như vậy, không có bản sắc văn hóa, một dân tộc biết lấy gì để khắc họa nên tâm hồn, cốt cách của chính mình; Bản sắc văn hóa giúp các quốc gia, dân tộc chống lại sự xâm lăng, nô dịch văn hóa, chống lại sự mất chủ quyền về văn hóa. Hãy nhớ lại bốn nghìn năm lịch sử của dân tộc để thêm thấm thía điều này. Đất nước ta từng trải qua đêm trường nô lệ dằng dặc suốt mười thế kỷ Bắc thuộc. Phương Bắc tìm mọi cách nô dịch, đồng hóa, Hán hóa người Việt. Nhưng bất chấp điều đó, bản sắc văn hóa là một mã “gen” dai dẳng, vượt lên tất thảy những mưu mô thâm độc của kẻ thù. Người Việt vẫn là mình trong những phong tục tập quán như tục ăn trầu, nhuộm răng đen, cách ăn mặc, các lễ hội,... đặc biệt là tinh thần yêu nước thương nhà, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. Câu chuyện “Buổi học cuối cùng” với lời nói của thầy Ha- men “Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù,...” là lời khẳng định sức mạnh của văn hóa; Bản sắc văn hóa quan trọng vì nó là điểm nhấn, điểm riêng, điểm mạnh thu hút sự quan tâm của các quốc gia
khác, là nguồn lực để chúng ta phát triển trong bối cảnh mở cửa hiện nay. + Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề cấp bách bởi lẽ, tuy quan trọng như vậy, nhưng trong những năm gần đây, văn hóa đang có dấu hiệu xuống cấp, bị xói mòn, mai một, bị pha tạp, lai căng, để lại những hậu quả khôn lường cho hiện tại và tương lai vì nhiều nguyên nhân; + Chúng ta có thể quan sát thấy sự xói mòn, mai một các giá trị bản sắc văn hóa trong những phong tục, tập quán của con người. Tục mừng tuổi khi Tết đến xuân về là một ví dụ. Mừng tuổi trước đây là một phong tục đẹp, thể hiện lời chúc tốt đẹp, may mắn của người lớn dành cho trẻ em hoặc người già. Nhưng nay, mừng tuổi có nhiều lúc bị biến tướng, thị trường hóa, bị lợi dụng như một phương cách để nhiều người trục lợi. Các lễ hội ở nhiều vùng cũng bị thương mại hóa, không còn mang đậm bản sắc dân tộc như nó vốn có,…; + Sự xói mòn văn hóa cũng xảy ra trong cách ứng xử giữa người với người. Nhiều câu chuyện đau lòng về việc cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh em mâu thuẫn, thậm chí gây án mạng chỉ vì tranh chấp tài sản. Có những trường hợp con cái đùn đẩy trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ. Ngoài xã hội, cách ứng xử giữa người với người nhiều khi dựa trên sự chi phối của đồng tiền và lợi ích vật chất,...; + Trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, không hiếm những tác phẩm chạy theo thị hiếu của người đọc, người xem, hy sinh phẩm chất của nghệ thuật. Lấy tiêu chí lợi nhuận làm đầu, một số nhạc sĩ, ca sĩ thị trường đã sáng tác nhiều bài hát có ngôn từ thiếu trau chuốt, thậm chí là phản cảm; + Ở lĩnh vực ngôn ngữ, sự trong sáng của tiếng Việt bị đe dọa nghiêm trọng. Hiện tượng chêm xen, “sáng tạo” vô tội vạ, bất chấp ý nghĩa đã khiến cho tiếng Việt nhiều lúc trở nên xa lạ, khó hiểu, “què cụt”,... (2) Thế hệ trẻ cần ý thức được trách nhiệm của mình và tích cực hành động trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở thời kỳ hội nhập: + Giữ gìn bản sắc văn hóa cần bắt đầu từ việc chọn lựa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc để tiếp tục duy trì, làm cho nó “đâm chồi nảy lộc” trong cuộc sống. Đó là các giá trị như tình yêu quê hương đất nước, tình cảm nhân ái “bầu ơi thương lấy bí cùng”, sự chia sẻ cộng đồng “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Đó là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tri ân tổ tiên, các bậc anh hùng, liệt sĩ xả thân vì dân tộc. Đó là sự hiếu học, cần cù, ý chí phấn đấu vượt khó khăn gian khổ. Đó là các phong tục đẹp như lễ Tết, lễ hội đền Hùng, lễ tịch điền, cầu quốc thái dân an vào những dịp đầu năm... + Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là không ngừng đấu tranh để loại bỏ những hủ tục, thói quen không còn phù hợp với cuộc sống. Chuyện cướp vợ, tảo hôn ở miền núi, thói trọng nam khinh nữ, thói quen “giờ cao su” trong công việc, thói quen nhòm ngó can thiệp quá sâu vào đời tư của người khác, các lễ hội có nguy cơ cổ vũ bạo lực, đối xử thô bạo với tự nhiên như hội chọi trâu, chém lợn,... cần được loại bỏ; + Giữ gìn cần đi liền với phát triển. Để phát triển, cần đưa các giá trị văn hóa vào đời sống, trở thành những thực hành văn hóa của cộng đồng chứ không phải chỉ nằm trên sách vở. Ngoài ra, trong thời kỳ hội nhập, việc phát triển cần gắn với việc biến văn hóa thành nguồn lực thu hút khách du lịch, bạn bè quốc tế. Thế giới đến với Việt Nam vì đó là nơi họ có thể khám phá những vẻ đẹp văn hóa mới mẻ, hấp dẫn, những lễ hội, phong tục đậm bản sắc. Họ đến Việt Nam để được khám phá giá trị độc đáo của cộng đồng hơn năm mươi dân tộc anh em trên dải đất này. Họ đến Việt Nam để cùng làm ăn buôn bán vì tin vào nguồn lực con người Việt Nam với những nền tảng văn hóa được tạo dựng,...; + Để phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, cần có bộ lọc để lựa chọn những tinh hoa văn hóa thế giới, tạo nên sự tiếp biến văn hóa. Trong lịch sử của dân tộc, chúng ta tiếp thu văn hóa Trung Hoa để tạo nên những áng thơ Đường luật chữ Hán, chữ Nôm. Chúng ta tiếp thu văn hóa Pháp, Anh và quốc tế để tạo nên những lớp từ mượn phong phú, làm cho tiếng Việt thêm đa dạng và giàu đẹp. Ngày nay, trong thời hội nhập, bên cạnh các ngày lễ truyền thống, chúng ta đã tiếp nhận thêm những ngày lễ của thế giới như lễ Tình nhân, Halloween, Noel,... Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập, con người Việt Nam cũng đang từng ngày từng giờ học tập quốc tế để trở thành những người lao động có tay nghề cao, biết thượng tôn pháp luật, tôn trọng kỷ luật lao động, nghiêm chỉnh trong thực hiện giờ giấc,...
b3. Bình luận, liên hệ (1) Giữ gìn không có nghĩa là đóng cửa, “bế quan tỏa cảng”. Không ai có thể tồn tại tách khỏi cộng đồng chung. Văn hóa không được rộng mở thì cũng không có cơ hội phát triển. (2) Phát triển văn hóa cần có kinh phí, nhưng kinh phí không phải là tất cả. (3) Là người Việt Nam, trải nghiệm những phong tục tập quán, giá trị của người Việt Nam, bạn tin tưởng mình sẽ mang đến cho bạn bè năm châu những điều gì? c. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề nghị luận và khích lệ thế hệ trẻ cùng hành động để trở thành những chủ nhân văn hóa đích thực của đất nước.