Nội dung text 230.02 - TVTT0000991 - Tội Nguyên Tổ Và Ơn Cứu Độ Theo Sách Giáo Lí Công Giáo.pdf
1 TỘI NGUYÊN TỔ VÀ ƠN CỨU ĐỘ THEO SÁCH GIÁO LÝ CÔNG GIÁO.
2 Dẫn nhập Trong tận cùng hố thẳm của linh hồn, từ xa xưa, con người đã kêu lên một cách bi thiết: “Ngài thấy cho Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7) Quả vậy, toàn thể vũ trụ vạn vật đều dần trôi trong một bầu không khí hư vong băng hoại. Thảm kịch của con người có lẽ là đây, khi đang sống, mà vẫn nhận thấy từ xác thân cho tới tinh thần đều dần dần rã tan, trong một thế giới cũng không ngừng gãy đổ, và họ không biết tại sao. Tại sao trong tôi luôn có một sự phân xé đau đớn đến vậy? Tại sao tôi khao khát vươn lên, mà vẫn tự trầm lụy trong vô vàn điều xấu xa ti tiện, đang từng ngày nhấn chìm đời tôi; Tại sao, tôi ước mong trong lòng an nhiên tĩnh tại, mà những cơn sóng cuồng nộ và dục tình cứ cuộn xoáy và gầm thét không thôi; Tại sao chiến tranh, tại sao bệnh tật, tại sao bạo lực và bất công, tại sao vô vàn bất hạnh cứ theo nhau trút xuống trên mỗi cảnh đời. Tại sao, tại sao? Con người đã không ngừng kêu lên như vậy và cũng bươn bả đi tìm lời đáp, tìm giải pháp trong biết bao cách thức, biết bao thái độ: nơi các tôn giáo; nơi các triết thuyết; trong văn chương, nghệ thuật; nơi
3 những nỗ lực biến cải thế giới bằng văn minh kỹ thuật; nơi các hoạt động chính trị, xã hội.v.v. nhưng dường như những câu trả lời chung và những khắc khoải trong tâm can cá nhân đều chưa tìm được lời đáp thỏa đáng. Ý thức mình là người lĩnh hội chân lý mạc khải từ Thiên Chúa và có sứ mệnh phải chiếu giãi ánh sáng đó trên muôn dân, để mọi người thấy sự thật đời mình được phơi bày, thấy một quang lộ có thể dẫn đến ơn giải thoát. Giáo Hội vẫn không ngừng nói với con người toàn bộ mầu nhiệm về đời sống, trong đó có căn nguyên bi thảm của kiếp người mà Giáo Hội gọi là Tội Nguyên Tổ Chúng ta cùng bàn đến vấn đề rất xưa nhưng rất phức tạp và nhạy cảm này theo cách mà Giáo Hội đã chính thức trình bày trong cuốn sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, đã được ban hành ngày 11 tháng 10 năm 1992. Mười năm đã đi qua, nhưng cuốn sách này vẫn là lời ngỏ với con người đương đại và là tất cả những điều cốt yếu mà Giáo Hội muốn nói. Liệu rồi con người hôm nay, với những điều kiện, hoàn cảnh sống; với những tâm tư tình cảm và cách nghĩ suy đặc thù, lời đáp của Giáo Hội có thuyết phục được, có soi dẫn họ được trong quãng đời hiện tại hay không?; Lời đáp này đã giải quyết như thế nào, và giải quyết đến đâu
4 vấn đề siêu hình vạn nan, nhưng lại can dự một cách khốc liệt vào đời sống hiện tại mà chúng ta đã nêu trên. Quả thật, vấn đề này cần phải được nhìn lại một cách thẳng thắn và thành tâm, vì chân lý chỉ là chân lý đích thực khi nó tác động và đem lại ơn cứu độ cho con người. Ý thức điều này, nên dù suy nghĩ còn non nớt và hạn hẹp, chỉ xin mạo phạm nhìn lại vấn đề Tội Nguyên Tổ trong sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu với đề cương được phân bổ như sau: Bối cảnh chung. Tội Nguyên Tổ và Ơn Cứu Độ theo sách giáo lý công giáo. Nhận định cách trình bày của sách Giáo lý công giáo về Nguyên Tội. Vấn đề đại kết và đối thoại liên tôn. I . BỐI CẢNH CHUNG. Nét đặc trưng nhất và là một thực tế đang chi phối một cách mạnh mẽ, sâu xa trong đời sống con người, đó là tiến trình toàn cầu hóa. Bỏ qua việc nó xuất phát từ đâu, đang được chủ ý dẫn dắt theo hướng nào và để phục vụ cho ai, chúng ta chỉ nhìn đến khuynh hướng tất yếu và những tác động hiện thực có thể đưa dẫn và qui định đời sống tinh thần do khuynh hướng này đem lại.