PDF Google Drive Downloader v1.1


Báo lỗi sự cố

Nội dung text BG Đại cương về khoa học hành vi.pdf

Bài 1 ĐẠI CƯƠNG VỀ KHOA HỌC HÀNH VI TRONG RĂNG HÀM MẶT TS. ĐàoThị Hằng Nga MỤC TIÊU HỌC TẬP 1. Trình bày được định nghĩa hành vi và hành vi sức khỏe. 2. Trình bày được hành vi sức khỏe nha khoa và các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi sức khỏe nha khoa 3. Giải thích quá trình hình thành và thay đổi hành vi sức khỏe nha khoa. 4. Phân loại hành vi trong phòng khám nha khoa của trẻ em và các yếu tố ảnh hưởng. NỘI DUNG 1. Định nghĩa hành vi và hành vi sức khoẻ 1.1. Hành vi Có nhiều cách xem xét hành vi: - Các nhà sinh học xem xét hành vi với tư cách là cách sống và hoạt động trong một môi trường nhất định dựa trên sự cần thiết thích nghi tối thiểu của cơ thể với môi trường. Quan niệm này hành vi bó hẹp trong các hoạt động nhằm thích nghi với môi trường để đảm bảo sự tồn tại của các cá thể với môi trường. - Những người theo chủ nghĩa hành vi quan niệm hành vi là tổ hợp các phản ứng cơ thể trả lời các kích thích (tự nhiên, xã hội) tác động vào cơ thể. Quan niệm này có phần giống với quan niệm sinh học nhưng khác là không chỉ phản ứng với kích thích sinh học mà con người còn phản ứng với kích thích khác. - Tâm lý học coi con người là một chủ thể tích cực chứ không phải là một cá thể thích nghi thụ động với môi trường. Hành vi của con người bao giờ cũng có mục đích. Hành vi đó không chỉ đảm bảo cho con người tồn tại mà còn đảm bảo cho con người phát triển. Như vậy, hành vi là cách ứng xử của con người đối với một sự kiện, sự vật, hiện tượng trong một hoàn cảnh, tình huống cụ thể, nó được biểu hiện bằng lời nói, cử chỉ, hành động nhất định nhằm đạt được mục đích để thỏa mãn nhu cầu của con người. Tuy nhiên, trong thực tế, con người không phải bao giờ cũng hiểu hết được hành vi của mình. Có trường hợp sau khi hành vi xuất hiện chúng ta không hiểu tại sao chúng ta lại làm như vậy. Đó là trường hợp liên quan đến tâm lý học vô thức. Mỗi hành vi của một người là biểu hiện của các yếu tố cấu thành nên nó, đó là kiến thức, niềm tin, thái độ, cách thực hành (hay kỹ năng), giá trị xã hội của người đó trong một hoàn cảnh hay tình huống cụ thể nào đó, các yếu tố này thường đan xen, liên kết chặt chẽ với nhau. Một hành vi có thể thấy trong thực hành của một cá nhân, nhóm cá nhân hay cả một cộng đồng. Hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian dài có thể trở thành thói quen.
1.2. Hành vi sức khỏe Hành vi sức khoẻ là những hành vi của con người có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến sức khỏe của chính bản thân họ, của những người xung quanh và của cộng đồng. Gochman (1982) định nghĩa hành vi sức khoẻ là “những thuộc tính cá nhân như niềm tin, sự mong đợi, động lực thúc đẩy, giá trị, nhận thức và kinh nghiệm; những đặc điểm về tính cách bao gồm tình cảm, cảm xúc; các loại hình hành vi, hành động và thói quen có liên quan đến sự duy trì, phục hồi và cải thiện sức khoẻ”. Hành vi sức khoẻ có khi rõ ràng, công khai, có thể quan sát được (như chải răng), cũng có khi là những trạng thái cảm xúc không dễ dàng quan sát được (như thái độ đối với việc trám bít răng sữa sâu). Dựa theo ảnh hưởng của hành vi đến sức khỏe, người ta chia làm ba loại: những hành vi có lợi cho sức khoẻ, những hành vi có hại cho sức khoẻ và những hành vi trung gian (không có lợi cũng không có hại). Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ con người gồm: Sơ đồ 1.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ (Ladonde Report, 1974) 2. Khoa học hành vi trong răng hàm mặt 2.1. Nền tảng của khoa học hành vi trong răng hàm mặt Trong suốt nửa đầu thế kỷ XX, các nhà tâm lý học thực nghiệm đã nghiên cứu rộng rãi phản xạ có điều kiện trên động vật, dựa trên kết quả nghiên cứu của Pavlov: khi rung chuông vào giờ mà hàng ngày cho một chú chó ăn thì chú chó ấy sẽ lập tức tiết nước bọt mặc dù sau đó không đưa thức ăn cho nó. Kích thích không có điều kiện (thức ăn) luôn tạo ra một phản xạ không có điều kiện (tiết nước bọt). Khi kích thích trung gian (rung chuông) luôn xuất hiện đồng thời với kích thích không điều kiện (thức ăn) thì một phản xạ có điều kiện (tiết nước bọt) sẽ xảy ra khi rung chuông. Cùng với hàng loạt các phát minh về thiết bị nghiên cứu cơ chế phản xạ, con người đã có những hiểu biết vượt bậc về phản xạ. Có nhiều dạng học tập xảy ra dựa trên phản xạ
cơ bản hay phản xạ có điều kiện của Pavlov. Ví dụ như mối quan tâm đến nha sĩ có thể là sợ hãi và lo lắng vì một kinh nghiệm nha khoa khó chịu hoặc đau đớn trước đó. Ayer (1973) mô tả trường hợp của một trẻ gái mười tuổi là người bị ám ảnh sợ kim và tiền sử phản ứng dị ứng đau dữ dội khi tiêm và bị kìm giữ mạnh bởi hai trợ thủ khi gây tê và nhổ răng. Nỗi sợ hãi được khái quát hóa rộng rãi đến mức khi ngửi thấy mùi cồn hay đi ngang qua phòng khám răng là lập tức đau dữ dội ở vùng cơ delta cánh tay hai bên. Sợ hãi và lo lắng là một phản xạ học tập dựa trên mô hình phản xạ có điều kiện khi mà trước đó các kích thích trung gian có liên quan với các kích thích mà chủ thể không mong muốn. Thuyết học tập mặc nhiên cho rằng nếu các kích thích có điều kiện được trình bày nhiều lần khi thiếu sự kích thích không điều kiện, phản xạ có điều kiện cuối cùng sẽ bị mất. Sau đó, người ta đã nỗ lực để áp dụng những nguyên lý phản xạ này đối với những dạng thói quen bất thường khác nhau. Trong những năm 1930, cụm từ “thuyết học tập” nhanh chóng được đưa ra cho các thói quen bất thường như những mô hình học tập toàn diện hơn, đã được phát triển để tạo ra định nghĩa về thói quen. Các tài liệu của những năm 1920, 1930 đã diễn giải những nguyên lý phản xạ cho rất nhiều phức hợp hành vi như chứng đái dầm, lạm dụng thuốc, dị ứng, chứng chán ăn, sự sợ hãi ở trẻ em, các thói quen của miệng, và nhiều thói quen khác. Joseph Wolpe (1958) trình bày phương pháp tiếp cận lâm sàng mới gọi là liệu pháp tâm lý tương tác ức chế, theo tác giả đó là nguyên lý cơ bản của quá trình học tập. Skinner sau đó áp dụng phương pháp này cho các hành vi bất thường khác nhau và thuật ngữ "liệu pháp hành vi" dường như đã tồn tại vào cuối năm 1950. 2.1.1. Liệu pháp hành vi Như đã nói trước đây, thay đổi hành vi đòi hỏi một loạt các phương pháp tiếp cận dựa trên các nguyên lý của quá trình học tập. Các cách tiếp cận cụ thể sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của cá nhân, trình độ kỹ năng của bác sỹ và các hoàn cảnh thực tế. Điều này sẽ được nói rõ hơn ở phần sau. 2.1.2. Tiêu điểm của liệu pháp hành vi Can thiệp thói quen răng miệng chú trọng vào những thói quen do thích nghi không tốt, những thói quen này được xem như là các vấn đề mà đối tượng mắc phải và không phải là các triệu chứng của bệnh lý. Những thói quen này có thể thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi. Trái ngược với liệu pháp tâm lý động học trước đây, can thiệp thói quen răng miệng yêu cầu sự tham gia chủ động của chủ thể trong từng phần của liệu pháp. London (1964) đã mô tả những can thiệp này chú trọng vào những thói quen ở hiện tại. Liệu pháp hành vi tiến hành bằng cách (1) xác định cụ thể các hành vi thích nghi không tốt hoặc không mong muốn; (2) xác định những yếu tố trong môi trường duy trì hành vi đó; và (3) đánh giá hiệu quả hoặc kết quả của sự can thiệp. Liệu pháp hành vi có chi phí ít hơn so với các phương pháp điều trị truyền thống và có thể thực hiện trong thời gian ngắn hơn. Đây là cơ sở cho giáo dục sức khỏe trong quá trình thay đổi hành vi, hình thành những hành vi có lợi cho sức khỏe.
2.2. Sơ lược sự phát triển của khoa học hành vi trong răng hàm mặt Năm 1985, Cohen đưa ra một bức tranh toàn cảnh về sự phát triển của khoa học hành vi dựa vào các nghiên cứu chính trong một khoảng thời gian dài. Bảng 1.1. Sự phát triển của khoa học hành vi Thời gian Lĩnh vực 1940s đến đầu 1950s Hành vi và bệnh tật/ chấn thương/ căng thẳng Giữa 1950s đến đầu 1960s Fluor hoá nước, khoa học tâm lý xã hội và chính trị 1960s Giáo dục nha khoa và nghiên cứu nguồn nhân lực 1970s Các nghiên cứu dịch vụ y tế 1980s đến 1990s Phòng bệnh và nâng cao sức khoẻ 2000s Các chương trình y tế công cộng Trong suốt và sau thế chiến thứ hai, các nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu hành vi liên quan đến bệnh tật, stress, tình trạng sức khoẻ và điều trị. Trong những năm 1940 và 1950, một số tác giả đã chú ý đến mối liên quan giữa khái niệm tâm lý và nha khoa. Những nỗ lực này dựa trên tâm lý tâm động học, những câu chuyện kể, và những ghi chép ảnh hưởng đến hành vi của bệnh nhân. Tuy nhiên, các nghiên cứu này hầu như chưa thành công do các tác giả chưa được chuẩn bị những cơ sở lý luận, hiểu biết một cách đầy đủ những khái niệm về khoa học hành vi và xã hội để nghiên cứu những vấn đề này. Trong giai đoạn giữa 1950 và trước 1960, có các tranh luận xung quanh những nỗ lực để thúc đẩy việc fluor hoá nước uống có thể ảnh hưởng đến các dịch vụ y tế công cộng nhằm hỗ trợ tích cực cho các nghiên cứu. Những nghiên cứu này cung cấp dữ liệu hữu ích về các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình fluor hoá nước uống. Tuy nhiên, vì có ít nghiên cứu can thiệp tổng thể sử dụng các yếu tố này nên tầm quan trọng của các yếu tố này vẫn chưa rõ ràng. Trong những năm 1960, các nghiên cứu đã tập trung vào nghiên cứu sinh viên nha khoa, giáo dục nha khoa, thiết kế chương trình, xã hội học của chuyên ngành nha khoa và các nghiên cứu về nguồn nhân lực. Những năm 1970, nghiên cứu tập trung vào các hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc nha khoa và tác động của chúng đối với sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, một sự thay đổi từ cách tiếp cận tâm động học để ứng dụng nhận thức hành vi xảy ra, dẫn đến sự phát triển của các phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh nhân nha khoa bị ám ảnh sợ hãi hoặc vô cùng sợ hãi, quản lý thói quen ăn uống và điều trị hội chứng đau cơ mặt. Nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh được nhấn mạnh trong những năm 1980 và các can thiệp đã được nghiên cứu để thúc đẩy và cải thiện hành vi lối sống lành mạnh. Nghiên cứu được tiến hành để xác định những khía cạnh ảnh hưởng của môi trường xã hội để tạo thuận lợi cho phân bổ và tiếp nhận các dịch vụ nha khoa theo những cách tối ưu. Trong những năm 1990, mục tiêu là giảm bệnh răng miệng với những chỉ số cụ thể vào năm 2000. Những nỗ lực và chiến lược này vẫn sẽ tiếp tục trong thế kỷ XXI.

Tài liệu liên quan

x
Báo cáo lỗi download
Nội dung báo cáo



Chất lượng file Download bị lỗi:
Họ tên:
Email:
Bình luận
Trong quá trình tải gặp lỗi, sự cố,.. hoặc có thắc mắc gì vui lòng để lại bình luận dưới đây. Xin cảm ơn.