PDF Google Drive Downloader v1.1


Báo lỗi sự cố

Nội dung text Phùng Ngọc Kiên - Bản thảo XHHĐA.pdf

0 GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC ĐIỆN ẢNH Phùng Ngọc Kiên
1 Lời mở sách Giáo trình Xã hội học điện ảnh được chúng tôi biên soạn dựa trên các bài giảng trong nhiều năm dành cho đào tạo bậc thạc sĩ của bộ môn “Lý luận phê bình điện ảnh và truyền hình”, khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội. Chúng tôi kỳ vọng xây dựng trong giáo trình những khung khổ đầu tiên cho môn học vừa quen thuộc, vừa mới mẻ đối với sinh viên ngành Điện ảnh khoa Văn học nói riêng, và các ngành văn hóa nói chung. Môn học này có vẻ quen thuộc, vì phương pháp xã hội học đã được áp dụng từ lâu trong các nghiên cứu và giảng dạy của các ngành văn học, văn hóa. Nhưng xã hội học như một phương pháp hiện đại thì lại rất mới đối với nghiên cứu văn học và nghệ thuật ở Việt Nam. Công trình Xã hội học văn học (Nxb ĐHQG, 2014) của chúng tôi là chuyên khảo chính để giảng dạy tại một số trường đại học, nhưng lại chưa thực sự theo mô hình một giáo trình đại học hoặc sau đại học chuẩn mực. Xã hội học điện ảnh là môn hoàn toàn mới, vì đây là lần đầu tiên được giảng dạy như bộ môn khoa học ở Việt Nam. Một phần vì đây là ngành mới với chính bản thân giới nghiên cứu phê bình điện ảnh ở Việt Nam, một phần nữa vì những ấn tượng đầy định kiến dai dẳng đến từ xu hướng lãng mạn trong học thuật, cũng như những hạn chế nhất định mà một số nghiên cứu theo hướng xã hội học từng thể hiện trong quá khứ. Bởi tính mới của môn học trong một lĩnh vực nghệ thuật cũng đang phát triển mau lẹ với những biến chuyển bất ngờ của xã hội toàn cầu hóa và số hóa đầu thế kỷ XXI, giáo trình này không có tham vọng và cũng không thể bao quát toàn bộ vấn đề thực tiễn hay lý thuyết đã có trên thế giới theo cách học đường quen thuộc. Thay vào đó, chúng tôi cố gắng trình bầy những vấn đề được cho là quan trọng theo cách gợi dẫn nhằm hướng đến một số yêu cầu cụ thể về kiến thức và kỹ năng, để sau đó chính người đọc và người học tự xây dựng những tri thức mới cho mình dựa trên những kiến thức hàn lâm của quá khứ. Việc lựa chọn hướng đến nỗ lực đối thoại giữa tác giả giáo trình với người đọc này dựa trên cấu trúc gồm Dẫn nhập và năm chương nội dung. Trong Dẫn nhập, chúng tôi bàn đến “tầm nhìn” của xã hội học điện ảnh, cũng như vị trí của nó trong quan hệ với những bộ môn khác của chương trình, các hướng tiếp cận có thể của xã hội học trong điện ảnh. Chương một đặt vấn đề Đại cương xã hội học điện ảnh với những nội dung căn bản nhất nhận diện điện ảnh từ góc nhìn nội quan tới ngoại quan. Từ đó chương hai đề cập góc nhìn về điện ảnh như “tổng hòa các quan hệ xã hội”. Chương ba đi sâu vào một số vấn đề “nội tại” của điện ảnh trong quan hệ với đời sống xã hội với câu hỏi nghiên cứu: điện ảnh có quan hệ ra sao với xã hội? Nội dung chương bốn triển khai dựa trên mối quan hệ giữa điện ảnh với thực tại. Chúng tôi dành chương cuối cùng bàn đến một số vấn đề nảy sinh khi xem xét điện ảnh như một thế giới đa cực, do được gợi ý một phần từ lý thuyết P. Bourdieu. Chúng tôi dành nội dung cuối sách về Từ vựng xã hội học điện ảnh để cho sinh viên và học viên có thể tìm hiểu có hệ thống về những khái niệm được dùng trong giáo trình này. Hệ thống từ vựng này được chúng tôi tổng hợp và biên soạn lại dựa trên nguồn các từ điển xã hội học, các nghiên cứu chuyên sâu. Từ vựng này cần được điều chỉnh, mở rộng trong những lần tái bản sau này. Trong mỗi chương của giáo trình, chúng tôi lần lượt trình bày các nội dung sau: - Mục đích cần đạt (đóng khung). Mục đích cần đạt này đặt trên ba cấp độ: nắm được kiến thức căn bản, tự đặt ra được những câu hỏi, thực hành hoạt động tìm hiểu tri thức có liên quan. - Nội dung chương (được thể hiện qua hệ thống đề mục) là các phần kiến thức chính của giáo trình. - Phần Đọc và thảo luận lý thuyết dựa trên các đoạn trích văn bản nghiên cứu được chúng tôi lựa chọn từ các bài viết, các nghiên cứu liên quan ít nhiều đến xã hội học hoặc xã hội học điện ảnh như một gợi ý đọc mở rộng và nhằm khuyến khích sinh viên và học viên tìm đọc những tài liệu quan trọng này mà giáo trình không thể trích dãn hay giới thiệu hết. Các bài trích nhằm cung cấp các ví dụ cụ thể về cách đặt vấn đề, cách xây dựng hệ thống luận điểm, cách thức thảo luận, về một số vấn đề nền tảng. Những đề xuất thảo luận dựa trên phần lý thuyết được yêu cầu đọc nhằm tăng cường tính chất tương tác và sự chủ động của người học. Việc trao đổi và thảo luận này cần được thực hiện một cách cởi mở và bình đẳng, dựa trên các quan điểm cá nhân và việc đọc kỹ văn bản lý
2 thuyết được giới thiệu. Kết luận cho các thảo luận không nhất thiết phải là những định đề cuối cùng, vì tính chất cá nhân hóa cần thiết của người tham dự và yêu cầu đối thoại của buổi học. - Phần Quan sát và thảo luận thực tiễn là hệ thống câu hỏi gợi ý thảo luận mở rộng cho cách tiếp cận vấn đề trong chương dựa trên những vấn đề thời sự và các hiện tượng thực tiễn. - Tài liệu cần đọc thêm được giới thiệu trong mỗi chương, và có thể xuất hiện nhiều lần trong các chương khác nhau. Để giáo trình này có thể được hoàn tất và đến được với bạn đọc, trước hết chúng tôi mong muốn bày tỏ sự cám ơn nhiệt thành tới những hỗ trợ về hành chính tổ chức và tài chính của Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Chúng tôi cũng muốn dành lời cám ơn chân tình tới các bạn học viên bậc thạc sĩ ngành Lí luận, lịch sử điện ảnh, truyền hình của khoa Văn học, những đã người tin tưởng, lắng nghe, gợi ý và nhiệt tình cộng tác trong suốt quá trình đào tạo từ khóa đầu tiên. Lời cám ơn chân thành của chúng tôi xin gửi tới các bạn đồng nghiệp trong khoa Văn học, đặc biệt là các đồng nghiệp trong Bộ môn nghệ thuật và nghệ thuật đại chúng, đã có những giúp đỡ nhiệt tình để chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung. Đó là các ý kiến và góp ý quý báu của PGS.TS. Phạm Gia Lâm, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch, PGS.TS. Hoàng Cẩm Giang. Mọi sự chưa hoàn thiện và sai sót hoàn toàn thuộc trách nhiệm của tác giả giáo trình. Cuối cùng, tác giả giáo trình xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới các các tác giả-dịch giả, các nhà xuất bản, nhà sách của những công trình được trích dẫn trong sách này khi đã rộng lượng cho phép chia sẻ vì mục đích giáo dục và phi thương mại. Trong một số trường hợp chưa thể liên hệ xin phép, chúng tôi mong nhận được sự nhắc nhở, thứ lỗi và bao dung. Cuốn giáo trình này chắc chắn còn cần được bổ sung và hoàn thiện trong thời gian tới cho khoa học hơn, phù hợp với thực tế hơn cũng như cập nhật các tri thức mới. Tác giả giáo trình mong nhận được những góp ý theo địa chỉ thư điện tử (email): [email protected]. Trân trọng.
3 CHƯƠNG 1: ĐẠI CƯƠNG XÃ HỘI HỌC ĐIỆN ẢNH Cho nên đối với con người hôm nay, sở dĩ việc diễn tả hiện thực bằng điện ảnh quan trọng hơn rất nhiều so với hội họa, vì nó đáp ứng được khía cạnh phi thiết bị của hiện thực – điều mà con người có quyền đòi hỏi ở một tác phẩm nghệ thuật – chính trên cơ sở xâm nhập hiện thực mạnh mẽ nhất bằng thiết bị. W. Benjamin Trong mỗi một ngành nghệ thuật, mỗi một công việc, người thực hiện luôn cần đến những công cụ môi giới giữa anh ta với sản phẩm được tạo ra, giữa anh ta với môi trường xã hội... Ngoài ý chí người thực hiện, mong muốn mang tính chủ quan và các dự đồ cá nhân, việc tạo nên một tác phẩm nghệ thuật còn đến từ những yếu tố khác hoàn toàn không còn thuộc về anh ta. Đó là những tác động, chi phối khách quan, bên ngoài mọi cá thể, mọi mong muốn chủ quan... Đối với nhà văn, người ta dễ dàng nhận ra rằng tối thiểu anh ta cần đến cây bút và tập giấy để viết. Sau đó là hành trình của bản thảo đi tới nhà xuất bản, tới hiệu sách để ra một sản phẩm là một cuốn sách nằm trên giá. Trong chuỗi những yếu tố đó, ít nhất có cây bút và tập giấy là hoàn toàn thuộc về người viết, nhà văn. Nhà xuất bản, phát hành sách rõ ràng là những yếu tố xã hội nằm ngoài mong muốn chủ quan, ngoài ý chí chí cá nhân của nhà văn. Xã hội học văn học như của R. Escarpit hay P. Bourdieu đã quan tâm đến vai trò của các yếu tố như máy in, hệ thống thư viện và cửa hàng sách vốn được lịch sử văn học truyền thống coi là thứ yếu1 . Một bộ phim được tạo nên bởi một số lượng lớn hình ảnh cố định, được gọi là loạt ảnh, photogramme, và được đặt liên tiếp trên một tấm nhựa trong suốt; màng phim này chạy theo nhịp độ máy chiếu sinh ra hình ảnh được phóng to và chuyển động trên màn ảnh. Phim hiện ra với chúng ta dưới hình thức của một ảnh phẳng và được giới hạn bởi khung hình. Cả hai đặc tính vật chất này của hình ảnh phim nằm trong số những nét căn bản nhất để nhận biết sự thể hiện thế giới. Khung hình, với nhiều mức độ đa dạng tùy theo phim, giữ một vai trò quan trọng trong cấu hình của hình ảnh. Diện tích dạng chữ nhật được khung hình xác định (mà đôi khi ta gọi là một cách rộng rãi là khung hình) là một trong những yếu tố vật chất mà nhà làm phim cần quan tâm. Kinh nghiệm của việc xem phim 1 Xem Nguyễn Phương Ngọc trong Nhiều tác giả, Xã hội học văn học, Nxb ĐHQG, 2014 (2018). Đích cần đạt: - Tầm nhìn của bộ môn xã hội học điện ảnh. - Những quan hệ kế thừa của bộ môn xã hội học điện ảnh từ các bộ môn xã hội học nghệ thuật. - Đặc trưng về đối tượng, chủ thể hành động, phương pháp tiếp cận trong xã hội học điện ảnh.

Tài liệu liên quan

x
Báo cáo lỗi download
Nội dung báo cáo



Chất lượng file Download bị lỗi:
Họ tên:
Email:
Bình luận
Trong quá trình tải gặp lỗi, sự cố,.. hoặc có thắc mắc gì vui lòng để lại bình luận dưới đây. Xin cảm ơn.