Nội dung text ĐỀ SỐ 6.docx
ĐỀ SỐ 6 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Câu 1 (0,5 điểm). Điểm nhìn của người kể chuyện là điểm nhìn hạn tri, điểm nhìn bên trong - người kể chuyện ngôi thứ ba nương vào cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật Thứ để kể. Câu 2 (0,5 điểm). Ước mơ của Thứ khi ngồi trên ghế nhà trường là “đỗ thành chung”, “đỗ tú tài”, “vào đại học đường”, “sang Tây”, rồi sẽ “thành một vĩ nhân đem những sự thay đổi lớn lao đến cho xứ sở mình” (Học sinh có thể dẫn trực tiếp thông tin trong văn bản hoặc cũng có thể tóm tắt thông tin và trả lời, đảm bảo ý: ước mơ của Thứ khi ngồi trên ghế nhà trường là đỗ đạt, thành tài và trở thành người có đóng góp lớn cho xã hội). Câu 3 (1,0 điểm). Học sinh chỉ ra và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong các câu văn: “Nhưng nay mai, mới thật buồn. Y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra ở một xó nhà quê. Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!...”. Học sinh có thể chọn và phân tích tác dụng của một trong các biện pháp như sau: (1) Biện pháp điệp cấu trúc (Y sẽ.../ Đời y sẽ.../... sẽ khinh y/ ... chết mà chưa...): có tác dụng nhấn mạnh những nhận thức, hình dung về cuộc sống mòn mỏi, vô nghĩa của nhân vật Thứ về tương lai phía trước của mình; đồng thời tạo nên nhịp điệu gợi cảm cho câu văn; giúp người đọc có thể tưởng tượng được cuộc sống “mòn” đầy bi kịch của người trí thức trong xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, đồng thời hiểu, đồng cảm sâu sắc với tâm trạng đau khổ của nhân vật. (2) Biện pháp ẩn dụ: “đời” - “mốc lên”, “gỉ đi”, “mòn”, “mục” ra: có tác dụng gợi lên một cách sinh động về cuộc sống vô nghĩa, lụi tàn từng ngày mà nhân vật sẽ phải nếm trải trong hình dung của mình; thể hiện giá trị hiện thực của tác phẩm. (3) Biện pháp liệt kê tăng cấp: liệt kê một chuỗi những điều Thứ hình dung về cuộc sống tương lai của mình (chẳng có việc gì làm, ăn bám vợ/ mốc lên, gỉ đi, mòn, mục ra ở một xó nhà quê); trong đó nhân vật cảm nhận được sự khinh thường của mọi người và chính bản thân mình (Người ta sẽ khinh y, vợ y sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y); có tác dụng gợi lên một cách sinh động và nhấn mạnh về cuộc sống vô nghĩa, lụi tàn cứ rõ nét từng ngày cũng như cảm xúc tổn thương, mặc cảm mà nhân vật sẽ phải nếm trải trong hình dung của mình; từ đó góp phần thể hiện giá trị hiện thực của tác phẩm. (4) Biện pháp nghịch ngữ: “chết mà chưa sống”, có tác dụng khắc hoạ và nhấn mạnh bi kịch mà nhân vật phải nếm trải: “chết” ở đây là “chết” về mặt tinh thần; “sống” ở đây là “sống” thực sự, sống có ý nghĩa. Từ đó, góp phần thể hiện giá trị hiện thực sâu sắc của tác phẩm. Câu 4 (1,0 điểm). Nhận xét về cuộc sống và con người của nhân vật Thứ được thể hiện trong đoạn trích: (1) Cuộc sống của nhân vật Thứ: Cuộc sống đầy bi kịch, ngày càng khó khăn, mòn mỏi trong việc kiếm kế sinh nhai để lo cho bản thân và gia đình, không thực hiện được những ước mơ của đời mình. (2) Con người nhân vật Thứ: là con người đầy hoài bão, khát vọng; con người có đời sống nội tâm phong phú, có khả năng nhận thức sâu sắc về cuộc sống và bản thân mình. Câu 5 (1,0 điểm). Học sinh rút ra được một triết lý nhân sinh từ văn bản (Ví dụ: “sống là phải làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời mình” hay “sống là phải thay đổi”...) và nêu suy nghĩ về triết lý đó một cách phù hợp. Ví dụ: Suy nghĩ về triết lý “sống là phải làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời mình”. Đây là một triết lý sâu sắc bởi lẽ: mỗi người là một bản thể duy nhất, mỗi người chỉ có cơ hội sống một lần. Cuộc sống là sự trải nghiệm của mỗi cá nhân. Không làm chủ bản thân, không làm chủ cuộc đời mình nghĩa là đã đánh mất cơ hội được trải nghiệm, được sống đúng nghĩa. Chỉ khi làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời thì mỗi người mới phát huy được hết tiềm năng của bản thân và trở thành người có ích cho xã hội.