Nội dung text SINH SẢN.doc
SINH SẢN Câu 1: Nêu chức năng của các bộ phận trong cơ quan sinh dục nam? Hướng dẫn trả lời * Chức năng của các bộ phận trong cơ quan sinh dục nam: - Tinh hoàn: Là nơi sản xuất tinh trùng. - Mào tinh hoàn: Nơi tinh trùng tiếp tục phát triển và hoàn thiện về cấu tạo. - Bìu: Bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho quá trình sinh tinh. - Túi tinh: Là nơi chứa và nuôi dưỡng tinh trùng. - Ống dẫn tinh: Dẫn tinh trùng từ tinh hoàn tới túi tinh. - Dương vật: Đưa tinh trùng ra ngoài - Tuyến hành (tuyến côpơ): Tiết dịch để trung hòa axit trong ống đái, chuẩn bị cho tinh trùng phóng qua, đồng thời làm giảm ma sát trong quan hệ tình dục. - Tuyến tiền liệt: Tiết dịch hòa với tinh trùng → tạo thành tinh dịch. - Hoocmôn sinh dục nam (testôstêrôn): Gây ra những biến đổi ở tuổi dậy thì, xuất hiện các dấu hiệu sinh dục nam. Câu 2: Tinh trùng được sản sinh từ đâu? Tinh trùng có đặc điểm như thế nào? Hướng dẫn trả lời * Tinh trùng được sản sinh từ các tế bào mầm ở tinh hoàn, tinh trùng được sản xuất bắt đầu từ tuổi dậy thì. - Tinh trùng mang bộ nhiễm sắc thể đơn bội (giảm đi một nửa so với bộ NST của tế bào mầm). - Tinh trùng sau khi sản xuất ra ở tinh hoàn, được ống dẫn tinh chuyển tới túi tinh và được nuôi dưỡng nhờ dịch thành túi tiết ra. - Xuất tinh lần đầu đã báo hiệu cơ thể bước vào tuổi dậy thì (đã có khả năng sinh sản). * Tinh trùng có những đặc điểm sau: - Tinh trùng là tế bào nhỏ nhất trong cơ thể (dài khoảng 0,06 mm). - Tinh trùng gồm 3 phần: phần đầu, phần cổ và đuôi dài. - Tinh trùng có khả năng di chuyển trong cơ quan sinh dục nữ (nhờ đuôi) với tốc độ 3 - 5 mm/ phút. - Có 2 loại tinh trùng: tinh trùng X và tinh trùng Y. + Tinh trùng Y nhỏ, nhẹ, sức chịu đựng kém, dễ chết. + Tinh trùng X lớn hơn và có sức sống cao hơn tinh trùng Y. - Tinh trùng có khả năng sống được 3 - 4 ngày trong cơ quan sinh dục nữ. Câu 3: Nêu chức năng của các bộ phận trong cơ quan sinh dục nữ? Hướng dẫn trả lời * Chức năng của các bộ phận trong cơ quan sinh dục nữ: - Buồng trứng: là nơi sản sinh trứng. - Tử cung: Là nơi đón nhận và nuôi dưỡng trứng đã thụ tinh phát triển thành thai, nuôi dưỡng thai. - Ống dẫn trứng: Dẩn trứng đến tử cung, nơi diễn ra sự thụ tinh, thường ở khoảng 1/3 phía ngoài. - Phễu dẫn trứng: Hứng trứng vào ống dẫn trứng - Âm đạo: Là nơi tiếp nhận tinh trùng và đường ra của trẻ khi sinh. - Tuyến tiền đình: Tiết dịch nhờn để bôi trơn âm đạo. - Hoocmôn sinh dục nữ (ơstrôgen): Gây ra những biến đổi ở tuổi dậy thì, xuất hiện các dấu hiệu sinh dục nữ. Câu 4: Thế nào là thụ tinh? Thụ thai? Hướng dẫn trả lời - Thụ tinh: Là hiện tượng trứng rụng được phễu dẫn trứng tiếp nhận, đưa vào ống dẫn trứng và di chuyển hướng ra phía tử cung. Khi di chuyển xuống khoảng 2/3 ống dẫn trứng, nếu gặp tinh trùng thì sẽ xảy ra sự thụ tinh → tạo thành hợp tử. - Thụ thai: Sau khi thụ tinh, hợp tử vừa di chuyển vừa phân chia xuống tử cung kéo dài khoảng 7 ngày. Khi tới tử cung, khối tế bào đã phân chia (phôi dâu) bám vào lớp niêm mạc tử cung đã được chuẩn bị sẵn (dày xốp và xung huyết) để làm tổ và phát triển thành thai → gọi là sự thụ thai. Câu 5: Vì sao trong quá trình thụ tinh cần phải có nhiều tinh trùng tham gia, mà khi thụ tinh lại chỉ có một tinh trùng được trứng tiếp nhận? Hướng dẫn trả lời
* Trong quá trình thụ tinh cần phải có nhiều tinh trùng tham gia, mà khi thụ tinh lại chỉ có một tinh trùng được trứng tiếp nhận, vì: - Thụ tinh là sự kết hợp giữa 2 bộ nhân đơn bội của tinh trùng và trứng để trở thành hợp tử lưỡng bội. - Sự thụ tinh muốn diễn ra phải cần nhiều tinh trùng cùng tham gia là vì: tế bào trứng có các lớp tế bào hạt bao quanh, lớp tế bào hạt này chỉ bị phá vỡ khi tinh trùng tiết ra đủ lượng enzim hyaluronidaza. Vì vậy, phải cần một số lượng nhiều tinh trùng mới có thể tiết đủ enzim phá thủng lớp tế bào hạt bao quanh trứng. - Khi thụ tinh lại chỉ có một tinh trùng được trứng tiếp nhận là vì: Khi lớp màng trứng bị enzim phá thủng và có một tinh trùng chui phần đầu qua màng của tế bào trứng (chỉ có phần đầu chứa bộ nhân đơn bội của tinh trùng nhanh nhất và khỏe nhất mới lọt qua màng trứng) thì ở màng trứng sẽ diễn ra một loạt những phản ứng để khép lại cắt phần đuôi của tinh trùng, đồng thời ngăn chặn các tinh trùng khác tiếp tục đột nhập vào trứng. Câu 6: a. Thế nào là hiện tượng kinh nguyệt? b. Vì sao trong thời gian mang thai lại không có hiện tượng kinh nguyệt? Hướng dẫn trả lời a. Hiện tượng kinh nguyệt: Là hiện tượng dưới sự tác động của hoocmôn ơstrôgen từ buồng trứng tiết ra (cùng với sự phát triển của trứng), có tác dụng làm cho lớp niêm mạc tử cung dày - xốp, chứa nhiều mạch máu để chuẩn bị đón trứng đã được thụ tinh xuống làm tổ. Nhưng do trứng không được thụ tinh nên sau khoảng 14 ngày kể từ khi trứng rụng, thể vàng bị tiêu giảm, lớp niêm mạc bị bong ra từng mảng, thoát ra ngoài cùng với máu và dịch nhầy → đó là hiện tượng kinh nguyệt. - Hiện tượng kinh nguyệt xảy ra theo chu kì khoảng 28 - 32 ngày → gọi là chu kì kinh nguyệt. - Hiện tượng kinh nguyệt là dấu hiệu trứng không được thụ tinh (chưa có thai). - Hiện tượng kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lí bình thường, đánh dấu tuổi dậy thì chính thức, đã có khả năng sinh con. - Mỗi chu kì kinh nguyệt thường chỉ có một trứng rụng, nên ở người thường sinh mỗi lần một con. b. Trong thời gian mang thai không có hiện tượng kinh nguyệt là vì: - Khi lớp niêm mạc tử cung dày - xốp, chứa nhiều mạch máu để chuẩn bị đón trứng đã được thụ tinh xuống làm tổ. Trứng rụng, bào nang trứng phát triển thành thể vàng và tiết prôgestêrôn có tác dụng duy trì thể vàng, kìm hãm sự chín và rụng trứng. - Khi trứng đã thụ tinh thì thể vàng tiếp tục tồn tại và hoạt động trong khoảng 3 tháng. Lúc này nhau thai cũng dần hình thành và tiết hoocmôn nhau thai kìm hãm sự chín và rụng trứng (thể vàng chỉ tồn tại và tiết hoocmôn trong 3 tháng đầu thai kì, sau đó là do nhau thai đảm nhiệm vai trò kìm hãm chín và rụng trứng) → Vì vậy trong thời gian mang thai, trứng không rụng → hiện tượng kinh nguyệt không xảy ra. - Nếu người phụ nữ có quan hệ tình dục, mà không thấy hiện tượng kinh nguyệt thì có khả năng đã mang thai. Câu 7: Vì sao có trường hợp sinh đôi? Hướng dẫn trả lời - Sinh đôi: Là hiện tượng hai đứa trẻ được sinh ra cùng một lần sinh, có thể là sinh đôi cùng trứng hay sinh đôi khác trứng. + Sinh đôi cùng trứng: Là hiện tượng một trứng được thụ tinh bởi một tinh trùng → tạo thành hợp tử. Trong quá trình phát triển phôi, phôi tách làm hai nửa, mỗi nửa phát triển thành một cơ thể độc lập, trẻ sinh đôi cùng trứng có cùng giới tính và bề ngoài giống nhau vì có cùng kiểu gen. + Sinh đôi khác trứng: Nếu có hai trứng cùng rụng một lần và đều được thụ tinh, mỗi trứng thụ tinh sẽ phát triển thành một thai riêng biệt, trẻ sinh đôi khác trứng có thể cùng giới tính, có thể khác giới tính, giống như hai anh em hay hai chị em (cùng cha, mẹ) được sinh ra ở hai lần sinh, vì có kiểu gen khác nhau. Câu 8: a. Em hiểu thế nào về việc tránh thai? b. Cho biết những nguy cơ mắc phải khi có thai ở tuổi vị thành niên? Hướng dẫn trả lời a. Tránh thai là hiện tượng ngăn chặn sự thụ thai, việc tránh thai có thể do chưa đủ điều kiện để nuôi con, do công việc, do học tập, do chưa đến tuổi trưởng thành....
- Việc tránh thai có thể giúp các cặp vợ chồng trẻ học hỏi thêm kinh nghiệm về nuôi con, tìm kiếm việc làm ổn định, tiếp tục học tập để có thể có công việc tốt hơn, để thực hiện kế hoạch hóa gia đình... - Việc mang thai ngoài ý muốn có thể làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của người mẹ và sự phát triển của con sau này. b. Những nguy cơ mắc phải khi có thai ở tuổi vị thành niên: - Tỉ lệ sẩy thai, đẻ non cao do tử cung chưa phát triển đầy đủ để có thể mang thai trong suốt 9 tháng 10 ngày. - Khi sinh thường xảy ra hiện tượng sót rau, băng huyết hay nhiễm khuẩn → làm ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ. - Trẻ sinh ra thường yếu ớt, nhẹ cân → tỉ lệ tử vong cao. - Ảnh hưởng đến việc học tập, cơ hội việc làm thấp, dẫn đến cuộc sống sau này thường gặp khó khăn. - Ảnh hưởng về mặt xã hội đối với gia đình → gây mặc cảm, ảnh hưởng đến tâm lí, vì ở lứa tuổi này các em chưa làm chủ được cảm xúc và hành vi. - Nếu phá thai ở độ tuổi này, có thể để lại di chứng về đường sinh sản và có nguy cơ vô sinh. → Vì thế, ở độ tuổi vị thành niên chưa nên có thai. Câu 9: Nhau thai có những chức năng gì trong thời gian mang thai? Hướng dẫn trả lời * Nhau thai có những chức năng sau: - Chức năng dinh dưỡng thai: + Vận chuyển chất dinh dưỡng từ máu mẹ đến máu thai. + Giai đoạn đầu nhu cầu dinh dưỡng của thai còn ít, nhau thai có khả năng dự trữ chất dinh dưỡng để phục vụ cho giai đoạn sau. - Chức năng bài tiết: Vận chuyển các sản phẩm phân hủy từ máu thai đến máu mẹ để thải ra ngoài. - Chức năng hô hấp: Vận chuyển O 2 từ mẹ sang thai và CO 2 từ thai sang mẹ. - Chức năng nội tiết: Tiết hoocmôn kìm hãm chín và rụng trứng, các loại hoocmôn khác giúp thai nhi tổng hợp hoocmôn. - Chức năng vận chuyển miễn dịch: Vận chuyển kháng thể từ mẹ sang thai. Câu 10: Phân tích cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai? Hướng dẫn trả lời Cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai là: - Ngăn không cho trứng chín và rụng: Dùng viên tránh thai có chứa prôgesteron và ơstrôgen để ngăn tuyến yên tiết FSH và LH → do đó trứng không phát triển đến độ chín và rụng. - Ngăn không cho trứng thụ tinh: Không cho trứng gặp tinh trùng như, dùng bao cao su, thắt ống dẫn tinh hoặc ống dẫn trứng (đối với gia đình đã có con mà không muốn có thêm) - Ngăn hợp tử làm tổ: Đặt vòng tránh thai. Câu 11 a. Thế nào là bệnh lậu, nguyên nhân, tác hại và con đường lây truyền? b. Thế nào là bệnh giang mai, nguyên nhân, tác hại và con đường lây truyền? Hướng dẫn trả lời a. Bệnh lậu: Do một loại vi khuẩn hình hạt cà phê thường xếp thành từng cặp, nên gọi là song cầu khuẩn. Song cầu khuẩn thường sống trong các tế bào niêm mạc của đường sinh dục, dễ chết ở khoảng nhiệt độ 40°C. - Triệu chứng: + Ở nam: Thường có hiện tượng đái buốt, nước tiểu có lẫn máu và mủ do viêm. + Ở nữ: Thường ăn sâu vào ống dẫn trứng. - Tác hại: Có khả năng gây vô sinh. + Ở nam: Do hẹp đường dẫn tinh. + Ở nữ: Tắc ống dẫn trứng, có nguy cơ chửa ngoài dạ con, con sinh ra có thể bị mù lòa do nhiễm khuẩn. - Con đường lây truyền: Thường lây qua đường tình dục. - Cách phòng chống: + Thực hiện lối sống nghiêm túc, trong sáng, lành mạnh, quan hệ một vợ một chồng. + Vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục. + Khi đã nhiễm bệnh, cần phải điều trị kịp thời theo chỉ dẫn của bác sĩ.
b. Bệnh giang mai: Do xoắn khuẩn giang mai gây nên, xoắn khuẩn thường sống ở niêm mạc của đường sinh dục và trong máu (khi đã nhiễm vào máu), phát triển trong điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, dễ chết ở nhiệt độ cao và hóa chất diệt khuẩn. - Triệu chứng: + Xuất hiện các vết loét nông, cứng có bờ viền ở cơ quan sinh dục. + Khi nhiễm trùng vào máu tạo nên những chấm đỏ như phát ban nhưng không ngứa. + Bệnh nặng có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh. - Tác hại: + Có thể gây tổn thương các phủ tạng như: tim, gan, thận và hệ thần kinh. + Con sinh ra có thể mang khuyết tật hoặc dị dạng bẩm sinh. - Con đường lây truyền: + Thường lây qua đường tình dục là chủ yếu. + Lây qua đường máu như: truyền máu, các vết xây xát trên cơ thể. + Lây qua nhau thai từ mẹ sang con. - Cách phòng chống: + Thực hiện lối sống nghiêm túc, trong sáng, lành mạnh, quan hệ một vợ một chồng. + Vệ sinh sạch sẽ cơ quan sinh dục bằng dung dịch vệ sinh cơ quan sinh dục. + Khi truyền máu cần tuân thủ đúng nguyên tắc. + Tránh tiếp xúc đến các vết loét trên cơ thể người bệnh. + Khi đã nhiễm bệnh, cần phải điều trị kịp thời theo chỉ dẫn của bác sĩ. + Khi bệnh chưa khỏi chưa nên sinh con. Câu 12: a. AIDS là gì? b. HIV xâm nhập cơ thể bằng những con đường nào? c. HIV tấn công cơ thể như thế nào? d. Các biện pháp nào có thể phòng tránh được lây nhiễm HIV? Có nên cách li người bệnh để tránh sự lây nhiễm không? Hướng dẫn trả lời a. AIDS: Là cụm từ viết tắt của thuật ngữ quốc tế, mà nghĩa tiếng Việt là “Hội chứng suy giảm miễn dịch mẳc phải” b. HIV xâm nhập cơ thể bằng những con đường sau: - Xâm nhập qua con đường tình dục. - Xâm nhập qua đường máu: Truyền máu, tiêm chích, các vết loét trên cơ thể... - Xâm nhập từ mẹ sang con qua nhau thai (khi người mẹ bị nhiễm HIV mà vẫn sinh con). c. HIV tấn công cơ thể như sau: - Khi xâm nhập vào cơ thể, HIV tấn công vào tế bào limpho T trong hệ miễn dịch và phá hủy dần hệ thống miễn dịch, làm cơ thể mất khả năng chống bệnh. Vì thế, người bị AIDS có thể bị chết do những bệnh thông thường mà bình thường có khả năng chống lại, những bệnh đó được gọi chung là “bệnh cơ hội” - HIV khi xâm nhập cơ thể có thể kéo dài thời gian từ 2 - 10 năm, trong thòi kì này người bệnh vẫn khỏe mạnh bình thường, không có triệu chứng gì rõ rệt. Vì thế HIV có khả năng lây lan trong cộng đồng là rất lớn. d. Các biện pháp có thể phòng tránh được lây nhiễm HIV là: Đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị đối với HIV, mà chỉ có thể phòng tránh lây nhiễm HIV bằng cách chủ động. - Thực hiện lối sống nghiêm túc, quan hệ một vợ một chồng. - Tránh xa các tệ nạn ma túy, mại dâm. - Khi truyền máu cần tuân thủ đúng nguyên tắc. - Tránh tiếp xúc đến các vết loét trên cơ thể người bệnh. - Khi đã nghi nhiễm bệnh, cần phải đi xét nghiệm kịp thời để tránh lây nhiễm cho người khác. - Khi đã biết mình bị nhiễm HIV thì không nên sinh con. * Không nên cách li người bị nhiễm HIV vì, nếu họ bị cách li thì họ cảm thấy mình bị xã hội bỏ rơi, từ đó họ sẽ có những suy nghĩ tiêu cực làm ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của họ. Hơn thế nữa, nếu chúng ta cách li người nhiễm HIV thì sẽ có nguy cơ làm lây nhiễm HIV nhiều hơn trong cộng đồng,