Nội dung text BẢN MÔ TẢ - BIỆN PHÁP TRÒ CHƠI VẬT LÝ LỚP 10 - MẪU ĐĂK NÔNG.pdf
1 SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐĂK NÔNG Tên đơn vị:............................................... BẢN MÔ TẢ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA SÁNG KIẾN Tên Sáng kiến: “Các hình thức tổ chức trò chơi trong dạy học nhằm nâng cao hiệu quả học tập môn Vật lý lớp 10”. Tên người viết Sáng kiến: Chức vụ: Đơn vị công tác: 1. Thực trạng: Những năm học trước đây, giáo dục ở Việt Nam đa số các tiết học đều sử dụng phương pháp truyền thống, hoạt động học tập thường gây căng thẳng và nhàm chán, giáo viên đọc kiến thức, học sinh lười phát biểu, có thói quen chờ giáo viên giảng rồi chép vào vở. Nhiều em học sinh đã trở nên thụ động, một chiều và lơ là trong học tập, giáo viên không thể điều chỉnh và theo dõi quá trình học cho từng em và không thể tương tác trực tiếp để hỗ trợ các em làm bài. Những năm học gần đây, nhờ những đổi mới, cách cách trong giáo dục mà phương pháp dạy học ngày càng được cải tiến theo hướng tích cực hóa hoạt động nhận thức học tập của học sinh. Bên cạnh việc tổ chức cho học sinh tự học, làm việc nhóm,... thì việc sử dụng trò chơi trong quá trình dạy học cũng là một cách thức hữu hiệu để kích thích tính tích cực nhận thức của học sinh trên lớp. Chơi là một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống. Hầu như tất cả mọi người đều ít nhiều hứng thú với các trò chơi. Trong dạy học ở bậc phổ thông, nếu dựa trên một số nội dung dạy học để thiết kế thành các trò chơi sẽ tạo cho học sinh có hứng thú trong học tập. Thông qua việc tham gia các trò chơi, học sinh được cung cấp kiến thức, rèn luyện kĩ năng một cách tự giác và tích cực.
2 Để thành công trong việc giảng dạy và học môn Vật lý cần rất nhiều yếu tố quyết định như: chương trình, sách giáo khoa, kế hoạch giảng dạy, môi trường học tập, phương pháp giảng dạy của giáo viên, ý thức, thái độ học tập của học sinh. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy học đóng vai trò then chốt. Có thể khẳng định, đổi mới phương pháp giảng dạy chính là việc làm cần thiết và cấp bách hiện nay. Người giáo viên dạy Vật lý cần khôi phục động lực học tập, khơi dậy niềm say mê, tình yêu Vật lý của học sinh. Phương pháp dạy học sử dụng trò chơi là một phương pháp tạo nhiều hứng thú cho người học nhưng đòi hỏi tính sáng tạo cao của người dạy để có thể vận dụng tối ưu phương pháp sử dụng trò chơi trong dạy học. Trò chơi là hoạt động rất quen thuộc, gần gũi và thích thú đối với học sinh nhất là học sinh phổ thông. Trò chơi chứa đựng chủ đề, nội dung nhất định mà người tham gia phải tuân thủ. Trò chơi vừa mang tính chất vui chơi, giải trí, đồng thời cũng có ý nghĩa giáo dưỡng, giáo dục cho học sinh. Theo A.X. Macarenco: “Trò chơi có một ý nghĩa quan trọng trong đời sống trẻ. Trong khi trẻ chơi như thế nào thì sau này khi lớn lên, trong công tác trẻ phần lớn sẽ như thế ấy”. Tổ chức trò chơi được nhiều giáo viên sử dụng như là một phương pháp dạy học tích cực để vận dụng vào hoạt động dạy học, giúp học sinh lĩnh hội kiến thức nhẹ nhàng nhưng lại vui vẻ, thoải mái, làm cho chất lượng dạy học được nâng cao. Đồng thời, thông qua hoạt động trò chơi có thể phát triển ở học sinh các năng lực hợp tác, giải quyết vấn đề, vận dụng kiến thức, sử dụng công nghệ thông tin và sáng tạo... 2. Nội dung sáng kiến: a. Quy trình tổ chức trò chơi trong dạy học Giai đoạn 1: Chuẩn bị trò chơi - Bước 1. Nghiên cứu tài liệu: Giáo viên cần nghiên cứu các nguồn tài liệu sách giáo khoa, sách giáo viên, báo, tạp chí... để định hướng trước trò chơi này sẽ phục vụ cho nội dung nào trong bài, tìm hiểu được cách thức tổ chức trò chơi như thế nào, từ đó giúp tiết học đạt được hiệu quả tốt nhất.
3 - Bước 2. Tìm hiểu kiến thức, kinh nghiệm của học sinh: Giáo viên cần tìm hiểu học sinh đã học và tích lũy được những mảng kiến thức nào, yếu ở nội dung kiến thức nào, hoặc cần nâng cao, mở rộng kiến thức nào, từ đó lựa chọn trò chơi phù hợp với mức độ kiến thức của các em. - Bước 3. Nghiên cứu thực tế: Giáo viên cần biết rõ những điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường, của lớp học, không gian tổ chức trò chơi, những đồ dùng học tập sẵn có hoặc tự làm ra các vật dụng cần thiết phục vụ cho việc tổ chức trò chơi. Giai đoạn 2: Lựa chọn trò chơi, xác định mục tiêu của trò chơi và thời điểm tổ chức. - Bước 4. Lựa chọn trò chơi: Sau khi đã chuẩn bị trò chơi, giáo viên phải lựa chọn một trò chơi để tổ chức cho học sinh. Việc lựa chọn trò chơi phải đáp ứng mục đích, yêu cầu, nội dung của bài học, giúp học sinh lĩnh hội nội dung kiến thức bài học, tạo hứng thú giúp các em tích cực tham gia xây dựng bài và khắc sâu kiến thức; lựa chọn trò chơi cũng phải phù hợp với dung lượng kiến thức bài học, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, vừa sức với học sinh. - Bước 5. Xác định mục tiêu của trò chơi đã chọn, cần trả lời được câu hỏi: Chơi trò này để làm gì? Học sinh học được gì qua trò chơi này? Thông qua trò chơi, học sinh rèn luyện được những kĩ năng gì? Phát triển những năng lực nào?... - Bước 6. Xác định thời điểm tổ chức trò chơi: Tùy vào mục đích của trò chơi và điều kiện thực tế để lựa chọn các thời điểm thích hợp tổ chức trò chơi: Tổ chức trước khi bắt đầu bài học mới hay sau bài học, hoặc sau một chương hay một phần... (Nếu là ôn tập kiến thức cũ, tạo hứng thú và kích thích học sinh chiếm lĩnh kiến thức mới thì nên tổ chức trước bài học. Nếu để khai thác kiến thức mới, giải quyết các vấn đề thực tiễn thì nên tổ chức trong giờ học bài mới. Nếu để mở rộng kiến thức, vận dụng kiến thức đã học thì nên tổ chức sau khi hoàn thành một nội dung bài học hoặc một chủ đề bài học). Giai đoạn 3: Tổ chức trò chơi
4 - Bước 7. Xác định cấu trúc của một trò chơi. Thông thường, cấu trúc của một trò chơi trong gồm những phần như sau: + Tên trò chơi và mục tiêu của trò chơi; + Đồ dùng, vật dụng để đáp ứng đầy đủ cho việc tổ chức trò chơi; + Số người tham gia chơi (chỉ rõ số người tham gia vào trò chơi); + Nêu cách chơi, luật chơi (chỉ rõ quy tắc của hành động chơi, quy định hành động chơi được thiết kế trong thời gian chơi); + Phương pháp đánh giá và quy định thưởng - phạt. - Bước 8. Hướng dẫn cách chơi trò chơi: + Giới thiệu trò chơi (nêu tên trò chơi, hướng dẫn cách chơi bằng cách vừa mô tả vừa thực hành, nêu rõ luật chơi); + Có thể cho học sinh chơi thử, qua đó nhắc lại luật chơi. - Bước 9. Tiến hành chơi (khi học sinh tham gia chơi, giáo viên quan sát, cổ vũ, động viên, khích lệ học sinh; tuy nhiên, giáo viên chỉ hỗ trợ khi cần thiết còn tất cả quá trình chơi phải để học sinh tự trải nghiệm và rút ra những bài học cho riêng mình). - Bước 10. Nhận xét kết quả chơi và đánh giá (Giáo viên chú ý quan sát để nhận xét thái độ của học sinh tham gia chơi. Giáo viên có thể nêu thêm những tri thức được cung cấp qua trò chơi, những sai sót cần khắc phục và sửa chữa); Đánh giá và thưởng - phạt rõ ràng, đúng luật, công bằng sao cho học sinh chấp nhận, thoải mái, tự giác thực hiện, giúp trò chơi thêm hấp dẫn, kích thích hứng thú trong học tập (Giáo viên cần chọn những hình phạt đơn giản, vui tươi, không gây áp lực, nguy hiểm để trò chơi phát huy được hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối. b. Một số trò chơi áp dụng Trò chơi 1: Trò chơi “Mảnh ghép” Yêu cầu: Ghép các mảnh ghép vào đúng vị trí tạo ra hình ảnh như hình mẫu, đồng thời trả lời được các câu hỏi hoàn chỉnh có trong mỗi mảnh ghép. Mục đích: Rèn luyện cho học sinh sự nhạy bén, nhanh tay, nhanh mắt, phát triển năng lực giải quyết vấn đề, tư duy logic.