Nội dung text 200.1_TRIET HOC TON GIAO - DAU VAN HONG.pdf
Paul ĐẬU VĂN HỒNG TRIẾT HỌC TÔN GIÁO LÝ TRÍ ĐỐI DIỆN VỚI SỰ KIỆN TÔN GIÁO Tài liệu triết học Lưu hành nội bộ ĐCV Sao Biển 2002 - 2003 o Giảng trình “Triết Học Tôn Giáo” tại Đcv Sao Biển niên khóa 2002-2003, do các học viên khóa V ghi lại. o Nguồn tham khảo chính: 1. Jean GREISCH, Le Buisson ardent et les lumières de la raison, L‟invention de la philosophie de la religion. Tome I, Cerf, Paris, 2002 2. Jean GREISCH, La philosophie de la religion devant le fait chrétien, trong Introduction à l’étude la théologie (sous la direction de Joseph Doré), I, Desclée, Paris, 1991, tr. 243- 574
Mục đích của phần dẫn nhập này là để phác họa sơ qua về đối tượng và về những phận vụ của bộ môn triết học tôn giáo. I. TÔN GIÁO, MỘT VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC. A. Tôn Giáo: từ ngữ và nội hàm Ngay từ thời thượng cổ, từ religio trong tiếng Latinh đã được nhiều tác giả phân tích và chiết tự, trong số đó, đặc biệt có Cicéron, Lactance và cả thánh Augustinô. Những suy diễn bằng cách dựa vào nguyên ngữ đã men theo 2 nẻo khác nhau, tuỳ theo động từ làm khởi điểm: hoặc relegere hoặc religare. Người ta tìm gặp động từ thứ nhất nơi Aulu-Gelle trong câu nói: “religentem esse opportet, religiosus ne fias”, có thể dịch thoáng là “cần phải bén nhạy về lương tâm chứ không nên bối rối”. Trong cùng một chiều hướng, Cicéron suy diễn về nguyên ngữ của từ religio và cho rằng động từ nguyên thuỷ là động từ relegere (“đọc lại”) vốn dĩ diễn đạt sự chu toàn một cách chăm chú các nghi thức và tập tục, nghĩa là toàn bộ những chỉ thị được ban bố trong tôn giáo của người La mã. Cicéron đưa ra định nghĩa: “Tôn giáo chính là sự kiện dồn mối quan tâm cho một bản chất cao cả hơn bản chất con người, gọi là bản chất thần thiêng, và tiến dâng phụng tự lên bản chất ấy” 1 . Là kitô hữu sống vào thời Đại đế Constantinô, Lactance (250-317) lại đặc biệt nhấn mạnh mối dây nối kết người tín hữu Kitô với Thiên Chúa của mình2 . Động từ nguyên thuỷ nay trở thành động từ religare (“nối kết lại”). Hiểu theo nghĩa này, tôn giáo chính là nghệ thuật thiết lập những mối liên kết giữa con người với các thần minh hay với Thiên Chúa theo chiều dọc, giữa những con người nam nữ cùng chia sẻ một niềm tin tôn giáo theo chiều ngang. Những sử gia chuyên nghiên cứu các tôn giáo như Otto, Hofmann, Benveniste, không quên móc nối nguyên ngữ của từ tôn giáo với động từ relegere, nhằm nhấn mạnh vào sự kiện tin cậy vào một ai đó: tôn giáo tự nền tảng sẽ là “chuyện của tín nhiệm và của tin cậy”. Từ một vài dữ kiện về ngôn ngữ trên đây, chúng ta có thể nêu dẫn 3 lời ghi chú khá lý thú về mặt triết học: 1. Giữa việc suy diễn về nguyên ngữ với tôn giáo thể hiện trong cuộc sống, dường như có một vòng tròn diễn giải luận bất khả tránh né. Cicéron dựa trên bối cảnh mặt-hậu là một số đặc điểm trong tôn giáo của người Lamã. Những suy diễn của Lactance và của Augustinô thì gắn liền với kinh nghiệm về mối dây thắm thiết nối kết người tín hữu Kitô (cũng như nối kết người Dothái) với Thiên Chúa Hằng Sống của Giao ước. 2. Từ religio trong tiếng Latinh vốn dĩ bám chặt vào những tập tục và những định chế tôn giáo của người Lamã đến như thế mà lại đã đạt được một thành quả phải nói là hiển hách, nhãn tiền: đây quả là một điều đáng cho chúng ta ngạc nhiên. Sau khi được sàng lọc bởi các ngôn ngữ Tây phương, kể từ nay từ religio dường như kết tụ được nơi duy chỉ mình nó toàn bộ những ý nghĩa của hiện tượng tôn giáo. Thật ra, theo như Ernst Feil3 chứng minh trong tác phẩm dầy công bàn về lịch sử hiện đại của từ ngữ tôn giáo, chỉ gần đây, khi thời hiện đại bắt đầu, tầm vóc bao quát của từ religio mới dần dà được ghi nhận. Nếu không có sự thành đạt về ngữ nghĩa này, triết học tôn giáo chắc hẳn khó chiếm được vị thế đáng kể như ngày nay. 3. Tuy nhiên sự thành đạt chúng ta vừa nêu không khỏi kéo theo những trắc trở: trong lãnh vực “triết học tôn giáo”, dễ dầu gì chúng ta nói được rằng mọi nẻo đường đều dẫn về Lamã, nghĩa là khái 1 Cicéron, De Inventione II, tr. 53 2 x. Lactance, Divinae Institutiones IV, tr. 28 3 Ernst FEIL, Religio, vol I-II, Gưttingen, Vandenhoeck & Ruprecht.
niệm tôn giáo chắc gì phải nhất nhất vậy mượn khuôn nhào nặn của từ “religio”. Một số vị tiên phong trong lãnh vực lịch sử các tôn giáo như F.M.Mlér đã ghi nhận rằng trong tiếng phạn (sanscrit) người ta không tìm được từ ngữ nào tương ứng với từ “religio” và người ta buộc phải nại tới nhiều thành ngữ khác tuỳ theo khía cạnh người ta muốn nhấn mạnh, chẳng hạn khía cạnh nghi thức phụng tự (dharma: luật, lệnh, phong tục), khía cạnh lắng nghe (sruti), khía cạnh tín nhiệm và bái phục (bhakti), khía cạnh tin tưởng (sraddha). Trong tiếng Hylạp cũng có sự phân nhánh, chẳng hạn với các thành ngữ: nomos, eusebia (sùng mộ), aidos (kính trọng, e ngại), latreia (thờ phượng).... B. "Tôn Giáo Tự Nhiên", một khái niệm cơ bản gây nhiều tranh cãi Thành ngữ "tôn giáo tự nhiên" bắt nguồn với Cicéron, với Sénèque và đạt tới mức thịnh hành vào thời Ánh Sáng với các tác giả như Samuel Reimarus (1694-1768), Gotthold Ephrạm Lessing (1729-1781). Thành ngữ này rất phức tạp và phong phú chứ không đơn giản nghèo nàn như ngày nay một đôi khi người ta lầm tưởng khi nêu lên với thái độ diễu cợt. Nếu đối thoại liên tôn mới được cổ võ cách nay vài thập niên, thì từ lâu nhu cầu đối thoại này đã được các triết gia cảm nghiệm một cách sâu sắc qua thể văn đối thoại mà họ dùng để diễn đạt những suy tư về tôn giáo. 1. Tác phẩm Bàn Về Bản Chất Các Thần Minh của Cicéron diễn lại cuộc đối thoại giữa ba trường phái triết học Hy Lạp: Velleius thuộc phái Epicure, Balbus, nhà khắc kỷ và Cotta vừa là thủ lãnh quốc gia vừa là phát ngôn viên của phái Tân-Academos, một trường phái triết học đượm sắc hoài nghi, được Cicéron lựa chọn. Cả ba nhân vật đều nại tới khái niệm "tiền-niệm" (pré-notion) của Epicure và khái niệm "phổ-niệm" (notion-commune) của phái khắc kỷ và cả ba đều tìm cách nêu lên những điểm hoà hợp hữu lý trong một bộ môn mà các ý kiến phải nói là khác biệt nhau đến mức dữ dội. Bởi đó, không thể không đạt tới chỗ đồng tình với nhau, ít ra một cách tối thiểu. Cuối cuộc đối thoại, họ đã đồng ý với nhau về bốn điểm sau: (1) Niềm tin vào sự hiện hữu của các thần minh; (2) Sự xác nhận rằng Thiên Chúa tối cao cũng đồng thời là Lý Tính Phổ Quát; (3) Sự hiện hữu của một Trí Tuệ Tối Thượng là trí tuệ kiến tạo, bảo tồn và cai quản thế giới; (4) Sự hiện hữu của một nguồn quan phòng chung, đảm trách trật tự thế giới và một nguồn quan phòng riêng, chăm lo những vụ việc nhân trần. Giả thuyết về sự hiện hữu của một tôn giáo tự nhiên (Herbert de Cherbury quy gom về năm điểm cơ bản của niềm tin: có một Đấng Tối Cao; phải dành cho Đấng ấy những lễ nghi phượng tự; nối kết nhân đức với lòng sùng mộ; những lỗi phạm cần sự thống hối; có hình phạt dành cho những lỗi phạm sau cái chết) không chỉ có lợi về mặt lý thuyết . Giả thuyết ấy còn mang lại những ưu thế về mặt thực hành, giúp biến đổi cái nhìn đối với các tôn giáo nơi các đô thị và đối với các buổi cử hành tế tự diễn ra tại đó. Cho dầu ý niệm “tôn giáo tự nhiên” bao hàm ý niệm sùng mộ, phải hiểu tôn giáo ở đây là tôn giáo đã thủ đắc được truyền thống soi dẫn, thì mới có vấn đề ấn định những hình thức phượng tự riêng biệt như vậy. Vì thế, thái độ cần thiết tự căn cơ phải là thái độ khoan nhượng đối với tính đa dạng của các việc thực hành phượng tự. 2. Trong tác phẩm Cuộc Đối Thoại Giữa Một Triết Gia, Một Người Do Thái Và Một Kitô Hữu (1141), Pierre Abélard (1079-1142) lặp lại cùng một luận đề và dời chuyển luận đề ấy vào trong bối cảnh Kitô giáo. Abélard đã viết tác phẩm đối thoại này tại Cluny vào năm cuối đời (1142). Tác phẩm này có thể nói đã tạo một bước ngoặt trong lịch sử triết học của vùng nói tiếng Latinh. Bởi vì đây là lần đầu tiên có sự tranh cãi giữa một triết gia Ả rập với một người Do Thái và một Kitô hữu. Loại hình văn chương của tác phẩm là một thị kiến ban đêm. Trong thị kiến ấy Abélard được mời làm trọng tài phân xử cho ba người thờ phượng cùng một Thiên Chúa duy nhất. Abélard ý thức mãnh liệt rằng nếu tự đắc cao ngạo, các môn sinh của một tôn giáo đặc thù chắc chắn không tránh khỏi gạt bỏ những người không cùng chung chia một niềm tin với mình ra ngoài lòng nhân ái của Thiên Chúa và quy gán cho họ án phạt muôn đời. Abélard tìm cách đưa luật tự nhiên lên hàng tối thượng: đó là luật liên quan đến tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Abélard đề nghị một tiến trình gồm ba giai đoạn dành cho tâm thức tôn giáo: giai đoạn I là tuân theo luật tự nhiên thuần tuý.