Nội dung text 2. Trách nhiệm hình sự, Tiếp cận chính sách - Gs.Ts. Võ Khánh Vinh & Ts. Võ Khánh Linh.pdf
1 TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ: TIẾP CẬN CHÍNH SÁCH Võ Khánh Vinh Võ Khánh Linh Tóm tắt Trách nhiệm hình sự là một trong những nội dung quan trọng của chính sách pháp luật hình sự của mọi quốc gia, được thể hiện cả trong hệ thống tri thức khoa học về trách nhiệm hình sự, trong học thuyết quốc gia về phòng, chống tội phạm và trong hoạt động thực tiễn phòng, chống tội phạm. Bài viết này bước đầu tìm hiểu cách tiếp cận chính sách về trách nhiệm hình sự trong giai đoạn phát triển mới ở nước ta. Từ khoá: Trách nhiệm hình sự; chính sách về trách nhiệm hình sự. Đặt vấn đề Trách nhiệm hình sự là một trong những vấn đề cơ bản, trọng tâm, xuyên suốt của luật hình sự, khoa học luật hình sự, được các nhà khoa học và thực tiễn quan tâm đặc biệt ở phương diện lý luận, điều chỉnh pháp luật và thực tiễn áp dụng. Vấn đề trách nhiệm hình sự, từ trước đến nay, được khoa học luật hình sự nước ta quan tâm từ phương diện pháp luật hình sự thực định, được luận giải dưới dạng chung nhất và dưới các dạng cụ thể của nó tương đối đầy đủ, có hệ thống1 . Trong điều kiện phát triển hiện nay của xã hội, có nhiều yếu tố tác động đòi hỏi phải có nhận thức mới về trách nhiệm hình sự nói chung và những vấn đề cụ thể của nó nói riêng. Đó là các xu hướng phát triển của tình hình tội phạm, sự biến đổi của các hành vi phạm tội, sự xuất hiện chủ thể mới của tội phạm, sự thay đổi trong Giáo sư, Tiến sĩ, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Tiến sĩ Võ Khánh Linh, Trường Đại học Thăng Long. 1 Ví dụ, xem: Nguyễn Ngọc Hoà (2001), Trách nhiệm hình sự và hình phạt, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội; Nguyễn Ngọc Hoà (2014), “Trách nhiệm hình sự của chủ thể là tổ chức và vấn đề sửa đổi Bộ luật hình sự Việt Nam”, Tạp chí Luật học, số 12/2014; Nguyễn Ngọc Hoà (2016), “Khái niệm tội phạm và việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại trong BLHS Việt Nam năm 2015”, Tạp chí Luật học, số 2/2016 và các công trình khác.
2 các đặc điểm nhân thân người phạm tội, xu hướng phát triển của pháp luật hình sự, khả năng của xã hội trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Trách nhiệm hình sự không chỉ là vấn đề pháp lý hình sự đơn thuần mà còn là vấn đề mang tính triết học, đạo đức, xã hội học, chính sách và các phương diện khác, do vậy, cần phải có cách tiếp cận đa phương diện, liên phương diện, tích hợp phương diện để nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc hơn về vấn đề này. Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đưa ra những tư tưởng, quan điểm, định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật nói chung, trong đó có chính sách pháp luật về tư pháp, bao gồm chính sách pháp luật về hình sự. Đây là cơ sở chính trị để triển khai việc nghiên cứu trách nhiệm hình sự dưới phương diện chính sách hình sự, trong đó có chính sách pháp luật hình sự, bởi vì chính chính sách hình sự gắn liền chặt chẽ với chủ trương của Đảng về phòng, chống tội phạm. Bài viết này, bằng cách tiếp cận chính sách, bước đầu tìm hiểu trách nhiệm hình sự dưới phương diện chính sách, hay nói cách khác, tìm hiểu chính sách pháp luật hình sự về trách nhiệm hình sự, với tư cách là một cách tiếp cận chính sách pháp luật hình sự cùng đồng hành với cách tiếp cận pháp luật hình sự thực định về trách nhiệm hình sự trong điều kiện mới để cùng nhau thảo luận. 1. Quan niệm về chính sách trách nhiệm hình sự Chính sách về tội phạm và tội phạm có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chính sách về tội phạm là tiền đề, điều kiện của nhận thức và quy định về tội phạm. Có quan niệm chính sách như thế nào về tội phạm thì có quan niệm pháp luật như thế ấy về tội phạm. Quan niệm chính sách về tội phạm, ở một nghĩa nhất định, có trước quan niệm thực định về tội phạm. Đến lượt mình, quan niệm thực định về tội phạm là cơ sở pháp lý hình sự của chính sách về tội phạm. Quan niệm chính sách về tội phạm và quan niệm thực định về tội phạm có mối liên hệ biện chứng với nhau2 . 2 Xem: Võ Khánh Vinh (2024), “Cơ sở pháp lý hình sự của chính sách hình sự”, Tạp chí Nghề luật, số 3/2024.
3 Trách nhiệm hình sự gắn liền với tội phạm, là hệ quả của tội phạm, quan niệm về trách nhiệm hình sự gắn liền với quan niệm về tội phạm, quan niệm về chính sách trách nhiệm hình sự gắn liền với quan niệm chính sách về tội phạm. Chẳng hạn, khi quan niệm chính sách về chủ thể của tội phạm (một trong các yếu tố của cấu thành tội phạm) được thay đổi thì quan niệm chính sách về trách nhiệm hình sự cũng được thay đổi. Trước đây, chính sách pháp luật hình sự của nước ta chỉ coi cá nhân (thể nhân) là chủ thể thì trách nhiệm hình sự chỉ được quy định đối với cá nhân, còn hiện nay chính sách pháp luật hình sự của nước ta không chỉ coi cá nhân mà còn pháp nhân thương mại phạm tội là chủ thể của tội phạm thì trách nhiệm hình sự được quy định cả đối với cá nhân lẫn pháp nhân thương mại phạm tội. Trước hết, đó là sự thay đổi trong chính sách pháp luật hình sự về chủ thể của tội phạm, sau đó mới được thể hiện trong Bộ luật Hình sự hiện hành của nước ta (Chương XI BLHS). Quan niệm chính sách về tội phạm, quan niệm pháp luật về tội phạm được thay đổi thì quan niệm chính sách về trách nhiệm hình sự, quan niệm pháp luật về trách nhiệm hình sự cũng được thay đổi theo. Hiện nay, trong sách báo pháp lý hình sự nước ta có những định nghĩa khác nhau về trách nhiệm hình sự dưới phương diện pháp lý hình sự. Nhưng dưới dạng khái quát nhất, có thể hiểu trách nhiệm hình sự là một loại quan hệ pháp luật đặc biệt phát sinh khi có hành vi phạm tội xẩy ra giữa một bên là Nhà nước và bên kia là người phạm tội, trong đó Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền của mình có quyền áp dụng bằng biện pháp cưỡng chế chế tài hình sự đối với người phạm tội và người phạm tội phải có nghĩa vụ phải chịu hậu quả bất lợi (được quy định trong chế tài hình sự) do việc thực hiện hành vi phạm tội 3 . Đây là định nghĩa thực định về trách nhiệm hình sự. Vậy, dưới phương diện chính sách pháp luật hình sự, trách nhiệm hình sự được hiểu như thế nào? Nói đến chính sách công nói chung, chính sách pháp luật nói riêng, theo quan điểm đương đại, là nói đến lĩnh vực tri thức về vấn đề nhất định, nói đến học thuyết (hệ quan điểm) quốc gia về vấn đề nhất định là khách thể, đối tượng của chính sách, 3 Võ Khánh Vinh (Chủ biên, 2008), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), in lần thứ 3 có sửa đổi, bổ sung, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, tr.110.
4 là hoạt động hay hành động nhất định trong lĩnh vực chính sách. Chính sách hình sự, trong đó có chính sách pháp luật hình sự là chính sách công, cũng được hiểu theo logic nói đó. Do vậy, với tư cách là một trong những nội dung quan trọng của chính sách pháp luật hình sự của mọi quốc gia, chính sách về trách nhiệm hình sự được thể hiện cả trong hệ thống tri thức khoa học về trách nhiệm hình sự, trong học thuyết quốc gia về trách nhiệm hình sự và trong hoạt động thực tiễn xây dựng và thực hiện trách nhiệm hình sự. Nói cụ thể hơn, chính sách về trách nhiệm hình sự thể hiện hệ thống tri thức khoa học về trách nhiệm hình sự, hệ quan điểm, hoạt động của Nhà nước (và trong điều kiện hiện nay có lẽ của cả xã hội) trong việc xây dựng và thực hiện trách nhiệm hình sự. Đây là quan niệm đương đại về chính sách trách nhiệm hình sự, mang tính tích hợp giữa tri thức, học thuyết và hoạt động xây dựng và thực hiện trách nhiệm hình sự, phản ánh hiện thực khách quan về trách nhiệm hình sự (hay trách nhiệm hình sự trong hiện thực), phúc đáp nhu cầu phòng, chống tội phạm trong điều kiện hiện nay. Chính sách về trách nhiệm hình sự là hệ quan niệm về mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, công cụ, phương tiện thực hiện trách nhiệm hình sự và những vấn đề khác có liên quan. Hệ quan niệm đó được thể hiện cả trong tri thức khoa học về trách nhiệm hình sự, trong học thuyết quốc gia về trách nhiệm hình sự và trong hoạt động thực tiễn xây dựng và thực hiện trách nhiệm hình sự. 2. Mục tiêu và phương tiện của chính sách về trách nhiệm hình sự Đây là vấn đề mới. Vấn đề trước hết được đặt ra và cần phải được trả lời là việc thiết lập và thực hiện trách nhiệm hình sự là nhằm mục tiêu gì? Mọi chính sách đều có mục tiêu nhất định. Chính sách, về bản chất, là hoạt động mang tính hướng đích, sử dụng các phương tiện (công cụ) tương ứng để đạt được các mục tiêu nhất định. Các mục tiêu và các phương tiện là những yếu tố rất quan trọng trong hoạt động sống của chính sách, là những thuộc tính của nó4 . Mục tiêu trong chính sách là hình thức hiểu biết đặc thù về đời sống chính sách, đổi mới đời sống chính sách, sự biến đổi các quan hệ chính sách đang tồn tại. 4 Xem: Võ Khánh Vinh (2020), Chính sách pháp luật: Lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.219 – 276.