Nội dung text A 266 Lịch Sử Truyền Giáo Tại Việt Nam Toàn Tập - Lm.Nguyễn Hồng.pdf
LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM - TOÀN TẬP TÁC GIẢ : LINH MỤC NGUYỄN HỒNG Tài liệu dược đăng tải trên trang WWW.DUNGLAC.ORG SƯU TẦM VÀ CHUYỂN THÀNH EBOOK PDF : NGÔ ĐỨC KHẢI LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM (TẬP 1) MỤC LỤC LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN 1615-1665 Chương 1 Những Bước Đầu của Giáo Hội Việt Nam. Chương 2 Cha Buzomi, Tông Đồ Xứ Nam Chương 3 Cha Đắc Lộ, Tông đồ Xứ Bắc. Chương 4. Giáo Đoàn Kẽ Chợ với Những Thủ Lãnh Đầu Tiên. Chương 5. Cha Đắc Lộ Trở Lại Xứ Nam và Công Cuộc Truyền Giáo Ở Đó.
Chương 6. Cha Đắc Lộ Với Những Trang Sử Đẫm Máu Đầu Tiên Của Giáo Đoàn Xứ Nam. Chương 7. Xứ Bắc, Các Thừa Sai Dòng Tên Sau Cha Đắc Lộ Chương 8. Xứ Nam, Các Thừa Sai Dòng Tên Sau Cha Đắc Lộ (1646-1665) Chương 9. Nhìn Lại 50 Năm Truyền Giáo của Các Thừa Sai Dòng Tên. CHƯƠNG 1 NHỮNG BƯỚC ĐẦU CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM I. GIÁO HỘI VIỆT NAM TRƯỚC THẾ KỶ XVI 1. Công cuộc truyền giáo Vùng Đông – Á trước thế kỷ XVI Trước khi lên trời Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ sứ mệnh truyền giáo: “Chúng con hãy đi giảng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh thần”. Trung thành với sứ mệnh, trong vòng không đầy một nửa thế kỷ sau, hầu hết các đô thị lớn của đế quốc Roma và Hy Lạp thời đó đã được nghe rao giảng tin lành. Đi xa hơn cả, thánh Tôma đã tới Ấn Độ. Sau khi đã đưa được nhiều vua chúa và dân chúng trở lại, vị tông đồ đã minh chứng tin lành bằng máu tử đạo của mình. Công cuộc truyền giáo và tử đạo của Ngài đã được tất cả các tử đạo lục nói đến. Năm 1548, người ta đã khám phá ra mộ của Ngài ở Méliapour có hình thánh giá và bảng ghi chú.[1] Theo nhiều tác giả, công cuộc truyền giáo của Ngài được một số môn đệ và nhất là các thừa sai ở Ba tư đến tiếp tục. Trước thế kỷ IV, tòa tổng Giám mục “Catholicos Seleucie Ctésiphon” đã có nhiều địa phận thuộc hạt trong vùng Đông Á, như đảo Socotora, Tích Lan, miền Malabar thuộc Ấn độ và bao trùm cả những giáo đoàn vùng Tartaria và Trung Quốc.[2] Năm 1625 ở Tây ngân phủ, người ta khám phá ra bia đá 1700 chữ, trên đầu có hình thánh giá, kể công cuộc truyền giáo do Olopen chỉ huy vào đầu thời kỳ nhà Đường (618-907). Theo lời ghi chú trong bia thì “năm 635, dưới triều nhà Đường có nhiều tây giang đạo trưởng do Olopen dẫn đầu đến truyền đạo Cơ Đốc, mang theo nhiều sách vở và ảnh tượng”. Tiếp theo kể các mầu nhiệm của đạo và tường trình sự tiếp đãi tử tế của vua nhà Đường, công cuộc truyền giáo tiến triển, xây dựng các nhà thờ, rồi bị bách hại . . . Cuối cùng kết luận: “Bia này làm để ghi lại cho muôn đời sau nhớ những việc đã xảy ra đó, dựng năm 782” nghĩa là gần 150 năm sau khi công cuộc truyền giáo của Olopen được mở đầu.[3] Qua một vài di tích trên đây về những bước đầu công cuộc truyền giáo vùng Đông – Á, từ thế kỷ XIII, chúng ta có những tài liệu chắc chắn và đầy đủ hơn. Đó là công cuộc truyền giáo ở Trung Quốc dưới triều nhà Nguyên. Mông cổ, một dân tộc hiếu chiến và hung dữ, ở vào khoảng thượng lưu Hắc-long giang. Dưới quyền chỉ huy của Thiết Mộc Chân (Témoudjine) tức Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) Nguyên thái tổ, những đoàn kị binh thiện chiến người Mông Cổ xâm chiếm cả vùng Trung Á, Ba Tư và đe dọa các nước Phương Tây. Thành Cát Tư Hãn mất, người con thứ ba là A loa đài (Agotai) lên thay, hiệu Nguyên Thái Tông. Công cuộc chinh phục miền tây vẫn tiếp tục. Dưới quyền chỉ huy của Bathou, cháu Thành Cát Tư Hãn, quân Mông Cổ xâm chiếm nước Nga, Ba Lan và tiến vào biên thùy nước Đức, đi đến đâu phá
phách, giết hại vô kể. Các nước Âu Châu đều rùng mình lo sợ [4]. Đức Thánh Cha Innocentê IV và vua thánh Louis, nước Pháp, sai sứ sang Mông Cổ. Sứ giả là các cha dòng thánh Phanxicô và Đa Minh. Một cuộc hành trình đầy vất vả và gian lao qua các nước Âu Châu, sang Ba Tư, Tiệp Khắc, vùng Chaldêô, Ấn Độ, Trung Hoa, mới đến Mông Cổ. Một nửa các sứ giả kiêm thừa sai đã chết nửa đường. Lúc đó A loa đài Nguyên Thái Tông đã mất. Con là Quí Do (Gouyouk) tức Nguyên Định Tông lên thay. Đứng đầu phái đoàn là Jean de Plan Carpin, trong buổi yết kiến ngày 12 tháng 7 năm 1246, đã trách Quí Do những cuộc xâm chiếm phá phách, giết hại của quân Mông Cổ. Quí Do sai sứ đề nghị đem quân giúp vua Louis trong cuộc nghĩa binh chiếm lại đất thánh. Ba năm sau (1249) vua Louis sai cha dòng thánh Đa Minh André de Longjumeau dẫn đầu sứ đoàn sang thương ước đồng minh với Nguyên Định Tông, đem theo nhiều lễ vật quí giá. Nhưng không may, Quí Do làm vua được ba năm thì chết, ngôi vua Mông Cổ về chi họ khác. Người em con chú (Bakhou) là Mông Kha (Mangouk hay Ergaltai) lên làm vua, tức là Nguyên Hiến Tông. Công cuộc chinh phục vẫn tiếp tục. Ngừng ở phía tây, quân Mông Cổ dưới quyền chỉ huy của Hốt-Tất-Liệt (Koubilai) đi chinh phục tất cả vùng Trung Quốc của nhà Tống, đe dọa lãnh thổ Việt Nam [5]. Năm 1251, đáp lại thư của Mông Kha sẵn sàng bắt tay với nhà vua để đánh quân Sarasinô, vua Louis sai hai cha dòng Thánh Phanxicô, Guillaume de Ruysbroeck [6] và Barthélémy de Cremone. Tất cả các cha dòng Thánh Phanxicô và Đa Minh đi sứ giả cùng đều mang sứ mệnh truyền giáo. Tìm cách để lôi cuốn vua Mông Cổ và triều thần nhà vua trở lại đạo, các Ngài đã gặp những vướng trở gây ra do các giáo dân thuộc giáo phái Nestorianô bắt làm tù binh đưa về kinh đô nhà Nguyên. Không những đời sống không xứng danh người có đạo của họ làm cho người Mông Cổ khinh chê đạo, họ còn dùng mọi mánh lới vu cáo để cản trở công cuộc truyền giáo của Giáo hội Công giáo. Cũng như sau này chúng ta sẽ thấy những người theo thệ phản giáo đã gây ra biết bao vướng trở và bách hại ở Nhật, Trung Quốc và nhiều nơi khác. Các Ngài đành phải trở về, sau những cuộc hành trình đầy gian lao nguy hiểm. Tuy không đạt được đích truyền giáo, những ít nhất cũng ngăn lại làn sóng xâm lăng của nhà Nguyên trên những nước Âu Châu. Năm 1261, hai thương nhân thành Venêtia, Nicolas và Matteo Polo tới Trung Quốc được vua nhà Nguyên tiếp đãi tử tế. Lúc đó Mông Kha đã mất, Hốt Tất Liệt lên thay, hiệu là Nguyên Thế Tổ (Che-tsou). Muốn kết tình bang giao với Cha Chung của thế giới Công giáo, Thế Tổ sai một sứ giả theo hai thương gia họ Polo sang Rôma yêu cầu phái các thừa sai sang truyền giáo. Giữa đường sứ giả mất. Để đáp lại thịnh tình, Đức Thánh Cha sai hai cha dòng thánh Đa Minh sang. Nhưng giữa đường cả hai lâm bệnh phải trở về, chỉ có hai thương gia họ Polo là tới nơi, lần này thêm cả Marco Polo, con của Nicolas.[7] Không ngã lòng, năm 1288, Đức Thánh Cha Nicolas IV sai cha Jean de Montcorvin, dòng thánh Phanxicô với chức Khâm sai đại diện đến triều Thế Tổ, mang theo cả ủy nhiệm thư gửi vua Ấn Độ, vua Ba Tư và cả cho các thượng chủ giáo phái Nestorianô. Người cộng tác của cha là cha Nicolas de Pistoia. Qua Ấn Độ 13 tháng trời, rửa tội được gần 100 người, cha Nicolas ngã bệnh qua đời, chỉ có một mình cha Jean de Montcorvin là tới nơi [8]. Kinh đô nhà Nguyên lúc đó ở Cambalik (Bắc Kinh). Cha được Nguyên Thế Tổ tiếp đãi long trọng. Nhưng trong 5 năm đầu, cha bị những người thuộc giáo phái Nestorianô dùng mánh lới vu cáo làm cản trở. Nhưng chân lý đã chiến thắng, chiến thuận vu cáo bị phơi ra ánh sáng, một số bị kết án phát lưu. Công cuộc truyền giáo từ đó kết quả mau chóng: Cha xây cất hai thánh đường, mở một số trường cho trẻ em hơn 150 học
sinh công giáo. Số giáo dân lên tới sáu ngàn và nếu có nhân viên cộng tác có thể tới 3 vạn, trong đó có hoàng thân Georges, vua Karakorum, kinh đô của nhà Nguyên. Cha viết thư về Rôma yêu cầu phái thêm nhân viên cộng tác. Được thư của cha ngày 8-1-1305, Đức Thánh Cha Clementê V đáp lại một cách rộng rãi. Năm 1307, Ngài lập địa phận tổng hạt ở Cambalik và đặt cha Jean de Montcorvin làm tổng Giám Mục đứng đầu các khu truyền giáo ở Đông- Á. Bảy cha dòng thánh Phanxicô được sắc phong làm Giám Mục, để qua Trung Quốc cộng tác với Đức cha Jean de Montcorvin và sắc phong Giám Mục cho Ngài. Nhưng ba vị bị chết dọc đường, một vị phải trở lại Ý, chỉ có Đức cha Gerardo, Pérégrino và Andrea di Perusia là tới nơi (1308). Năm 1312, Đức Thánh Cha lại sai thêm 3 Đức cha Tomasô, Hierônimô và Pietro di Firenza sang thay thế những vị đã chết dọc đường. Công cuộc truyền giáo mỗi ngày thêm kết quả, nhiều nhà thờ các họ được cất lên. Theo cha Odorico de Perdenone, sống 3 năm bên Đức cha Jean de Montcorvin và đã rửa tội được gần hai vạn người, thì nhiều tu viện thánh Phanxicô được xây cất trong khắp Trung Quốc. Tính đến năm 1333, lúc Đức Cha Jean de Montcorvin qua đời, số giáo dân lên tới 10 vạn, nguyên mình ngài đã rửa tội được 3 vạn.[9] Đồng thời hoạt động truyền giáo của các cha dòng thánh Đa Minh ở Ba Tư, Tiệp Khắc và Ấn Độ cũng được nhiều kết quả. Nhưng từ năm 1368 khi nhà Nguyên bị đổ, nhà Minh lên cầm quyền. Nhà vua ra lệnh triệt hạ các nhà thờ, cấm đạo. Công cuộc truyền giáo đang lên bị sụp đổ tai hại [10]. Các thừa sai dòng thánh Phanxicô cố đương đầu được ít lâu. Nhưng năm 1410, việc trông coi địa phận tổng hạt Cambalik giao lại cho tổng giám mục Sultanyck của các cha dòng thánh Đa Minh. Cuộc chinh phục của Tamerlan trong các vùng Caspienne và Ấn Độ, đưa Islam lên đài chiến thắng thì tòa tổng giám mục đó từ sau giữa thế kỷ XV cũng bị tan vỡ [11]. Phải chờ sang đầu thế kỷ thứ XVI, với những cuộc khám phá và chinh phục “thế giới mới” của hai nước Bồ và Tân Ban Nha, sự xuất hiện Dòng Tên trên trường hoạt động truyền giáo với thánh Phanxicô Xavie, công cuộc truyền giáo vùng Đông Á mới được tiếp tục. 2. Giáo Hội Việt Nam trước thế kỷ XVI. Nói đến công cuộc truyền giáo của các thừa sai ngoại quốc ở Việt Nam trong thời kỳ đầu, lịch sử Việt Nam chỉ để lại một tài liệu trong cuốn Khâm Định Việt Sử [12]: “Năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua Lê Trang Tôn nhà Lê (1532-1533) có một người Tây phương (dương nhân) tên là I-nê-khu, đi đường bể lén vào giảng đạo Gia Tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân (Tức Nam Trực) và ở Làng Trà Lũ, thuộc huyện Giao Thủy (về miền Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình ngày nay)”. Sự thiếu sót trong tài liệu Việt sử không làm chúng ta bỡ ngỡ, vì các nhà làm sử của nước ta phần nhiều là ở Quốc sử quán của nhà vua, trong việc ghi chép chỉ chú trọng những công việc của triều đại, còn những vấn đề khác, nhất là việc vua quan không tán thành thì rất ít ghi lại. Nhưng đứng về phương diện khác thì nó lại là một tài liệu cổ kính hơn cả về giai đoạn truyền giáo đầu thế kỷ XVI. Chúng ta biết rằng từ đầu thế kỷ XVI, tàu buôn người Bồ đã bắt đầu đi lại buôn bán với người Việt và cũng đã có thừa sai Tây phương theo tàu buôn của họ vào truyền giáo cho dân chúng Việt Nam. Nhưng hầu hết tài liệu các Ngài để lại đều thuộc về nửa sau thế kỷ XVI, lúc mà tàu buôn người Bồ đã đi lại buôn bán đều đều và nhiều tổ chức truyền giáo đã được thành lập trong vùng Đông Á.