Nội dung text 262.13 - TVTT0002211 - Nhật Kí Tâm Hồn - Đức Giáo Hoàng Gioan 23 - Gioan 23 - Trần Văn Thông - Senatus.pdf
ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN XXIII NHẬT KÝ TÂM HỒN Bản Việt ngữ của linh mục Trần Văn Thông Linh mục Trăng Thập Tự cập nhật theo ấn bản Senatus 1970 và bản Pháp ngữ của Ed. Du Cerf, 1964. LỜI NGỎ CỦA NGƯỜI CẬP NHẬT BẢN VĂN Nhận trách nhiệm dẫn đưa các chủng sinh nhỏ của giáo phận Qui Nhơn vào cuộc sống tâm linh, tôi vào thư viện tìm tài liệu và gặp được quyển “Nhật ký tâm hồn” của Đức Gioan XXIII, do cha Trần Văn Thông chuyển ngữ và đề tặng các bạn chủng sinh cùng anh em linh mục. Tôi đã cùng các chủng sinh đọc quyển này và dựa theo đó để giúp các em dấn thân vào đời sống tâm linh thật cụ thể và đầy xác tín. Các em được nâng đỡ rất nhiều trên bước đường tu đức bởi gương sống đầy thuyết phục của Đức Gioan XXIII. Bản thân tôi thấy tiếc đã không được đọc quyển sách sớm hơn. Nếu đã đọc nó từ thời chủng sinh, hẳn tôi đã tránh được bao nhiêu chuyện thất bại hoặc nản lòng không đáng có và đã tiến nhanh, tiến vững, tiến xa hơn trên đường tâm linh. Với cảm nghiệm của các chủng sinh cũng như của chính mình, tôi được thúc giục cập nhật hóa lại bản văn. Được thực hiện cách nay đã gần 50 năm, bản Việt ngữ của cha Trần Văn Thông, do Senatus Sài Gòn ấn hành năm 1969 và 1970, có dùng một số ngôn từ cũ, bạn trẻ ngày 1
nay có thể không biết nên không hiểu hoặc hiểu sai. Tôi đã trao đổi với Senatus Sài Gòn, xin phép hiệu đính lại bản văn để thích nghi với các bạn trẻ và dễ đọc hơn. Bản Pháp ngữ của Nxb Du Cerf dày 604 trang, ấn bản Senatus chỉ có 368 trang. Bản Việt ngữ của cha Thông ngắn hơn bản gốc nhiều, lại có đánh số lề từ 1 đến 296, mốc nhật ký ngoài ngày và tháng còn thêm Thứ trong tuần, chỉ giữ một số ghi chú và đưa thẳng vào bản văn chứ không đặt ở cuối trang... Thoạt trông, có vẻ như cha Thông đã dịch từ một ấn bản rút ngắn nào đó, tuy nhiên tôi chưa tìm thấy một ấn bản ngoại ngữ nào tương tự. Qua đối chiếu trong khi làm việc, tôi nghĩ rằng chính Cha Thông đã có sáng kiến rút ngắn và trình bày lại cho các bạn chủng sinh dễ đọc. Nói chung, ngài dịch lấy ý chứ không dịch sát từng câu chữ, nhiều chỗ chuyển thành bút pháp ngắn gọn của người ghi tốc ký, 21 trang niên biểu thu gọn lại 3 trang, 60 câu châm ngôn chỉ giữ lại 19, những lời kinh bị gác lại, những phần không thu hút với chủng sinh bị lược bỏ, các chúc thư được cắt bớt chỉ giữ lấy phần chính, ngay cả lời giới thiệu của Đức ông Loris Capovilla cũng được lược tóm, bỏ bớt đoạn cuối và không ghi tên vị linh mục này. Cuối cùng, nói về quê hương của Đức Thánh Giáo hoàng, có đối chiếu với “Ngã Ba Ông Tạ” ở Sài Gòn cho dễ hiểu thì chắc hẳn đây là tấm lòng ưu ái của một linh mục Việt Nam dành cho các đàn em chủng sinh của mình. Theo tôi nhận thấy, dù là lược dịch, bản Việt ngữ của cha Trần Văn Thông đã chuyển tải trung thực những nội dung chính yếu của Đức Gioan XXIII. Chúng ta biết ơn sự cống hiến của cha Thông, nhờ đó mà độc giả người Việt có thể dễ dàng tiếp cận chứng từ sống của Đức Gioan XXIII. Ấn bản cập nhật này giữ nguyên nội dung như ấn bản của Senatus 1970, giữ lại cách ghi ngày tháng của cha Thông. Còn việc đánh số, thay vì đánh 296 số lề, sẽ đánh 88 số trước các sự kiện, theo như bản tiếng Pháp của Nxb Du Cerf 1965 và bản tiếng Anh của Nxb British Library 2000; chọn lựa này nhằm tạo thuận lợi cho việc đọc những tài liệu nghiên cứu có trích dẫn quyển nhật ký này. Các cước chú được đưa về lại cuối trang; niên biểu và tựa đề các cuộc tĩnh tâm được trình bày thống nhất theo ấn bản Du Cerf. Ước mong rồi đây sẽ có một ai đó thực hiện một bản dịch thật sát với nguyên bản, để chúng ta có dịp thưởng thức cả cái tinh tế và phong phú nơi từng câu từ của tác giả. Giờ đây, tiếp nối tâm tình của cha Trần Văn Thông, tôi xin được chia sẻ thêm đôi ý với các bạn chủng sinh. Trước ngày lễ phong thánh, cha Mai Đức Vinh đã đưa lên trang mạng Vietcatholic một bài viết rất quý giới thiệu con đường nên thánh của Đức Gioan XXIII nói chung và nhật ký của ngài nói riêng. Các bạn chủng sinh nên đọc bài ấy để có một cái nhìn tổng quát trước khi đọc từng trang nhật ký. Chính Đức Gioan XXIII đã đặt phụ đề cho nhật ký là “Những cuộc tĩnh tâm và ghi chú tâm linh 1895-1962” – đúng như mục lục cuối sách cho thấy. Những tuần tĩnh tâm nhiều ngày của ngài từ những năm ở Đại chủng viện đến quãng đời phục vụ về sau, nếu không thấy ghi rõ là theo bố cục khác (có lẽ chỉ có ba lần), thì nên hiểu là diễn tiến theo khung Linh Thao của Thánh Inhaxiô. Linh Thao có bố cục như một bài luận với nhập đề (nguyên lý và nền tảng – suy nghĩ về mục đích cuối cùng của cuộc sống), thân bài gồm ba phần (1. dứt khoát với tội lỗi, 2. nghe tiếng Chúa Giêsu gọi và quảng đại bước theo Ngài đến cùng trong sự khiêm nhường thẳm sâu, 3. nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong mầu nhiệm Tử nạn – Phục sinh) và kết luận (chiêm niệm để hiệp nhất trong tình yêu với Thiên Chúa giữa đời thường). Diễn tiến chung là thế nhưng mỗi lần tĩnh tâm mỗi khác. Nắm được điều đó để nếm cảm sâu sắc những trang đúc kết các cuộc tĩnh tâm thì mới thấy lý thú và rút ra được nhiều ích lợi cho bản thân. 2
Với “Nhật ký tâm hồn” này chúng ta có một minh họa sống động để hiểu rằng nhân đức tự nhiên là thành quả của những thói quen được lặp đi lặp lại. Đức Gioan XXIII đã kiên trì luyện tập từ ngày còn là chủng sinh, cả cho tới khi đã là Giáo hoàng vẫn không ngơi nghỉ việc thường xuyên kiểm tra những gì mình đã tập luyện được. Đúng như Thánh nữ Têrêxa Avila nhắc nhở, dù đã tiến xa tới đâu trên đường tâm linh vẫn không được bỏ qua những cố gắng bản thân để hưởng ứng ơn Chúa. Đức Gioan XXIII luyện tập hằng năm nhờ các tuần Linh thao, hằng tháng nhờ tĩnh tâm, hằng tuần nhờ bí tích Giải tội, hằng ngày nhờ việc xét mình, Thánh lễ, viếng Chúa và kinh thần vụ, rồi hằng giờ bằng việc bổn phận và từng giây phút bằng những lời nguyện tắt giục lòng yêu mến Chúa. Ngày nay, khi những cám dỗ trần thế bủa vây; tiền bạc, hư danh và tình dục tấn công thường trực cách thô bạo, sự cố gắng liên lỉ của bản thân càng cần thiết biết bao. Đôi lúc các bạn chủng sinh có thể nao núng, thấy mình lẻ loi giữa một xã hội đang đua nhau sống buông thả theo dục vọng, thế nhưng nối gót Đức Gioan XXIII, ta luôn nhớ lời Thánh trẻ Stanislas Koska: “Tôi sinh ra cho những điều cao cả hơn”. Cũng như Đức Gioan XXIII, nhìn lại ơn Chúa trên gia đình và trên bản thân mình, mỗi chúng ta được thôi thúc cố gắng không ngừng để đáp đền tình thương Thiên Chúa với ước mơ được trọn đời phục vụ vinh danh Chúa và sự cứu rỗi các linh hồn. Cũng như Đức Gioan XXIII, tín thác vào Chúa, ta sẽ cảm nghiệm được sức mạnh của ơn Chúa, sẽ thấy Thiên Chúa không bao giờ chịu thua kém sự quảng đại của ta. Chính Chúa sẽ gìn giữ chúng ta trong phẩm giá cao quý của những con người tự do đích thực, thoát khỏi mọi ràng buộc để cất cánh bay cao, hiệp nhất với Ngài ngay giữa cuộc lữ hành từng ngày trên dương thế. Qui Nhơn, ngày 05-05-2014 Linh mục Trăng Thập Tự 3
LỜI GIỚI THIỆU1 Quyển sách không cần đề tựa dài dòng, chỉ cần đọc những dòng đầu, đủ khiến bạn suy nghĩ và biết đâu bạn sẽ có nhiều quyết định đổi mới đời sống, vì chỉ riêng tên gọi Gioan XXIII đã gây niềm thông cảm và tin tưởng sâu xa nơi lòng bạn. Đây là những dòng tâm huyết trong ngần của một con người, của người linh mục, đơn sơ nhưng chứa đựng sức sống bên trong dồi dào với những vẻ đẹp hấp dẫn, an ủi và khích lệ người đọc. Đây những trang nhật ký, tác giả đã tự ghi lại khi tuổi vừa 14, từ năm 1895 đến vài tháng trước khi về cùng Chúa (lễ Hiện xuống 1962), BẢY MƯƠI NĂM dài của con người từ chủng sinh đến cương vị Giáo hoàng. Chính Đức Gioan XXIII đề tên cho quyển sách là “Tâm hồn Nhật ký” từ năm 1902, dưới ánh đèn dầu leo lét của chủng viện, sau giờ nguyện ngắm. Những quyển Nhật ký được ngài đọc lại luôn để tự kiểm thảo và nhìn thẳng vào tâm hồn mình. Mùa xuân 1961, một năm trước khi về Nhà Cha, Đức Gioan XXIII, rơi lệ khi đọc lại những nét chữ của quyển Nhật ký số 1, tức những gì đã được ghi khi ngài vừa 14 tuổi, và ngài bảo vị thư ký: “Khi tôi chết rồi, cha có thể phổ biến những quyển Nhật ký nầy. Biết đâu nó có ích cho những bạn trẻ đang tiến về chức linh mục và những ai muốn sống liên kết với Thiên Chúa”. Ai cũng nói đến lòng “đạo đức” của Đức Gioan XXIII, nó chính là nguồn của tính đơn sơ, uy tín của đời linh mục, bình tĩnh và can đảm. Chính ngài đã tiết lộ vào năm 1959: “Cảm ơn Chúa đã gìn giữ tôi khỏi tính nhát sợ, âu lo vô ích, bao giờ tôi cũng sẵn sàng vâng lời, từ việc lớn đến việc nhỏ. Nhờ đó Chúa đã ban cho dù nhỏ hèn yếu đuối vẫn được can đảm đến độ mạo hiểm một cách đơn sơ, đúng tinh thần Tin mừng, khiến ai cũng phải nể, và cảm hóa được nhiều người”. Vì vậy mà mọi người đều gọi ngài là Giáo hoàng nhân hậu, Giáo hoàng của mọi người, cha xứ của thế giới, nói gì ai cũng nghe, mọi người qua ngài mà xích gần lại nhau. Và, hôm dự đám táng của ngài, mọi người nhìn nhau, thông cảm, tự hỏi lòng mình: “Cái chết không buồn thảm, mà lại long trọng, đáng cái chết. Tại sao gần bên xác ngài, chúng ta lại thấy mình rất gần nhau, là anh em nhau hơn một cách cụ thể, thật khó tả!” Câu thắc mắc đã được trả lời: vì Gioan XXIII là một linh mục cao cả, luôn luôn phục vụ, bất cứ ở đâu, bất cứ ở cương vị nào, sức phục vụ của ngài không vơi đi với không gian và thời gian. Gioan XXIII chết, đã đem lại hòa bình, hòa bình cho các tâm hồn, cho các gia đình, cho tuổi trẻ sa đọa, giúp họ lấy lại được niềm tin và cầu nguyện chân thành như thuở còn thơ. Vợ chồng hứa sẽ yêu thương nhau chân thành hơn, ý thức hòa bình sẽ lan rộng khắp thế giới, mọi người đang tìm về sum họp đúng như câu “bốn biển anh em một nhà”. Câu này từ lâu đã bị chiến tranh, và ý thức hệ đã làm mất đi ý nghĩa. Nhật ký thuật lại nhiều vấn đề cụ thể. Từ một gia đình gương mẫu, nơi tuổi thơ của ngài đã hấp thụ giáo huấn đầu tiên. Chuyện một ông chú tuy sức học Sơ cấp, giáo lý rất thường do cha sở dạy, nhưng đối xử với hàng xóm theo tinh thần Kinh Thánh, ông chú sống đời độc thân gương mẫu, đạo đức sâu xa. 1 Lời giới thiệu này cha Trần Văn Thông lược dịch của Đức ông Loris Capovilla, về sau là giám mục. 4