Nội dung text 1725606476-6_Luận cứ bảo vệ - Ls NTHL.docx
Ý KIẾN PHÁP LÝ VÀ CẢM NGHĨ CỦA LUẬT SƯ BẢO VỆ CHO CHÁU H.A TẠI HUYỆN Đ TỈNH C Theo yêu cầu của giám hộ người bị hại N.H.A (H.A – sinh năm 1996), Chương trình trợ giúp pháp lý của báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh và Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cử tôi là luật sư N.T.H.L, thuộc Đoàn Luật sư TP.H trợ giúp pháp lý miễn phí, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cháu N.H.A, là người bị hại trong vụ án H.T.G, M.N.T, L.V.K (SN 1993), L.L.Q (SN 1992) phạm tội “Hành hạ người khác” theo Điều 110 BLHS (nay là Điều 140 BLHS năm 2015) và tội “Cố ý gây thương tích ” theo Điều 104 BLHS (nay là Điều 134 BLHS năm 2015). Tôi đã từng tham gia nhiều vụ án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là trẻ em bị hành hạ, đánh đập gây thương tích, nhưng chưa có nạn nhân nào bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, dã man với thương tích trầm trọng khắp người như cháu N.H.A trong vụ án nói trên. Theo hồ sơ vụ án, ngày 13/10/2008 chị P.T.T mẹ của cháu H.A (12 tuổi), đưa cháu đến làm thuê cho vợ chồng G - T là chủ trại sản xuất tôm giống M tại ấp P, xã N, huyện Đ tỉnh C. Tiền công hàng tháng ban đầu là 400.000đ, sau đó lên 500.000đ, đến đầu năm 2010 lên 800.000đ do vợ chồng G, T trả trực tiếp cho chị T. Thời gian đầu, cháu H.A được vợ chồng G, T đối xử tử tế. Nhưng vào khoảng tháng 12/2008, khi H.A bơi chiếc võ lải composite (thuyền máy composite) của H.T.G đụng vào bờ kè bê tông, thì G đã dùng cây dầm bằng cây đước dài khoảng 01m đánh mạnh vào lưng H.A làm gãy cây dầm. Và kể từ đấy về sau, nhất là trong khoảng thời gian từ tháng 08/2009 cho đến ngày vụ án bị phát hiện, cháu H.A thường xuyên bị vợ chồng bị cáo G, T hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, dã man, gây thương tích trên hai mươi lần. a) Hành vi cố ý gây thương tích các bị cáo G - T đối với nạn nhân: - Dùng tay chân đánh, đá, đạp vào người, đầu, ngực nạn nhân; - Dùng cây đước, cây tre, dây thắt lưng (dây nịt), ống nước nhựa, ổ khoá dây sắt, dao yếm, búa thầu, búa tạ đánh vào người nạn nhân; - Dùng cây sạn đánh vào người, dùng luởi dao lam rạch lưng nạn nhân, dùng bàn ủi nóng dí vào da thịt, dùng hai cây đủa sắt (dùng gắp than ở bếp) dí vào má, đâm vào lổ mũi; - Nhiều lần dùng nước sôi, nước hoá chất formol tạt vào người nạn nhân;
- Dùng cây nạy làm gãy 05 răng của nạn nhân. Những hành vi đánh đập dã man này gây thương tích trên khắp người nạn nhân. Kết luận giám định pháp y thương tích số 221/GĐTT/2010 ngày 03/05/2010 của Phòng Kỷ thuật hình sự Công an tỉnh C: tỷ lệ thương tích của cháu H.A tại thời điểm giám định (tháng 5/2010) là 66,83%. Trong đó có nhiều thương tích ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây tổn hại đến các chức năng sinh lý của nạn nhân trong một thời gian dài. b) Hành vi hành hạ người khác của các bị cáo G - T đối với nạn nhân: - Thường xuyên mắng chửi, đánh đập nạn nhân; - Treo hai tay nạn nhân lên xiên nhà để phơi nắng, dùng dây cột cổ, kéo nạn nhân quanh nhà làm nạn nhân ngất xỉu; - Bắt nạn nhân uống nước tiểu, nước xà bông rửa chén, buộc nạn nhân nuốt giẻ lao nhà, bao tay cao su, nuốt mảnh vở thau nhựa, buộc ăn giấy súc đã dùng chùi vết thương, dùng lưỡi liếm nền nhà vì lau nhà không sạch … . - Cấm ra khỏi nhà và tiếp xúc với mọi người. Hậu quả cháu H.A luôn luôn lo sợ, tinh thần căng thẳng, khủng hoảng kéo dài, nhưng không cầu cứu ai được. I. QUAN ĐIỂM PHÁP LÝ CỦA LUẬT SƯ ĐỐI VỚI HÀNH VI PHẠM TỘI CỦA G - T - K - Q: 1. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh C đã quyết định truy tố H.T.G và M.N.T phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 4 Điều 104 và tội “Hành hạ người khác” theo Khoản 2 Điều 110 BLHS (nay là Điều 140 BLHS năm 2015) là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tại phiên tòa ngày 29/06/2010 dù bị cáo G, bị cáo T đã phản cung, chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội và cho rằng một số thương tích nặng trên người nạn nhân do chính nạn nhân tự gây ra. Nhưng lời khai của các bị cáo K - Q, phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng, phù hợp với chứng cứ, tình tiết trong hồ sơ vụ án có cơ sở xác định những thương tích trên khắp người nạn nhân là do chính vợ chồng G T (có một phần giúp sức của bị cáo K và bị cáo Q) đã gây ra cho nạn nhân N.H.A. Tại phần bào chữa luật sư của người bị hại đã có ý kiến:
- Mặc dù tại phiên toà các bị cáo G và bị cáo T chỉ khai nhận một phần hành vi phạm tội, nhưng tội “cố ý gây thương tích” là tội có cấu thành vật chất, hậu quả của hành vi cố ý gây thương tích của các bị cáo G - T là thương tích trên khắp người của nạn nhân với tỷ lệ thương tích 66,83%, phù hợp với lời khai của bị cáo G, bị cáo T tại cơ quan điều tra, phù hợp với các vật chứng mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của các bị cáo K - Q tại phiên toà. Do đó việc chối tội của các bị cáo G - T tại phiên tòa là không có căn cứ. - Về tính chất, mức độ của hành vi phạm tội: Các bị cáo G - T đã dùng hung khí nguy hiểm, có tính côn đồ, gây cố tật nhẹ cho nạn nhân, phạm tội nhiều lần đối với cùng một trẻ em trong một thời gian dài. Nguyên nhân các bị cáo G – T hành hạ, đánh đập nạn nhân tàn nhẫn, dã man, thừa chết thiếu sống như vậy chỉ vì những lý do đơn giản là cháu H.A ngắt nhéo con chủ, làm biếng, làm chậm, hỗn láo, cứng đầu, không nghe lời chủ…. - Mặt khác, vụ án bị phát hiện gây xôn xao dư luận cả nước, tạo nên làn sóng của nhân dân lên án hành vi tàn ác, dã man của vợ chồng chủ trại tôm G, T, đồng thời đề nghị Nhà nước trừng trị thích đáng hành vi xâm hại trẻ em của các bị cáo G, T, nên có thể xem là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy, theo quan điểm của luật sư, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh C đã quyết định truy tố các bị cáo G, T, phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 4 Điều 104 BLHS (nay là Điều 134 BLHS năm 2015) và tội “Hành hạ người khác” theo Khoản 2 Điều 110 BLHS (nay là Điều 140 BLHS năm 2015) là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tại phiên toà đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh C đã đề nghị: Hình phạt đối với bị cáo G - bị cáo T về tội cố ý gây thương tích từ 18 đến 20 năm tù giam, tội hành hạ người khác từ 2 đến 3 năm tù giam, tổng hợp hình phạt mỗi bị cáo có mức hình phạt từ 20 đến 23 năm tù giam. Tòa án Nhân dân tỉnh C đã tuyên xử bị cáo G và bị cáo T :mỗi người 20 năm tù đối với tội “Cố ý gây thương tích” và 3 năm tù đối với tội “Hành hạ người khác” , tổng hợp hình phạt mỗi bị cáo là 23 năm tù giam. 2. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh C đã quyết định truy tố L.V.K và L.L.Q phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2 Điều 104 và tội “Hành hạ người khác” theo Khoản 2 Điều 110 BLHS (nay là Điều 140 BLHS năm 2015) là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các bị cáo L.V.K và L.L.Q cùng là người làm thuê, học nghề nuôi tôm trong trại tôm giống M của vợ chồng G, T.