Nội dung text HƯỚNG-DẪN-ÔN-TẬP-KTCT-MLN-ĐHNN-KỲ-I-19-20.doc
HƯỚNG DẪN ÔN TẬP MÔN KINH TẾ CHÍNH TRỊ MÁC – LÊ NIN (ĐHNN – HK I năm học 2019-2020) PHẦN I: Đối tượng và phương pháp nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác – Lênin 1.1. Đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác - Lênin - Kế thừa những thành tựu khoa học của kinh tế chính trị cổ điển Anh, dựa trên quan điểm duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen xác định: Đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị là các mối quan hệ của sản xuất và trao đổi trong phương thức sản xuất mà các quan hệ đó hình thành và phát triển. - Về cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu, C.Mác và Ph.Ăng ghen cho rằng, kinh tế chính trị có thể được hiểu theo nghĩa hẹp hoặc theo nghĩa rộng. + Theo nghĩa hẹp, kinh tế chính trị nghiên cứu quan hệ sản xuất và trao đổi trong một phương thức sản xuất nhất định. Ví dụ, trong CNTB C.Mác cho rằng, đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị là các quan hệ sản xuất và trao đổi của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và mục đích cuối cùng là tìm ra quy luật vận động kinh tế của xã hội hiện đại (xã hội tư bản chủ nghĩa). + Theo nghĩa rộng, kinh tế chính trị là khoa học về những quy luật chi phối sự sản xuất vật chất và sự trao đổi những tư liệu sinh hoạt vật chất trong xã hội loài người…kinh tế chính trị, về thực chất là một môn khoa học có tính lịch sử… nó nghiên cứu trước hết là những quy luật đặc thù của từng giai đoạn phát triển của sản xuất và của trao đổi, và chỉ sau khi nghiên cứu như thế xong xuôi rồi nó mới có thể xác định ra một vài quy luật hoàn toàn có tính chất chung, thích dụng, nói chung cho sản xuất và trao đổi. - Như vậy, khái quát lại: Đối tượng nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác - Lênin là các quan hệ của sản xuất và trao đổi mà các quan hệ này được đặt trong sự liên hệ biện chứng với trình độ phát triển của lực lương sản xuất và kiến trúc thượng tầng tương ứng của một phương thức sản xuất nhất định. Lưu ý: Khi xem xét đối tượng nghiên cứu nêu trên, kinh tế chính trị Mác-Lênin không xem nhẹ các quan hệ kinh tế trong một khâu và giữa các khâu của quá trình tái sản xuất xã hội. - Mục đích nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác – Lênin là nhằm phát hiện ra các quy luật kinh tế chi phối các quan hệ giữa người với người trong sản xuất và trao đổi. Từ đó giúp các chủ thể trong xã hội vận dụng các quy luật ấy thúc đẩy phát triển KT- XH… - Quy luật kinh tế: Quy luật kinh tế là những mối liên hệ phản ánh bản chất, khách quan, lặp đi lặp lại của các hiện tượng và quá trình kinh tế. + Quy luật kinh tế có các tính khách quan; và sự tác động, phát huy vai trò của nó đối với sản xuất và trao đổi phải thông qua hoạt động của con người. + Nghiên cứu và vận dụng quy luật kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng, nếu nhận thức và vận dung đúng nó sẽ phát huy sự sáng tạo của con người, thúc đẩy sự giàu có và văn minh xã hội, ngược lại sẽ phải chịu những tổn thất khó lường. + Cần phân biệt đúng đắn giữa quy luật kinh tế và chính sách kinh tế. Quy luật kinh tế tồn tại khách quan, là cơ sở của chính sách kinh tế. Chính sách kinh tế là sản phẩm chủ quan của con người, nó có thể phù hợp hoặc không phù hợp với quy luật kinh tế… 1.2. Phương pháp nghiên cứu của kinh tế chính trị Mác - Lênin - Phương pháp biện chứng duy vật: Đây là phương pháp cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin được sử dụng đối với nhiều môn khoa học. Trong kinh tế chính trị Mác - Lênin, phương pháp này đòi hỏi:
+ Khi xem xét các hiện tượng và quá trình kinh tế phải đặt trong các mối liên hệ tác động qua lại lẫn nhau, thường xuyên vận động và phát triển không ngừng. (0,20 điểm) + Quá trình phát triển là quá trình tích lũy những biến đổi về lượng dẫn đến những biến đổi về chất. + Nguồn gốc của sự phát triển là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Các hiện tượng và quá trình phát triển kinh tế luôn gắn với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. - Phương pháp trừu tượng hóa khoa học: Đây là phương pháp quan trọng được sử dụng phổ biến trong kinh tế chính trị Mác - Lênin. + Thực chất của phương pháp này là gạt bỏ những yếu tố ngẫu nhiên, những hiện tượng tạm thời xảy ra trong các hiện tượng và quá trình nghiên cứu để tách ra những cái tất yếu, điển hình, ổn định, bền vững của đối tượng nghiên cứu. + Trên cơ sở đó, nắm bắt được bản chất, xây dựng được các phạm trù và phát hiện được tính quy luật và quy luật chi phối sự vận động của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, khi sử dụng phương pháp này, cần phải biết xác định giới hạn của sự trừu tượng hóa. Giới hạn này phụ thuộc vào đối tượng nghiên cứu. - Phương pháp logic kết hợp với lịch sử: + Nghiên cứu, tiếp cận bản chất, các xu hướng và quy luật kinh tế gắn với tiến trình hình thành, phát triển các quan hệ xã hội của sản xuất và trao đổi. + Việc áp dụng phương pháp này cho phép rút ra những kết quả nghiên cứu mang tính logic từ trong tiến trình lịch sử của quan hệ xã hội của sản xuất và trao đổi. - Một số phương pháp khác: Kinh tế chính trị Mác - Lênin còn sử dụng các phương pháp khác như phân tích và tổng hợp, phương pháp thống kê, toán học, mô hình hóa… 2. Khái niệm là hàng hóa. Hai thuộc tính của hàng hóa 2.1. Khái niệm hàng hóa - Theo C.Mác: Hàng hóa là sản phẩm của lao động, có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người thông qua trao đổi, mua bán. - Sản phẩm của lao động chỉ mang hình thái hàng hóa khi nhằm đưa ra trao đổi, mua bán trên thị trường. Sản phẩm của lao động có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người nhưng không được đem ra trao đổi hoặc không nhằm mục đích sản xuất để trao đổi thì không phải hàng hóa. - Hàng hóa có thể sử dụng cho nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu sản xuất. - Hàng hóa có thể tồn tại ở dạng vật thể hoặc ở dạng phi vật thể. 2.2. Hai thuộc tính của hàng hóa - Mỗi một hàng hóa dù khác nhau về hình thái tồn tại, đều có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị - Giá trị sử dụng + Giá trị sử dụng của hàng hóa là công dụng của vật phẩm, có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người.Nhu cầu đó có thể là nhu cầu vật chất hoặc nhu cầu tinh thần; cũng có thể là nhu cầu cho tiêu dùng cá nhân, hoặc nhu cầu cho tiêu dùng cho sản xuất. + Giá trị sử dụng của hàng hóa do thuộc tính tự nhiên của yếu tố tham gia cấu thành nên hàng hóa đó quy định. Nền sản xuất càng phát triển, khoa học, công nghệ càng tiên tiến, càng giúp con người phát hiện ra nhiều và phong phú các giá trị sử dụng của hàng hóa khác nhau. + Giá trị sử dụng của hàng hóa là giá trị sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của người mua. Nên người sản xuất tất yếu phải quan tâm giá trị sử dụng của hàng hóa do mình sản xuất ra đáp ứng nhu cầu ngày
càng cao của người mua. Gía trị sử dụng của hàng hóa do thuộc tính tự nhiên quy định nên là một phạm trù vĩnh viễn. - Giá trị + Muốn hiểu giá trị phải đi từ giá trị trao đổi. Gía trị trao đổi là mối quan hệ tỷ lệ về lượng những giá trị sử dụng khác nhau Giá trị của hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất ra hàng hóa kết tinh trong hàng hóa ấy. + Sở dĩ các hàng hóa trao đổi được với nhau, vì giữa chúng có một điểm chung: chúng đều là kết quả của sự hao phí sức lao động. Tức là hàng hóa có giá trị. Khi là hàng hóa, dù khác nhau về giá trị sử dụng, chúng đều là kết quả của sự hao phí sức lao động của người sản xuất ra hàng hóa ấy, nên hàng hóa có giá trị. + Lao động hao phí để sản xuất ra hàng hóa mang tính xã hội, phản ánh quan hệ giữa người bán với người mua, hàm ý trong quan hệ xã hội. Như vậy: Giá trị của hàng hóa là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa đã hao phí để sản xuất ra hàng hóa kết tinh trong hàng hóa ấy. + Bản chất của giá trị là lao động xã hội của người sản xuất kết tinh trong hàng hóa. Gía trị hàng hóa biểu hiện mối quan hệ kinh tế giữa những người sản xuất, trao đổi hàng hóa và là phạm trù có tính lịch sử. Khi nào có sản xuất và trao đổi hàng hóa, khi đó có phạm trù giá trị hàng hóa. + Gía trị trao đổi là hình thức biểu hiện ra bên ngoài của giá trị; giá trị là nội dung, là cơ sở của giá trị trao đổi. - Hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị cùng tồn tại đồng thời trong một hàng hoá. Nếu thiếu một trong hai thuộc tính ấy thì vật phẩm không phải là hàng hóa. 3. Lượng giá trị của hàng hóa và các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị của hàng hóa. 3.1. Lượng giá trị của hàng hóa - Lượng giá trị của hàng hóa được đo bằng lượng lao động hao phí để sản xuất hàng hóa đó. - Lượng lao động hao phí ấy được tính bằng thời gian lao động xã hội cần thiết. - Thời gian lao động xã hội cần thiết: Là thời gian đòi hỏi để sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó trong điều kiện bình thường của xã hội, với một trình độ trang thiết bị trung bình, trình độ thành thạo trung bình và cường độ lao động trung bình. - Lượng giá trị của một đơn vị hàng hóa là lượng thời gian hao phí lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra đơn vị hàng hóa đó. - Thời gian lao động xã hội cần thiết là một đại lượng không cố định vì: + Nó phụ thuộc vào trình độ phát triển của các quốc gia, của từng thời kỳ + Nên người SX thường phải tích cực đổi mới, sáng tạo nhằm giảm thời gian lao động cá biệt xuống mức thấp hơn mức hao phí trung bình cần thiết để có ưu thế trong cạnh tranh. 3.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị của hàng hóa - Năng suất lao động: + Khái niệm năng suất lao động: NSLĐ là sức sản xuất của lao động hay là năng lực sản xuất của người lao động, được tính bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hoặc số lượng thời gian hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm. + Ví dụ: Bình thường: 8h/3000cl → 8sp → 1sp/1h/3000calo; NSLĐ tăng lên gấp 2: 8h/3000cl → 16sp → 2sp/1h/3000calo + NSLĐ ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa: khi NSLĐ tăng lên sẽ làm giảm lượng thời gian lao động hao phí cần thiết trong một đơn vị hàng hóa, do đó cũng làm giảm lượng giá trị trong đơn vị hàng hóa đó. NSLĐ tỷ lệ nghịch với lượng giá trị trong một đơn vị hàng hóa.
+ NSLĐ chịu ảnh hưởng của các yếu tố: Trình độ khéo léo (thành thạo) trung bình của người công nhân; mức độ phát triển KH - CN và ứng dụng nó; trình độ tổ chức quản lý; quy mô và hiệu suất của tư liệu sản xuất và các điều kiện tự nhiên. - Cường độ lao động: + Khái niệm cường độ lao động: CĐLĐ là mức độ khẩn trương, tích cực của hoạt động lao động trong sản xuất. + Ví dụ: Bình thường: 8h/3000calo → 8sp → 1sp/1h/3000calo; CĐLĐ tăng lên gấp 2: 8h/6000calo → 16sp → 2sp/1h/6000calo + CĐLĐ ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa: Tăng CĐLĐ là tăng mức độ khẩn trương, tích cực của hoạt động lao động. Khi CĐLĐ tăng lên, thì lượng lao động hao phí trong cùng một đơn vị thời gian cũng tăng lên và lượng sản phẩm được tạo ra tăng lên tương ứng, còn lượng giá trị của một đơn vị sản phẩm thì không đổi. Tăng CĐLĐ, xét về thực chất cũng giống như kéo dài thời gian lao động.. + CĐLĐ chịu ảnh hưởng của các yếu tố: sức khỏe, thể chất, tâm lý, tinh thần… của người lao động. Tính chất phức tạp hay giản đơn của lao động: + Lao động giản đơn: là lao động không đòi hỏi phải trải qua quá trình đào tạo cũng có thể thực hiện được. + Lao động phức tạp: là lao động đòi hỏi phải trải qua quá trình đào tạo, huấn luyện mới có thể tiến hành được. + Lao động phức tạp ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa: Trong cùng một đơn vị thời gian, lao động phức tạp tạo ra nhiều giá trị hơn lao động giản đơn. C.Mác gọi lao động phức tạp là lao động giản đơn được nhân lên. 4. Nội dung và tác động của quy luật giá trị 4.1. Nội dung yêu cầu của quy luật giá trị - Quy luật giá trị là quy luật kinh tế cơ bản của nền sản xuất hàng hóa. Ở đâu có sản xuất hàng hóa thì ở đó có quy luật giá trị hoạt động. - Quy luật giá trị yêu cầu những người sản xuất và trao đổi hàng hóa phải dựa trên cơ sở giá trị hay dựa trên hao phí lao động xã hội cần thiết. + Trong sản xuất: Hao phí lao động cá biệt < Hao phí lao động xã hội cần thiết. Giá trị cá biệt hàng hóa < Giá trị xã hội của hàng hóa + Trong trao đổi: Thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, lấy giá trị xã hội làm cơ sở, không dựa trên giá giá trị cá biệt - Cơ chế vận động của quy luật giá trị: Quy luật giá trị hoạt động và phát huy tác dụng thông qua sự vận động của giá cả. Trong khi đó, giá cả chịu sự ảnh hưởng của 3 nhân tố: Giá trị hàng hóa; Quan hệ cung – cầu; Sức mua của tiền, vì vậy làm cho giá cả lên xuống xoay quanh giá trị của hàng hóa. 4.2. Tác động của quy luật giá trị - Điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa: + Điều tiết sản xuất: Nếu cung = cầu, giá cả hàng hóa = giá trị thì việc sản xuất phù hợp với yêu cầu xã hội, hàng hóa vẫn được tiếp tục sản xuất. Nếu cung < cầu, giá cả > giá trị thì việc sản xuất cần được mở rộng. Nếu cung > cầu, giá cả hàng hóa < giá trị thì phải thu hẹp sản xuất. + Điều tiết lưu thông: Quy luật giá trị điều tiết hàng hóa từ nơi có giá cả thấp đến nơi có giá cả cao, từ nơi cung lớn hơn cầu đến nơi cung nhỏ hơn cầu. - Kích thích cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động, phát triển lực lượng sản xuất của xã hội: + Trên thị trường, hàng hóa được trao đổi theo giá trị xã hội nên người sản xuất có giá trị cá biệt < giá trị xã hội thì sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn; người sản xuất có giá trị cá biệt > giá trị xã hội sẽ thua lỗ. Vì vậy, người sản xuất phải tìm mọi cách làm cho giá trị cá biệt nhỏ hơn giá trị xã hội.