Nội dung text A 262_GIAO HOI HOC - DCV THANH PHANXICO XAVIE.pdf
GIÁO HỘI HỌC ĐCV Th. Phanxicô Xaviê 1999 Lưu hành nội bộ MỤC LỤC NHẬP ĐỀ PHẦN THỨ NHẤT : NGUỒN GỐC CỦA GIÁO HỘI CHƯƠNG I. GIÁO HỘI TRONG MẦU NHIỆM CỦA THIÊN CHÚA CHƯƠNG II. CHIỀU KÍCH BA NGÔI CỦA GIÁO HỘI CHƯƠNG III. CHUẨN BỊ GIÁO HỘI TRONG CỰU ƯỚC CHƯƠNG IV. NGUỒN GỐC LỊCH SỬ CỦA GIÁO HỘI CHƯƠNG V. GIÁO HỘI DUY NHẤT PHẦN THỨ HAI : BẢN TÍNH CỦA GIÁO HỘI CHƯƠNG I . GIÁO HỘI LÀ DÂN THIÊN CHÚA CHƯƠNG II . GIÁO HỘI LÀ NHIỆM THỂ CHÚA KITÔ CHƯƠNG III . GIÁO HỘI LÀ MỘT BÍ TÍCH CHƯƠNG IV. MẦU NHIỆM GIÁO HỘI QUA NHỮNG HÌNH BÓNG CHƯƠNG V . GIÁO HỘI THÁNH THIỆN CHƯƠNG VI . ĐỊNH NGHĨA GIÁO HỘI PHẦN THỨ BA : CƠ CẤU CỦA GIÁO HỘI CHƯƠNG I . PHẨM TRẬT TRONG GIÁO HỘI CHƯƠNG II . CÁC THỪA TÁC VỤ TRONG GIÁO HỘI CHƯƠNG III . GIÁO HỘI TÔNG TRUYỀN CHƯƠNG IV . THỪA TÁC VỤ CỦA PHÊRÔ CHƯƠNG V . NHỮNG THỪA TÁC VỤ KHÁC
CHƯƠNG VI . GIÁO HỘI ĐỐI NGOẠI NHẬP ĐỀ 1.- GIÁO HỘI HỌC LÀ GÌ ? Ngay từ đầu Giáo hội đã suy nghĩ về mình, đã ý thức cũng như đã có một quan niệm về mình. Giáo hội học khởi đầu với ngày lễ Ngũ Tuần. Từ khi có Giáo hội, có ý thức về Giáo hội là có Giáo hội học. Thật ra Giáo hội học đã có trước các sách Tân Ước : mỗi Phúc Âm phản ánh một cách quan niệm về Giáo hội, tức là một dạng Giáo hội học. Phúc Âm Marcô quan niệm về Giáo hội theo một cách khác với Matthêô ; còn Luca thì lại hiểu Giáo hội theo cách khác nữa. Các học giả đồng ý là Giáo hội học của sách Công vụ Tông đồ khác với dạng Giáo hội học của hai thư gửi tín hữu Corinthô ; và trong văn bộ Phaolô, 1Cr phản ánh một quan niệm về Giáo hội khác hẳn với cách nhìn của ba Thư Mục Vụ. Tuy nhiên tất cả đều đồng ý là theo chứng từ của Tân Ước, Giáo hội chỉ có một. Tương tự như Kitô học đã từng bước phát triển từ Marcô đến Gioan, thì cũng thế, Giáo hội học đã hình thành, phát triển và đạt dần tới mức hoàn chỉnh theo nhịp Giáo hội tăng trưởng và suy tư về chính mình. Có những tài liệu cổ xưa đã ghi lại nhiều suy tư về Giáo hội. Khoảng từ thế kỷ 4 đến 8, các Giáo phụ đã viết nhiều về Giáo hội ; tuy nhiên không một vị nào viết hẳn một thiên chuyên khảo, hay một sách về Giáo hội. Các Giáo phụ nhấn mạnh đến tính hiệp thông trong Giáo hội, nhờ có Thánh Thần hiện diện và hành động ; các ngài nghĩ về Giáo hội địa phương, nhưng không bao giờ quên đi chiều kích phổ quát. Sau khi đế quốc Rôma tan rã ở Tây phương, Giáo hội đã từng trải qua một cơn khủng hoảng ghê gớm trong "thời tối tăm". Từ năm 882 đến 1049, đã có 42 giáo hoàng : mỗi vị tại ngôi chưa tới 4 năm ! Giáo sĩ thì ít học, thiếu hẳn tinh thần... ; tệ trạng mại thánh dâng tràn nhan nhản. Hoàng đế và Giáo hoàng, các vua chúa và các Giám Mục ngang nhiên tranh nhau quyền hành. Để ủng hộ phe mình các thần học gia đã cố nêu bật quyền của hoàng đế ở trong Giáo hội, cho rằng ngài là "Đấng Chúa xức dầu", là "Đại diện Đức Kitô". Đức Lêô IX (1048-1054) đã khởi động và Đức Grêgôriô VII (1073-1085) đã hoàn tất một cuộc cải cách - gọi là cuộc cải cách Grêgoriô, - nhằm đổi mới và giải phóng Giáo hội cho khỏi ách chính quyền. Một quan niệm mới về Giáo hội xuất hiện : Giáo hội là một xã hội độc lập thuộc lãnh vực thiêng liêng, nằm trong quyền lãnh đạo của Giám Mục Rôma. Tình trạng tranh giành ấy đã khiến cho một quan niệm trở thành ý thức hệ, đó là Giáo hội được coi như là một đế quốc , có đầu là Giáo hoàng, có thủ đô là Rôma ; rồi "đầu" được giải thích như là "nguồn", là "nền tảng"; từ đó Giáo hội được quan niệm như là một quốc gia, trong đó các giáo phận là "tỉnh", còn Giám Mục Rôma là "Giám Mục phổ quát" có trọn quyền hành trong Giáo hội, và chia sẻ quyền bính ấy với các Giám Mục khác, đơn thuần như là với những "phụ tá" của mình. Thời Trung cổ, nhiều thần học gia đã từ chối không chịu nhận quan niệm nầy. Đối với chính quyền, Giáo hội đã thắng cuộc, nhưng một cách quá đáng. Suốt hàng thế kỷ, nhiều trào lưu tư tưởng đã tranh hùng đối chọi với nhau : các giáo sĩ triều chống đối các dòng tu khất thực ; Giáo hội địa phương chống lại Giáo hội phổ quát ; các giám mục chống lại giáo hoàng ; phe cấp tiến chủ trương đổi mới chống đối phe bảo thủ truyền thống ; phía bảo vệ tối thượng quyền của công đồng chung thì chống lại phía bênh vực địa vị đặc thù của giám mục Rôma. Đồng thời, các vua chúa công giáo lại thường xuyên nhúng tay vào chuyện chi phối Giáo hội.
Giữa bối cảnh xáo động đó, những luận thuyết Giáo hội học đầu tiên đã xuất hiện. Đa số các tác giả là những nhà giáo luật, và tâm điểm của nỗ lực suy tư là quyền bính trong Giáo hội, và mối quan hệ giữa giáo quyền và chính quyền. Cuối thời Trung cổ, khi cuộc khủng hoảng Đại Ly khai xảy ra (1378), khi mà cùng một lúc thấy có hai, ba vị tự xưng là giáo hoàng, làm cho không còn biết đâu là "Giáo hội thật", thì lúc đó những thiên chuyên luận về Giáo hội mới xuất hiện. Các tác giả đầu tiên viết về Giáo hội là những nhà giáo luật, chứ không phải là thần học gia. Vì cần phải đối diện và phản ứng với những khó khăn cụ thể của thời đại, các tác phẩm ấy đã chú tâm nhiều đến việc nêu bật các khía cạnh hữu hình của Giáo hội, tức bàn đến thể chế và "quyền bính" của Giáo hội trong quan hệ đối với những thể chế và quyền bính giữa xã hội. Thế kỷ 14 đã thấy xuất hiện một số tác phẩm viết về quyền bính của Giáo hội, như cuốn De Regimine Christianô (1301-2) của Gioan thành Viterbo, cuốn De ecclesiastica Potestate của Gil thành Rôma, và cuốn De Potestate Regis et Papae (1300) của Gioan thành Paris : Giáo hội học chuyên khoa chào đời. Cho tới Công đồng Vaticanô I (1870), Giáo hội học cổ điển đã đạt tới mức phát triển tột đỉnh. Thời đó trong Giáo hội có hai khuynh hướng : ở Pháp có tư tưởng gallicanô, chủ trương bênh vực những đặc quyền của Giáo hội quốc gia ; ngược lại, hướng ultramontanô, chủ trương mọi quyền hành trong Giáo hội gom vào tay Giám Mục Rôma. Thực ra Giáo hội muốn giữ thế quân bình và theo con đường trung dung, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử ngăn trở, nên Công đồng thấy cần phải củng cố địa vị của giáo hoàng. Vào giữa thế kỷ 19 do tác dụng của phong trào lãng mạn, và nhất là nhờ những đóng góp của thần học gia Johann Adam Muhler (1796-1834) Giáo hội học bắt đầu nhìn đến những khía cạnh khác ; thần học gia nầy định nghĩa Giáo hội như là "Con Thiên Chúa hằng tiếp tục hiện diện ở giữa loài người, trong hình dạng con người ; Ngài hằng tiếp tục đổi mới, dù mãi mãi vẫn nguyên vẹn là chính mình, điều đó muốn nói rằng Giáo hội là cuộc nhập thể thường xuyên và trường kỳ của Con Thiên Chúa". Với những quan niệm khác nhau, một số nhà thần học lừng danh đã đào sâu khái niệm về Giáo hội. Trong số các thần học gia nầy nổi bật hơn cả là Matthia Scheeben (1835-1888), H. Newman (1801-1890), F. Pilgram (1819-1890), C. Passag-lia (1827-1859), và J.B. Franzelin (1816-1886). Trong thế kỷ 19 và 20, một số biến cố và trào lưu trí thức đã trở thành hoặc là những yếu tố xúc tác hoặc là những đóng góp lớn cho những canh tân Giáo hội học. Tại Âu châu, một vũ trụ quan mới xuất hiện ; xã hội bỏ rơi nhiều giá trị tôn giáo ; còn Giáo hội thì bị tước mất những đặc ân đã từng hưởng. Một phần lớn của xã hội hoặc là bỏ Giáo hội hoặc là không còn theo những chỉ thị tôn giáo nữa ; có khi người công giáo chỉ là thiểu số. Nhưng đồng thời lại thấy mọc lên trong Giáo hội những dòng tu và những tu hội mới, cũng như những phong trào giáo dân rất sống động, chẳng hạn như là : Công giáo tiến hành, thanh lao công, v.v. Những Giáo hội địa phương lại được hồi phục, còn các vùng truyền giáo thì chứng kiến việc khai sinh các Giáo hội trẻ. Và mới lạ hơn là phong trào đại kết đã thành công trong việc giúp tẩy bỏ nhiều thành kiến, đem lại một lối nhìn mới về các Giáo hội không công giáo để từ đó nhận ra những gì là hay, đẹp, đúng ở nơi các Giáo hội khác. Trong thế kỷ 20, dù thần học có dành ưu tiên cho Kitô học, thì cũng thấy xuất hiện vô số những tác phẩm chuyên luận về Giáo hội. Đồng thời cảm thức về Giáo hội đã đâm rễ sâu và rộng rãi giữa lòng cộng đồng các tín hữu. Việc Công đồng Vaticanô II chọn Giáo hội làm chủ đề chính, đã giúp cho các giáo hữu ý thức rõ hơn mình là thành viên chủ động của Giáo hội. Các văn kiện của Vaticanô II vén mở cho thấy hai hướng sinh hoạt : đối nội, hướng về mầu nhiệm của Giáo hội ; đối ngoại, hướng tới những quan hệ mà Giáo hội có đối với thế giới và xã hội loài người, đặc biệt là đối với các kitô hữu và các tôn giáo khác. Đã có rất nhiều tác phẩm viết về Giáo hội học thực tiễn, nhưng cũng không phải là hiếm các tác phẩm bàn về Giáo hội học hệ thống, nêu bật các đặc tính của bản chất Giáo hội, như là "bí tích", "nhiệm thể", dân Thiên Chúa", "hiệp thông", "cộng đồng tạ ơn" v.v... Phải nhận là Giáo hội học thời nay phong phú và đượm đầy ý vị hơn hẳn ngày xưa. 2.- HIỆN TRẠNG CỦA GIÁO HỘI HỌC
Văn hóa là một yếu tố cơ bản của Giáo hội học, thế nhưng văn hóa luôn luôn biến đổi, và biến đổi nhanh chóng. Những thập kỷ trước đây, công cụ nhận thức luận thường có ít (chẳng hạn lịch sử, xã hội học, triết lý về con người); hiện nay có nhiều công cụ giúp cho nỗ lực nhận thức (như phân tích xã hội và chính trị, tâm lý học tập thể, khoa nhân văn, hiện tượng học, khoa chú giải, triết lý về những giá trị và văn hóa, triết lý về ngôn ngữ, triết lý về tôn giáo, lịch sử các tôn giáo, v.v.). vì thế Giáo hội học ngày nay mang một hình thức phức tạp và đa dạng hơn. Văn hóa thay đổi nhanh chóng thì các nhà thần học phải sợ rằng ngôn ngữ và tư tưởng của mình có thể trở thành lỗi thời ; hoặc là những phạm trù mình dùng sẽ không được các phần lớn các độc giả lĩnh hội, thậm chí còn bị phi bác tẩy chay. Khi những giá trị, phong tục, phạm trù, cơ cấu xã hội thay đổi thì sẽ dựa vào đâu mà trình bày hay giảng dạy những chân lý từng đâm rễ sâu trong một truyền thống lâu đời. Hơn nữa, khi khái niệm về "chân lý" cả về "tuyệt đối" đều bị mờ nhạt, - nếu không muốn nói là bị chối bỏ dứt khoát,- thì giáo thuyết chỉ còn được coi như là giả thuyết. Trong thập kỷ 60, đã có ai đó đề nghị rằng trong một thế giới tục hóa như hiện nay, tốt nhất là thần học nên giữ thái độ thinh lặng ; nhưng như thế là phản bội Lời Chúa. Điều thiết yếu thần học phải làm là cố nói cho được ngôn ngữ của môi trường mình sinh sống và hoạt động, biết tránh những biệt ngữ chỉ để dùng trong các nhóm nhỏ ; còn mẫu từ vựng bởi truyền thống kitô giáo nói chung và truyền thống công giáo nói riêng thì người truyền giáo cần biết đến. Còn về nội dung, thì dù giáo lý về Giáo hội có phức tạp hoặc khó hiểu đến mấy, thần học gia cũng phải ra sức trình bày trung thực như mình đã tìm hiểu và biết được. Đó chính là tích cực góp phần xây dựng cho văn hóa ngày nay ; có thế văn hóa ngày nay mới tránh được thái độ quá khích một chiều. Việc trước hết là phải trung thành với Lời Thiên Chúa, bởi xác tín rằng dẫu mình chỉ là khí cụ vụng về thì Lời Chúa vẫn có tính năng soi sáng và cảm hóa những ai có thiện chí và lắng nghe. Nhà thần học ý thức rằng Giáo hội là nơi mình tin, mình sống, mình hy vọng ; là nơi mình uống nước của Thần khí, mình lĩnh nhận ơn gọi và sứ mạng ; là Thầy dạy cho mình Lời Chúa, và là mẹ sinh ra mình trong Đức Kitô. Nhà thần học ở trong Giáo hội, chứ không ở trên hay ở ngoài Giáo hội. Giáo hội học không phải là một lối giải thích duy lý của một hiện tượng tôn giáo là Giáo hội ; nhưng là nỗ lực tìm hiểu và đào sâu về mầu nhiệm sống động, thần bí, siêu nhiên của Nhiệm Thể Chúa Kitô : là thần học về Giáo hội. 3.- QUAN ĐIỂM MỚI Vậy thì cần phải nói về Giáo hội cho thời nay. Cho đến thời Vatican II, Giáo hội học thường rập khuôn theo quan điểm xã hội-pháp luật, như đã từng thấy từ thế kỷ 16. Sau Công đồng chung, những sáng kiến trong phạm vị nầy đã được đề ra dưới rất nhiều dạng : khi thì dựa theo quan điểm "hiệp thông", khi thì đóng theo kiểu mẫu "bí tích"; có tác giả thì dựa vào thần học "sứ điệp tin mừng" (kerygma), có người khác lại dùng đến linh hứng "thần linh" (charismatica) ; lại còn có nhiều dạng Giáo hội học với nhiều trọng tâm và danh xưng khác nhau : Giáo hội học 'Thánh Thể" (eucharistica), Giáo hội học "cánh chung" (eschatologica), Giáo hội học "thập giá" (staurologica), Giáo hội học "thiên sai" (messianica), Giáo hội học "thần khí" (pneumatologica), v.v... Mỗi quan điểm hay phương pháp đều có công tích cực đóng góp phần mình để giúp cho hiểu thêm về những khía cạnh đa dạng của mầu nhiệm Giáo hội ; nếu chỉ khăng khăng dựa theo một phương diện mà thôi để tìm hiểu, thì sẽ gặp phải cái nguy là bỏ sót mất những vẻ, những nét, những khía cạnh không nhận ra được từ phương diện chỉ có một chiều như thế. Giáo hội học phải được trình bày sao cho có hệ thống nhưng cũng không nên quá chặt chẽ. Một thực tại vừa bí nhiệm vừa sống động tất phải cần đến một phương pháp mềm dẽo, biết múc lấy những gì cần từ nguồn Kinh Thánh (khoa chú giải), cũng như từ những nguồn suối lịch sử, thần học, triết học, xã hội học, khoa đối chiếu các tôn giáo, v.v. Không một tác giả nào có thể hiểu biết được tất cả, không một cuốn sách nào có sức bao hàm toàn diện trọn bộ khoa Giáo hội học được. 4.- LỊCH SỬ HAY HỆ THỐNG