Nội dung text 1728897251-65. Tội mua bán trái phép chất ma túy- Ls TVP.docx
BÀI BÀO CHỮA CHO BỊ CÁO B.K.S, BỊ XÉT XỬ VỀ TỘI “MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY”, TẠI PHIÊN PHÚC THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TẠI TP. H. - Kính thưa Hội đồng xét xử Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TPH! - Kính thưa đại diện Viện KSXXPT Viện KSNDTC tại TPH! Tôi, Luật sư T.V.P, là người bào chữa cho bị cáo B.K.S, bị xét xử về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, xin được trình bày trước quý Tòa và quý Viện các vấn đề liên quan đến nội dung kháng cáo của bị cáo B.K.S, như sau: 1. Về ý thức chủ quan của B.K.S. - Bị cáo B.K.S một mực khai không biết loại thuốc đã mua bị xem là chất ma túy, chỉ nghĩ đơn thuần đó là thuốc chữa trị bệnh mà theo các sách hướng dẫn sử dụng thuốc đều ghi rõ công dụng của viên Rivotril và Valium là: “chống co giật, an thần, giản cơ và giải lo âu…”. Chính bị cáo trong suốt nhiều năm qua được bác sĩ chữa trị bệnh bằng loại thuốc này, bản thân bị cáo cũng tự biết sử dụng để ngăn chặn các cơn đau thắt. Ngay trong thời gian bị giam giữ, B.K.S vẫn được bác sĩ điều trị chỉ định uống thuốc “Rivotril 2mg: 2 viên sáng, 2 viên tối”. - Điều không thể phủ nhận được là loại thuốc mà B.K.S mua từ Phnompenh định mang về TP. H, bị bắt tại huyện G, tỉnh T là loại thuốc chữa trị bệnh. Chỉ có 1 thành phần của viên Rivotril có chứa hoạt chất Clonazépam và 1 thành phần của viên Valium có chứa hoạt chất Diazépam mà thôi ! Song cũng cần nhìn nhận, Clonazépam và Diazépam tuy nằm trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 của Chính phủ nhưng được xếp vào bảng III là loại tiền chất được dùng trong y tế và về mặt dược lý nó không phải là chất gây nghiện mà chỉ là chất hướng tâm thần. Cho nên, nếu xem nó là chất ma túy thì mức độ tác hại của nó thấp và khác xa các chất độc dược và gây nghiện nằm được xếp ở bảng I và bảng II. - Việc bị cáo khai mua thuốc về sử dụng cho bản thân, cho tặng người thân, giúp các tổ chức từ thiện là có căn cứ. Số lượng thuốc mà bị cáo mua bao gồm 4 loại, trong đó chỉ có 2 loại được xác định có chứa chất ma túy là Rivotril và Valium, 2 loại còn lại là thuốc giúp tăng cường trí nhớ và trợ tim là Tanakan và Vastarel. Trong thực tế, B.K.S thường lui tới các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tàn tật, từng giúp đỡ các nạn nhân chất độc dioxin… Điều này xét ra cũng dễ hiểu và rất tự nhiên về
mặt tâm lý tình cảm, vì S là một người tàn tật nên dễ gần gũi và chia sẻ với những người tật nguyền… - Vì nghĩ là thuốc chữa bệnh, nên B.K.S không có ý thức giấu giếm. Bị cáo mang 2 thùng thuốc một cách công khai qua cửa khẩu, trước mặt cán bộ Hải quan, mang lên xe taxi một cách bình thường như một loại hàng hóa bình thường, không có sự ngụy trang và thủ đoạn đối phó nào cả. B.K.S là người tàn tật, di chuyển bằng xe lăn nên hoàn toàn không có khả năng để đối phó với sự kiểm soát của lực lượng làm nhiệm vụ… - Vì không nghĩ rằng việc mua, mang thuốc tân dược như trên là phạm tội hình sự, bị khép vào hành vi mua bán trái phép chất ma túy nên khi bị lực lượng Cảnh sát kinh tế dừng xe, khám xét và thu giữ lô hàng thuốc, B.K.S không né tránh, không chối cãi mà nhận ngay hàng của mình, ký tên vào Biên bản vi phạm hành chính về hành vi “Vận chuyển hàng hóa nhập khẩu trái phép (thuốc Tây ngoại nhập)” vào ngày 27/7/2004 rồi được cho về, hẹn có mặt vào lúc 7h30’ ngày 29/7/2004 tại Đội chống buôn lậu Phòng Cảnh sát kinh tế để giải quyết vụ vi phạm. Hai ngày sau, B.K.S từ TP. H ngồi xe lăn nhờ người đón xe đò lên T theo đúng hẹn và tại đây B.K.S đã bị bắt giữ với tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” !!! Nếu là người có ý thức phạm tội, chắc chắn B.K.S sẽ không có cách ứng xử như thế !!! - Trong quá trình kiểm sát hoạt động điều tra, Viện KSND tỉnh T từng có văn bản gởi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh T yêu cầu điều tra làm rõ đường dây mua bán chất ma túy mà B.K.S tham gia với lập luận bị can là người tàn tật ngồi xe lăn, phải có người giúp sức mới có thể thực hiện được hành vi tội phạm. Thế nhưng qua kết quả điều tra cho thấy B.K.S không có dính dáng vào bất cứ đường dây mua bán, vận chuyển chất ma túy nào. Việc B.K.S mua thuốc và chở thuốc từ Phnompenh về TP. H chỉ là lần đầu tiên, không hề có mưu toan. Điều này càng phù hợp với xác nhận của Tổng Lãnh sự Pháp về lý lịch tư pháp của B.K.S là hoàn toàn trong sạch! Tóm lại, B.K.S khi mua và mang thuốc từ Phnompenh về TP. H không nhận thức được đó là chất ma túy, chỉ nghĩ là thuốc chữa bệnh mang về giúp người, chớ không phải để đầu độc con người!!! 2. Về vấn đề giám định trọng lượng chất ma túy trong lô hàng thuốc tân dược thu giữ của B.K.S. Các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh T dựa vào Kết luận giám định số 3874/C21(CIII) ngày 30/7/2004 của Phân viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, xác định 27.985 viên thuốc tân dược gồm 2 loại thuốc: Rivotril và Valium chứa thành phần chất ma túy có trọng lượng 4.357,2863 gam để truy tố và xét xử B.K.S
theo điểm e khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự là chưa chính xác (nay là Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015) . Theo chúng tôi phải xác định lại trọng lượng chất ma túy có trong lô hàng, tính hàm lượng hoạt chất Diazépam và Clonazépam hiện diện trong mỗi viên thuốc Valium loại 5mg, 10mg và Rivotril loại 2mg… Nếu tính trọng lượng của một viên thuốc loại Valium thì nó là Valium, chứ không phải là Diazépam, mà thuốc Valium thì không có tên trong danh mục cấm; còn nếu tách ra từng chất trong viên thuốc Valium thì hoạt chất Diazépam là trọng lượng chứ không còn là hàm lượng trong một viên thuốc! Tương tự như vậy, nếu tính trọng lượng của một viên thuốc loại Rivotril thì nó là Rivotril, chứ không phải là Clonazépam, mà thuốc Rivotril thì không có tên trong danh mục cấm; còn nếu tách ra từng chất trong viên thuốc Rivotril thì hoạt chất Clonazépam là trọng lượng chứ không còn là hàm lượng trong một viên thuốc! Theo chúng tôi cần thiết cho giám định lại, theo đó phải tính trọng lượng chất ma túy trên cơ sở hàm lượng chất Clonazépam và chất Diazépam hiện diện trong mỗi viên thuốc (2mg, 5mg, 10mg) và phải giám định toàn bộ lô hàng tân dược chứ không phải giám định theo kiểu chọn đại diện cho từng nhóm, loại thuốc… như đã tiến hành. Căn cứ vào hàm lượng được ghi trên từng viên thuốc, qua tính toán kết quả cho thấy: tổng trọng lượng hoạt chất Diazépam và Clonazépam trong số 27.985 viên thuốc Valium và Rivotril thu giữ của B.K.S chỉ có 63,87 gam, chứ không tới 4.357,2863 gam như Kết quả giám định, Kết luận điều tra, Cáo trạng và Bản án sơ thẩm. Như vậy, nếu truy tố và kết án B.K.S thì chỉ có thể áp dụng điểm m khoản 2 Điều 194 Bộ luật Hình sự, chớ không thể truy tố và kết án theo điểm e khoản 4 Điều 194 Bộ luật Hình sự như đã áp dụng (nay là Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015). Trong thực tiễn giải quyết vụ án, vấn đề giám định chất ma túy ở dạng thuốc tân dược từng được đặt ra. Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. H thông qua Bản án số 2606/HSPT ngày 09/11/2004 đã hủy toàn bộ Bản án số 179/HSST ngày 09/7/2004 của TAND tỉnh T xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” với bị cáo L.T.H và T.T.T.T, là một minh chứng điển hình… Theo nhận thức của chúng tôi, bản án của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. H nêu trên có hiệu lực pháp luật, có thể xem đó như một căn cứ để vận dụng với ý nghĩa như một án lệ. Bản án trên đã gần 1 năm, không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, càng khẳng định tính đúng đắn và có căn cứ pháp luật của phán quyết!!!
Mặt khác, trong những trường hợp như trên, cần thiết phải vận dụng pháp luật theo nguyên tắc áp dụng điều luật có lợi cho bị can - bị cáo… 3. Về bệnh trạng của bị cáo - bệnh nhân B.K.S. Tổ chức COTOREP tại Thông báo số 14.2B đề ngày 15/4/1996 gởi đến B.K.S, xác định: “Cotorep họp ngày 11/4/1996 đã tuyên thừa nhận tỷ lệ mất năng lực của ông là 100%”. Điều đó cho thấy: B.K.S là người tàn phế hoàn toàn, cần được chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ phụ trách y tế của Tổng Lãnh sự quán Pháp có Biên bản y khoa đề ngày 04/10/2004 và Bác sĩ phụ trách Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh T có Giấy xác nhận đề ngày 14/6/2005 xác định tình trạng bệnh của B.K.S cần được quan tâm chữa trị. B.K.S hiện rất yếu, phải nằm điều trị tại Bệnh xá của Trại tạm giam trong nhiều tháng qua. Bệnh xá cũng đã 1 lần chuyển bệnh nhân B.K.S đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh T để tiến hành một số xét nghiệm và chữa trị. Yếu tố bị cáo B.K.S là người có nhược điểm về thể chất, bị hạn chế rất nhiều về năng lực hành vi, thậm chí bị mất năng lực 100%, chưa được Hội đồng xét xử TAND tỉnh T ghi nhận đúng mức. Với tình trạng bệnh tật hiện nay, e rằng bị cáo B.K.S không còn đủ sức sống nổi để mà thụ hình!!! Bên cạnh đó, B.K.S là người có quốc tịch Pháp, vì mối quan hệ ngoại giao và tình hữu nghị giữa hai nước Việt - Pháp, cần nên có mức án nương nhẹ đối với bị cáo… 4. Kiến nghị. Chúng tôi kiến nghị Hội đồng xét xử Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. H chấp nhận kháng cáo của bị cáo B.K.S, qua đó xem xét lại Bản án số 118/HSST ngày 28/7/2005 của TAND tỉnh T đã tuyên phạt bị cáo với mức án 20 năm tù, để qua đó quyết định hủy án sơ thẩm điều tra lại hoặc nhất thiết phải có sự giảm nhẹ mức án phạt đối với bị cáo, nhằm đảm bảo việc xét xử vụ án đúng pháp luật, đảm bảo tính pháp chế và công bằng, công lý cho bị cáo!!! Thay mặt người mẹ già đau khổ của bị cáo B.K.S, tôi trân trọng biết ơn quý Tòa và quý Viện./. Luật sư T.V.P