Nội dung text KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU VĂN BẢN THỂ LOẠI THƠ TRỮ TÌNH VÀ TRUYỆN TRỮ TÌNH
Thẻ 1
1. Nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình - Nhân vật trữ tình (còn gọi là chủ thể trữ tình) là người trực tiếp bộc lộ rung động và tình cảm trong bài thơ trước một khung cảnh hoặc sự tình nào đó. Nhân vật trữ tình có mối liên hệ mật thiết với tác giả song không hoàn toàn đồng nhất với tác giả. * Cách xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ: Nhân vật trữ tình là con người đang cảm xúc, rung động trong thơ. Nội dung trữ tình trong thơ luôn được thể hiện thông qua nhân vật trữ tình. Sâu xa hơn, tác giả cũng chỉ có thể bộc lộ xúc cảm của mình thông qua nhân vật trữ tình. Độc giả cần phân biệt nhân vật trữ tình và nhân vật tự sự. Sự phân biết ấy dựa vào việc đối lập những nét đặc trưng của loại tác phẩm trữ tình và tự sự. Nhân vật trữ tình là con người, nhưng đó là con người của tâm trạng, của cảm xúc...Do đó, khi phân tích nhân vật trữ tình trong thơ, ta cần phải tập trung khai thác thế giới tâm trạng của nhân vật.Trước khi phân tích thơ, ta phải xác định cho được nhân vật trữ tình. Nhân vật trữ tình/chủ thể trữ tình: “Em” – người phụ nữ đang giãi bày tình cảm của mình về tình yêu đôi lứa trong “Thuyền và biển” (Xuân Quỳnh); Nhân vật trữ tình “tôi” – một người mang nỗi buồn man mác trước cảnh sông nước mênh mông, thể hiện nỗi cô đơn và tâm trạng hoài cổ trong “Tràng giang” (Huy Cận) - Đối tượng trữ tình là đối tượng mà nhà thơ hoặc người viết dành tình cảm, cảm xúc của mình vào. Đây có thể là con người, cảnh vật, sự việc, hoặc bất kỳ điều gì mà nhà thơ muốn thể hiện cảm xúc. Đối tượng trữ tình có thể là nhân vật “em” trong “Khi mùa xuân đến” của Hoàng Cầm, nhân vật người mẹ trong bài thơ “Gặp lá cơm nếp” của Thanh Thảo... 2. Cấu tứ và kĩ năng đọc hiểu cấu tứ trong thơ - Cấu tứ được hiểu là cách mà nhà thơ sắp xếp và tổ chức các ý tưởng, hình ảnh và cảm xúc trong tác phẩm thơ theo một mạch vận động mạch lạc, sâu sắc và có quy luật, nhằm chuyển tải cảm xúc, thông điệp tư tưởng và tạo ra vẻ đẹp thẩm mĩ riêng biệt. Theo đó cấu tứ là một quá trình, một thao tác tư duy và tứ thơ chính là sản phẩm của cấu tứ. Cấu thơ hay tứ thơ đều mang tính chất động, nó là sự thể hiện Ý và Tình của nhà thơ một cách sáng tạo và có sức hút, tạo nên sức hấp dẫn độc đáo của bài thơ. - Kĩ năng đọc hiểu cấu tứ trong thơ:
Bước 1. Xác định nội dung chính và cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Để thực hiện bước này, cần trả lời hai câu hỏi: Bài thơ viết về chủ đề gì? Cảm xúc chính và nổi bật của bài thơ là trạng thái cảm xúc nào? Bước 2. Tìm hiểu kết cấu của bài thơ. Để thực hiện bước này cần trả lời hai câu hỏi: Bài thơ có thể tự nó hình thành mấy phần, các phần được liên kết với nhau như thế nào? Giữa các phần có sự khác nhau hoặc biến đổi ra sao? Bước 3. Phân tích tứ thơ theo trình tự sau: Thứ nhất là xác định hình ảnh thơ, chi tiết thơ khơi nguồn cho dòng chảy cảm xúc và ý tưởng của nhà thơ. + Mạch vận động phát triển của tứ thơ qua sự biến đổi của hệ thống hình ảnh, chi tiết. Sự biến đổi này thường tuân theo một quy luật, một logic nào đó. Ví dụ như ở phương diện không gian và thời gian, sự biến đổi có thể là: Ánh sáng - bóng tối, ngày - đêm, quá khứ - hiện tại, hữu hạn – vô hạn... + Ở phương diện đặc điểm, tính chất, trạng thái của sự vật, sự biến đổi có thể là: Mất - còn, hiện hữu - hư vô; vĩnh cửu - nhất thời, tàn phai - tươi tốt, lạnh lẽo - ấm áp, hiện thực - ảo mộng, chật hẹp - phóng khoáng, vị tha - ích kỉ, ngộ nhận - vỡ lẽ, rực rỡ - ảm đạm... + Còn ở phương diện cảm xúc, tâm trạng, sự biến đổi có thể là: Buồn - vui, đắm say - hờ hững, thất vọng - hy vọng, khao khát - ngậm ngùi... + Thông thường sẽ có hai kiểu tứ thơ: tứ thơ vận động thuận chiều và tứ thơ vận động theo chiều nghịch đối. ❖ Tứ thuận chiều là tứ vận động theo chiều tăng tiến, theo đó, sự vật chỉ thay đổi mức độ của các trạng thái, đặc điểm mà không thay đổi bản chất. Ví dụ từ cô đơn đến tận cùng cô đơn, từ tàn phai đến rơi rụng... ❖ Tứ nghịch đối là tứ vận động theo chiều đối lập, theo đó sự vật thay đổi về bản chất, ví dụ từ xa lạ đến gần gũi, từ hữu hạn đến vô hạn, từ chia lìa đến hòa hợp, từ nhất thời đến vĩnh cửu... Bước 4. Tìm hiểu ý nghĩa của cấu tứ của thơ trên ba khía cạnh sau: + Ý nghĩa của cấu tứ đối với việc thể hiện cảm hứng chủ đạo của bài thơ; + Ý nghĩa của cấu tứ đối với việc thể hiện tư tưởng, thông điệp của nhà thơ; + Ý nghĩa của cấu tứ đối với việc tạo ra vẻ đẹp nghệ thuật, sức hấp dẫn của bài thơ, phong cách nghệ thuật của nhà thơ. 3. Cảm hứng chủ đạo Cảm hứng chủ đạo là tình cảm sâu sắc, mãnh liệt chi phối toàn bộ cách thể hiện đời sống, con người và sự lựa chọn hình thức nghệ thuật trong tác phẩm. Hay nói cách khác, cảm hứng chủ đạo là tình cảm chính được tác giả thể hiện trong bài thơ.