PDF Google Drive Downloader v1.1


Report a problem

Content text 5. Hoàn thiện qđ của PLHS Việt Nam về hình phạt chính đối với người phạm tội đáp ứng…- Ths. Ncs. Hoàng Hải Yến.pdf

1 HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ HÌNH PHẠT CHÍNH ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI ĐÁP ỨNG NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN MỚI PHÁT SINH Hoàng Hải Yến  Tóm tắt Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước và là hình thức thể hiện cụ thể của trách nhiệm hình sự và giúp trách nhiệm hình sự có thể hướng tới mục đích phòng ngừa và bảo vệ. Hình phạt là nội dung cơ bản của trách nhiệm hình sự, thể hiện sự phân hóa trách nhiệm hình sự. Trong đó, hình phạt chính đóng vai trò quan trọng và có tính quyết định. Bài viết chỉ ra những vấn đề lý luận và những đòi hỏi thực tiễn mới được đặt ra đối với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về hình phạt chính đối với người phạm tội. Bằng phương pháp phân tích luật viết, bài viết đánh giá những ưu điểm và hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật hình sự; bằng phương pháp so sánh luật, bài viết bình luận những nội dung mà Bộ luật hình sự có thể tham khảo từ một số quốc gia trên thế giới. Từ đó, một số giải pháp cụ thể để sửa đổi, hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về hình phạt chính đối với người phạm tội sẽ được đưa ra. Từ khoá: hình phạt chính, hoàn thiện, quy định, cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. 1. Đặt vấn đề Hệ thống hình phạt trong Bộ luật hình sự (BLHS) gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Tuy nhiên, hình phạt chính là bộ phận cơ bản có tính chất quyết định của hệ thống hình phạt. Hình phạt bổ sung chỉ là bộ phận kèm theo, phụ thuộc vào hình phạt chính, nhằm tăng cường, củng cố tác dụng của hình phạt chính1 . Việc phân loại hình phạt chính và hình phạt bổ sung dựa trên căn cứ về mặt nội dung và căn cứ về mặt hình thức với những điểm tương đồng và khác biệt trong từng căn cứ. Thứ nhất, về mặt mục đích và nội dung, cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung đều có mục đích răn đe (trừng trị) và giáo dục, cải tạo và đều có nội dung tước bỏ hoặc  Thạc sĩ, Nghiên cứu sinh, Phó trưởng khoa PLHS&KSHS, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. 1 Nguyễn Ngọc Hòa (Chủ biên, 2022), Trách nhiệm hình sự, hình phạt và các biện pháp hình sự khác, Nxb.Tư pháp, Hà Nội, tr.82.
2 hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt chính và hình phạt bổ sung đều thông qua việc trừng trị người phạm tội để phòng ngừa (chống để phòng ngừa). Tuy nhiên, nội dung của hình phạt chính tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, từ đó thể hiện yếu tố răn đe (trừng trị) và giáo dục, cải tạo cơ bản gần đầy đủ để có thể đạt được mục đích phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng. Ngược lại, hình phạt bổ sung không có nội dung tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, từ đó chứa đựng những yếu tố răn đe (trừng trị) và giáo dục, cải tạo chưa đủ để có thể “tự mình” đạt được mục đích phòng ngừa chung và phòng ngừa riêng. Đối với một số hành vi phạm tội, việc chỉ áp dụng một mình hình phạt chính có thể chưa thực sự đầy đủ yếu tố răn đe, giáo dục, cải tạo nên cần có thêm sự hỗ trợ của một (một số) hình phạt khác. Khi đó, hình phạt được hỗ trợ được gọi là hình phạt chính còn hình phạt có tính hỗ trợ cho hình phạt khác được gọi là hình phạt bổ sung2 . Thứ hai, về mặt hình thức, cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung đều được quy định trong BLHS với những điều kiện áp dụng cụ thể. Tuy nhiên, xuất phát từ căn cứ nội dung nêu trên, hình phạt chính được quy định trong BLHS cũng như được áp dụng đối với mỗi tội phạm và người phạm tội một cách độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ hình phạt nào khác. Còn đối với hình phạt bổ sung, quy định của BLHS cũng như việc áp dụng loại hình phạt này đối với mỗi tội phạm và người phạm tội sẽ không độc lập mà phải đi kèm với hình phạt chính3 . Bản thân một hình phạt chính sẽ phản ánh “cơ bản đầy đủ sự phản ứng của Nhà nước đối với từng loại tội phạm nhất định” và hình phạt bổ sung (nếu được áp dụng) sẽ góp phần hơn nữa vào sự phản ứng đó4 . Do đó, đối với mỗi tội phạm cụ thể, Tòa án chỉ có thể tuyên một hình phạt chính nhưng có thể tuyên một hoặc một số hình phạt bổ sung hoặc không tuyên hình phạt bổ sung nào. Ngoài ra, xét về mối quan hệ giữa hình phạt chính và hình phạt bổ sung, hình phạt chính sẽ mang tính chất ưu tiên và “chỉ định” đối với hình phạt bổ sung. Điều này có nghĩa là, hình phạt chính sẽ luôn được cân nhắc trước để quy định và áp dụng đối với mỗi tội phạm cụ thể. Chỉ sau khi đã xác định được hình phạt chính, việc quy định và áp dụng hình phạt bổ sung mới được xem xét tới theo hướng hình phạt bổ sung sẽ phù hợp với tính chất của hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung sẽ “bổ trợ” cho những mục đích còn thiếu của hình phạt chính. Bên cạnh đó, tác giả cũng đồng tình với quan điểm cho rằng hình phạt bổ sung 2 Nguyễn Ngọc Hoà, tlđd, tr.36. 3 Trịnh Quốc Toản (2010), Các hình phạt bổ sung trong luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.39-41. 4 Nguyễn Sơn (2002), Các hình phạt chính trong luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học, Viện nghiên cứu Nhà nước và pháp luật, Hà Nội, tr.38.
3 vừa có mục đích răn đe của hình phạt, vừa có tính trực tiếp “ngăn ngừa, đề phòng” sự tái diễn hành vi phạm tội của biện pháp hình sự phi hình phạt 5 . Do đó, việc xây dựng và áp dụng hình phạt bổ sung ngoài bị phụ thuộc vào hình phạt chính thì còn phụ thuộc vào vấn đề cần ngăn ngừa, đề phòng. Quy định về hình phạt chính trong BLHS Việt Nam về cơ bản đã có tính hệ thống, tính đa dạng nhằm bảo đảm sự phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng hành vi phạm tội, thể hiện được nguyên tắc phân hoá trách nhiệm hình sự (TNHS) và nguyên tắc nhân đạo. Tuy nhiên, đứng trước một số vấn đề lý luận và thực tiễn mới như: mối tương quan giữa hình phạt chính với hình phạt bổ sung và các biện pháp hình sự phi hình phạt; khả năng “thay thế”, “chuyển đổi” giữa các hình phạt chính; yêu cầu bảo đảm hiệu quả hơn nữa áp dụng trên thực tế... thì việc tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và tìm ra những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung (SĐ, BS) quy định của BLHS về hình phạt chính là cần thiết. 2. Một số vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện quy định của pháp luật hình sự về hình phạt chính Thứ nhất, nghiên cứu cho thấy, BLHS Việt Nam tồn tại một khoảng cách khá lớn giữa những hình phạt chính không tước tự do và những hình phạt chính tước tự do trong việc quy định và áp dụng trên thực tế. Khoảng cách này không được thể hiện ngay tại các quy định về hình phạt chính trong Phần chung của BLHS mà được thể hiện rõ nét trong quy định của Phần các tội phạm của BLHS Việt Nam. Trong số 314 tội danh của BLHS năm 2015 (được SĐ, BS năm 2017), có tổng số 883 khung hình phạt (áp dụng đối với cá nhân phạm tội), trong đó chỉ có 24 khung hình phạt không quy định hình phạt tù có thời hạn đối với người phạm tội6 , chiếm tỷ lệ 3,17%. Các khung hình phạt này quy định hình phạt lựa chọn trong số các hình phạt không tước tự do: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Điều này cũng đồng nghĩa: Trong số 883 khung hình phạt của BLHS, có 855 khung hình phạt có quy định hình phạt tù có thời hạn. Thực tiễn áp dụng pháp luật trong những năm qua cũng cho thấy “hình phạt tù giam được áp dụng nhiều chiếm tỉ lệ trên 90%. Loại hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ và hình phạt tiền (là hình phạt chính) được áp dụng rất ít hoặc hầu như không được áp dụng. Đặc biệt là hình phạt tiền được áp dụng chủ yếu là hình phạt bổ sung kèm với hình phạt tù có thời hạn hoặc hình phạt chính khác cũng rất ít”7 . Sự mất cân đối này, cộng thêm với quy định về tính chất ràng buộc thấp của các 5 Nguyễn Ngọc Hoà, tlđd, tr.37. 6 Nguyễn Thị Ánh Hồng (2018), Hình phạt chính không giam giữ trong luật hình sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ luật học, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tr.89. 7 Nguyễn Thị Hồng Hạnh (2018), So sánh các quy định về hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự Cộng hòa Pháp, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.95.
4 hình phạt chính không tước tự do khiến cho Tòa án Việt Nam thường ưu tiên áp dụng tù có thời hạn ở mức thấp hoặc áp dụng tù có thời hạn nhưng cho hưởng án treo thay vì áp dụng các hình phạt có tính chất không tước tự do như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ. Như vậy, án treo mặc dù không phải là một hình phạt nhưng lại đang được áp dụng như một hình phạt chính nhằm lấp đầy khoảng cách giữa các hình phạt chính tước tự do và các hình phạt chính không tước tự do. Những bất cập, hạn chế nêu trên còn được thể hiện rõ nét hơn nữa khi đặt trong sự so sánh với quy định về các hình phạt chính trong BLHS một số nước trên thế giới. Điều 39 BLHS Trung Quốc năm 1979 (được sửa đổi năm 2020) quy định về hình phạt quản chế như sau: “(1) Tuân thủ luật pháp và các quy định hành chính, chịu sự giám sát bản thân của cộng đồng; (2) Không được thực hiện các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, diễu hành và biểu tình mà không có sự chấp thuận của cơ quan thi hành án; (3) Có nghĩa vụ báo cáo về các hoạt động của chính mình theo các quy định của cơ quan thi hành án; (4) Tuân thủ các quy tắc của cơ quan thi hành án về việc tiếp khách; (5) Phải có sự báo cáo và được chấp thuận của cơ quan thi hành án về việc thay đổi nơi cư trú hoặc rời khỏi thành phố hoặc quận đang chấp hành án”8 . Tùy thuộc vào loại tội phạm đã thực hiện, một người bị kết án quản chế cũng có thể bị cấm tham gia vào một số hoạt động nhất định, cấm lui tới các khu vực hoặc địa điểm nhất định hoặc cấm tiếp xúc với một số người nhất định trong thời hạn thi hành án. Người bị kết án nếu vi phạm các quy định trên sẽ bị xử lý theo Luật Xử phạt hành chính của Trung Quốc (Điều 38 BLHS Trung Quốc). BLHS Cộng hoà Pháp năm 1992 (được sửa đổi năm 2019) quy định về hình phạt phục vụ cộng đồng là “một công việc lao động công ích không lương, vì lợi ích của một cơ quan nhà nước, một cơ sở công lập hoặc một hiệp hội có thẩm quyền. Thời giờ lao động công ích do tòa án ấn định nhưng ít nhất là 40 giờ nhưng không quá 210 giờ. Thời gian hoàn thành lao động công ích không được quá 18 tháng” (Điều 131-8 BLHS Pháp)9 . Theo đó, khi bị áp dụng hình phạt phục vụ cộng đồng, hoạt động lao động công ích là bắt buộc, khác với khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ trong BLHS Việt Nam, hoạt động lao động công ích chỉ đặt ra khi người bị kết án không có việc làm hoặc mất việc làm (khoản 4 Điều 36 BLHS Việt Nam). Nghiên cứu hình phạt quản chế trong BLHS Trung Quốc và hình phạt phục vụ cộng đồng trong BLHS Cộng hoà Pháp cho thấy, những quốc gia này đều quy định nhiều nghĩa vụ mà người bị kết án phải tuân thủ trong thời gian chấp hành án như bắt buộc lao 8 Criminal Law of the People's Republic of China (2020 Amendment), [http://www.lawinfochina.com/display.aspx?id=34470&lib=law] (truy cập ngày 10/10/2024). 9 French Penal Code [https://www.legifrance.gouv.fr/codes/texte_lc/LEGITEXT000006070719/] (truy cập ngày 10/10/2024).

Related document

x
Report download errors
Report content



Download file quality is faulty:
Full name:
Email:
Comment
If you encounter an error, problem, .. or have any questions during the download process, please leave a comment below. Thank you.