Content text 19. Một số vấn đề về thực tiễn áp dụng quy định miễn TNHS theo LHS Việt Nam - Ths. Nguyễn Thành Công & Ths. Lâm Kiều Phương.pdf
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ THEO LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM Nguyễn Thành Công Lâm Kiều Phương Tóm tắt Bài viết “Một số vấn đề về thực tiễn áp dụng quy định miễn trách nhiệm hình sự theo Luật hình sự Việt Nam”, qua vụ án thực tế cho thấy Hội đồng xét xử đã từng cân nhắc và quyết định áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt để miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Từ đó, cũng phát sinh vướng mắc về nhận thức và áp dụng vì căn cứ này chỉ mới trên cơ sở chủ trương và bối cảnh cụ thể (bối cảnh chống dịch covid -19) mà chưa được thể chế hóa thành quy phạm pháp luật gắn với điều kiện bối cảnh cụ thể nên dễ gây ra tâm lý hoang mang, so sánh, không công bằng trong tâm lý xã hội. Giải pháp đưa ra trước hết là cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng định nghĩa, tiêu chí hướng dẫn xem xét, đánh giá các căn cứ và điều kiện miễn trách nhiệm hình sự về chính sách khoan hồng đặc biệt đối với các tội tham nhũng, chức vụ. Bên cạnh đó, đòi hỏi các cơ quan, người áp dụng pháp luật xử lý tội phạm phải có chuyên môn, nghiệp vụ cao, có bản lĩnh chính trị, có trách nhiệm công tác và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Sau cùng là việc kiểm tra, kiểm sát, giám sát tình hình áp dụng pháp luật cần phải được tổ chức, nhằm mục đích phát hiện kịp thời những sai sót, từ đó ra quyết định áp dụng hay hủy bỏ việc áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng – kinh tế - chức vụ. Từ khóa: Trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, chính sách khoan hồng đặc biệt. Đặt vấn đề Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những nội dung thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước. Biện pháp này được quy định và áp dụng trong một số trường hợp phạm tội nếu xét thấy không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không cần buộc họ phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt mà vẫn Thạc sĩ, Luật sư Công ty luật TNHH Đông Phương Luật Thạc sĩ, Luật sư Công ty luật TNHH Đông Phương Luật
đảm bảo được yêu cầu phòng và chống tội phạm, vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội để họ trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử có một số trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự mà căn cứ áp dụng lại nằm ngoài quy định của BLHS 2015, cụ thể trong một số bản án đã áp dụng “chính sách khoan hồng đặc biệt” làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ. Điều này đã làm phát sinh nhiều sự bất cập về căn cứ, điều kiện áp dụng miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, việc nghiên cứu, đánh giá quy định trên là cần thiết và cấp bách, góp phần hoàn thiện quy định về miễn trách nhiệm hình sự, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả trong thực tiễn áp dụng. 1. Nhận thức về chính sách khoan hồng đặc biệt làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm tham nhũng và chức vụ Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo trong pháp luật hình sự, là việc không bắt buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mà họ đã thực hiện, khi họ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, tức là các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền căn cứ vào giai đoạn tố tụng hình sự cụ thể để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, mà vẫn đảm bảo được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, cũng như việc giáo dục, cải tạo người phạm tội. Theo đó, người được miễn trách nhiệm hình sự sẽ không bị áp dụng hình phạt và không phải chịu án tích, tuy nhiên, người này vẫn có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác như hành chính – kỉ luật, dân sự... chính vì hậu quả pháp lý mang lại nên miễn trách nhiệm hình sự được xem là một chế định thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự ở mức cao hơn so với các chế định miễn giảm khác như đặc xá, miễn hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện... vì khi áp dụng các chế định này thì hậu quả pháp lý vẫn còn tồn tại án tích hoặc người phạm tội phải đáp ứng điều kiện là đang chấp hành án phạt tù. Trong khi đó, miễn trách nhiệm hình sự có thể áp dụng trong suốt giai đoạn điều tra đến giai đoạn xét xử. Tuy nhiên, khi so sánh miễn trách nhiệm hình sự với đại xá thì đại xá thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật hình sự ở mức cao hơn so với miễn trách nhiệm hình sự vì hậu quả pháp lý của đại xá là người đó trở thành người không có tội, đồng thời, cũng không có án tích trong lý lịch tư pháp của mình. Căn cứ vào BLHS năm 2015 thì miễn trách nhiệm hình sự được quy định rải rác trong cả phần chung và phần các tội phạm. Chế định miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại điều 16, điều 29, khoản 2 điều 91, khoản 4 điều 110, khoản 4 điều 247, đoạn 2 khoản 7 điều 364, khoản 6 điều 365 và khoản 2 điều 390. Miễn trách nhiệm hình sự thường được
chia làm hai dạng: (1) là trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự; (2) là trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên hiện nay, ngoài các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đã được quy định thì trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tham nhũng và chức vụ đã có những ngoại lệ đặc biệt, cụ thể, việc miễn trách nhiệm hình sự còn có thể được căn cứ áp dụng bởi chính sách hình sự của đảng và nhà nước trong từng thời kì, phù hợp với các yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Sự ngoại lệ đặc biệt này là chính sách xử lý tội phạm riêng với tội phạm tham nhũng và chức vụ được cụ thể hóa từ chính sách hình sự đối. Tại các bản án, căn cứ mà tòa án tuyên người phạm tội tham nhũng và chức vụ được miễn trách nhiệm hình sự thì đó là áp dụng “chính sách khoan hồng đặc biệt” của Đảng và Nhà nước. Thuật ngữ “khoan hồng đặc biệt” lần đầu tiên được đề cập tại Điều 59 BLHS 2015, như sau: “người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 54 của bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”. Sau đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 để hướng dẫn áp dụng Điều 59 BLHS 2015 lại sử dụng thuật ngữ “chính sách khoan hồng đặc biệt”, cụ thể: “Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau...”. Như vậy, có thể hiểu “khoan hồng đặc biệt” hay “chính sách khoan hồng đặc biệt” đang được nhắc tới làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự là một. “Khoan hồng đặc biệt” hay “Chính sách khoan hồng đặc biệt” chỉ được đề cập duy nhất tại hai văn bản quy phạm pháp luật trên và chưa được định nghĩa, giải thích hay hướng dẫn áp dụng làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ. Quy định tại Điều 59 BLHS 2015 chỉ cho ta nhận thức: có một chính sách khoan hồng đặc biệt đến mức được miễn trách nhiệm hình sự. Trong thực tiễn xét xử các vụ án tham nhũng, chức vụ, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự đều có một biểu hiện đặc trưng làm căn cứ xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đó là khi thực hiện hành vi phạm tội không nhằm mục đích vụ lợi và sau khi thực hiện hành vi phạm tội không nhận bất cứ lợi ích vật chất hoặc lợi ích
phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Biểu hiện đặc trưng này xuất phát từ quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, chức vụ cho thấy rằng người phạm tội trước – trong – sau quá trình thực hiện hành vi phạm tội không vụ lợi, tuy nhiên, người này vì lợi ích chung nên đã phạm tội do bối cảnh xảy ra tội phạm đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh...; hoặc do trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao các quy định đã lạc hậu, không phù hợp với tình hình chuyển biến của kinh tế - xã hội... Xuất phát từ thực tiễn, nhận thấy đây là những trường hợp phạm tội vì lý do đặc biệt nên Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023, quy định về trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung Nghị định quy định cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Như vậy, chính sách khoan hồng đặc biệt đối với nhóm tội tham nhũng, chức vụ được xây dựng từ tiêu chí cán bộ trung thực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không vì đích vụ lợi nên cần có một chính sách xử lý tội phạm đặc biệt dành cho nhóm tội phạm này. Chính sách xử lý tội phạm này mang ý nghĩa tích cực, tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, nhằm làm tốt hơn việc thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát; bảo đảm hiệu quả phòng chống tội phạm, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có răn đe, giáo dục, vừa nhân văn, thuyết phục. Từ các phân tích trên có thể hiểu: Chính sách khoan hồng đặc biệt làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ là chủ trương, đường lối sử dụng pháp luật hình sự trong đấu tranh phòng chống tội phạm, là một chính sách xử lý tội phạm riêng, thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước đối với người có tội, khi tội phạm được thực hiện trong bối cảnh đặc biệt và không vì mục đích vụ lợi, nhằm khuyến khích họ hối cải, tự sửa chữa lỗi lầm nhưng vẫn đảm bảo được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, mang tính trọng tâm, răn đe, giáo dục và nhân văn.