Content text A 241.6_VAN DE CUNG BAI TO TIEN - DO QUANG CHINH.pdf
VẤN ĐỀ CÚNG BÁI TỔ TIÊN (Ở VIỆT NAM) (Đỗ Quang Chính, S.J.) Trong Chương này, chúng ta nhìn lại việc cúng bái tổ tiên đã được Giáo hội VN “hoà mình” đến đâu từ thế kỷ XVII; nhưng sang đầu thế kỷ XVIII, Toà thánh dứt khoát nghiêm cấm cách thế tôn kính tổ tiên của người tín hữu ở Trung Quốc cũng như ở VN và những nơi quen thi hành kiểu cách đó, nói chung là cấm việc cúng đồ ăn, dâng hương nhang, bái lạy người quá cố, đốt vàng mã, cùng tất cả những cách thế mà theo cái nhìn của Công giáo Tây phương, cho là nhuốm màu sắc mê tín dị đoan. Toà thánh cũng cấm người tín hữu lập bàn thờ tổ, đặt bài vị trong nhà, cách riêng không được kính thờ đức Khổng Tử. Dưới đây, xin nói sơ qua: - Cúng bái, giỗ chạp ở Việt Nam; - Một số nhà truyền giáo ở VN tán thành cúng bái tổ tiên; - Toà thánh can thiệp. I. Cúng bái, giỗ chạp ở Việt Nam Tại Việt nam cũng như Trung Quốc và mấy nước lân cận ít nhiều chịu ảnh hưởng của Khổng giáo từ lâu đời, đặc biệt đề cao lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên hơn nhiều dân tộc khác, ít là qua các hình thức bên ngoài. Lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ chẳng những phải thể hiện rõ nét khi cha mẹ còn sống, mà cả khi các ngài đã qua đời. Chính cách thể hiên hiếu thảo ở xứ ta đối với người đã khuất mới là vấn đề trong muc này. Từ giờ phút cha mẹ hấp hối cho đến khi an táng xong, biết bao việc phải làm theo phong tục luật lệ đất nước, trong đó có có những lề thói dân sự và cả những nghi lễ ít nhiều mang tính chất tín ngưỡng, như cúng bái, cầu siêu... Những lề thói dân sự ấy nhiều khi còn là những điều luật quá nghiêm khắc, làm khổ trăm dân bao đời, dù có tính cách quôc gia, nghĩa là do nhà vua ban hành cho toàn dân phải tuân giữ. Chỉ riêng về tang chế cũng đã rất phức tạp. Ví dụ: theo luật Hồng Đức, tức là thời vua Lê Thánh tông từ 1470-1497, quy định từ điều 18-33 về việc để tang như thế nào: anh chị em cùng cha khác mẹ, các con, cha mẹ vợ, dưỡng mẫu, đích mẫu, kế mẫu, từ mẫu,