PDF Google Drive Downloader v1.1


Report a problem

Content text 248.2 - TVTT0000136 - Con Đường Chẳng Mấy Ai Đi - The Road Less Traveled - M Scott Peck - Lê Công Đức.doc

1 CON ĐƯỜNG CHẲNG MẤY AI ĐI The Road Less Traveled M. Scot Peck. M.D. Người dịch: Lm. Lê Công Đức
2 Mục Lục: Mở đầu: Lời Giới Thiệu Phần 1: Quy Phạm Phần 2: Tình yêu Phần 3: Tín Ngưỡng và sự Trưởng Thành Phần 4: Ân Sủng Kết: Lời bạt Lời giới thiệu: Phần lớn các ý tưởng trình bày ở đây được hình thành từ công việc điều trị hằng ngày của tôi với các bệnh nhân trong khi họ gắng sức để tránh hoặc để tìm sự trưởng thành nhiều hơn. Bởi đó, quyển sách này chứa đựng rất nhiều câu chuyện thực của những con người thực. Tín nhiệm là điều tối cần cho việc thực hành tâm lý trị liệu, vì thế tất cả các trường hợp mô tả ở đây đều được đổi tên và đổi các tình tiết sao cho có thể vừa bảo đảm được tính cẩn mật cho các bệnh nhân của tôi vừa đồng thời không bóp méo những điều căn bản trong kinh nghiệm của chúng ta với nhau. Tuy nhiên, có một điều không thể tránh được đó là để cho việc mô tả các trường hợp khỏi phải quá dông dài, tôi phải lược bỏ một số tình tiết. Tâm lý trị liệu là một tiến trình ít khi ngắn gọn, song vì tôi cần phải tập chú vào những mốc điểm quan trọng của các trường hợp, nên bạn đọc rất dễ có ấn tượng rằng tiến trình tâm lý trị liệu là một tiến trình rất rõ nét và đầy kịch tính. Kịch tính thì quả có thực đấy, còn tính cách sáng sủa rõ nét thì có lẽ phải đi đến cuối mỗi tiến trình rồi nhìn lại mới thấy được. Dẫu sao thì để cho quyển sách được dễ đọc, trong những mô tả các ca trị liệu này tôi sẽ bỏ qua những giai đoạn rối loạn và ngưng trệ kéo dài vốn vẫn thường xảy đến với các ca trị liệu tâm lý. Cũng vì lý do giản tiện tôi đành phải theo thói quen lâu đời để sử dụng từ ngữ giống đực[1] cho Thiên Chúa – chứ không phải vì một quan niệm cứng nhắc nào về giống loại. Trong tư cách là một nhà tâm lý trị liệu, tôi cảm thấy cần nêu rõ ngay từ đầu rằng có hai giả định hàm chứa trong quyển sách này. Một là, tôi không phân biệt tâm thần với tâm linh, và do đó không hề có sự phân biệt giữa quá trình trưởng thành tâm linh với quá trình trưởng thành tâm thần. Hai đàng chỉ là một. Giả định thứ hai là quá trình trưởng thành ấy bao giờ cũng phức tạp, cam go và kéo dài suốt cuộc sống. Nếu vai trò của tâm lý trị liệu là thúc đẩy và hỗ trợ cho tiến trình trưởng thành tâm thần và tâm linh thì chắc chắn nó không thể là một phương pháp nhanh chóng và giản dị được. Tôi không thuộc một trường phái tâm thần học hay tâm lý trị liệu riêng biệt nào. Tôi không thuộc trường phái của Freud hay Jung hay Adler, cũng không phải thuộc trường phái phân tích cung cách ứng xử. Tôi không tin có bất cứ câu trả lời duy nhất và dễ dàng nào. Tôi cho rằng những hình thức tâm lý trị liệu giản lược có thể hữu ích và ta không nên bác bỏ – nhưng rõ ràng là chúng chỉ đem lại những kết quả phiên phiến mà thôi. Trưởng thành tâm linh là một cuộc hành trình lâu dài. Tôi ghi ơn các bệnh nhân đã cho tôi được hân hạnh đồng hành với họ trong phần lớn hành trình của họ. Kỳ thực hành trình của họ cũng chính là hành trình của tôi, và rất nhiều điều được trình bày ở đây chính là những điều mà chúng tôi đã cùng nhau học hỏi được. Tôi cũng tri ân các giáo sư và các đồng nghiệp của tôi. Đặc biệt nhất trong số này là Lily, vợ tôi. Trong tư cách là một người bạn đời, một nhà tâm lý trị liệu, vợ tôi đã đóng góp nhiều đến nỗi tôi khó có thể phân biệt được đâu là phần của vợ mình và đâu là phần của mình. Morgan Scott Peck, M.D.
3 Phần 1: QUY PHẠM 1.01.  NỖI KHÓ VÀ NỖI KHỔ 1.02.  ĐÌNH HOÃN KHOÁI CẢM 1.03.  LỖI CỦA CHA MẸ 1.04.  YẾU TỐ THỜI GIAN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 1.05.  NHẬN LÃNH TRÁCH NHIỆM 1.06.  HAI CHỨNG RỐI LOẠN 1.07.  CHẠY TRỐN TỰ DO 1.08.  PHỤNG SỰ CHO SỰ THẬT 1.09.  CHUYỂN VỊ: TẤM BẢN ĐỒ QUÁ “ĐÁT” 1.10.  SẴN LÒNG NHẬN THÁCH ĐỐ 1.11.  CHE GIẤU SỰ THẬT 1.12.  QUÂN BÌNH 1.13.  SỰ HỤT HẪNG LÀNH MẠNH 1.14.  TỪ BỎ VÀ TÁI SINH NỖI KHÓ VÀ NỖI KHỔ Cuộc đời đầy gai góc. Đó là một chân lý vĩ đại, một trong những chân lý vĩ đại nhất.1 Đó là một chân lý tuyệt vời vì một khi chúng ta thực sự hiểu nó là chính lúc chúng ta vượt qua nó. Một khi chúng ta thực sự biết rằng đời là khó – và đón nhận nó – thì cuộc sống sẽ không còn khó nữa. Bởi vì nếu người ta chấp nhận nó thì nó hết còn là vấn đề. Đa số người ta không hoàn toàn nhìn nhận sự thực “đời là khó”. Thay vào đó, họ rên rỉ, thét la về mớ ngổn ngang rối rắm của họ, về những gánh nặng và những thử thách của họ – cơ hồ như cuộc sống nói chung vốn dễ, cơ hồ như cuộc sống đáng ra phải dễ. Họ gào lên rằng những phiền toái mà họ gánh chịu là những phiền toái không đáng có, họ nghĩ đó là những khó khăn dành riêng một cách nghiệt ngã cho họ hoặc gia đình họ, dòng họ, giai cấp, dân tộc, chủng tộc họ… còn kẻ khác thì khoẻ re. Tôi hiểu những tiếng rên rỉ này vì chính tôi đã từng rên rỉ. Đời sống là một chuỗi dài những vấn đề. Chúng ta muốn rên rỉ về chúng hay là muốn giải quyết chúng đây? Chúng ta có muốn dạy cho con cái mình biết giải quyết các vấn đề của cuộc sống không?
4 Qui phạm là thứ dụng cụ cơ bản mà chúng ta cần có để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Không có qui phạm thì không thể giải quyết được gì. Với vài qui phạm thì chỉ giải quyết được vài ba chuyện. Song với toàn bộ qui phạm thì ta có thể giải quyết hết tất cả mọi vấn đề. Việc đương đầu và giải quyết các khó khăn là một tiến trình không mấy êm ái, và chính bởi đó nên đời mới khó. Một cách tự nhiên, các khó khăn khơi lên trong ta tâm trạng nản lòng hay cảm xúc đớn đau hoặc u sầu, cô đơn, mặc cảm, hối tiếc, giận dữ, lo sợ, hoang mang, khổ sở, tuyệt vọng… Những cảm xúc ấy chẳng dễ chịu chút nào, chúng hành hạ không kém gì những đớn đau trên thân xác, một đôi khi ta có thể so sánh chúng với những cơn đau khủng khiếp nhất của xác thịt mình. Thật vậy, do bởi chúng ta đau nên chúng ta mới gọi các sự cố gây ra những nỗi đau ấy là các vấn đề. Và vì cuộc sống không ngừng phô bày ra hết vấn đề này đến vấn đề khác nên cuộc sống bao giờ cũng gai góc, bao giờ cũng đầy những nỗi khổ cùng với niềm vui. Tuy nhiên, chính trong toàn bộ cái tiến trình đương đầu và giải quyết các vấn đề này mà cuộc đời có được ý nghĩa của nó. Các vấn đề của cuộc sống chính là mặt cắt phân biệt giữa thành công và thất bại. Các vấn đề ấy huy động lòng can đảm và óc sáng suốt của chúng ta; hay nói đúng hơn, chúng tạo ra nơi chúng ta sự can đảm và sáng suốt. Nếu cuộc sống không có vấn đề thì người ta chẳng thể nào trưởng thành tâm thần và tâm linh được. Để giúp phát triển tâm linh của một người, chúng ta thách đố và trang bị cho người ấy khả năng giải quyết các vấn đề – không khác gì ở trường người ta đưa các bài toán cho bọn nhóc của chúng ta tự giải lấy. Chúng ta có học hỏi được gì chăng thì đấy là nhờ ở quá trình đương đầu và giải quyết các vấn đề, một quá trình luôn gắn liền với sự nhức nhối. Như Benjamin Franklin đã nói: “Those things that hurt, instruct” (những gì gây đau đớn cho ta đều giúp dạy khôn ta). Đó là lý do tại sao những người khôn ngoan không học cách để sợ hãi mà là học cách để đón nhận các vấn đề và các phiền nhiễu của chúng. Đa số chúng ta lại không được khôn ngoan như thế. Chính vì sợ đớn đau mà hầu như tất cả chúng ta – kẻ ít người nhiều – đều cố tránh các vấn đề. Chúng ta chần chừ nấn ná, hy vọng bão tố đi qua. Chúng ta phớt lờ chúng, quên chúng, làm như chúng không có đó. Để có thể phớt lờ chúng, ta không ngại tìm sự bổ trợ nơi thuốc ngủ hoặc ma túy – ta nghĩ rằng mình có thể quên các vấn đề gây ra nỗi khổ bằng cách tránh trớ nỗi khổ. Ta tìm cách đi lòng vòng xung quanh các vấn đề hơn là xông vào trực diện chúng. Ta cố thoát ra khỏi chúng hơn là lãnh nhận trọn vẹn chúng. Xu hướng tránh né các vấn đề và tránh né nỗi khổ sở do các vấn đề chính là căn chứng của mọi thứ bệnh tâm thần nơi người ta. Vì đa số chúng ta đều có ít nhiều xu hướng này nên đa số chúng ta đều ít nhiều bị suy nhược tâm thần, không có được một tâm thần hoàn toàn lành mạnh. Một số trong chúng ta còn đi rất xa trong việc tránh né các vấn đề và các nỗi khổ gây ra bởi chúng. Ta xa lánh tất cả những gì là thực tiễn, cố tìm một ngõ thoát dễ dãi. Ta vun quén mộng mị và nấp vào trong đó, đôi khi đến mức gạt bỏ hoàn toàn thực tại. Như một câu nói thật hàm súc của Carl Jung: “Để tránh né những đau khổ thường tình, người ta luôn luôn gặp… rối loạn tâm thần”. Cuối cùng thì cái mà người ta gặp thấy lại làm họ khổ sở hơn nhiều so với cái mà người ta muốn tránh né. Rối loạn tâm thần tự nó trở thành vấn đề khó khăn nhất. Thế là nhiều người lại loay hoay tìm cách tránh né chính vấn đề này – tức vấn đề loạn tâm thần, họ dùng đủ cách để che chắn lấp liếm nó. Rất may là cũng có một số có đủ can đảm để đối diện với tình trạng rối loạn tâm thần của mình – và với sự hỗ trợ của khoa tâm lý trị liệu, họ bắt đầu học cách cảm nhận những nỗi đau khổ đời thường. Bất luận trường hợp nào, hễ chúng ta tránh né những nỗi khổ do các vấn đề gây ra thì chúng ta cũng đang tránh sự trưởng thành mà các vấn đề ấy yêu cầu nơi chúng ta. Điều đó giải thích tại sao khi chúng ta ở trong tình trạng suy nhược tâm thần kinh niên thì chúng ta ngừng trưởng thành và trở nên “lún lầy”. Nếu không được chữa trị, tinh thần con người sẽ bắt đầu teo rút lại, héo queo.

Related document

x
Report download errors
Report content



Download file quality is faulty:
Full name:
Email:
Comment
If you encounter an error, problem, .. or have any questions during the download process, please leave a comment below. Thank you.