Content text 16. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ Luật Hình sự năm 2015 và một số kiến nghị hoàn thiện - Ts. Lê Tường Vy.pdf
1 CĂN CỨ MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ THEO ĐIỀU 29 BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN Lê Tường Vy Tóm tắt Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định nhân đạo trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam. Về bản chất pháp lý, chế định này thực chất là việc loại bỏ những hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội khi có đủ các căn cứ theo quy định của pháp luật hình sự. Việc áp dụng miễn trách nhiệm hình sự nhằm tiết kiệm sử dụng các biện pháp chế tài của luật hình sự, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục người phạm tội, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, khi quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào các quy định cụ thể của pháp luật. Vì vậy, việc hiểu và áp dụng đúng các căn cứ được miễn trách nhiệm hình sự mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bài viết này sẽ tập trung vào các căn cứ của miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật Hình sự Việt Nam, bao gồm các nội dung như: khái niệm, bản chất pháp lý của căn cứ miễn trách nhiệm hình sự, các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự, và những vấn đề cần xem xét khi áp dụng chế định này. Từ khoá: Trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự... 1. Khái niệm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự Miễn trách nhiệm hình sự là không buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội phạm mà người đó đã thực hiện1 . Như vậy, miễn TNHS có thể được hiểu là không buộc người phạm tội phải chịu hậu quả pháp lý bất lợi của việc phạm tội mà lẽ ra nếu không có đầy đủ căn cứ pháp lý và những điều kiện do luật định để được miễn TNHS thì người đó phải chịu TNHS theo quy định của pháp luật hình sự. Miễn TNHS khác về bản Tiến sĩ, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Tp.HCM. 1 Nguyễn Thị Phương Hoa & Phan Anh Tuấn (Đồng chủ biên, 2017), Bình luận khoa học: Những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nxb. Hồng Đức, tr.69.
2 chất so với không phải chịu TNHS. Người được miễn TNHS là người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng không phải chịu hậu quả pháp lý do hành vi đó gây ra khi có đủ những căn cứ và điều kiện do luật hình sự quy định, còn người không phải chịu TNHS là người không phạm tội do không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự hoặc hành vi không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm2 . Do tính chất quan trọng của việc miễn TNHS, là người phạm tội không phải ghánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi do việc thực hiện hành vi phạm tội của mình nên khi quyết định miễn TNHS cho người phạm tội, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự, chỉ khi đáp ứng các căn cứ này họ mới được miễn TNHS. Vậy, căn cứ miễn TNHS là gì? theo từ điển tiếng Việt, từ "căn cứ" được hiểu là : “Dựa vào, lấy làm cơ sở để quyết định hoặc giải thích điều gì đó.” 3 . Như vậy, căn cứ miễn TNHS là cơ sở mà cơ quan có thẩm quyền dựa vào đó để quyết định việc miễn TNHS cho người phạm tội. Theo quy định của BLHS năm 2015, miễn TNHS được quy định trong Phần Chung và Phần các Tội phạm và nó có thể chia làm hai nhóm: (1) Nhóm các căn cứ có tính chất bắt buộc, tức là đương nhiên “được miễn TNHS”; (2) Nhóm các căn cứ có tính chất tuỳ nghi, tức là “có thể được miễn TNHS”. Với các căn cứ có tính chất bắt buộc thì khi người phạm tội đáp ứng các căn cứ miễn TNHS, cơ quan có thẩm quyền phải miễn TNHS cho người phạm tội. Với các căn cứ có tính chất tuỳ nghi, thì cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mà đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà đi đến quyết định miễn TNHS hoặc không miễn TNHS cho người phạm tội. 2. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 và một số bất cập, hạn chế. 2.1. Nhóm các căn cứ đương nhiên “được miễn trách nhiệm hình sự” Đây là các căn cứ có tính chất bắt buộc mà dựa vào đó, cơ quan có thẩm quyền phải miễn TNHS cho người phạm tội khi họ đủ điều kiện, cụ thể là các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 29 BLHS năm 2015 gồm hai trường hợp sau: Trường hợp 01: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; 2 Nguyễn Thị Phương Hoa & Phan Anh Tuấn (Đồng chủ biên, 2017), tlđd, tr.69. 3 Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên,2021), Nxb. Hồng Đức,tr .1516.
3 Trường hợp này được hiểu, trước đây hành vi phạm tội này là nguy hiểm cho xã hội và chủ thể thực hiện hành vi phải chịu TNHS. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử do có “sự thay đổi chính sách, pháp luật...” dẫn đến hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Đây là trường hợp miễn TNHS có tính chất bắt buộc được áp dụng cho tất cả các loại tội phạm được quy định tại Điều 9 BLHS năm 2015 khi có đủ căn cứ pháp lý. Căn cứ để xác định “do có sự thay đổi chính sách, pháp luật..” làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước bằng văn bản có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này phải có tính pháp quy. Tuy nhiên, khi bàn luận về căn cứ này hiện nay cũng có một số quan điểm khác nhau. Bởi khái niệm “Chính sách” được hiểu là “Chính sách là chương trình hành động do các nhà lãnh đạo hay các nhà quản lý đề ra để giải quyết một vấn đề nào đó thuộc phạm vi thẩm quyền của mình” 4 , bao gồm các chính sách kinh tế, xã hội, pháp luật, tiền tệ...Theo đó, quan điểm thứ nhất cho rằng sự thay đổi chính sách phải được hiểu theo nghĩa rộng là sự thay đổi về các chính sách kinh tế, xã hội, văn hoá, quốc phòng an ninh...và tất cả sự thay đổi này dẫn đến hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; quan điểm thứ hai lại cho rằng sự thay đổi về chính sách ở đây được hiểu theo nghĩa hẹp chỉ là chính sách hình sự, bởi chỉ có chính sách hình sự mới dẫn đến hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.Tác giả cho rằng sự thay đổi chính sách để được miễn TNHS trong trường hợp này chỉ là sự thay đổi về chính sách hình sự. Sự thay đổi pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa được hiểu: pháp luật bao gồm pháp luật hình sự và pháp luật chuyên ngành có liên quan, sự thay đổi đó bao gồm:(1)BLHS mới đã xóa bỏ tội phạm đối với tội phạm đó;(2)hành vi phạm tội vẫn còn quy định trong BLHS nhưng do chưa kịp sửa đổi, bổ sung, trong khi đó pháp luật chuyên ngành về lĩnh vực liên quan đến hành vi phạm tội đã có sự thay đổi dẫn đến hành vi phạm tội không còn bị nghiêm cấm nữa. Trường hợp 02: Khi có quyết định đại xá. Đây là trường hợp miễn TNHS có tính chất bắt buộc.Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì chỉ có Quốc Hội mới có thẩm quyền quyết định đại xá (Khoản 11 Điều 70 Hiến pháp năm 2013). Cơ sở để Quốc Hội ban hành quyết định đại xá nhân dịp có những sự kiện lịch sử, chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, 4 PGS.TS. Lê Chi Mai (2001), Những vấn đề cơ bản về chính sách và quy trình chính sách, Nxb. Đại học Quốc Gia TP. HCM, tr.67.
4 thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Văn bản đại xá do Quốc hội ban hành có hiệu lực đối với tất cả những hành vi phạm tội đã xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu TNHS, nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ; nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có tiền án. 5 Nhóm các căn cứ “Có thể được miễn trách nhiệm hình sự” Đây là nhóm các căn cứ mà tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà cơ quan có thẩm quyền đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và đi đến quyết định miễn TNHS hoặc không miễnTNHS cho người phạm tội.Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 29 BLHS năm 2015, người phạm tội có thể được miễn TNHS khi có một trong các căn cứ sau đây: Trường hợp 01: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa(điểm a khoản 2 Điều 29) Theo hướng dẫn tại tại điểm 2 mục VIII - Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 05/01/1986 của HĐTP TANDTC "Hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS" (năm 1985), “chuyển biến của tình hình” là "sự chuyển biến về chính trị, kinh tế, xã hội" nên tội phạm không còn nguy hiểm đáng kể cho xã hội.Tuy nhiên, do Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP ngày 05/01/1986 hướng dẫn áp dụng BLHS năm 1985 đã hết hiệu lực. Mặt khác, do có sự sửa đổi, bổ sung giữa Điều 25 BLHS năm 1999 và Điều 29 BLHS năm 2015 về các căn cứ miễn TNHS nên cách hiểu“chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” hiện nay còn có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể: Quan điểm thứ nhất cho rằng sự“chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa” là sự chuyển biến khách quan, nghĩa là xuất phát từ thực tiễn khách quan. Do có sự thay đổi về điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội dẫn đến người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và xét thấy việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội là không còn phù hợp6 . Nguyên nhân làm cho họ không còn nguy hiểm nữa chính là do tình hình xã hội thay đổi chứ không phải do nỗ lực của bản thân họ. Do đó, sự chuyển biến của tình hình và người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa theo quan điểm này phải đáp ứng 02 điều kiện: 5 Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ( 2007), Luật đặc xá 6 Trần Yến Nhi (2018), Miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 BLHS năm 2015, Trường Đại học Luật TPHCM, tr.44.