Content text Bài 19 Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật.docx
Bài 19. KHÁI QUÁT SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT A. Lý thuyết I. Khái niệm sinh trưởng và phát triển ở sinh vật 1. Khái niệm – Sinh trưởng là quá trình gia tăng kích thước và khối lượng của cơ thể sinh vật. – Phát triển là quá trình biến đổi về cấu trúc và chức năng của tế bào, mô và cơ thể diễn ra trong quá trình sống của sinh vật. – Quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật thay đổi theo từng loài, từng giai đoạn và điều kiện sống của chúng. Phát triển cơ thể biểu hiện ở ba quá trình có liên quan mật thiết với nhau là sinh trưởng, phân hoá tế bào và phát sinh hình thái. 2. Các dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng và phát triển ở sinh vật – Dấu hiệu đặc trưng của sinh trưởng ở sinh vật là sự gia tăng số lượng, kích thước và khối lượng tế bào dẫn đến sự gia tăng kích thước và khối lượng cơ thể. – Dấu hiệu đặc trưng của phát triển ở sinh vật là sự phân hoá tế bào, phát sinh hình thái cơ quan, cơ thể theo đặc điểm di truyền của loài do sự hình thành các mô, cơ quan mới của cơ thể; kèm theo sự xuất hiện các chức năng sinh lí tương ứng. 3. Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển – Sinh trưởng và phát triển có liên quan mật thiết với nhau, là hai mặt của quá trình sống ở sinh vật. + Sinh trưởng là điều kiện cần thiết để phát triển. + Phát triển có tác động làm thay đổi mức độ của sự sinh trưởng. – Sinh trưởng và phát triển thường biểu hiện đan xen và khó tách biệt. II. Vòng đời và tuổi thọ của sinh vật 1. Khái niệm vòng đời và tuổi thọ – Vòng đời hay chu kì sống của sinh vật là quá trình lặp lại theo trình tự nhất định các thay đổi mà một cá thể sinh vật phải trải qua, bắt đầu từ khi được sinh ra, lớn lên, trưởng thành, sinh sản, rồi chết. – Tuổi thọ dùng để chỉ thời gian sinh tồn của sinh vật, được tính từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Giới hạn tuổi thọ của loài được xác định bởi đặc điểm di truyền.