404 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA VỀ LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG VIỆT NAM LẦN THỨ 4 (CLSCM-2024) CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở CÁC DOANH NGHIỆP LOGISTICS VIỆT NAM DIGITAL TRANSFORMATION IN VIETNAMESE LOGISTICS ENTERPRISES MAI XUÂN ĐÀO1* , CAO HOÀNG YẾN NHI2 1Khoa Thương mại, Trường Đại học Tài chính - Marketing 2Viện Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Tài chính - Marketing *Email liên hệ:
[email protected] Tóm tắt Bài viết phân tích thực trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Hiện nay đa số các doanh nghiệp mới ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số với cấp độ 2 trong 6 cấp độ của chuyển đổi số. Tỉ lệ phần mềm nghiệp vụ logistics được áp dụng còn hạn chế ở các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đối mặt rất nhiều rào cản khi tiến hành chuyển đổi số, với 4 nhóm rào cản: rào cản chi phí, nguồn lực, công nghệ và một số rào cản khác. Từ những phân tích trên, một số giải pháp được đề xuất nhằm giúp doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số, bao gồm sử dụng dịch vụ của các công ty công nghệ, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp trong ngành, tìm kiếm nguồn tài chính và đầu tư nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Bên cạnh đó, một số kiến nghị được đề xuất cho Nhà nước và các cơ quan liên quan nhằm hỗ trợ doanh nghiệp logistics tiến hành và đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số. Từ khóa: Chuyển đổi số, doanh nghiệp, logistics. Abstract The article analyzes the current state of digital transformation in Vietnamese logistics enterprises. Currently, most enterprises are in the early stages of digital transformation at level 2 of the 6 levels of digital transformation. The rate of applied logistics software is still limited in Vietnamese logistics enterprises. Besides, enterprises face many barriers when conducting digital transformation, with 4 groups of barriers: cost barriers, resources, technology and some other barriers. From the above analysis, a number of solutions are proposed to help enterprises carry out digital transformation, including using services from technology companies, researching, learning experiences from businesses in the industry, Find financial resources and invest in human resources for digital transformation. In addition, a number of recommendations are proposed for the State and relevant agencies to support logistics enterprises in conducting and accelerating the digital transformation roadmap. Keywords: Digital transformation, enterprise, logistics. 1. Mở đầu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đang diễn ra trên toàn thế giới, tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống và làm thay đổi thói quen của con người. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nhấn mạnh chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa... nhấn mạnh yêu cầu "tập trung phát triển các loại dịch vụ mới có tính liên ngành và giá trị gia tăng cao", đồng thời đề ra yêu cầu có tính chiến lược, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để thúc đẩy hình thành một số trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế... (Huy Thắng, 2024) [1]. Vì vậy chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu của thời đại. Từ lâu ngành logistics vốn là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm (Diệp Ninh, 2021) [2]. Logistics được ví như “mạch máu”của nền kinh tế đất nước, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy hoạt động của các doanh nghiệp logistics giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất nhập khẩu được lưu chuyển thông suốt. Cũng như các doanh nghiệp ngành khác, doanh nghiệp logistics cũng cần chuyển đổi số. Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ tụt hậu, không thể tồn tại và cạnh tranh trên thị trường. Có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics Việt Nam. Một số nghiên cứu tập trung về phân tích thực trạng chuyển
405 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA VỀ LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG VIỆT NAM LẦN THỨ 4 (CLSCM-2024) đổi số của doanh nghiệp logistics (Phạm Tiến Đạt & cộng sự, 2021[3]; Phạm Quang Hải, 2023 [4]; Trần Kim Anh & cộng sự, 2024 [5]). Một số nghiên cứu tập trung tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến chuyển đổi số của doanh nghiệp (Lê Tùng Sơn, 2024 [6]; Nhan Cẩm Trí, 2024 [7]). Trong khi hoạt động logistics đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, nghiên cứu chuyển đổi số ở các doanh nghiệp logistics cần tiếp tục được tiến hành. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay diễn ra như thế nào? Doanh nghiệp logistics Việt Nam gặp khó khăn gì trong quá trình chuyển đổi số? Những câu hỏi này cần được trả lời để có thể đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm thúc đẩy và giúp doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi số thành công, đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong thời đại Công nghiệp 4.0. 2. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Doanh nghiệp logistics và chuyển đổi số 2.1.1. Doanh nghiệp logistics Theo điều 233 Luật thương mại Việt Nam 2005, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao. Như vậy doanh nghiệp logistics là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics theo như quy định điều 233 Luật thương mại Việt Nam 2005. 2.1.2. Chuyển đổi số Có rất nhiều định nghĩa về chuyển đổi số. Theo Parviainen và cộng sự (2017) [8], chuyển đổi số là những thay đổi trong cách thức làm việc, vai trò và dịch vụ kinh doanh do việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số trong một tổ chức hoặc trong môi trường hoạt động của tổ chức. Schwertner (2017) [9] thì cho rằng, chuyển đổi số của doanh nghiệp là việc ứng dụng công nghệ để xây dựng các mô hình kinh doanh, quy trình, phần mềm và hệ thống mới mang lại lợi nhuận cao hơn, lợi thế cạnh tranh đáng kể hơn và hiệu quả hơn. Các công ty đạt được mục tiêu này bằng cách chuyển đổi các quy trình và mô hình kinh doanh. Những công cụ của chuyển đổi số bao gồm: viễn thông thế hệ thứ 5 (5G), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực phụ quan trọng, thực tế ảo và tăng cường, dữ liệu lớn và phân tích liên quan, điện toán đám mây. Theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số bao gồm ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó Chính phủ số là việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, kết nối các bên liên quan với nhau; hoạt động kiểm tra của Nhà nước thông qua môi trường số; hồ sơ công việc các cấp, các báo cáo đều thực hiện trên nền tảng số. Trong nền kinh tế số, mức tỷ trọng của kinh tế số chiếm trong GDP của quốc gia được gia tăng. Xã hội số là quy định nâng cao về tỷ trọng hạ tầng mạng băng rộng cáp quang của hộ gia đình, xã; Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang; Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử. Như vậy chuyển đổi số ở doanh nghiệp nói chung là theo đúng đường lối, chính sách của Đảng. Vì vậy, chuyển đổi số ở doanh nghiệp logistics Việt Nam không chỉ là tất yếu từ môi trường bên ngoài mà còn phù hợp đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chuyển đổi số doanh nghiệp logistics là quá trình ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật số vào các hoạt động trong chuỗi cung ứng, cải tiến toàn bộ tư duy, tầm nhìn, giá trị, cách vận hành trong một doanh nghiệp logistics. Bằng cách sử dụng các công nghệ như AI, IoT, Big data,... vào việc thu mua, dự trữ, vận tải, phân phối, kho bãi, xử lý đơn hàng, thanh toán, chăm sóc khách hàng,... nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí, cải thiện trải nghiệm khách hàng. Ví dụ như doanh nghiệp áp dụng phần mềm quản lý đơn hàng, quản lý kho như WMS, OMS, giúp quy trình vận hành dịch vụ logistics tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả hoạt động (PACE, 2024) [10]. 2.1.3. Các bước tiến hành chuyển đổi số Lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp được chia thành 3 giai đoạn như sau: - Giai đoạn 1: Số hóa thông tin - Digitization Đây là giai đoạn chuyển đổi vật lý thông qua việc tích hợp các công nghệ mới để cải thiện các quy trình vật lý của doanh nghiệp bằng các công nghệ và phương pháp mới như sản xuất tinh gọn. - Giai đoạn 2: Số hóa quy trình - Digitalization Đây là giai đoạn áp dụng công nghệ để tự động hóa quy trình, ví dụ như lập hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử, các chứng từ điện tử. - Giai đoạn 3: Số hóa toàn diện/Chuyển đổi số - Digital transformation Đây là giai đoạn tạo ra sự đột phá và chuyển đổi quy trình bên trong và bên ngoài doanh nghiệp và xã hội. Doanh nghiệp chuyển đổi kinh doanh theo mô hình kinh doanh số. Toàn bộ hoạt động bên trong doanh nghiệp và các nghiệp vụ với các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng, khách hàng... đều thực hiện qua nền tảng số.
406 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA VỀ LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG VIỆT NAM LẦN THỨ 4 (CLSCM-2024) Nếu quá trình chuyển đổi số chia theo cấp độ từ thấp đến cao thì chuyển đổi số được tiến hành qua 6 cấp độ như sau: - Cấp độ 1 - Tin học hóa: là giai đoạn đầu tiên trên con đường phát triển cung cấp nền tảng cho việc số hóa. Phần mềm tin học được cải tiến ở các công ty và được sử dụng chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ được lặp đi lặp lại một cách hiệu quả. Tin học hóa mang lại lợi ích cho phép sản xuất với chi phí rẻ hơn nhưng hạn chế của tin học hóa là không tạo ra được nhiều sản phẩm hiện đại và nhiều máy móc chưa có giao diện kỹ thuật số. - Cấp độ 2 - Phần mềm hóa chương trình hóa: các ứng dụng kinh doanh được sử dụng rộng rãi để kết nối với nhau, nhưng chưa có sự kết nối rộng rãi, link các phần mềm lại với nhau. - Cấp độ 3 - Số hóa: kết nối internet bằng mạng LAN, Wifi... cho phép kết nối mọi lúc mọi nơi tại bất kì không gian và thời gian. Có thể kết nối những ranh giới hệ thống chưa được chia sẻ công khai. - Cấp độ 4 - Mạng hóa: các ứng dụng có thể tương tác, liên kết hai chiều với nhau. - Cấp độ 5 - Đồng bộ hóa: tương tác và kết nối đồng bộ nhiều chiều. - Cấp độ 6 - Tương tác hóa các sản phẩm dịch vụ hóa: thông qua các ứng dụng là các App để tương tác về sản phẩm dịch vụ. Tự động hóa phê duyệt và xác nhận cho khách hàng và nhà cung cấp một cách bảo mật nhưng đăng nhập vào hệ thống một cách dễ dàng. 2.1.4. Công nghệ trong chuyển đổi số của doanh nghiệp logistics Theo 1C Việt Nam [11]- công ty nổi tiếng cung cấp các giải pháp phần mềm thì các công nghệ trong chuyển đổi số doanh nghiệp logistic bao gồm: - E-AWB (Electronic Air Waybill) là phiên bản số hóa của vận đơn hàng không điện tử. Công nghệ hiện đại này được xem là một trong những phương pháp hiệu quả để chuyển đổi số trong ngành Logistics. E- AWB tiêu chuẩn hóa và giúp thay thế vận đơn hàng không giấy truyền thống bằng việc sử dụng công nghệ thông minh. Với công nghệ E-AWB, việc giám sát và xử lý dữ liệu hàng hóa trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều. E-AWB giúp cải thiện tính minh bạch, bảo mật thông tin, tối ưu chi phí và thời gian trong quá trình giao hàng. Đây là một biện pháp được rất nhiều doanh nghiệp logistic áp dụng thành công trong quá trình chuyển đổi số. Dự kiến trong tương lai sẽ có 80% doanh nghiệp logistic sử dụng công nghệ E-AWB. Việc này cho phép thúc đẩy chuyển đổi số của ngành logistic sang việc sử dụng vận đơn điện tử, giúp tăng nhanh hiệu quả và hiệu suất trong hoạt động kinh doanh Logistics. - AI và máy học Đối với chuyển đổi số trong ngành logistics, AI và máy học (Machine Learning) chiếm vai trò vô cùng quan trọng. Công nghệ này hỗ trợ các doanh nghiệp logistics trong việc phân tích và sử dụng dữ liệu liên quan một cách chính xác, từ đó xác định được và giải quyết các sự cố kỹ thuật có thể xảy ra, giúp cải thiện hiệu suất hoạt động. AI có nhiệm vụ thu thập dữ liệu, trong khi máy học đóng vai trò phát hiện các mẫu dữ liệu bất thường và nguy cơ gây lỗi. Ngoài ra, máy học còn có khả năng thu thập các mẫu thông tin liên quan đến lượng tồn kho, chất lượng của nhà cung cấp, kế hoạch sản xuất, dự báo nhu cầu, quản lý vận chuyển... Ứng dụng AI và máy học trong kinh doanh giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu suất hoạt động và tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa. - Blockchain Blockchain là công nghệ hiện đại vượt trội mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua trong quá trình chuyển đổi số trong ngành Logistic, sở hữu tính năng minh bạch, bảo mật an toàn cao và khả năng phân quyền đặc biệt. Với tính minh bạch, Blockchain tự động tải và điền thông tin dữ liệu chính xác, nhanh chóng cho mọi tài liệu, từ danh sách đến giấy gửi hàng hóa và đơn vận. Tính năng này cho phép khách hàng theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giao hàng, thúc đẩy khách hàng đưa ra quyết định lựa chọn đơn vị vận chuyển uy tín. Công nghệ Blockchain cũng giúp kiểm toán viên theo dõi và giám sát được quá trình phân phối hàng hóa hoặc tìm ra các biện pháp xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra. Với tính năng ghi lại mọi thay đổi trong tài liệu và tự động lưu trữ trên hệ thống, Blockchain cho phép phân cấp thông tin và cấp quyền truy cập cho mỗi thành viên, hỗ trợ hiệu quả quá trình giám sát vận chuyển hàng hóa. Đồng thời đảm bảo không làm thất thoát, hỏng hoặc thay đổi tài liệu một cách bất hợp lý. - Công nghệ đám mây Việc tích hợp công nghệ điện toán đám mây là một biện pháp hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số trong logistic. Công nghệ hiện đại này giúp doanh nghiệp logistic tăng hiệu suất hoạt động và tối ưu được quá trình vận hành. Sử dụng công nghệ đám mây, doanh nghiệp có thể quản trị chặt chẽ được các quy trình vận hành chi tiết trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
407 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA VỀ LOGISTICS VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG VIỆT NAM LẦN THỨ 4 (CLSCM-2024) Ngoài ra, công nghệ này còn cho phép các doanh nghiệp theo dõi vị trí của xe vận chuyển hàng hóa trong thời gian thực tế, quy hoạch không gian trong khâu hậu cần, quản lý, theo dõi các đơn hàng đã được chuyển đi. Xe tự lái và xe nâng tự động hóa cũng đang dần phổ biến trong ngành logistic. Việc sử dụng hệ thống băng chuyền tự động cùng xe tự động dưới sự trợ giúp của các cánh tay robot, giúp tăng hiệu quả cao trong quá trình bốc dỡ, vận chuyển và trữ kho hàng hóa. Rất nhiều doanh nghiệp đang dần đầu tư vào những loại xe và thiết bị tự động tiên tiến này nhằm tối ưu chi phí thuê nhân sự và tài xế, đồng thời vẫn đảm bảo được hiệu suất làm việc ở mức tốt nhất. Trong các hoạt động này, việc sử dụng các công nghệ hiện đại trong công nghệ thông tin như Blockchain và Big data để phân tích, truy vết, lựa chọn các phương thức vận tải sẽ giúp cho việc thực hiện dịch vụ logistics hiệu quả hơn. Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics được nhìn nhận và tham khảo theo khung đánh giá năng lực chuyển đổi số của TM Forum và Bộ Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp dùng chung trên toàn quốc theo Quyết định số 1970/QĐ- BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm 6 trụ cột chính và các tiêu chí cấu thành (1) Trải nghiệm số cho khách hàng, (2) Chiến lược, (3) Hạ tầng và công nghệ số, (4) Vận hành, (5) Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp, và (6) Dữ liệu và tài sản thông tin (Thu Hà, 2022) [12]. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Bài viết chủ yếu tham khảo các nguồn thông tin thứ cấp có liên quan đề tài về chuyển đổi số ở các doanh nghiệp logitics từ các các tạp chí, bài báo trên các trang web. Sau khi có được các thông tin cần thiết, phương pháp hệ thống hóa, tổng hợp, phân tích, đánh giá được áp dụng để trình bày nội dung của bài báo. Qua đó đạt được mục tiêu thể hiện thực trạng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp logistics và đánh giá thực trạng. Từ đó, một số giải pháp và kiến nghị được đề xuất nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số ở doanh nghiệp logistics Việt Nam. 3. Kết quả nghiên cứu 3.1. Thực trạng chuyển đổi số ở doanh nghiệp logistics 3.1.1. Cấp độ chuyển đổi số Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ với số vốn dưới 10 tỷ đồng, khoảng 5% trong nhóm này có vốn 10 - 20 tỷ đồng; 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Hiện nay, chỉ có một nhóm các công ty lớn có thể đáp ứng điều kiện chuyển đổi số như DHL, Fedex và các thương hiệu hàng đầu Việt Nam như Viettel Post và Vietnam Post (An Thị Thanh Nhàn, 2022) [13]. Trong 90,5% doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát vào năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy đa số các doanh nghiệp đang ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 (tỉ lệ chiếm tới 73,5%). Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa và 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, có 1,9% doanh nghiệp tiến lên cấp độ 5 có khả năng dự báo và một con số rất "khiêm tốn" khi chỉ 0,4% doanh nghiệp dịch vụ logistics đạt được đến cấp độ cao nhất (cấp độ 6) có khả năng thích ứng (Tiến Thắng, 2024) [14]. 3.1.2. Công nghệ và phần mềm áp dụng Theo ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng hiện nay mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Trong đó, chủ yếu là các dịch vụ, gồm: khai báo hải quan (100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), dịch vụ quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi... (Vũ Khuê, 2023) [15]. Như vậy còn hơn một nữa các doanh nghiệp logistics chưa triển khai ứng dụng công nghệ. Còn đối với các doanh nghiệp đã ứng dụng thì chỉ đơn giản sử dụng phần mềm của các nghiệp vụ riêng lẻ trong toàn bộ quy trình nghiệp vụ của doanh nghiệp. Kết quả khảo sát về phần mềm sử dụng trong ngành logistics tại Việt Nam cho thấy đa dạng các công cụ và hệ thống công nghệ đang được các doanh nghiệp sử dụng. Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng các phần mềm thông dụng như Microsoft Excel và Google Sheets cho các công việc hàng ngày, chiếm tới 97,8%. Bên cạnh đó, các hệ thống khai báo hải quan tự động (VNACC), hệ thống quản lý giao nhận (FMS) và quản lý quan hệ khách hàng (CRM) cũng được sử dụng phổ biến với tỷ lệ sử dụng tương ứng là 94,8%, 34,3% và 32,1%. Mặc dù các hệ thống quản lý vận tải (TMS), quản lý kho bãi (WMS), quản lý đơn hàng (OMS) có tiềm năng phát triển, nhưng tỷ lệ sử dụng còn thấp, với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 11,0%, 10,1% và 6,3%. Các hệ thống quản lý cảng được dành cho số ít các doanh nghiệp vận hành cảng nên chiếm tỷ lệ không đáng kể (Bộ Công Thương, 2023) [16]. Những