Content text B 226.5_Tin mung theo Thanh Gioan Tran Van Kiem.pdf
CHÚ GIẢI TIN MỪNG THEO THÁNH GIO-AN Lm.Trần Văn Kiệm LỜI NÓI ĐẦU Sau Mác-cô, Mát-thêu và Lu-ca, đến lượt Gio-an viết một bản tin mừng. Thế là trọn bộ Phúc âm, phần đầu của Tân ước. Người ta thường lấy bốn loài động vật làm biểu tượng cho bốn bản tin mừng, đễ diễn tả sắc thái của mỗi bản. Bản của Mác-cô mang nhãn hiệu con người, vì Mác-cô diễn tả Chúa Giê-su là Thiên Chúa với đầy đủ nhân tính. Bản của Mát-thêu mang nhãn hiệu con Sư tử, vì Mát-thêu diễn tả Chúa Giê-su là "Sư tử của bộ lạc Giu-đa". Bản của Lu-ca mang nhãn hiệu con Bò, vì Lu-ca diễn tả Chúa Giê-su suốt đời phục vụ Đức Chúa Cha và nhân loại, như thân con bò nằm trên tế đàn. Sau cùng bản tin của Gio-an mang nhãn hiệu con chim Ưng, vì Gio-an biết nhận xét tinh vi những điều màu nhiệm về Thiên Chúa, khác chi con chim ưng dám đem đôi mắt sắc bén nhìn thẳng vào thái dương, mà không sợ choá mắt. Ba bản tin mừng đầu tiên được gọi là Nhất lãm, vì ấn công có thể in song song cả ba bản vào những trang ba cột, giúp độc giả nhìn vào có thể thấy ngay một lúc những điểm tương đồng và dị biệt của mỗi tác giả, khi tường thuật cùng một câu truyện, và thảo luận cùng một một vấn đề. Bản tin của Gio-an khác hẳn. Tài liệu bốn chương đầu trong bản tin thứ tư là hoàn toàn của Gio-an. Trái lại Gio-an không viết gì về buổi ấu thời của Chúa Giê-su, buổi gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và Gio-an Tẩy giả ở sông Gio-đan, những lần Ngài bị ma quỉ cám dỗ. Tác giả còn bỏ qua luôn Bữa Tối sau cùng, đêm khắc khoải tại vườn O-liu, và cuộc lên trời vinh hiển. Không thấy ông tường thuật những lần Chúa Giê-su chọn Mười hai vị tông đồ, trừ quỉ, hay là kể những tỉ dụ. Trong ba bản nhất lãm, Chúa Giê-su thường nói những câu ngắn gọn, dễ nhớ, mà thoạt nghe dễ dựt mình. Trong bản của Gio-an nhiều lần Chúa Giê-su thảo luận rất dài, đàm đạo rất lâu... Độc giả còn có thể thấy một số điểm bất đồng giữa ba bản tin đầu và bản tin thứ bốn. Các bản Nhất lãm cho rằng: Chúa Giê-su lên đường giảng đạo, sau khi Tẩy giả đã bị tống ngục (Mác.1:14). Đọc bản tin mừng thứ tư, người ta lại có cảm giác là Chúa Giê-su hoạt động đồng thời với Tẩy giả. (Gio.3:22-30; 4:1-2). Theo Gio-an, địa bàn hoạt động của Chúa Giê-su cũng khác: không phải là Ga-li-lê nữa, mà Giu-đê mới là trung tâm điểm của các cuộc xuất phát để truyền đạo. Chúa Giê-su hiện diện tại Giê-ru-sa-lem, và khu trục bọn con buôn ngay dịp lễ Vượt qua năm đầu; kế đó trong một dịp đại tiết không nói tên (Gio.5:1), dịp Thánh mạc (Gio.7:2,10), dịp Cung hiến Đền thờ (Gio.10:22), Chúa Giê-su vẫn có mặt tại Giê-ru-sa-lem. Thậm chí sau chương 10, tường thuật năm cuối cùng của đời ngài, hình như không lần nào Chúa Giê-su rời bỏ thủ đô, kể từ sau lễ Cung hiến, cho tới lễ Vượt qua dịp ngài chết trên thập giá, tức là từ trọng đông cho tới trọng xuân. Chúa Giê-su đã bỏ ra mấy năm mà truyền đạo? Theo các bản tin Nhất lãm thì hình như ngài ra đời giảng đạo chỉ nội có một năm, trong đó ngài dự có một kỳ đại tiết Vượt qua mà thôi. Nhưng theo Gio-an thì đời công khai của Chúa Giê-su kéo dài qua ba kỳ lễ Vượt qua; vào kỳ thứ nhất ngài khu trục con buôn khỏi đền thờ (Gio.2:13); chung quanh kỳ thứ hai ngài hoá bánh từ ít ra nhiều mà nuôi năm ngàn miệng ăn; và vào kỳ thứ ba mừng lễ xong, ngài đã chết trên thập giá. Những điểm bất đồng này đã được một số tác giả, nhất là những người thuộc chủ nghĩa Cơ bản (Fundamentalist) giải thích quanh co, vì họ tin rằng Thánh Kinh không có điểm nào sai lầm cả. Nhưng Giáo hội chủ trương: Thánh Kinh chỉ không sai lầm trong phạm vi tín điều và luân lý mà
thôi, cho nên khi bàn về những phạm vi khác, như lịch sử, văn hoá, xã hội, khoa học, các học giả được tự do giải thích Thánh Kinh theo sự hiểu biết của mỗi người. Theo đường hướng ấy, có tác giả giải thích: Gio-an viết khác, là vì ông không biết tới ba bản Nhất lãm. Có người nói: ông không được đọc, nhưng qua truyền khẩu ông có nắm được các tài liệu giúp viết ba bản tin đầu tiên, nhất là bản tin của Lu-ca. Người khác lại chủ trương rằng: Ba bản nhất lãm tường thuật các hoạt động của Chúa Giê-su sau khi Tẩy giả bị hạ ngục, còn Gio-an viết bản tin thứ tư để bổ túc ba bản kia, cho nên đã tường thuật các hoạt động của Chúa Giê-su trước khi Tẩy giả gặp tai nạn (Eusebius, Lịch sử Giáo hội 5:24)). Hơn nữa bản tin của Gio-an đặt trọng tâm vào thần học hơn là vào lịch sử. Nói như thế không phải là bảo rằng: bản tin mừng thứ tư không có tính cách lịch sử. Trong lời tựa đầu sách và trong mấy dòng cuối sách, tác giả xưng mình đã được mắt thấy tai nghe Chúa Giê-su hành sự, được chứng kiến Đạo xuống thế gian làm người. Chỉ có mình Gio-an thuật lại bữa tiệc cưới tại Ca-na (2:1-11), cuộc ông Ni-cô-đêm tìm tới phỏng vấn (3:1-15), giai thoại người phụ nữ Sa-ma-ri (4), ông La-da-rô sống lại (11), việc thày rửa chân cho trò (13:1-17)...Chân dung các tông đồ được phác hoạ rất linh hoạt: Không kể Phê-rô và ba đồ đệ khác thuộc nội vi, các nhân vật như Tho-ma, An-rê, Phi-líp, Giu-đa Ít-ca-ri-ót, đều rất đặc sắc. Tác giả bản tin mừng thứ tư cho độc giả nhiều chi tiết, mà chỉ chứng nhân mắt thấy tai nghe mới có thể biết: có sáu chum nước trước rạp cưới tại Ca-na, (2:6) đồng bánh của thằng nhỏ làm bằng bột đại mạch (6:9), một bọn bốn người lính La-mã đánh xúc xắc để lấy áo dài của Chúa Giê-su (19:23), hương dược toả thơm đầy nhà ông Si- mon (12:3)...Hơn nữa tác giả biết rất rõ và viết rất đúng về địa dư và phong tục Do-thái. Giê-ru-sa- lem được vẽ tỉ mỉ như một bức địa đồ: đây là Cửa Cừu bên cạnh có một hồ nước, (5:2), kia là hồ Si- loam (9:7), đàng kia nữa là suối Kết-ron, đồi Gon-go-tha trông như cái sọ người... Nên nhớ rằng: Gio-an trước tác 30 năm sau khi Giê-ru-sa-lem bị tiêu diệt. Lúc này ông sống tại Ê- phê-sô, một đô thị lớn, chịu ảnh hưởng văn hoá Hi-lạp. Khắp đế quốc người La-mã và Hi-lạp ùn ùn gia nhập Giáo hội. Do đó ông mới mở đầu sách bằng chữ Hi-lạp Logos (mind of God), tức là Lý khí của Trời tạo nên vũ trụ, tương đương với quan niệm Đạo của người Trung hoa (xem Đạo lý và Lý khí ở Tự điển Hán Việt Nguyễn văn Khôn). Vào năm 100, trong Giáo hội đã bắt đầu có những người tư duy lệch lạc ("rối đạo"). Có người đề Gio-an Tẩy giả quá cao, khiến cho tác giả phải chỉnh lại (Gio.1:8; 1:20 tiếp). Người khác (nhóm Gơ-nót-tít) lại chủ trương vũ trụ này xấu xa quá chừng, không có thể là công trình của Thiên Chúa được, nhưng chỉ là sáng tạo của một Trí óc có phần đối lập với Thiên Chúa. Nói về Chúa Giê-su, họ cho rằng ngài phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng không phải là Thiên Chúa. Để đáp lại, Gio-an diễn tả Chúa Giê-su là người trăm phần trăm, đầy đủ hỉ nộ ái ố, nhưng lại là Thiên Chúa trăm phần trăm. Gần đây, nhất là sau vụ Hitler thảm sát từng triệu người Do-thái, có dư luận cho rằng người Âu châu đa số theo Thiên Chúa giáo, họ ghét Do-thái vì đọc bản Phúc âm của Gio-an! Gio-an quả có hay dùng mấy tiếng những người Do-thái để gọi các thủ lãnh Do-thái thù địch với Chúa Giê-su, nhưng không có bao giờ ông đề cao Ngoại nhân hơn Do-thái như Mát-thêu từng làm (Mát.11:21), hoặc bảo rằng cơ nghiệp Gia-vê dành cho Ít-ra-en sẽ rơi vào tay người ngoại quốc như Mác-cô có lần nói (Mác.12:9), cũng không tả cảnh môn đồ ngồi toà phán xử Do-thái (Mát:10:18). Trái lại ông còn viết: môn đồ sẽ bị Do-thái đuổi ra khỏi hội đường (Gio.16:1). Một hôm Chúa Giê-su đàm đạo với một người phụ nữ Sa-ma-ri, ngài dùng hai tiếng "chúng tôi" để ngụ ý ngài với người Do-thái đứng thành một khối, cùng là đồng bào với nhau cả (Gio.4:9). Tác giả là ai? Theo tương truyền tác giả là tông đồ Gio-an, em Gia-co-bê, con ông Dê-bê-đê. Phụ thân Dê-bê-đê làm nghề ngư phủ tại biển hồ Ga-li-lê, gia thế tương đối khá giả, vì có thuê thợ làm (Mác.1:19-20). Mẫu thân là bà Sa-lo-mê, hình như có thân thích họ hàng với Đức Mẹ Ma-ri thân mẫu của Chúa Giê-su (Mác.16:1; Mát.27:56). Ông là một trong bốn người theo Chúa Giê-su đầu