PDF Google Drive Downloader v1.1


Report a problem

Content text ĐỂ SỐ 10.docx

ĐỂ SỐ 10 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Câu 1 (0,5 điểm). Học sinh nêu được một ví dụ về ngôn ngữ nói được mô phỏng, tái tạo trong văn bản (Lời thoại của người mẹ: “Chiều mấy giờ về để mẹ nấu cơm?”. Hoặc lời thoại của người con: “Mẹ đừng chờ. Chiều tụi con ăn cơm chay nhà chùa đãi”. Câu 2 (0,5 điểm). “Mẹ đứng đó tần ngần” vì “mẹ vẫn một mình nấu cơm như mọi ngày”. Học sinh có thể diễn giải cụ thể: Vì mẹ lại một mình nấu cơm, một mình ăn cơm lủi thủi, cô đơn như mọi ngày/ Vì mẹ đã mong đợi trong ngày lễ Vu Lan hôm nay, các con ăn cơm cùng mẹ, để mẹ không một mình. Câu 3 (1,0 điểm) (1) Tình huống truyện trong văn bản: Ngày lễ Vu Lan, các con chuẩn bị lễ thật lớn lên chùa báo hiếu, sau đó thông báo rằng sẽ ở lại ăn cơm trên chùa, để mẹ ở nhà một mình, trong khi mẹ luôn mong đợi các con về cùng ăn cơm. Đây là kiểu tình huống hành động, thông qua diễn biến của hành động, lời nói của các con để thấy được sự mâu thuẫn, nghịch lý trong hành động của họ (lên chùa làm lễ Vu Lan báo hiếu - để mẹ ở một mình trơ trọi, buồn tủi). (2) Tác dụng của tình huống truyện: + Làm nổi bật sự vô tâm, hời hợt của các con; nhấn mạnh việc các con đã bỏ lỡ cơ hội báo hiếu mẹ một cách giản dị, chân thành, có ý nghĩa; + Gửi gắm thông điệp giàu ý nghĩa: Đừng mải chạy theo kiểu lễ lạt hình thức, đua đòi, xa hoa mà quên rằng: ở bên mẹ, làm mẹ vui là cách báo hiếu đúng đắn và thiết thực nhất. Nội dung nhắc nhở, phê phán những người con nhẹ nhàng mà nghiêm khắc, thấm thía chính là chủ đề tư tưởng của truyện; + Thể hiện sự sáng tạo độc đáo của tác giả, tạo sức hấp dẫn cho truyện. Câu 4 (1,0 điểm). Nhan đề “Vu Lan” gợi mở nhiều suy nghĩ cho người đọc. (1) Tầng nghĩa thứ nhất trực tiếp nói về hoàn cảnh, thời gian trong văn bản là ngày lễ Vu Lan, còn gọi là lễ báo hiếu, một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Trong ngày lễ quan trọng này, mỗi người sẽ có những lời nói, việc làm báo hiếu cha mẹ theo truyền thống nhà Phật. (2) Nhan đề cũng nhắc đến đạo hiếu nói chung của con cái đối với cha mẹ (“Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” (Ca dao)). Đây là phẩm chất tốt đẹp của con người, là truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam. (3) Nhan đề gợi nhắc người đọc về cách báo hiếu với cha mẹ: xuất phát từ thành tâm, bằng lời nói, việc làm thường nhật đối với cha mẹ, mỗi người có sự báo hiếu phù hợp, thiết thực; nhan đề còn gợi ra sự trăn trở về các cách báo hiếu nhạt nhẽo, hình thức, sự vô tâm, đáng chê trách của một số người con đối với cha mẹ trong xã hội hiện nay. Câu 5 (1,0 điểm). Học sinh lựa chọn và trình bày triết lý nhân sinh phù hợp với nội dung của văn bản và lý giải. Ví dụ: (1) Văn bản thể hiện triết lý nhân sinh về vấn đề báo hiếu của con cái với cha mẹ: cách báo hiếu thiết thực nhất của con cái là làm sao để cha mẹ được vui vẻ, hạnh phúc. Hãy ở bên cha mẹ nhiều hơn, yêu thương và chăm sóc cha mẹ tận tình, thiết thực bất cứ lúc nào,... (2) Đây là triết lý sâu sắc, giàu ý nghĩa, được thể hiện hàm súc qua một truyện cực ngắn. Qua việc xây dựng tình huống mâu thuẫn (ngày lễ Vu Lan, các con “báo hiếu” bằng cách cúng lễ, ăn chay ở chùa và để mẹ một mình cơm nước “như mọi ngày”), câu chuyện đề cập đến nghịch lý vẫn gặp trong đời sống: người ta chạy theo những thứ phô trương, xa vời mà không làm những điều thiết thực, gần gũi; từ đó cảnh tỉnh con người cần gạt bỏ những việc làm mang tính hình thức, phô trương để trân trọng và biết ơn những giá trị thực trong cuộc sống hàng ngày. II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm) a. Mở đoạn: Nêu vấn đề nghị luận: Sự kết hợp giữa yếu tố hư cấu và phi hư cấu trong văn bản Sống như Anh đã đem lại tác dụng nghệ thuật rõ rệt.
b) Phần triển khai: Làm rõ tác dụng của sự kết hợp giữa yếu tố hư cấu và phi hư cấu trong văn bản: (1) Yếu tố phi hư cấu trong truyện ký thể hiện ở các sự kiện, chi tiết kể về người thật, việc thật. Phi hư cấu là tôn trọng sự thật đời sống, đảm bảo tính xác thực của sự việc được kể. Trong đoạn trích, yếu tố phi hư cấu là sự việc anh Nguyễn Văn Trỗi bị giặc bắt khi làm nhiệm vụ cách mạng, là các chi tiết anh nói, anh làm trong những ngày bị giam cầm, là sự việc anh bị giặc xử bắn. Một sự thật khác nữa được nói đến trong đoạn trích là chuyện chị Quyên, vợ anh Trỗi, dự Đại hội Phụ nữ miền Nam và kể chuyện anh Trỗi cho tác giả Trần Đình Vân ghi,... Yếu tố hư cấu là sự sáng tạo của người viết khi xử lý, tổ chức tư liệu về nhân vật, sự kiện trong truyện ký. Việc tác giả truyện ký lựa chọn điểm nhìn, giọng điệu trần thuật, sử dụng ngôn từ nghệ thuật để tái hiện nhịp điệu sự việc, tâm trạng, cảm xúc của nhân vật; qua đó bộc lộ thái độ, quan điểm của người viết cũng là yếu tố hư cấu của truyện. Trong đoạn trích này, yếu tố hư cấu là những đoạn miêu tả chi tiết lời nói, hành động của anh Trỗi, cảm nhận về tâm sự, cảm xúc của anh dưới góc nhìn và ngôn ngữ của chị Quyên. Đặc biệt, tác giả trực tiếp kể lại đoạn thể hiện tâm trạng, cảm xúc của mọi người lắng nghe phần thuyết minh phim về anh Nguyễn Văn Trỗi,... Đây là ý đồ nghệ thuật, sự sáng tạo riêng của tác giả Trần Đình Vân. (2) Tác dụng: + Nhờ có sự xuất hiện đồng thời của yếu tố phi hư cấu và hư cấu trong truyện, câu chuyện về anh Nguyễn Văn Trỗi vừa chân thật, gần gũi, sinh động, vừa gợi những liên tưởng, tưởng tượng, tạo ấn tượng riêng cho mỗi người đọc; + Cách triển khai truyện kể bằng cách vừa ghi theo lời kể phi hư cấu của người trong cuộc, vừa thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp đa chiều của nhân vật anh Nguyễn Văn Trỗi: vừa đời thường, gần gũi, vừa đẹp đẽ, lung linh, mang tầm vóc anh hùng, rực sáng vẻ đẹp lý tưởng của một thanh niên ưu tú trong thời kỳ cách mạng; + Tác giả Trần Đình Vân đã thể hiện sự yêu mến, thông cảm, xót xa chân thành đối với nhân vật anh Nguyễn Văn Trỗi, càng căm thù bọn giặc đê hèn, tàn ác, càng ngưỡng mộ, tôn vinh, ngợi ca người anh hùng. Sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa yếu tố phi hư cấu và hư cấu giúp người đọc vừa hiểu thêm về lịch sử dân tộc nhờ các chi tiết cụ thể, đích xác về con người và sự kiện lịch sử liên quan đến anh Nguyễn Văn Trỗi, vừa được lôi cuốn, hấp dẫn bởi hình tượng văn học được xây dựng bằng nghệ thuật ngôn từ qua cách kể chuyện, sử dụng ngôn ngữ của tác giả Trần Đình Vân. c. Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề nghị luận. Câu 2 (4,0 điểm) a. Mở bài: Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: Người trẻ đã và đang nỗ lực khẳng định sự tồn tại của bản thân trong cuộc sống, làm nhiều việc để thể hiện ý thức của mình về cuộc sống hiện tại, thể hiện trách nhiệm đối với bản thân và xã hội. Vấn đề nghị luận được đặt ra trong một câu hỏi: Người trẻ làm gì để chứng tỏ mình đang sống trong cuộc đời? b. Thân bài b1. Giải thích: (1) Người trẻ là người ở độ tuổi thanh niên, đang sống phần tuổi trẻ trong cuộc đời. Về thể chất, người trẻ là những con người phơi phới tuổi thanh xuân, tràn đầy sức sống, cơ thể phát triển mạnh mẽ, sung sức. Về tâm hồn, trí tuệ, người trẻ đang có nhiều cơ hội và khả năng học tập, thông minh, nhạy bén, tràn đầy khát khao, hoài bão. Người trẻ có niềm đam mê, ý chí và sức sáng tạo dồi dào trong công việc. (2) Đang sống trong cuộc đời: đang tồn tại, đang nỗ lực cống hiến, được cộng đồng, xã hội ghi nhận kết quả của sự nỗ lực. Chứng tỏ mình đang sống trong cuộc đời là khẳng định sự tồn tại và vị trí của bản thân trong cuộc sống. (3) Câu hỏi trong đề bài gợi chúng ta suy nghĩ về những việc cần làm để khẳng định bản thân trong xã hội và để được xã hội ghi nhận.
b2. Nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề nghị luận và sử dụng lý lẽ, bằng chứng để phân tích, chứng minh: Khẳng định sự tồn tại của bản thân trong cuộc sống bằng cách thể hiện ý thức trách nhiệm với cuộc sống hiện tại của chính mình và có trách nhiệm đối với xã hội: (1) Thực hiện tốt các nghĩa vụ của một con người trong xã hội với các “vai” của mình: Trong “vai” cháu, con, em, anh/chị trong gia đình, biết tri ân, yêu thương, chia sẻ cùng người thân; Trong vai công dân trong xã hội, học sinh trong nhà trường, học trò của thầy cô,..., biết suy nghĩ, hành động, ứng xử đúng đắn, có trách nhiệm với chính mình, với tập thể, cộng đồng. Không né tránh, trốn việc, lừa việc,... trong các hoạt động chung. (2) Sống tích cực, duy trì và phát triển mối quan hệ giao tiếp, giao lưu với mọi người, với thế giới. Không tách mình, đặt mình vào thế giới khác cuộc sống hiện thực (trò chơi điện tử, mạng xã hội, thế giới tín ngưỡng cá biệt, các cách sống không bình thường,...) để sống thiết thực, cống hiến thiết thực. Lấy dẫn chứng về những người trẻ sống giản dị, gắn bó với cuộc sống, nhận được thành công, hạnh phúc từ chính cuộc đời bình dị. (3) Luôn nỗ lực làm nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời: nêu gương sáng trong gia đình, tập thể; tiên phong, cống hiến cho đất nước, dân tộc. Bắt đầu từ những công việc bình dị: chăm sóc ông bà, cha mẹ; chăm chỉ lao động, học tập; sống tử tế;... đến những việc lớn lao: sẵn sàng tiên phong, xả thân khi nhiệm vụ đòi hỏi, khi đất nước gọi tên..., người trẻ chủ động và tích cực đứng lên hàng đầu thì sẽ được “nhận diện”, sẽ nhận được niềm vui, hạnh phúc từ cuộc đời. Đó cũng là một cách người trẻ chứng tỏ rằng cuộc đời này cần có sự đóng góp của mình. Nêu các dẫn chứng là các tấm gương người trẻ đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học, xây dựng xã hội, bảo vệ Tổ quốc,... b3. Bình luận, liên hệ: (1) Để nổi bật, để chứng minh sự tồn tại của bản thân, người trẻ không nên làm những việc gây sự chú ý một cách tiêu cực, đánh bóng bản thân một cách thô thiển, lệch lạc, thậm chí thiếu văn hóa, phản nhân văn. Nêu dẫn chứng và phê phán một số hành vi khẳng định “cái tôi” của người trẻ một cách sai lầm, vi phạm đạo đức, pháp luật (ví dụ: phát ngôn gây sốc, chụp ảnh phản cảm, biểu diễn trái phép cùng phương tiện giao thông trên đường,...). (2) Người viết chia sẻ ngắn gọn suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân về các việc đã, đang và sẽ làm để thể hiện việc mình sống đẹp, cống hiến có ý nghĩa cho cuộc đời,... (định hướng rõ ràng về việc học tập và chọn nghề, sống tử tế, nỗ lực khẳng định bản thân bằng thế mạnh của chính mình,...). c. Kết bài: Chốt lại vấn đề nghị luận, khẳng định người trẻ đã và đang nỗ lực khẳng định sự tồn tại của bản thân trong cuộc sống, làm nhiều việc để thể hiện ý thức của mình về cuộc sống hiện tại, thể hiện trách nhiệm đối với bản thân và xã hội. Đó là cách người trẻ hành động để chứng tỏ mình đang sống trong cuộc đời.

Related document

x
Report download errors
Report content



Download file quality is faulty:
Full name:
Email:
Comment
If you encounter an error, problem, .. or have any questions during the download process, please leave a comment below. Thank you.