Content text A. VẬN DỤNG KIẾN THỨC NGỮ VĂN.docx
I. VẬN DỤNG KIẾN THỨC TIẾNG VIỆT 1. Một số yêu cầu sử dụng tiếng Việt theo chuẩn ngôn ngữ 1.1. Cách giải thích nghĩa của từ Nghĩa của từ là nội dung sự vật, hiện tượng trong thực tế khách quan được biểu đạt trong từ. Một số cách giải thích nghĩa của từ: (1) Giải thích bằng trực quan; (2) Giải thích bằng cách nêu khái niệm mà từ biểu thị; (3) Giải thích bằng cách cắt nghĩa và tổng hợp nghĩa các thành tố tạo nên từ; (4) Giải thích bằng cách đặt từ cần giải thích vào ngữ cảnh sử dụng; (5) Giải thích bằng cách từ đồng nghĩa, trái nghĩa; (6) Giải thích bằng cách xác định nguồn gốc và phạm vị, thói quen sử dụng từ. Sử dụng từ điển để tra cứu. Đặt từ cần giải thích nghĩa vào ngữ cảnh để suy đoán và giải thích nghĩa của từ. Ví dụ: Xem giải thích nghĩa từ “thương hồ” ở ngữ liệu đọc hiểu đề 30 (cách 3); xem cách giải thích nghĩa từ “chìm” trong nhan đề văn bản đọc hiểu đề 29 (cách 4); xem cách giải thích nghĩa từ “bàn hoàn” ở ngữ liệu đọc hiểu đề 13 (cách 5); xem chú thích từ “gạn gùng” ở ngữ liệu đọc hiểu đề 7 (cách 6). 1.2. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ: đặc điểm, các nhân tố giao tiếp Giao tiếp là quá trình trao đổi thông tin nhận thức, tư tưởng, tình cảm và bày tỏ mối quan hệ, sự ứng xử, thái độ của con người đối với con người trong xã hội. Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người và xã hội loài người. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ luôn luôn diễn ra theo hai quá trình có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau (quá trình phát, quá trình nhận) và luôn chịu tác động chi phối của các nhân tố giao tiếp cơ bản: nhân vật giao tiếp, nội dung giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, mục đích giao tiếp, cách thức giao tiếp. Xác định các nhân tố giao tiếp trong văn bản bằng cách trả lời các câu hỏi: Ai nói/ viết...? Nói/ viết... cho ai? (nhân vật giao tiếp); Nói/ viết... về cái gì? (nội dung giao tiếp); Nói/ viết... trong hoàn cảnh nào? (hoàn cảnh giao tiếp), Nói/ viết... đế làm gì?/ nhằm mục đích gì? (mục đích giao tiếp); Người nói/ viết... sử dụng phương thức, phương tiện giao tiếp nào? (cách thức giao tiếp). Nêu và nhận xét về mối quan hệ, vai trò, tác dụng của các nhân tố giao tiếp được thế hiện trong văn bản. Ví dụ: xem câu hỏi đọc hiểu 3 đề 28 (cách thức giao tiếp); câu hỏi đọc hiểu 1 đề 29 (nội dung giao tiếp); câu hỏi đọc hiểu 4 đề 22 (mục đích giao tiếp),... 1.3. Cách đánh dấu phần bị tỉnh lược trong văn bản Phần bị tỉnh lược là phần thông tin ít quan trọng của văn bản gốc (theo cách nhìn hoặc mục đích sử dụng của người tổ chức lại văn bản), được tỉnh lược đi nhằm giúp văn bản ngắn gọn hơn về dung lượng, thu hút sự tập trung của người đọc vào nội dung chính của văn bản được tổ chức lại. Sử dụng dấu ngoặc vuông kết hợp với dấu ba chấm ([...]) để đánh dấu vị trí của phần văn bản đã được tỉnh lược Ví dụ: xem ngữ liệu đọc hiểu đề 9 đề 11. 1.4. Cách trích dẫn và ghi cước chú Trong văn bản, người viết có thể trích dẫn lời của người khác (thơ văn, lời nói, ý kiến,...) để xác thực nguồn gốc của thông tin, nội dung văn bản, đồng thời tăng thêm sức thuyết phục đối với người đọc, đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin trong văn bản và thể hiện sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Có hai loại trích dẫn trong văn bản: trích dẫn trực tiếp và trích dẫn gián tiếp. Cần ghi rõ nguồn gốc của phần trích dẫn (bao gồm tên tác giả, tên văn bản gốc, nơi công bố, thời gian công bố văn bản gốc) và vị trí của phần trích dẫn trong văn bản gốc. Ví dụ: phần dẫn nguồn của văn bản đọc hiểu ở hầu hết các đề, đặc biệt các văn bản là đoạn trích.
Nhận diện yếu tố chêm xen trong câu văn, dòng thơ qua các dấu hiệu hình thức (dấu phẩy, dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn) được người viết sử dụng để đánh dấu sự tách biệt với thông tin chính trong câu. Nêu và làm rõ tác dụng của yếu tố chêm xen (bổ sung ý nghĩa, gia tăng tính hình tượng, sắc thái biểu cảm của câu). Ví dụ: xem câu hỏi đọc hiểu 2 đề 5. 2.2. Biện pháp tu từ liệt kê Biện pháp tu từ sử dụng một chuỗi yếu tố cùng loại (sự vật, sự việc, hoạt động, tính chất, trạng thái,...) trong cùng một câu, một đoạn nhằm cung cấp thông tin đầy đủ hơn về đối tượng, tạo hiệu quả, ấn tượng mạnh trong miêu tả, kể chuyện, trình bày và biểu lộ tình cảm, cảm xúc của người nói, người viết. Phát hiện chuỗi sự vật, sự việc, trạng thái,... được người viết kể ra và các dấu hiệu hình thức đi kèm (dấu hai chấm trước khi liệt kê; dấu phẩy sau mỗi sự vật, sự việc,... được liệt kê; dấu ba chấm hoặc kí hiệu v.v. sau chuỗi liệt kê) để xác định và gọi tên biện pháp tu từ. Nêu và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê (Làm cho thông tin về đối tượng được nói đến hiện lên đầy đủ, rõ ràng, gây ấn tượng mạnh; Làm cho việc diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, hiệu quả hơn; Nhấn mạnh ý, chứng minh sáng rõ cho nhận định của tác giả...; Thể hiện được tình cảm, cảm xúc của người viết trong tả, kể, thuyết phục,... theo đó, làm tăng tính biểu cảm cho lời nói, văn bản). Ví dụ: xem câu hỏi và đáp án câu 2 đề 9. 2.3. Biện pháp tu từ lặp cấu trúc Biện pháp tu từ sử dụng những cụm từ hoặc câu có cùng kiểu cấu trúc nhằm nhấn mạnh nội dung cần biểu đạt, tạo nhịp điệu, sự liên kết cho lời nói, văn bản. Biện pháp lặp cấu trúc có thể xuất hiện trong phép đối. Quan sát kĩ câu văn, đoạn văn, phát hiện các cụm từ, câu có cùng kiểu cấu trúc được sử dụng để xác định và gọi tên biện pháp tu từ lặp cú pháp. Nêu và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ lặp cú pháp (nhấn mạnh nội dung biểu đạt, tạo nhịp điệu, sự liên kết,...). Ví dụ: xem câu hỏi đọc hiểu 3 đề 6. 2.4. Biện pháp tu từ đối Biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ (cùng từ loại) hoặc câu (cùng cấu trúc) sóng đôi với nhau nhằm nhấn mạnh sự tương đồng hoặc tương phản giữa các nội dung cần biểu đạt, tạo nhịp điệu và tăng vẻ đẹp cân xứng, hài hoà cho lời thơ, lời văn. Quan sát ngữ liệu, phát hiện các từ ngữ, câu có cùng từ loại, cùng cấu trúc được sắp xếp sóng đôi với nhau để xác định và gọi tên biện pháp tu từ đối. Nêu và làm rõ tác dụng của biện pháp tu từ đối (nhấn mạnh sự tương đồng hoặc tương phản giữa các nội dung cần biểu đạt, tạo nhịp điệu và tăng vẻ đẹp cân xứng, hài hoà). Ví dụ: xem câu hỏi đọc hiểu 2 đề 9. 2.5. Biện pháp tu từ nói mỉa Biện pháp tu từ trong đó người viết dùng những từ ngữ có sắc thái trang trọng, tích cực nhưng lại đi kèm ngụ ý đánh giá ngược lại, nhằm mỉa mai, châm biếm, đả kích đối tượng được nói đến hoặc đùa vui, trêu chọc, nhắc khéo,... trong hoàn cảnh giao tiếp thân mật, gần gũi. Đọc kĩ ngữ liệu, phát hiện mâu thuẫn giữa nghĩa hiển ngôn của lời nói (tích cực, ca tụng, trang trọng, trung lập, khách quan,,..) với nghĩa hàm ngôn (phê phán, phủ định,...); chú ý các yếu tố hình thức (từ ngữ khen ngợi, pha trộn giữa kiểu nói lịch sự và nói quá, yếu tố nhại,...) để xác định và gọi tên biện pháp tu từ.