Content text Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng - Bảo Ninh.pdf
Mục lục Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng
Bảo Ninh Tiếng vĩ cầm của quân xâm lăng Một buổi tối, tôi tới sứ quán Pháp dự chiêu đãi nhân ngày 14 tháng Bảy. Giấy mời đề bảy giờ, tôi đến hơi trễ, tây ta đã rất đông, vào tiệc đã khá lâu. Tiệc đứng. Không hẳn là như trên tàu điện nhưng cũng mỏi nhừ, cũng mệt lử và cũng mạnh ai nấy chen. Phòng tiệc rù rù máy lạnh, song sức máy không đủ làm nhẹ bầu không khí nặng hơi người và khói thuốc, nồng ngạt mùi nước hoa đàn bà, mùi nước hoa đàn ông, mùi phấn son, mùi xi đánh giày, mùi thức nhắm và mùi rượu mạnh các loại. Khách khứa phải dãn dần ra hiên, tản bớt xuống vườn. Tiếng trò chuyện ở ngoài vườn không ồn như trong phòng mà nhè nhẹ ran lên. Thỉnh thoảng như bị cù ré lên tiếng cười của một bà nào, một ông nào. Các ông các bà, với ly rượu trên tay hoặc với đĩa thức nhắm, hoặc là ôm đồm một lúc trên tay cả hai thứ, đứng tụ từng nhóm dăm vị với nhau, vừa uống ăn vừa đấu hót. Nom ai cũng lịch sự, đẹp đẽ mượt mà. Nhất là các bà các cô người nào người nấy diện ngất. Các ông thì tuyệt vời tề chỉnh, tất cả đều đóng hộp, đường bệ com lê cà vạt giày da, tương xứng với tên tuổi và phẩm giá. Các nhà buôn, các nhà báo, các nhà kịch sĩ, các nhà ca sĩ, các nhà thông thái già, các nhà thông thái trẻ, các nhà từ thiện, các nhà môi giới. Tất cả các gương mặt đều đậm nét cao quý, tất cả các dáng điệu đều đặc Pháp. Và ngôn luận nữa, cũng Pháp. Khi có một anh Tây nào đó xì xồ một lời dí dỏm, lập tức trong nhóm thực khách vây quanh y những ai sành tiếng Tây liền rộ lên cười tán thưởng, còn những ai, như tôi, chỉ biết tiếng mẹ đẻ thì nhũn nhặn mỉm cười theo với vẻ tươi vui dè dặt. Tôi thấy có cô thậm chí còn nhón chân lên nhìn tay ngoại quốc thạo pha trò nọ bằng cặp mắt gần như mờ đi vì si mê và thán phục. Tại giữa khu vườn, ở nơi sáng nhất, trội lên một đám chừng chục vị đặc biệt
rôm rả. Chưa nhìn rõ ai nhưng thoáng qua cung cách hân hoan buông tuồng của họ, đoán đây là một toán nam nữ đồng nghiệp trẻ tuổi nên tôi phải vội vã liệu đường. Ra gần cổng sứ quán, do hấp tấp tôi xô phải một ông già đang bước đi chậm rãi. Luýnh quýnh tôi xin lỗi. - Không sao. Tôi không làm sao cả đâu ạ, thưa ông! - Ông già nói - Cũng là bởi tại tôi tối nay có hơi ngà ngà. Mà làm sao ông cũng về sớm vậy, nhà văn? Tôi nhìn, giấu nỗi sửng sốt. Tôi biết ông. Ông già chủ sạp báo ở đầu đường Nam Bộ chứ ai. Y phục dạ tiệc của ông sờn nát. Cà vạt kiểu gì đâu nom như cái cờ đuôi nheo. Và bởi vì ông gầy nhom nên cả sơ mi cả áo vét đều lụng thụng. Ông thấp người, lưng còng còng. Tôi đỡ khuỷu tay ông, đưa ông sang đường. - Cái lễ cát tó năm nay linh đình chỉ, - Ông già nói, giọng khàn khàn - Khách khứa đông gớm ghê. Có lẽ là vì kỳ này, ngoài Đại Cách mạng, Tây nó còn muốn tưởng niệm luôn cả quả bom Mỹ hai mươi năm về trước thổi bay tòa đại sứ. Gió mát thổi dài dọc phố. Đường Thợ Nhuộm về khuya vãn dần xe cộ. Vỉa hè thưa người qua lại. Tôi bước đi thật chậm cạnh Me xừ. Ông già tên Bôn nhưng vẫn nghe dân tình cùng phố với ông gọi ông như vậy, Me xừ. - Tôi đồ rằng ông đang bận tâm tự hỏi cái lão già này khoác tư cách nào mà vào ra can dự cái chỗ tiệc tùng long trọng đó, phải thế chăng? Mà ông ạ, không chỉ tối nay đâu, đã thành cái lệ rồi, hễ cứ lễ lạt to to một chút trong sứ quán là tôi tất yếu có giấy mời. Là tôi đến dự. Mà tôi là ai nào ai biết. Ông nói phà ra mùi rượu song không hề nhịu giọng. Ông bước chậm lệt sệt lê giày, nhưng ông không chuệnh choạng. Lời lẽ của ông khúc triết. - Tôi nghĩ, ngay cả các viên chức lễ tân của sứ quán cũng chẳng biết tôi là nhân vật nào. Họ cứ tra theo danh sách do những người tiền nhiệm giao lại mà lắp tên và địa chỉ của tôi vào giấy mời in sẵn. Giấy mời đến tay tôi theo đường bưu điện. Tôi đến, chìa giấy ra, rồi vào cổng, chẳng ai căn vặn. Vào ra