Content text 10. TÁC PHẨM - CHỈNH THỂ TRUNG TÂM CỦA HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC.docx
của nó, mà còn biểu hiện qua nhiều mối quan hệ khác. - Tác phẩm là kết quả sáng tạo của nhà văn, là đối tượng tiếp nhận của người đọc, đối tượng khảo sát của nghiên cứu văn học, đối tượng phân tích của giảng dạy văn học. Không có tác phẩm thì sẽ không thể có đời sống văn học. - Với nhà văn, tác phẩm là con đẻ tinh thần, không có tác phẩm thì những tư tưởng, cảm xúc, cách nhìn nhận cuộc sống dù có sâu sắc mãnh liệt đến đâu cũng trở nên vô nghĩa. Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm, nhưng đến lượt mình, chính tác phẩm lại là “chứng minh thư” xác nhận tư cách và vị trí của nhà văn trong lịch sử văn học. Với người đọc, tác phẩm văn học là đối tượng tích cực của cảm thụ thẩm mĩ. Đối với hoạt động nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học, tác phẩm văn học cũng giữ vai trò trung tâm. Hầu như các đặc trưng, thuộc tính, bản chất của văn học đều được khái quát lên từ hệ thống tác phẩm. Tác phẩm văn học cũng là yếu tố làm nên nền văn học hay trào lưu văn học. Không có tác phẩm thì không thể có trào lưu văn học hay nền văn học. Với hiện thực khách quan, tác phẩm văn học là hình ảnh phản ánh sống động, là tấm gương ghi giữ diện mạo lịch sử của một thời kỳ một đi không trở lại và dự báo tương lai. Như vậy, mọi vấn đề của văn học đều tập trung trước hết ở tác phẩm. Có thể coi tác phẩm như một chỉnh thể giữ vai trò trung tâm của hoạt động văn học. 2. Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học 2.1. Nội dung của tác phẩm văn học - Nội dung tác phẩm là hiện thực cuộc sống được phản ánh trong sự cảm nhận, suy ngẫm và đánh giá của nhà văn. Đó là một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố khách quan và chủ quan xuyên thấm vào nhau chứ không đơn thuần là tư tưởng tình cảm của tác giả biểu hiện trong tác phẩm. Theo đó, nội dung của tác phẩm văn học thường được nói đến ở hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất là nội dung cụ thể, trực tiếp. Ðó là sự thể hiện một cách sinh động và khách quan một phạm vi hiện thực cụ thể của đời sống gắn với diễn biến của các sự kiện, sự thể hiện các hình ảnh, hình tượng, sự hoạt động và quan hệ giữa các nhân vật, suy nghĩ và cảm xúc của các nhân vật,... Xuyên qua nội dung cụ thể của tác phẩm, ở một cấp độ cao hơn, sâu hơn là nội dung tư tưởng. Ðó chính là sự khái quát những gì đã trình bày trong nội dung cụ
thể thành những vấn đề của đời sống và giải quyết những vấn đề ấy theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định. Như vậy, có thể nói nội dung của tác phẩm là toàn bộ những hiện tượng thẩm mĩ độc đáo được phản ánh bằng hình tượng thông qua sự lựa chọn, đánh giá chủ quan của người nghệ sĩ, tức là tiếng nói riêng của nhà văn bao gồm những cảm xúc, tâm trạng, lí tưởng, khát vọng về hiện thực đó. Khi nói đến nội dung của tác phẩm, Secnưxepki không chỉ nhấn mạnh việc "tái hiện các hiện tượng hiện thực mà con người quan tâm" mà còn nhấn mạnh đến việc "giải thích cuộc sống", "đề xuất sự phán xét đối với các hiện tượng được miêu tả". Ông viết: "Thể hiện sự phán xét đó trong tác phẩm là một ý nghĩa mới của tác phẩm nghệ thuật, nhờ đó nghệ thuật đứng vào hàng các hoạt động tư tưởng, đạo đức của con người". Có thể mượn những câu thơ mở đầu Truyện Kiều của Nguyễn Du để nói về nội dung tác phẩm văn học : Trăm năm trong cõi người ta, Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. - Nội dung tác phẩm là kết quả của quá trình khám phá, phát hiện, khái quát chứ không đơn giản là sự “phản ánh cuộc sống” của nhà văn. Nội dung tác phẩm cũng không phải là ý nghĩ trừu tượng của nhà văn như một tư tưởng, một lí tưởng, một đạo lí, một dụng ý của tác giả. Nội dung phải toát lên từ toàn bộ tác phẩm. Bởi vậy, muốn tìm hiểu nội dung của tác phẩm thì phải xem xét toàn bộ các yếu tố của tác phẩm. - Nội dung tác phẩm văn học chỉ tồn tại bằng hình thức và qua hình thức tác phẩm. Đó là cấu tạo gồm nhiều yếu tố phụ thuộc lẫn nhau và phụ thuộc vào nội dung tác phẩm. - Nội dung tác phẩm được biểu hiện rõ qua các yếu tố: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng chủ đạo và ý nghĩa thẩm mĩ toát ra từ hình tượng nghệ thuật mà ta quen gọi là nội dung thẩm mĩ của hình tượng. Trong đó, Đề tài là phạm vi hiện thực được nhà văn nhận thức, chiếm lĩnh, đề cập đến trong tác phẩm, nhằm thể hiện thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Chủ đề là vấn đề trung tâm mà nhà văn nêu lên, đặt ra trong tác phẩm theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định. Nói cách khác, chủ đề là những vấn đề được nhà văn tập trung soi rọi, tô đậm, nêu lên trong tác phẩm mà nhà văn cho là quan trọng nhất. Tư tưởng
là linh hồn, là hạt nhân của tác phẩm, là kết tinh của những cảm nhận, suy nghĩ về cuộc đời,... Do yêu cầu của tư duy khái quát, người ta thường đúc kết tư tưởng của tác phẩm bằng một số mệnh đề ngắn gọn, trừu tượng. Tư tưởng náu mình trong những hình tượng sinh động, những cảm hứng sâu lắng của tác giả. Nếu đề tài và chủ đề thuộc về phương diện khách quan thì tư tưởng tác phẩm thuộc về phương diện chủ quan của nội dung tác phẩm. Cảm hứng chủ đạo là trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm, xuyên suốt tác phẩm, gắn liền với một tư tưởng và gây tác động đến cảm xúc của người tiếp nhận. - Hình thức của tác phẩm là yếu tố tĩnh, còn nội dung lại là yếu tố động. Nội dung của tác phẩm không bất biến, mà luôn được mở rộng, đào sâu trong quá trình tiếp nhận, làm cho tác phẩm văn học tồn tại như một quá trình. Nhờ sự cảm thụ bởi độc giả, sự lý giải bởi những nhà nghiên cứu, phê bình làm phát sinh những đánh giá ít nhiều khác nhau về nội dung thẩm mỹ của tác phẩm. Đặc tính đó cho thấy tác phẩm văn học theo cách nhìn hiện đại được hiểu như một thực thể tinh thần, một tổng thể của những hàm nghĩa phức hợp, tồn tại ở dạng khả biến, là sự thống nhất giữa những hàm nghĩa thẩm mỹ tư tưởng đã được mã hóa văn bản và những cảm thụ, lý giải bởi những thời đại và thế hệ công chúng khác nhau. 2.2. Hình thức của tác phẩm văn học - Hình thức là hệ thống các phương tiện và phương thức thể hiện nội dung, được hợp thành bởi nhiều yếu tố như: chất liệu ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật, loại thể, cốt truyện, nhân vật, kết cấu,... Tất cả đều nhằm mục đích biểu hiện sinh động nội dung của tác phẩm, tạo thành một dạng tồn tại nhất định của nội dung ấy, qua đó xây dựng tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất. Biêlinxki cho rằng: “Dù một bài thơ có chứa chất những tư tưởng đẹp đến mấy đi nữa... nhưng nếu trong nó không có tính thơ thì nó cũng chỉ là một dụng ý đẹp đã được thực hiện tồi”. Rêpin cũng nói: “Ý tưởng anh đẹp đẽ như vậy nhưng anh vẽ tồi thì anh chỉ làm cho người ta ghê sợ và coi rẽ ý tưởng của anh mà thôi”. Phạm văn Ðồng cũng từng nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức nghệ thuật: “Không có giá trị nghệ thuật thì không thể có tác phẩm nghệ thuật được ! Nó là con số không !”. Như vậy, hình thức là phương diện đặc biệt quan trọng của tác phẩm văn học. - Hình thức không chỉ đơn giản là chất liệu và các phương tiện miêu tả nghệ thuật. Chất liệu và các phương tiện miêu tả nghệ thuật là cơ sở để tạo nên hình thức nghệ thuật.