Content text 23. Hoãn chấp hành hình phạt tù theo pháp luật hình sự Việt Nam - Ths. Trần Văn Thượng & Ths. Lê Vũ Huy.pdf
HOÃN CHẤP HÀNH HÌNH PHẠT TÙ THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM Trần Văn Thượng Lê Vũ Huy Tóm tắt Bài viết phân tích về hoãn chấp hành hình phạt tù theo luật hình sự Việt Nam, đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật trong các vụ án. Mặt khác, bài viết so sánh quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù của Việt Nam với pháp luật một số nước nhằm hoàn thiện quy định về hoãn chấp hành hình phạt tù trong luật hình sự Việt Nam. Từ khóa: Hoãn chấp hành hình phạt tù, luật hình sự, luật tố tụng hình sự, hình phạt tù. Đặt vấn đề Trong hệ thống hình phạt Việt Nam thì hình phạt tù là hình phạt nghiêm khắc, thể hiện rõ nhất chính sách hình sự và nguyên tắc của Nhà nước đối với người phạm tội, đồng thời ngăn ngừa người phạm tội tiếp tục phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp có nhiều lý do khác nhau mà không thể bắt buộc người bị kết án phạt tù phải chấp hành ngay đúng thời gian quy định. Chính vì vậy, chế định “hoãn chấp hành hình phạt tù” (hoãn CHHP tù) được xây dựng nhằm thể hiện một cách sâu sắc nguyên tắc nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về hoãn CHHP tù vẫn còn tồn tại bất cập, thực tiễn áp dụng vẫn còn vướng mắc. Chính vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hoãn CHHP tù trong pháp luật hình sự Việt Nam. 1. Quy định hoãn chấp hành hình phạt tù trong luật Hình sự Việt Nam Hình phạt tù là biện pháp cưỡng chế “tước quyền tự do” của người bị kết án; buộc họ phải cách ly khỏi cuộc sống xã hội trong một khoảng thời gian nhất định. Người đã bị kết án phải chấp hành hình phạt tại trại giam; phải tuân thủ theo một chế độ sinh hoạt, lao động cải tạo của trại giam. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc buộc người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù không chỉ ảnh hưởng đến bản thân chính người đó mà còn ảnh hưởng đến gia đình và những người xung quanh của họ. Chính vì vậy, hoãn chấp hành án Thạc sĩ, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Tp.HCM. Thạc sĩ, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Tp.HCM.
phạt tù là một chế định của pháp luật hình sự Việt Nam, thể hiện sự khoan hồng, của pháp luật, dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người. Theo từ điển Tiếng Việt, “hoãn” là động từ, có nghĩa là: “để lùi lại khi khác”1 . Trong pháp luật Việt Nam, không có văn bản nào quy định khái niệm “Hoãn chấp hành hình phạt tù”. Theo khoa học luật hình sự, một số tác giả đã đưa ra các quan điểm khác nhau về hoãn chấp hành hình phạt tù như: Quan điểm của GS.TSKH. Lê Cảm:“Hoãn chấp hành hình phạt tù là việc tạm dừng lại trong một thời hạn nhất định việc chấp hành hình phạt tù của người bị kết án nếu người này chưa chấp hành hình phạt tù đó”. Theo quan điểm của GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa thì “Hoãn chấp hành hình phạt tù là chuyển thi hành hình phạt tù sang thời điểm muộn hơn”. 2 Theo quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015 thì: “1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây: Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục; Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm”. Như vậy, có thể hiểu, hoãn chấp hành hình phạt tù là cho phép người bị kết án phạt tù chỉ phải chấp hành hình phạt tù đã tuyên sau một thời hạn mà không phải chấp hành ngay vì lý do luật định3 . Bên cạnh đó, trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù, nếu người được hoãn chấp hành hình phạt lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 BLHS.4 ❖ Về đối tượng được hoãn chấp hành hình phạt tù: là người bị kết án phạt tù chưa chấp hành án. Theo pháp luật hình sự Việt Nam, đối tượng bị kết án có thể là cá nhân hoặc pháp 1 [https://vi.wiktionary.org/wiki/ho%C3%A3n] (truy cập ngày 27/9/2024). 2 Đào Thị Đào (2021), Hoãn chấp hành hình phạt tù từ thực tiễn tỉnh Hải Dương, Luận văn Thạc sĩ, Học viện Khoa học xã hội, tr.10. 3 Trần Thị Quang Vinh (Chủ biên, 2019), Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần chung (Tái bản lần thứ nhất có sửa đổi, bổ sung), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, tr.390. 4 Khoản 2 Điều 67 BLHS.
nhân thương mại nhưng đối tượng bị xử phạt tù chỉ có thể là cá nhân và phải đảm bảo điều kiện có đủ năng lực trách nhiệm hình sự; đã bị kết án phạt tù bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành án (QĐTHA) hình phạt tù nhưng chưa đi chấp hành án, đồng thời thuộc một trong các trường hợp đủ điều kiện hoãn chấp hành hình phạt tù theo Điều 67 BLHS năm 2015. Theo quy định tại Điều 67 BLHS năm 2015, các đối tượng có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù bao gồm: - Người bị bệnh nặng Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP thì: “Bị bệnh nặng” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 BLHS năm 2015 là trường hợp người bị xử phạt tù đang bị bệnh hiểm nghèo hướng dẫn tại khoản 4 Điều này hoặc đang bị bệnh khác tới mức không thể chấp hành hình phạt và nếu phải chấp hành hình phạt sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”. Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP quy định về “Mắc bệnh hiểm nghèo” quy định tại điểm b khoản 2 Điều 62, Điều 64, khoản 2 Điều 105 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án đang bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị (ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn lâm sàng IV, lao nặng độ 4 kháng thuốc, xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên, suy thận độ IV trở lên) hoặc mắc bệnh khác dẫn đến không có khả năng tự phục vụ bản thân, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. - Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi Điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP quy định: Trường hợp người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không phân biệt là con đẻ hay con nuôi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi. - Người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt. Tuy nhiên, đối tượng này có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo khoản 8 Điều 2 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP thì tình tiết “gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị kết án là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng và thuộc một trong các trường hợp sau: + Gia đình của người bị kết án gặp tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng dưới mức chuẩn hộ nghèo; + Bố, mẹ, vợ, chồng, con của người bị kết án ốm đau kéo dài mà không có người chăm sóc. - Người bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ. Để thỏa mãn trường hợp này, người được hoãn chấp hành hình phạt tù phải bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ. Theo khoản 10 Điều 2 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP thì tình tiết “Do nhu cầu công vụ” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự là trường hợp cơ quan có thẩm quyền thấy cần thiết phải có người bị xử phạt tù để thực hiện công vụ nhất định và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù ngay thì chưa có người thay thế họ. ❖ Về điều kiện áp dụng hoãn chấp hành hình phạt tù: Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt khi có đủ các điều kiện sau đây: - Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật Hình sự. - Có nơi cư trú rõ ràng. - Sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 7 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP cũng hướng dẫn: Tòa án cũng có thể cho người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 BLHS nhưng không đáp ứng một trong các điều kiện hướng dẫn tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này được hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng phải gắn với hoàn cảnh đặc biệt và phải xem xét thận trọng, chặt chẽ. Ví dụ: Nguyễn Thị B bị xử phạt 04 năm tù về tội cố ý gây thương tích, không có nơi cư trú rõ ràng, đang nuôi con 12 tháng tuổi nhưng con bị mắc bệnh hiểm nghèo phải