Content text Thực tập Điện tâm đồ.pdf
KỸ THUẬT GHI VÀ PHÂN TÍCH ĐIỆN TÂM ĐỒ BÌNH THƯỜNG MỤC TIÊU 1. Thuộc nguyên tắc ghi điện tâm đồ. 2. Thực hiện được cách mắc các điện cực để ghi điện tâm đồ. 3. Thực hiện được các thao tác tiến hành ghi điện tâm đồ theo trình tự. 4. Phân tích được điện tâm đồ bình thường. NỘI DUNG 1. Đại cương Bình thường, giống như mọi tế bào sống khác, màng sợi cơ tim cũng có hiện tượng phân cực, tức là khi nghỉ thì mặt trong màng tích điện âm hơn so với ngoài màng, hiệu điện thế ở mặt trong so với mặt ngoài màng chênh nhau vào khoảng -80 mV đến -90 mV, trạng thái đó được gọi là gọi là điện thế màng. Khi hoạt động, ở mỗi sợi cơ tim xuất hiện điện thế hoạt động. Tổng hợp điện thế hoạt động của các sợi cơ tim gọi là điện thế hoạt động của tim. Cơ thể con người là một môi trường dẫn điện tương đối đồng nhất, cho nên điện thế do tim phát ra có thể truyền đi khắp cơ thể, ra tới da. Ta có thể ghi được điện thế hoạt động của các sợi cơ tim bằng cách nối hai cực của máy ghi điện tim với hai điểm khác nhau của cơ thể. Cách mắc các điện cực để ghi điện thế hoạt động của tim gọi là chuyển đạo. Đồ thị ghi lại các biến thiên điện thế do tim phát ra trong khi hoạt động gọi là điện tâm đồ (ECG: Electro Cardio Graphy) hay gọi là điện tim. 2. Nguyên tắc Mắc hai điện cực của máy ghi điện tim trên hai vị trí của cơ thể, điện thế hoạt động của tim thay đổi theo các giai đoạn hoạt động của tim và được lặp lại theo chu kỳ nhất định, điện thế hoạt động của tim sẽ được máy ghi lại thành đồ thị còn gọi là điện tâm đồ. 3. Các chuyển đạo Chuyển đạo hay còn được gọi là đạo trình, có hai loại chuyển đạo là: chuyển đạo trực tiếp và chuyển đạo gián tiếp. 3.1. Chuyển đạo trực tiếp Là chuyển đạo khi đặt hai điện cực của máy đo chạm vào hai vị trí của tim.
Chuyển đao trực tiếp chỉ được áp dụng trong những trường hợp phẫu thuật mở lồng ngực ở động vật trong phòng thí nghiệm. Ở người, bình thường thì người ta dùng chuyển đạo gián tiếp, ngoài lồng ngực để ghi điện tim. 3.2. Chuyển đạo gián tiếp Chuyển đạo gián tiếp bao gồm hai loại là: + Chuyển đạo lưỡng cực hay còn được gọi là chuyển đạo mẫu. + Chuyển đạo đơn cực: chuyển đạo đơn cực lại bao gồm hai loại là chuyển đạo đơn cực chi và chuyển đạo đơn cực trước tim. 3.2.1. Chuyển đạo lưỡng cực Einthoven dùng ba điểm trên cơ thể là cổ tay phải, cổ tay trái và cổ chân trái tạo thành một tam giác để đặt các cực của máy điện tim để ghi hoạt động điện của tim được gọi là chuyển đạo gián tiếp. Trục giải phẫu của tim đi từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Trục điện tim gần như trùng với trục giải phẫu, tượng trưng bằng một vectơ đi từ trên xuống dưới, từ phải sang trái. Khi đặt điện cực tại hai trong ba điểm ở cổ tay và cổ chân ta sẽ có ba chuyển đạo là DI, DII, DIII như sau: DI: đặt hai điện cực ở cổ tay phải và cổ tay trái. DII: đặt hai điện cực ở cổ tay phải và cổ chân trái. DIII: đặt hai điện cực ở cổ tay trái và cổ chân trái. Hình 3. Chuyển đạo lưỡng cực
3.2.2. Chuyển đạo đơn cực Chuyển đạo này thực ra vẫn dùng hai điện cực: một điện cực thăm dò và một điện cực trung tính. Điện cực trung tính được tạo ra bằng cách nối hai trong ba điểm (tay phải, tay trái và chân trái) vào một điện trở 5000 Ω. Vì điện trở lớn như vậy nên điện thế ở cực này không đáng kể, coi như bằng 0. Biến đổi điện ta ghi được là biến đổi điện ở cực thăm dò. - Chuyển đạo đơn cực chi Khi mắc điện cực thăm dò tại một điểm ở cổ tay hay cổ chân và một cực trung tính ta sẽ ghi được hoạt động điện của tim tại cực thăm dò, đó được gọi là chuyển đạo một cực chi, ta có ba chuyển đạo một cực chi là: aVR: chuyển đạo đơn cực chi trên phải. aVL: chuyển đạo đơn cực chi trên trái. aVF: chuyển đạo đơn cực chi dưới trái. - Chuyển đạo đơn cực trước tim Khi đặt cực thăm dò của máy đo điện tim tại vị trí gần tim, trên da thành ngực và một cực trung tính ta sẽ ghi được hoạt động điện của tim tại cực thăm dò trước tim. Có 6 chuyển đạo một cực trước tim thông thường là: V1: điện cực thăm dò đặt ở khoang liên sườn IV, sát bờ phải xương ức. V2: điện cực thăm dò đặt ở khoang liên sườn IV, sát bờ trái xương ức. V3: điện cực thăm dò đặt giữa V2, V4. V4: điện cực thăm dò đặt ở giao điểm của khoang liên sườn V với đường giữa xương đòn trái. V5: điện cực thăm dò đặt ở giao điểm của khoang liên sườn V với đường nách trước bên trái. V6: điện cực thăm dò đặt ở giao điểm của khoang liên sườn V với đường nách giữa bên trái. Các chuyển đạo này phân thành nhóm chuyển đạo “thành trước (V1,V2, V3, V4) và chuyển đạo thành bên (V5, V6). Sự phân nhóm các chuyển đạo đóng vai trò quan trọng trong xác định vùng tổn thương tim trên ECG trong bệnh lý mạch vành (nhồi máu cơ tim)
Hình 4. Vị trí mắc 6 chuyển đạo trước tim Ngoài sáu chuyển đạo đơn cực trước tim thông thường như trên, người ta có thể ghi các chuyển đạo đơn cực trước tim ở các vị trí khác như và đặt là: V7, V8, V9, V10... tuỳ theo nhu cầu cần thiết khi muốn xác định vị trí tổn thương cơ tim. Hình 5. Mười hai chuyển đạo chuyển đạo chi cho thông tin về hoạt động điện học của tim trên mặt phẳng đứng ngang (hình A) và 6 chuyển đạo trước tim cho thông tin trên mặt phẳng ngang (hình B)