Content text 7. Vấn đề nội luật hoá của Bộ luật Hình sự năm 2015 trên cơ sở yêu cầu của Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý và một số kiến nghị hoàn thiện - LS.NCS.Ths. Chu Tấn Hải.pdf
1 VẤN ĐỀ NỘI LUẬT HÓA CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 2015 TRÊN CƠ SỞ YÊU CẦU CỦA CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ KIỂM SOÁT MA TÚY VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN Chu Tấn Hải* Tóm tắt Bài viết đánh giá việc thực hiện yêu cầu nội luật hóa của Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) so với các Công ước quốc tế về kiểm soát chất ma túy dựa trên một số yếu tố như: Danh mục chất ma túy; tội phạm hóa các hành vi liên quan đến chất chất ma túy; lỗi cố ý; hành vi đồng phạm; hành vi chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và hình phạt. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015. Từ khóa: Các tội phạm về ma túy, Công ước thống nhất về các chất ma túy 1961, Công ước về kiểm soát các chất hướng thần 1971, Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần 1988, nội luật hóa. 1. Đánh giá vấn đề nội luật hóa của BLHS năm 2015 trên cơ sở yêu cầu của các Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy Việc kiểm soát và xử lý tội phạm về ma túy là một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự diễn biến phức tạp của các tội phạm về ma túy, việc nội luật hóa các quy định pháp luật quốc gia với các Công ước quốc tế về kiểm soát chất ma túy trở nên vô cùng quan trọng. Năm 1997, Việt Nam đã phê chuẩn ba Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát chất ma túy, gồm Công ước thống nhất về các chất mca túy 1961 (Công ước 1961), Công ước về kiểm soát các chất hướng thần 1971 (Công ước 1971) và Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần 1988 (Công ước 1988).1 Đồng thời, Việt Nam đã từng bước nội luật hóa quy định của các Công ước này vào trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Tuy nhiên, hiện nay, quy định của BLHS Việt Nam về các tội phạm ma túy vẫn còn nhiều hạn chế cần tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu nội luật hóa của các Công ước quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy của nước ta. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ đánh giá việc * Luật sư Công ty Pinnacle Danny Law Co.LTD, NCS. Thạc sĩ 1Xem: Quyết định số 798 về việc nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về kiểm soát ma túy, https://tiengchuong.chinhphu.vn/he-thong-van-ban/hiep-uoc- cong-uoc-quoc-te.htm (truy cập ngày 26/6/2024).
2 thực hiện yêu cầu nội luật hóa của BLHS năm 2015 so với các Công ước quốc tế về kiểm soát chất ma túy, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của BLHS năm 2015. Như đã đề cập, hiện nay Liên hợp quốc có ba Công ước quốc tế để kiểm soát chất ma túy và chất hướng thần là Công ước 1961, Công ước 1971 và Công ước 1988. Đây chính là các chuẩn mực quốc tế để giám sát việc sử dụng chất ma túy hợp pháp và bất hợp pháp trên toàn cầu. Các Công ước này được các quốc gia tự nguyện tham gia để tạo ra một hệ thống pháp lý toàn cầu về kiểm soát ma túy, giảm thiểu tác động tiêu cực của chúng cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phòng, chống các tội phạm về ma túy. Trong ba Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy thì Công ước 1988 là Công ước bổ sung, hoàn thiện việc kiểm soát chất ma túy bất hợp pháp cho Công ước 1961 và Công ước 1971. Do đó, ngoài hai Danh mục về chất ma túy và chất hướng thần của Công ước 1961 và Công ước 1971, các nội dung yêu cầu về tội phạm hóa và hình phạt của Công ước 1961, Công ước 1971 đều được Công ước 1988 nhắc lại hoặc bổ sung cũng như điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thế giới về các hoạt động chống buôn bán ma túy trái phép.2 Do đó, để xem xét mức độ tội phạm hóa và hình phạt theo yêu cầu của các Công ước quốc tế về kiểm soát chất ma túy, trong phạm vi bài viết này, tác giả chủ yếu dựa vào Công ước về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988. Theo Công ước 1988, việc quy định tội phạm về ma túy được xác định dựa trên một số yếu tố như: Danh mục chất ma túy; các hành vi phạm tội; lỗi cố ý; hành vi đồng phạm; hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Do đó, để đánh giá vấn đề nội luật hóa các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy, tác giả sẽ dựa trên những yếu tố này và hình phạt như sau: Thứ nhất, về Danh mục chất ma túy Các Công ước của Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy đều quy định một danh mục các chất bị kiểm soát để quản lý. Cụ thể, chất gây nghiện được quy định trong Công ước 1961, chất hướng thần được quy định trong Công ước 1971, tiền chất được quy định trong Công ước 1988. Các danh mục chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất này thường được bổ sung và điều chỉnh theo thời gian và được sắp xếp theo từng bảng dựa 2 Xem: Điều 1 Công ước 1988.
3 trên mức độ độc hại khác nhau với tính nguy hiểm khác nhau.3 Đây chính là cơ sở để thực hiện yêu cầu tội phạm hóa về danh mục chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất của các Công ước quốc tế về kiểm soát chất ma túy. Hiện nay, Danh mục chất ma túy và tiền chất của Việt Nam được quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính Phủ. Danh mục chất ma túy và tiền chất theo Nghị định số 57/2022/NĐ-CP được quy định hoàn toàn tương thích với các danh mục chất ma túy, chất hướng thần và tiền chất của các Công ước quốc tế. Theo đó, Nghị định số 57/2022/NĐ-CP quy định 3 danh mục các chất ma túy dựa trên mức độ độc hại khác nhau với tính nguy hiểm khác nhau cụ thể như sau: (1) Danh mục I. Các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền; (2) Danh mục II. Các chất ma túy được sử dụng hạn chế trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; (3) Danh mục III. Các chất ma túy được sử dụng trong nghiên cứu, kiểm nghiệm, giám định, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, khi quy định các chất ma túy (bao gồm cả chất gây nghiện và chất hướng thần) trong BLHS năm 2015 để làm cơ sở pháp lý truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể phạm tội, BLHS năm 2015 lại sắp xếp các chất ma túy chưa thống nhất với Danh mục chất ma túy trong Nghị định số 57/2022/NĐ-CP. Điều này có nghĩa là BLHS năm 2015 không có sự phân loại rõ ràng về mức độ độc hại, mức độ cấm của các chất ma túy với các tính chất nguy hiểm khác nhau. Ví dụ, Heroin nằm trong Danh mục I nhưng lại được xếp cùng với Cocaine là một chất nằm trong Danh mục II để xác định trách nhiệm hình sự theo một số điều luật về tội phạm liên quan đến ma túy trong BLHS năm 2015. Đồng thời, trên thực tế, khi áp dụng pháp luật, các chất ma túy không được quy định cụ thể trong BLHS thường được coi là các chất ma túy khác. Ví dụ, TFMPP mặc dù được xếp vào Danh mục II giống như Cocain trong các Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy và Nghị định số 57/2022/NĐ-CP nhưng các Tòa án thường xem xét chất ma túy này thuộc nhóm các chất ma túy khác để xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội vì chất ma túy này không được quy định trong BLHS năm 2015.4 Do đó, vấn đề này gây ra sự không thống nhất giữa BLHS năm 2015 và Danh mục chất ma túy và 3 Xem: Nguyễn Thị Phương Hoa (2006), “Hoàn thiện khái niệm chất ma túy trong pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Khoa học pháp lý, số 12/2006, tr.27. 4 Ví dụ: Bản án Hình sự phúc thẩm số 350/2018/HS-PT ngày 20/8/2018 của Tòa án Cấp cao tại TP.HCM, https://congbobanan.toaan.gov.vn/5ta171921t1cvn/MH_LE_THANH_TUNG_phathanh.pdf. (truy cập ngày 25/6/2024).
4 tiền chất tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng như các Công ước quốc tế về kiểm soát chất ma túy. Thứ hai, về việc tội phạm hóa đối với các hành vi liên quan đến chất ma túy Hầu hết các hành vi liên quan đến chất ma túy bất hợp pháp đã được BLHS năm 2015 tội phạm hóa, trong đó, có một số hành vi nêu trong các Công ước được gộp lại thành một tội phạm trong BLHS năm 2015. Cụ thể, BLHS năm 2015 đã tội phạm hóa các hành vi sau đây: - Trồng cây thuốc phiện, cây coca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247 BLHS năm 2015): Điều 36(1)(a) Công ước 1961 và Điều 3(1)(a)(iii), Điều 3(2) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi trồng cây thuốc phiện, cây coca và cây cần sa. Vì vậy, quy định tại Điều 247 BLHS năm 2015 là hoàn toàn phù hợp với đòi hỏi của Công ước. Mặt khác, có thể thấy, khác với Công ước, BLHS năm 2015 còn tội phạm hóa đối với hành vi trồng “các loại cây khác có chứa chất ma túy”. Vì thế, BLHS năm 2015 có đối tượng tác động của tội phạm rộng hơn so với Công ước quốc tế. - Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248 BLHS năm 2015): Điều 36(1)(a) Công ước 1961 và Điều 3(1)(a)(i) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa hành vi sản xuất, điều chế, chiết xuất trái phép chất ma túy, chất hướng thần. BLHS năm 2015 của Việt Nam đã gộp các hành vi này lại và quy định chung trong một tội danh là tội sản xuất trái phép chất ma túy.5 - Tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249 BLHS năm 2015), vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250 BLHS năm 2015) và mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251 BLHS năm 2015): Điều 36(1)(a) Công ước 1961 và Điều 3(1)(a)(i), (iii), Điều 3(2) Công ước 1988 yêu cầu các quốc gia thành viên tội phạm hóa các hành vi tàng trữ, biếu tặng, chào hàng, phân phối, mua, bán, giao hàng theo bất kì điều kiện nào, môi giới, gửi, gửi quá cảnh, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép chất ma túy và chất hướng thần. So với các hành vi mà Công ước yêu cầu tội phạm hóa, BLHS năm 2015 chỉ quy định ba hành vi là tàng trữ, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy nhưng cùng với chế định đồng phạm quy định tại Điều 17 BLHS năm 2015 thì những hành vi được quy định tại Điều 36(1)(a) Công ước 1961 và Điều 3(1)(a)(i), (iii), Điều 3(2) Công ước 1988 5 Xem: Mục 2.1 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999.