Content text 28. Miễn truy tố có điều kiện đối với pháp nhân theo pháp luật Hoa Kỳ, Trung Quốc ... - Ths. Nguyễn Thị Thu Hằng, Ths. Vũ Thị Quyên.pdf
1 MIỄN TRUY TỐ CÓ ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN THEO PHÁP LUẬT HOA KỲ, TRUNG QUỐC VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM Nguyễn Thị Thu Hằng Vũ Thị Quyên Tóm tắt Miễn truy tố có điều kiện là một biện pháp linh hoạt được áp dụng trong việc xử lý trách nhiệm hình sự của pháp nhân khi thoả mãn các điều kiện được pháp luật quy định. Tại Hoa Kỳ, thỏa thuận hoãn truy tố hoặc thoả thuận không truy tố được sử dụng phổ biến và trở thành một công cụ quan trọng để giải quyết các vụ việc liên quan tới các vi phạm của doanh nghiệp. Trung quốc cũng đang trong quá trình triển khai mô hình miễn truy tố có điều kiện đối với doanh nghiệp phạm tội và đã thu được những hiệu quả nhất định. Bài viết này tìm hiểu chế định miễn truy tố có điều kiện đối với pháp nhân theo pháp luật Hoa Kỳ và Trung Quốc, từ đó, đưa ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề liên quan. Từ khoá: Miễn truy tố có điều kiện đối với pháp nhân, điều kiện miễn truy tố, pháp nhân, hoãn truy tố, không truy tố, không truy tố có điều kiện Đặt vấn đề Truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân phạm tội là một quy định cần thiết để nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, qua đó duy trì trật tự và công bằng trong kinh doanh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân có thể dẫn tới những hệ quả không mong muốn cho nền kinh tế và xã hội. Chế định miễn truy tố có điều kiện đối với pháp nhân góp phần thúc đẩy sự hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, tạo điều kiện và động lực khắc phục nhanh chóng các thiệt hại, ít gây ảnh hưởng đến các lợi ích kinh tế và xã hội nhưng vẫn xử lý có hiệu quả pháp nhân phạm tội, đảm bảo tính răn đe của pháp luật, mang lại hiệu quả xử lý các vi phạm cao hơn. Thỏa thuận hoãn truy tố (Deferred Prosecution Agreements - DPA) hoặc thoả thuận không truy tố (Non-Prosecution Agreements - NPA) giải pháp thay thế cho các thủ tục tố tụng hình sự truyền thống tại Hoa Kỳ. Đây là hai hình thức miễn truy tố có điều kiện thường được sử dụng trong các vụ án hình sự, cho phép các công ty tránh bị Thạc sĩ, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Tp.HCM Thạc sĩ, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Tp.HCM
2 truy tố chính thức bằng cách thỏa thuận với công tố viên để thực hiện một số nghĩa vụ nhất định. Nếu các nghĩa vụ này được hoàn thành, các cáo buộc sẽ bị bác bỏ hoặc thậm chí không được đưa ra. DPA là một thỏa thuận trong đó chính phủ nộp cáo trạng nhưng trì hoãn việc truy tố cho đến khi công ty hoàn thành các yêu cầu đã thỏa thuận, chẳng hạn như nộp phạt, cải tổ hệ thống quản trị, và hợp tác trong điều tra. Ngược lại, với NPA, chính phủ không nộp cáo trạng ngay từ đầu, và chỉ cần công ty tuân thủ các điều kiện đã thỏa thuận thì sẽ không có truy tố nào được đưa ra. Nếu như việc không truy tố có điều kiện với doanh nghiệp đã được áp dụng từ khá sớm ở Hoa Kỳ, thì tại Trung Quốc, chế định này chỉ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Mặc dù vẫn đang trong quá trình hình thành và hoàn thiện, chế định này đã mang lại những hiệu quả nhất định cho việc xử lý các doanh nghiệp phạm tội. Hệ thống không truy tố có điều kiện đối với doanh nghiệp tại Trung Quốc gắn liền với việc thiết lập và thực thi hệ thống tuân thủ doanh nghiệp, nghĩa là mô hình mà theo đó doanh nghiệp phạm tội sẽ chấp nhận khuyến nghị của Viện kiểm sát, cam kết thiết lập một hệ thống tuân thủ doanh nghiệp, chấp nhận sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền trong một giai đoạn nhất định để đổi lấy sự không truy tố cho hành vi phạm tội của mình.1 Đây là một trong những nỗ lực cải cách nhằm tạo môi trường pháp lý lành mạnh, tạo điều kiện và động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp tại Trung Quốc.2 1. Miễn truy tố có điều kiện đối với pháp nhân theo pháp luật Hoa Kỳ 1.1. Sự hình thành của thoả thuận hoãn truy tố và không truy tố tổ chức kinh doanh tại Hoa Kỳ Thỏa thuận không truy tố (NPA) và hoãn truy tố (DPA) là những công cụ quan trọng trong việc xử lý các vụ án liên quan đến doanh nghiệp tại Hoa Kỳ. Sự ra đời của các thỏa thuận này phản ánh nỗ lực của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho truy tố hình sự trực tiếp, nhằm hạn chế những hậu quả không mong muốn từ việc truy tố doanh nghiệp Năm 1909, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã công bố một quy định nghiêm ngặt về trách nhiệm hình sự của doanh nghiệp: các công ty phải chịu trách nhiệm hình sự đối 1 Xiaofen Meng (2022), “Implications of Foreign Corporate Criminal Compliance Non-Prosecution Systems for the Establishment of an Effective Corporate Compliance Conditional Non-Prosecution System in China”, Advances in Economics, Business and Management Research, volume 219, p709. 2 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc Trương Quân đã phát biểu trong Hội nghị toàn quốc của ngành kiểm sát tháng 1 năm 2020: “Chúng ta nên có sự bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và doanh nhân. Nếu có thể không bắt giữ, thì đừng bắt giữ. Nếu có thể không truy tố, thì đừng truy tố. Nếu có thể không kết án, thì hãy đưa ra những kiến nghị khắc phục”. Xem: Yahong Wang (2023), “Study on the Model of Conditional Non-Prosecution in Corporate Crime Cases”, American Research Journal of Humanities & Social Science, Volume 06, Issue 03, pp.36-52
3 với các hành vi phạm tội của nhân viên trong phạm vi công việc của họ. Mặc dù nhân viên có thể vi phạm vì lý do cá nhân, nhưng trách nhiệm pháp lý của công ty được áp dụng khi họ hành động, ít nhất là một phần, để mang lại lợi ích cho công ty.3 Với sự gia tăng của các vụ truy tố doanh nghiệp trong những năm 1990 đã dẫn đến sự ra đời của Bản ghi nhớ Holder (1999). Bản ghi nhớ này chủ yếu tập trung vào việc cung cấp hướng dẫn cho các công tố viên khi quyết định truy tố doanh nghiệp, không trực tiếp đề cập đến các công cụ pháp lý như DPA và NPA. Một trong những trường hợp đầu tiên sử dụng thoả thuận tương tự như DPA và NPA để giải quyết là Salomon Brothers vào năm 1992 đã trả tổng cộng 290 triệu đô la tiền phạt, tịch thu và bồi thường liên quan đến gian lận đấu thầu trái phiếu Kho bạc và giao dịch chứng khoán chính phủ. 4 Nhìn chung, trước năm 2001, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ hiếm khi ký kết các thỏa thuận hoãn truy tố và không truy tố với các tập đoàn như một giải pháp thay thế cho việc truy tố hình sự. Cách tiếp cận của Bộ Tư pháp đối với việc truy tố công ty đã thay đổi sau vụ truy tố không thành công đối với công ty Andersen vào năm 2002. Sau khi Andersen bị truy tố, công ty này đã nhanh chóng mất khách hàng và phá sản. Bộ Tư pháp đã bị chỉ trích vì hành động truy tố này tương đương “án tử hình” đối với công ty. Khi Andersen phá sản, 28.000 nhân viên mất việc và sự cạnh tranh giảm sút trong ngành kế toán khi “Năm công ty kế toán lớn” bị giảm xuống còn “Bốn công ty lớn”. Bộ Tư pháp đã phản hồi lại những lời chỉ trích về vụ truy tố Andersen bằng cách xây dựng hướng dẫn sửa đổi liên quan đến việc truy tố các tập đoàn vào tháng 1 năm 2003. Bản ghi nhớ Thompson đã chính thức tạo ra một khuôn khổ cho Bộ Tư pháp trong việc xem xét các thỏa thuận NPA và DPA. Theo đó, sự hợp tác và tiết lộ tự nguyện có thể xứng đáng “cấp quyền miễn trừ hoặc ân xá cho một tập đoàn hoặc chuyển hướng trước khi xét xử”. Bản ghi nhớ Thompson cũng khuyến khích sử dụng NPA và DPA thay cho việc truy tố, điều mà Bản ghi nhớ Holder không làm. Năm 2006, Bộ Tư pháp đã một lần nữa sửa đổi hướng dẫn của mình về truy tố hình sự doanh nghiệp bằng Bản ghi nhớ McNulty (2006), khẳng định lại vai trò của DPA và NPA như là một công cụ hữu hiệu để đạt được sự hợp tác từ phía doanh nghiệp. Đồng thời áp đặt các giới hạn chặt chẽ hơn đối với các yêu cầu miễn trừ và yêu cầu các công tố viên phải có được sự chấp thuận của cơ quan giám sát trước khi đưa ra các yêu cầu 3 Hannah Shaffer, “Deferred and Non-Prosecution Agreements: A Split Reality for the Individual and Corporate Criminal Defendant” [https://systemicjustice.org/article/deferred-and-non-prosecution-agreements/#] (truy cập ngày 13/9/2024). 4 “Department of justice and sec enter $290 million settlement with salomon brothers in treasury securities case” [https://www.justice.gov/archive/atr/public/press_releases/1992/211182.htm] (truy cập ngày 23/9/2024).
4 như vậy.5 Năm 2008, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tiếp tục ban hành Bản ghi nhớ Morford, làm rõ chín nguyên tắc và tiêu chí áp dụng cho NPA và DPA cho các tập đoàn. Cũng trong năm này, Bản ghi nhớ Filip đã sửa đổi các nguyên tắc truy tố liên bang đối với các tổ chức kinh doanh và lần đầu tiên được tích hợp vào Sổ tay của các công tố viên Hoa Kỳ (United States Attorneys’Manual - USAM). Năm 2010, Bản ghi nhớ Grindler đã hướng dẫn bổ sung nguyên tắc cơ bản thứ mười về việc sử dụng giám sát viên trong các thỏa thuận NPA và DPA. Từ đó đến nay, Bộ Tư pháp thường xuyên cập nhật các hướng dẫn liên quan đến các tiêu chí và điều kiện để ký kết NPA và DPA. Có thể thấy, DPA và NPA tại Hoa Kỳ đã được hình thành từ lâu và trải qua nhiều lần điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của thị trường, tình hình kinh tế và bối cảnh xã hội. Sự phát triển của NPA và DPA thông qua các bản ghi nhớ của Bộ Tư pháp đã phản ánh sự thay đổi trong chiến lược thực thi pháp luật của Hoa Kỳ đối với việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Những bản ghi nhớ này đã cung cấp các hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng NPA và DPA như một phương án linh hoạt cho việc xử lý các doanh nghiệp, từ đó, thời thúc đẩy sự tuân thủ và thay đổi văn hóa doanh nghiệp theo hướng minh bạch và trách nhiệm hơn. 1.2. Quy định của pháp luật Hoa Kỳ về hoãn truy tố hoặc không truy tố đối với doanh nghiệp Hiện tại, thoả thuận DPA và NPA không được Hoa Kỳ quy định cụ thể trong một đạo luật. Việc áp dụng DPA và NPA tại Hoa Kỳ chủ yếu dựa trên các hướng dẫn chi tiết trong một số tài liệu tham khảo nội bộ của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ được tổng hợp từ nhiều quy định và chính sách khác nhau. Các Công tố viên sử dụng Sổ tay tư pháp (Justice Manual)6 và Sổ tay tài nguyên hình sự (Criminal Resource Manual)7 để áp dụng và thực thi. Trên cơ sở các hướng dẫn tại các tài liệu tham khảo nội bộ trên, có thể thấy DPA và NPA tại Hoa Kỳ có một số đặc điểm sau: Về phạm vi áp dụng: Mặc dù các hướng dẫn tại Sổ tay tư pháp đề cập đến các tập đoàn, nhưng những nội dung trong hướng dẫn cũng áp dụng cho việc xem xét truy tố tất cả các loại hình tổ chức kinh doanh. Nói cách khác, DPA và NPA có thể áp dụng với các hình thức hợp 5 David M Uhlmann (2013), “Deferred Prosecution and Non-Prosecution Agreements and the Erosion of Corporate Criminal Liability”, 72 Maryland Law Review, 1310-1311. 6 Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã chính thức đổi tên USAM thành Justice Manual vào năm 2018. 7 Criminal Resource Manual, [https://www.justice.gov/archives/usam/criminal-resource-manual] Mục 163 và 166 của tài liệu này đưa ra hướng dẫn chi tiết về việc lựa chọn và sử dụng giám sát viên (monitors) trong các thỏa thuận DPA và NPA với các doanh nghiệp. Hướng dẫn này chỉ áp dụng cho các vấn đề hình sự và không áp dụng cho các cơ quan ngoài Bộ Tư pháp.