Content text 3.3_ĐẠI CƯƠNG DƯỢC LÝ HỌC.pdf
1 BÀI 3.3. ĐẠI CƯƠNG DƯỢC LÝ HỌC MỤC TIÊU HỌC TẬP Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng: 1. Trình bày được khái niệm về dược lý học, khái niệm về thuốc, nguồn gốc, danh pháp và dạng bào chế của thuốc. 2. Phân loại đơn thuốc, giải thích được các thành phần trong đơn thuốc điều trị ngoại trú theo quy chế kê đơn hiện hành. 3. Giải thích được ý nghĩa các nội dung nghiên cứu trong dược lý học. 1. Một số khái niệm * Dược lý học (pharmacology) Là môn khoa học về thuốc, nghiên cứu về sự tương tác của thuốc với các hệ sinh học. * Thuốc Thuốc là các chất có tác dụng điều trị, phòng bệnh, dùng để chẩn đoán bệnh, trong việc khôi phục hoặc để điều chỉnh lại chức năng của các cơ quan. Theo luật Dược số 105/2016/QH13: Thuốc là chế phẩm có chứa dược chất hoặc dược liệu dùng cho người nhằm mục đích phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể. Thuốc bao gồm thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, vắc xin và sinh phẩm. 2. Nguồn gốc của thuốc Từ thực vật: morphin từ nhựa khô của quả cây anh túc (Papaver somniferum), digitoxin từ cây dương địa hoàng (Digitalis purpureae).... Từ động vật: insulin chiết xuất từ tuỵ tạng bò-lợn, pantocrin từ sừng hươu- nai...
2 Từ khoáng vật, kim loại: như kaolin, thuỷ ngân hoặc muối vàng... Bán tổng hợp hoặc tổng hợp: ampicillin, aspirin, cloroquin. metronidazol... 3. Danh pháp thuốc (Các tên gọi của thuốc) Thuốc thường có nhiều tên gọi. Khi một thuốc được khám phá, nó mang một tên hóa học (chemical name), mô tả cấu trúc nguyên tử/phân tử của thuốc. Khi nó được chấp thuận bởi các cơ quan quản lý, nó có thêm hai tên: tên gốc (generic name/official name) và tên biệt dược/tên thương mại (brand name/proprietary name/trade name). Tên biệt dược/tên thương mại được đưa ra bởi công ty sản xuất thuốc đó và được yêu cầu chấp thuận, mang tính sở hữu của công ty đó. Tên này (brand name) phải viết hoa trong khi tên gốc (generic name) thì không phải viết hoa. Biệt dược gốc là thuốc đầu tiên được cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu về chất lượng, an toàn, hiệu quả. Biệt dược gốc là thuốc phát minh, được dùng làm cơ sở cho các thử nghiệm của các dược phẩm tương đương sinh học. Trong điều trị, vai trò của biệt dược đầu tiên rất quan trọng vì tất cả các dữ liệu về hiệu quả và an toàn sử dụng trên người, nghiên cứu trên động vật, đều từ biệt dược đầu tiên. Thuốc gốc/thuốc generic (generic drug) là thuốc có cùng dược chất, hàm lượng, dạng bào chế với biệt dược gốc và thường được sử dụng thay thế biệt dược gốc (Luật Dược số 105/2016/QH13). Ví dụ 1: 7-chloro-1-methyl-5-phenyl-3H-1,4-benzodiazepin-2-one là tên hóa học của diazepam; diazepam là tên gốc (generic name); Valium là tên biệt dược đầu tiên (biệt dược gốc) của diazepam (của hãng dược phẩm Roche). Hiện nay thuốc này đã hết hạn độc quyền và được sản xuất với tên gốc là diazepam hoặc tên thương mại khác như: Seduxen (Hungaria), Diazepin (Bulgaria), Relanium (Ba Lan), Rival (Mỹ), Eurosan (Thụy Sĩ), Diazefar (Việt Nam)... ta gọi là Seduxen, Diazepin, Relanium, Rical, Eurosan là các thuốc gốc (generic drug). Như vậy tên thuốc có thể là tên thuốc gốc hoặc tên biệt dược.
3 4. Dạng bào chế của thuốc * Khái niệm Dạng thuốc là sản phẩm cuối cùng (thành phẩm) của quá trình bào chế, đạt các tiêu chuẩn chất lượng quy định, được dùng để đưa dược chất vào cơ thể nhằm mục đích phòng hay chữa bệnh. Trong bào chế hiện đại, dạng thuốc được coi là các “Hệ đưa thuốc” vào cơ thể (Drug Delivery Systems) hoặc “Hệ trị liệu” (Therapeutic Systems) hay “thiết bị” mang thuốc (Devices). Nói cách khác, dạng thuốc là giá mang dược chất, là sản phẩm của ngành dược đưa đến người bệnh, là cầu nối giữa dược sĩ và người bệnh. Dạng thuốc phải được bào chế sao cho tiện bảo quản, vận chuyển, sử dụng an toàn, hiệu quả và kinh tế. Với cùng một dược chất, khi bào chế dưới các dạng thuốc khác nhau dùng theo các đường dùng khác nhau có thể có tác dụng lâm sàng khác nhau. Ví dụ: magnesi sulfat dùng dưới dạng bột để uống thì có tác dụng nhuận tràng, nhưng khi tiêm tĩnh mạch lại có tác dụng giãn cơ, chống co giật. Vì vậy, việc hướng dẫn sử dụng đúng dạng thuốc là hết sức quan trọng. Một chế phẩm thuốc được bào chế tốt nhưng hướng dẫn sử dụng không tốt cũng sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. * Thành phần: Dạng thuốc thường có: dược chất, tá dược và bao bì. Dược chất (hoạt chất, active ingredients): là thành phần chính của dạng thuốc, quyết định tác dụng dược lý của thuốc. Tá dược: là những chất trơ, phụ trợ cho quá trình bào chế và bảo quản dạng thuốc. Ngày nay, trong bào chế hiện đại, với quan niệm dạng thuốc là những hệ đưa thuốc vào cơ thể, tá dược được xem là những giá mang thuốc có ảnh hưởng rất
4 lớn, đến mô hình, cơ chế, tốc độ giải phóng dược chất ra khỏi dược chất và do đó ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như hiệu quả điều trị của thuốc Bao bì: đồ bao gói cũng được xem là một thành phần quan trọng của dạng thuốc. Ngoài vai trò đảm bảo mỹ quan, cung cấp thông tin về chế phẩm thuốc, bao bì còn tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với thuốc, do đó ảnh hưởng đến độ ổn định của dược chất và tuổi thọ của thuốc, nhất là với các dạng thuốc lỏng đòi hỏi chất lượng cao như thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt. Dược chất, tá dược, bao bì phải được đặt dưới tác động trực tiếp của kỹ thuật bào chế để hình thành dạng thuốc, nên kỹ thuật bào chế cũng được coi là thành phần vô hình của dạng thuốc, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo chất lượng thuốc. * Phân loại: có nhiều cách phân loại dạng thuốc Theo thể chất : chia làm 3 loại - Dạng thuốc lỏng: Dược chất được hòa tan dưới dạng phân tử hay phân tán trong môi trường lỏng dưới dạng tiểu phân, bao gồm các dạng như dung dịch (dung dịch thuốc nước, còn thuốc, cao thuốc, siro thuốc, elixir, potio,...), hỗn dịch, nhũ dịch,... Dạng thuốc lỏng có thể dùng đường uống, đường tiêm hay dùng ngoài. Khi dùng để uống, thuốc lỏng có ưu điểm là dễ nuốt, nhất là với trẻ em và người cao tuổi. Trong thuốc lỏng, phần lớn dược chất đã được hoà tan dưới dạng phân tử nên quá trình hấp thu đơn giản. Tuy nhiên, dạng thuốc lỏng phân liều kém chính xác và ít ổn định hơn dạng thuốc rắn (tuổi thọ ngắn hơn), thể tích cồng kềnh... - Dạng thuốc mềm (bán rắn) Bao gồm các dạng thuốc có thể chất mềm ở nhiệt độ thường, trong đó dược chất ở dạng hòa tan hay phân tán dưới dạng hỗn dịch hay nhũ tương. Dạng thuốc mềm có thể để uống (cao mềm, nang mềm) hay dùng ngoài (mỡ, kem, gel...). - Dạng thuốc rắn