Content text 200.11 Tổng Quát Về Vô Thần.pdf
Gioan Nguyễn Ngọc Hải, C.Ss.R. TỔNG QUÁT VỀ VÔ THẦN Học Viện Thánh Anphongsô 2015
2
3 1. Khái lược vấn đề vô thần 1.1. Hạn từ “vô thần” Đã có thời, hạn từ “vô thần” được dùng một cách đơn giản để chỉ những người không theo tôn giáo với người nói ra hạn từ ấy, nghĩa là những tín đồ của tôn giáo này dùng nó để diễn tả những người không theo cùng tôn giáo với mình. Chẳng hạn, những tín đồ của tôn giáo La mã gọi các Kitô hữu là “vô thần”; ngược lại, những người Kitô hữu gọi người La mã là “dân ngoại” (nghĩa là vô thần). Vô thần (từ tiếng Hy Lạp άθεος, với tiếp đầu ngữ α nghĩa là “không” và θεος nghĩa là thần thánh/Thiên Chúa) là hạn từ, xét về mặt triết học, mang nghĩa đối lập với “hữu thần” nói một cách chung và “độc thần” nói cách đặc biệt. Theo nghĩa rộng, “người vô thần” là người từ chối niềm tin vào sự hiện hữu của thần thánh; theo nghĩa chặt, “người vô thần” là người phủ nhận sự hiện hữu của thần thánh. Nói cách khác, theo nghĩa thứ nhất, vô thần là từ chối niềm tin vào sự hiện hữu của thần thánh, còn theo nghĩa thứ hai, vô thần là khẳng định sự không hiện hữu của Thiên Chúa hoặc của bất cứ thần thánh nào. Nói vắn gọn, vô thần ám chỉ những học thuyết hay những thái độ sống từ chối thần thánh, nghĩa là không chấp nhận sự hiện hữu của Thượng đế. Vô thần (ateismo) không đồng nghĩa với “bất khả tri” (agnosticismo). Người theo thuyết Bất khả tri cho rằng con người chẳng thể biết gì và chẳng thể kinh nghiệm gì về thế giới thần thánh. Thế giới đó vượt xa tầm với của con người; và trước thế giới ấy, con người chẳng thể nói gì: một sự mù tịt. Như thế, sự khác biệt nằm ở chỗ: Bất khả tri khẳng định cách đơn thuần về tính bất khả nhận biết của chân lý về sự hiện hữu của Thượng đế hay của những sức mạnh siêu nhiên; còn vô
4 thần là không tin vào sự hiện hữu của bất kỳ thần thánh hay thực tại/sức mạnh siêu việt nào. Không luôn luôn được hiểu “vô thần” theo nghĩa là “phi tôn giáo”. Vô thần có thể là “bất khả tri” (Agnosticismo), Vô tri (Ignosticismo), tự do tư tưởng, chống lại hữu thần, Nhân văn luận thế tục... “Vô thần” cũng không có nghĩa là “bài giáo sĩ” (Anticlericalismo). Bài giáo sĩ là một phong trào chống lại sự can thiệp của tầng lớp giáo sĩ vào trong trật tự của đời sống dân sự; chẳng hạn, phong trào của những người muốn tách ảnh hưởng thần quyền trên thế quyền trong thời kỳ Phục Hưng và trong thế giới hiện đại. Trái lại, cũng có những người được gọi là “vô thần mộ đạo”, nghĩa là những người tôn trọng giá trị Kitô giáo, nhưng không tuyên xưng vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. 1.2. Phân loại vô thần Hạn từ “vô thần” không chỉ có một ý nghĩa duy nhất, nó mang nhiều cấp độ ý nghĩa khác nhau: có thể phân chúng thành những loại và những tiểu loại. Xét như lập trường sống, có hai loại vô thần căn bản: vô thần “thực tiễn” (ateismo practico) và vô thần “lý thuyết” (ateismo teoretico). Vô thần thực tiễn là vô thần của những con người, thừa nhận hay không thừa nhận Thượng Đế trong ý thức, sống và cư xử như là Thượng Đế không hiện hữu: từ chối Thượng Đế trong hành vi sống của họ. “Được gọi là vô thần thực tiễn khi người ta sống mà không nhận biết Thượng Đế hay không bận tâm về sự hiện hữu của Thượng Đế và tổ chức đời sống riêng tư cũng như xã hội của mình bằng cách gạt sang một bên sự