Content text A 262.2_TONG HUAN RECONCILIATIO ET PAENITENTIA (SAM HOI VA HOA GIAI) - GIOAN PHAOLO II.pdf
TÔNG HUẤN RECONCILIATIO ET PAENITENTIA (HÒA GIẢI VÀ SÁM HỐI) CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II GỞI CÁC GIÁM MỤC, GIÁO SĨ VÀ TÍN HỮU HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG NGÀY 02 THÁNG 12 NĂM 1984 *** *** DẪN NHẬP NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA CỦA VĂN KIỆN 1. Đối với người thời này khi nói về Hòa giải và Sám hối là mời gọi họ tái khám phá và chuyển ra ngôn ngữ riêng của mình, những lời mà Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ và là Thầy chúng ta đã khai mạc cuộc giảng thuyết: “Hãy sám hối và tin vào Tin mừng”[1] nghĩa là đón nhận tin mừng tình yêu, tin mừng được làm con cái Chúa và trở thành anh em với nhau. Vì sao một lần nữa Hội Thánh lại đề cập đến chủ đề và lời mời gọi này? Mối quan tâm để biết rõ hơn và am hiểu con người thời đại và thế giới hiện nay, giải quyết những khúc mắc và khai mở những bí ẩn của họ cũng như phân định những mầm mống tốt lành và xấu xa, trong đó, đã khiến từ lâu bao người băn khoăn nhìn vào con người và thế giới. Có cái nhìn của sử gia, nhà xã hội học, triết và thần học, nhà tâm lý và nhân học, thi sĩ và nhà thần bí, nhất là cái nhìn lo âu nhưng đầy hy vọng của người mục tử. Điều này được biểu lộ điển hình trong mỗi trang của Hiến chế Mục Vụ quan trọng của Công Đồng Vatican II “Vui Mừng và Hy Vọng” nói về Hội Thánh trong thế giới ngày nay, cách đặc biệt trong phần dẫn nhập rất bao la và sâu sắc. Điều này cũng biểu lộ trong vài văn kiện đầy khôn ngoan và bác ái của các vị tiền nhiệm khả kính của tôi, mà triều Giáo Hoàng đã ghi dấu bằng biến cố lịch sử và ngôn sứ của Công Đồng ấy. Cùng với những người khác, người mục tử cũng có thể nhận thấy, trong số các đặc trưng bất hạnh của thế giới và nhân loại thời nay, sự hiện hữu của những mối chia rẽ sâu rộng và đau thương. Một thế giới bị xâu xé 2. Những mối chia rẽ này biểu lộ trong các mối tương quan giữa các cá nhân và các nhóm và cả ở bình diện các nhóm lớn hơn: giữa các quốc gia với nhau, cũng như giữa các khối quốc gia đối nghịch, trong cuộc tranh giành quyền thống trị. Ở cội nguồn của sự phân rã này, không khó gì nhận ra những xung khắc mà thay vì được giải quyết bằng đối thoại lại càng trở nên nghiêm trọng hơn trong sự đối đầu và thù nghịch. Các người quan sát tinh tế, khi nghiên cứu những yếu tố gây chia rẽ, đã khám phá các nguyên do thuộc nhiều loại rất khác nhau: từ sự mất cân đối đang gia tăng giữa các nhóm người, các tầng lớp xã hội và các quốc gia với nhau, cho đến sự kìch địch dai dẳng về ý thức hệ; từ sự cạnh tranh về lợi tức kinh tế đến những phân cực về chính trị; từ sự phân biệt sắc tộc đến những kỳ thị vì lý do tôn giáo và xã hội. Hơn nữa, một vài sự kiện xem ra hiển nhiên đa cho thấy bộ mặt thảm não của những mối chia rẽ vốn là nguyên nhân của những sự kiện đó, và cho thấy tính cách trầm trọng không thể nào làm ngơ được.
Một số hiện tượng xã hội đáng quan ngại đang xảy ra trong thời đại chúng ta là: - Sự chà đạp những quyền lợi căn bản của con người, tiên vàn quyền được sống và được mức sống xứng đáng với nhân phẩm; điều trớ trêu là sự chà đạp này vẫn tồn tại bên cạnh những lời hoa mỹ về nhân quyền. - Ngấm ngầm tấn công và đàn áp quyền tự do của các cá nhân và các nhóm, kể cả quyền tự do tin, tuyên xưng và thực hành lòng tin của con người. Đây là quyền tự do thường bị vi phạm và đe dọa nhất. - Những hình thức kỳ thị khác nhau: chủng tộc, văn hóa và tôn giáo,.v.v... - Bạo lực và khủng bố. - Sử dụng tra tấn và những phương thức đàn áp bất công và phi pháp. - Tàng trữ vũ khí qui ước và nguyên tử, cuộc chạy đua vũ trang đã tiêu hao vào mục đích quân sự những số tiền lẽ ra có thể dùng để xoa dịu nỗi thống khổ oan ức của đám người bị chèn ép về mặt xã hội và kinh tế. - Sự phân chia không đồng đều các nguồn tài nguyên trên thế giới và những kho tàng văn hóa, đạt tới đỉnh cao trong một tổ chức xã hội, trong đó khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng ngày càng gia tăng.[2] Sức mạnh ghê gớm của sự chia rẽ này làm cho thế giới chúng ta đang sống trở thành một thế giới bị xâu xé tận chính nền tảng của nó.[3] Hơn nữa, Hội Thánh tuy không đồng hóa với thế giới hoặc thuộc về thế giới nhưng ở trong thế giới và dấn thân đối thoại với thế giới.[4] Cũng không có gì ngạc nhiên khi người ta nhận thấy rằng ngay trong chính cơ cấu của Hội Thánh cũng có những tàn tích và dấu hiệu của sự chia rẽ đang chi phối xã hội loài người. Trước hết phải kể đến sự chia rẽ giữa các Cộng đoàn Kitô giáo đã gây tác hại đáng tiếc từ bao thế kỷ qua. Hội Thánh ngày nay cũng chứng kiến mối chia rẽ còn rải rác giữa các thành viên của mình, xuất phát từ những quan điểm và lựa chọn khác nhau, trong lãnh vực đạo lý và mục vụ.[5] Những chia rẽ này đôi khi cũng có thể có vẻ nan giải. Thoạt đầu người ta có thể bất an trước những điều chia rẽ này, nhưng chỉ cần thẩm định lại kỹ càng, người ta có thể truy ra căn nguyên của chúng: căn nguyên được tìm thấy trong “vết thương” nơi chính bản tính thâm sâu của con người. Trong ánh sáng của niềm tin, chúng ta gọi đó là tội: khởi đi từ tội nguyên tổ, vốn tất cả mọi người chúng ta đều mang lấy từ lúc sơ sinh như một sự thừa kế từ cha mẹ “tiên khởi” của chúng ta, cho đến tội mà mỗi chúng ta phạm khi lạm dụng sự tự do của riêng mỗi người. Khát mong hòa giải 3. Tuy nhiên, cùng một cái nhìn dò hỏi tương tự, nếu phân tách đủ, sẽ tìm thấy trong những sự chia rẽ đó một khát vọng dễ nhận ra trong số những người có thiện ý và trong những Kitô hữu đích thực muốn hàn gắn những chia rẽ đó, muốn chữa lành những vết thương và muốn tái thiết một sự hiệp nhất tất yếu ở mọi mức độ. Khát vọng này dậy lên trong nhiều người một mong muốn thực tâm cho một sự hòa giải, ngay cả trong những trường hợp khi không sử dụng trực tiếp từ ngừ này. Một vài người coi việc hòa giải như một giấc mơ viễn vông vốn có lẽ trở thành thang giá trị nhằm biến đổi thực sự xã hội một cách lý tưởng. Đối với những người khác, việc hòa giải đạt được bởi những nỗ lực gian khổ, và vì vậy mục đích phải đạt được bằng vô vàn, vô số những ưu tư và hành động. Dù trong trường hợp nào đi chăng nữa, mong muốn một sự hòa giải thành thực và thích hợp là một sức mạnh lay chuyển cơ bản trong xã hội chúng ta, phản ảnh một khát vọng hòa bình không thẻ kìm hãm. Nó cũng mạnh mẽ ngang với những nhân tố gây chia rẽ, dù đây là một (so sánh) nghịch lý.
Nhưng sự hòa giải không thẻ kém sâu xa hơn chính sự chia rẽ. Mong muốn hòa giải và chính sự hòa giải, sẽ chỉ hoàn thiện và hữu hiệu trong phạm vi mà nó đạt đến đẻ chữa lành tội nguyên tổ, vốn là căn nguyên của mọi vết thương khác: còn gọi đó là “tội”. Quan điểm của Thượng Hội Đồng 4. Vì thế, mỗi định chế hay tổ chức quan tâm đến việc phục vụ con người và bảo vệ họ trong những chiều kích căn bản, cần phải nghiên cứu cẩn thận tiến trình hòa giải, ngõ hầu thấu hiểu đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của nó, đồng thời rút ra những kết luận cần thiết. Hội Thánh Kitô không thể nào lẫn tránh việc nghiên cứu vần đề này. Với sự tận tâm của Người Mẹ và sự hiểu biết của Nhà giáo, chính Hội Thánh phải sốt sắng và cẩn thận nghiên cứu để khám phá trong xã hội không chỉ các dấu vết của sự chia rẽ mà còn những dấu hiệu không kém ý nghĩa và hấp dẫn của việc mưu cầu hòa giải. Thực vậy, Hội Thánh biết rằng mình được trao ban khả năng và sứ vụ trình bày ý nghĩa đích thực, và thâm thúy về mặt tôn giáo, của việc hòa giải cũng như sự toàn vẹn của nó. Chỉ nguyên công việc đó Hội Thánh đã đóng góp nhằm làm sáng tỏ những lãnh vực chính yếu của vấn đề hiệp nhất và hòa bình. Các vị tiền nhiệm của tôi đã không ngừng rao giảng sự hòa giải và kêu mời hòa giải toàn thể nhân loại, cũng như từng vùng và từng thành phần thuộc cộng đồng nhân loại, mà các ngài nhận thấy đang bị phân rã và bị chia rẽ.[6] Và chính bản thân tôi, với sự thúc đẩy nội tâm mà tôi xác tín là tuân theo cả thần hứng từ trên cao lẫn những tiếng kêu của nhân loại, tôi đã quyết định nhấn mạnh đến đề tài Hòa giải, và tiến hành việc này theo hai cách; mỗi cách thức đều có tính long trọng và cam go của nó. Trước hết là triệu tập Đại hội lần thứ sáu của Thượng Hội Đồng Giám Mục; kế đến là đặt việc Hòa giải như là trọng tâm của Năm Toàn xá được cử hành mừng kỷ niệm lần thứ 1950 của biến cố Cứu chuộc.[7] Khi phải chỉ định đề tài cho Thượng Hội Đồng, tôi hoàn toàn đồng ý với chủ đề đã được nhiều anh em trong hàng giám mục gợi ra, một đề tài rất phong phú, đó là hòa giải, được nối kết chặt chẽ với đề tài sám hối.[8] Hạn từ và khái niệm đúng đắn về Sám hối quả là phức tạp. Nếu chúng ta nối kết sám hối với hoán cải (metanoia) được nói trong Tin Mừng Nhất lãm, thì chúng có nghĩa là sự thay đổi tận căn của con tim dưới ảnh hưởng của Lời Chúa và trong viễn cảnh Nước Trời.[9] Thế nhưng sám hối cũng có nghĩa là thay đổi đời sống mình cho hài hòa với sự thay đổi của con tim; cũng theo ý nghĩa này, việc thực thi sám hối được kiện toàn với việc phát sinh hoa trái chứng tỏ lòng sám hối:[10] toàn thể cuộc sống trở thành sám hối, nghĩa là cố gắng liên tục hướng tới cái tốt hơn. Thế nhưng, thực thi sám hối chỉ trở thành chân chính và hiệu nghiệm nếu được diễn tả bằng những hoạt động và những hành vi sám hối. Theo nghĩa này sám hối trong ngôn ngữ thần học và tu Đức Kitô giáo, có nghĩa là khổ chế, nghĩa là một nỗ lực cụ thể và thường ngày của một người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa trợ giúp, nhằm từ bỏ mạng sống mình vì Đức Kitô, như là phương thế duy nhất để lấy lại nó;[11] một nỗ lực lột bỏ con người cũ mặc lấy con người mới;[12] một nỗ lực nhằm khắc phục nơi chính mình những gì thuộc về xác thịt để cho những gì thuộc thần khí có thể vượt thắng;[13] một nỗ lực liên tục nhằm vươn lên từ những gì thuộc hạ giới để tới những gì thuộc hạ giới nơi Đức Kitô đang ngự trị.[14] Như thế sám hối là sự hoán cải di chuyển từ con tim đến hành động, và sau cùng tới toàn thể đời sống người Kitô hữu. Trong mỗi ý nghĩa vừa nói trên, sự sám hối được nối kết chặt chẽ với sự hòa giải, bởi vì việc hòa giải với Thiên Chúa, với bản thân và với tha nhân bao hàm việc khắc phục sự đổ vỡ căn bản là tội lỗi. Và việc này chỉ đạt được nhờ sự thay đổi nội tâm hay hoán cải để sinh hoa trái trong đời sống cá nhân qua những hành vi sám hối. Văn kiện sơ khởi của Thượng Hội Đồng (được gọi là “Lineamenta”), được soạn thảo với mục đích duy nhất là trình bày đề tài và nhấn mạnh đến vài chiều kích nền tảng của nó, đã giúp cho các Giáo Hội trên khắp thế giới có thể suy tư trong suốt hai năm trời về những khía cạnh của
một vấn đề có liên quan đến mỗi người, tức là vấn đề hoán cải và hòa giải. Nó cũng giúp họ rút ra được một động lực mới cho đời sống Kitô hữu và công tác tông đồ. Cuộc suy tư ấy được đào sâu hơn nữa trong việc chuẩn bị gần cho hoạt động của Thượng Hội Đồng, nhờ vào Tài Liệu làm việc (Instrumentum Laboris) đã được kịp thời gởi cho các giám mục và những cộng sự viên của các ngài. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ của những người tham dự các phiên họp, các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã dành trọn một tháng để bàn kỹ lưỡng về chính đề tài đó cùng với nhiều vấn đề có liên quan tới nó. Từ những cuộc tranh luận, công tác nghiên cứu chung và sự làm việc cần cù và cẩn thận, đã thâu lượm được một kho tàng phong phú và quý giá, được tổng hợp vào các Propositiones (kiến nghị). Quan điểm Thượng Hội Đồng đã không xem thường các hành vi hòa giải (một số đó diễn ra cách bình thường không được ai chú ý) mà trong những cấp độ khác nhau đã giúp giải quyết nhiều căng thẳng, vượt qua nhiều xung đột và hàn gắn bao chia rẽ cả lớn lẫn bé, qua việc tái lập sự hiệp nhất. Tuy nhiên mối quan tâm chính của Thượng Hội Đồng là khám phá giữa những hành động rải rác này, căn rễ ngấm ngầm - tạm gọi là sự hòa giải ở cội nguồn - đang diễn ra trong tâm trí của mọi người. Đứng trước vấn đề hòa giải, dù phải thực hiện ở cấp độ nào đi nữa, thì đoàn sủng và tính độc đáo của Hội Thánh nằm ở chỗ Hội Thánh luôn phải quay về sự hòa giải tận cội nguồn nói trên. Bởi vì do sứ vụ thiết yếu của mình, Hội Thánh có bổn phận phải đi tới tận gốc rễ của vết thương nguyên thủy là tội lỗi ngõ hầu mang lại sự chữa trị, và tái lập sự hòa giải nguyên thủy, nguyên uỷ hiệu nghiệm của mọi hòa giải đích thực. Đây là sự hòa giải Hội Thánh quan niệm và khai triển nhờ Thượng Hội Đồng. Kinh Thánh trình bày cho chúng ta về sự hòa giải này, khi mời gọi chúng ta cố gắng hết sức để đạt tới nó.[15] Thế nhưng, Kinh Thánh cũng nói tiên vàn đó là hồng ân thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại.[16] Lịch sử cứu độ, cho dù là của toàn thể nhân loại hay của từng cá nhân đều là lịch sử tuyệt vời về sự hòa giải: Sự hòa giải trong đó Thiên Chúa là Cha qua bửu huyết và thập giá của Con Ngài làm người đã giao hòa thế gian với chính Ngài, và như thế Ngài thiết lập một gia đình mới gồm những ai đã được giải hòa. Việc hòa giải trở nên cần thiết bởi vì đã có những đổ vỡ do tội, từ đó phát sinh ra mọi hình thức đổ vỡ khác trong con người và xung quanh con người. Chính vì thế để sự hòa giải được hoàn toàn thì cần phải có sự giải phóng khỏi tội lỗi, tội lỗi cần phải nhổ tận rễ. Như vậy có một mối liên kết chặt chẽ nội tại giữa sự hoán cải với việc hòa giải, không thể nào tách rời hai thực thể đó, hay nói về cái này mà không nói về cái kia. Thượng Hội Đồng đã đồng thời đề cập đến sự hòa giải của toàn thể gia đình nhân loại và sự thay đổi nơi con tim của từng cá nhân, đến việc trở về với Thiên Chúa. Thượng Hội Đồng làm như thế là vì muốn thừa nhận và cho thấy sự kiện là không thể có sự hiệp nhất giữa con người, nếu không có sự thay đổi nội tâm của từng cá nhân. Sự hoán cải bản thân là con đường cần thiết dẫn tới sự hòa hợp giữa các cá nhân.[17] Khi công bố Tin mừng về sự hòa giải hoặc đề nghị thực hiện việc hòa giải nhờ các bí tích, Hội Thánh đang thi hành vai trò đích thực của mình là ngôn sứ, lên án những sự dữ nơi con người trong cội nguồn nhiễm độc của chúng, phơi bày cội rễ của những phân rẽ và mang lại niềm hy vọng có thể vượt thắng những căng thẳng và tranh chấp mà vươn đến tình huynh đệ thuận thảo và an bình ở mọi cấp độ, mọi tầng lớp của xã hội con người, Hội Thánh đang chuyển đổi điều kiện lịch sử của hận thù và bạo lực thành một nền văn minh tình yêu. Hội Thánh đang cống hiến cho mỗi người nguyên lý của Tin mừng và có tính bí tích về một sự hòa giải tại nơi cội nguồn của nó. Từ cội nguồn này mới phát sinh được các cử chỉ và hành động hòa giải khác, ngay cả trên bình diện xã hội.