Content text GT BONG DA.pdf
1 LỜI MỞ ĐẦU Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan và cấp bách của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra. Bóng đá là một môn học thuộc nội dung chương trình giảng dạy của trường Đại học TDTT. Trên cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, việc biên soạn giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập phải đảm bảo cơ sở lý luận khoa học và gắn với thực tiễn phát triển của xã hội. Giáo trình bóng đá được chúng tôi biên soạn làm tài liệu phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập cho sinh viên trường Đại học TDTT. Giáo trình gồm 6 chương với những nội dung tri thức cơ bản về bóng đá như: lịch sử bóng đá thế giới và Việt Nam; kỹ thuật và chiến thuật bóng đá; phương pháp giảng dạy, huấn luyện bóng đá; phương pháp trọng tài; phương pháp tổ chức thi đấu bóng đá. Giáo trình được biên soạn từ tham khảo, tổng hợp và trích dẫn nhiều nguồn tài liệu của các nhà khoa học, các tác giả, đồng nghiệp và chuyên gia về lĩnh vực bóng đá ở trong và ngoài nước. Đồng thời, được đúc kết từ hoạt động nghề nghiệp trong thực tiễn của các cá nhân tham gia biên soạn. Trong quá trình biên soạn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp, sinh viên và những độc giả quan tâm để giáo trình được bổ sung hoàn thiện hơn. BỘ MÔN BÓNG ĐÁ – ĐÁ CẦU TRƯỜNG ĐẠI HỌC TDTT ĐÀ NẴNG
2 CHƯƠNG 1 NGUỒN GỐC VÀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN MÔN BÓNG ĐÁ 1. Nguồn gốc của môn bóng đá. Các môn thể thao tương tự bóng đá ngày nay (với mục đích đá bóng vào khung thành đối phương) đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới từ rất lâu. Theo FIFA thì dạng bóng đá cổ xưa nhất bao gồm đầy đủ các kỹ thuật chơi bóng có lẽ xuất phát từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 2 hoặc 3 TCN, môn xúc cúc (蹴鞠, đá cầu). Ở La Mã cổ đại cũng xuất hiện một môn thể thao chơi bóng có những nét giống bóng đá, đó là môn harpastum. Môn bóng đá với các luật chơi gần như ngày nay bắt đầu phổ biến từ giữa thế kỷ 19 tại các trường học trên nước Anh. Bộ luật bóng đá hiện đại cổ nhất mà ta biết là bộ luật mà ngày nay thường được biết đến dưới tên Bộ luật Cambridge (tiếng Anh: Cambridge Rules). Sở dĩ có tên gọi này vì chính trong khuôn viên Trinity College thuộc Đại học Cambridge, đại diện của năm trường Eton, Harrow,Rugby, Winchester và Shrewsbury đã tổ chức họp mặt để thống nhất một luật chơi đầu tiên cho môn bóng đá. Cũng trong thập niên 1850, các đội bóng nghiệp dư bắt đầu được thành lập và thường mỗi đội xây dựng cho riêng họ những luật chơi mới của môn bóng đá, trong đó đáng chú ý có câu lạc bộ Sheffield F.C. Việc mỗi đội bóng có luật chơi khác nhau khiến việc điều hành mỗi trận đấu giữa họ diễn ra rất khó khăn. Nỗ lực đáng kể nhất trong việc chuẩn hóa luật chơi môn bóng đá là việc thành lập Hiệp hội bóng đá Anh (The Football Association, thường viết tắt là FA) vào ngày 26 tháng 10 năm 1863 tại Great Queen Street, London. Sau 5 cuộc họp diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12, bộ luật đầy đủ và toàn diện đầu tiên của môn bóng đá gồm 13 điều đã được FA thông qua dưới sự chủ trì của Ebenezer Cobb Morley. Hiện nay cơ quan chịu tránh nhiệm quản lý và theo dõi luật bóng đá trên thế giới là Ủy ban bóng đá quốc tế (International Football Association Board, thường viết tắt là IFAB). IFAB được thành lập năm 1886 tại thành phố Manchester trong một buổi họp với sự có mặt của đại diện FA, Hiệp hội bóng đá Scotland (Scottish Football Association), Hiệp hội bóng đá xứ Wales (Football Association of Wales) và Hiệp hội bóng đá Ireland (Irish
3 Football Association). Đồng thời ngày 26/10/1863 sau này được xem là ngày khai sinh ra nền bóng đá hiện đại, và nước Anh vẫn được cả thế giới biết đến là quê hương của môn bóng đá hiện đại. Giải thi đấu bóng đá đầu tiên, Cúp FA (FA Cup), được C. W. Alcock tổ chức lần đầu cho các câu lạc bộ bóng đá Anh vào năm 1872. Trận thi đấu bóng đá cấp quốc tế đầu tiên giữa đội tuyển Anh và Scotland cũng diễn ra vào năm 1872 tại Glasgow. Nước Anh cũng là quê hương của giải đấu liên đoàn đầu tiên, The Football League, liên đoàn này được thành lập năm 1888 theo sáng kiến của giám đốc câu lạc bộ Aston Villa, ông William McGregor. Giải đấu này bao gồm 12 câu lạc bộ thuộc miền Trung và miền Bắc nước Anh. Cơ quan quản lý bóng đá thế giới, FIFA (Fédération Internationale de Football Association, liên đoàn bóng đá quốc tế) được thành lập vào ngày 21/5/1904 tại Paris với chủ tịch đầu tiên là ông Robert Guérin, một người Pháp, ngay từ khi thành lập FIFA đã tuyên bố sử dụng và tôn trọng bộ luật bóng đá do FA đưa ra. Từ năm 1913, cơ quan theo dõi luật bóng đá IFAB bắt đầu bổ sung các thành viên là đại diện của FIFA. Hiện nay ban điều hành của IFAB bao gồm 4 đại diện của FIFA và 4 đại diện đến từ các liên đoàn khai sinh luật bóng đá là Anh, Scotland, Ireland và xứ Wales. Tính cho đến năm 2008, FIFA có 208 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ có đại diện là thành viên, nhiều hơn Ủy ban Olympic Quốc tế 3 thành viên và nhiều hơn Liên Hiệp Quốc 16 thành viên. Ngày nay bóng đá đã được chơi ở cấp độ chuyên nghiệp trên khắp thế giới với hàng triệu người đến sân theo dõi các trận đấu cũng như hàng tỷ người theo dõi qua truyền hình. Theo một cuộc thăm dò do FIFA tiến hành năm 2001, có trên 240 triệu người từ trên 200 quốc gia thường xuyên chơi bóng đá. Không chỉ là môn thể thao phổ biến nhất thế giới, bóng đá còn có ảnh hưởng lớn đến nền thể thao và xã hội nhiều quốc gia, hãng truyền hình ESPN từng cho rằng chính đội tuyển Bờ Biển Ngà đã giúp ngăn chặn nguy cơ một cuộc nội chiến tại nước này vào năm 2005, ngược lại cũng chính một trận bóng đá đã khởi đầu cho một cuộc chiến với cái tên Chiến tranh bóng đá xảy ra năm 1969 giữa El Salvador và Honduras. 2. Sự phát triển của bóng đá hiện đại.
4 Ngày 26/10/1863 tại London, một tổ chức bóng đá lần đầu tiên được thành lập, đó là liên đoàn bóng đá Anh (Football Association, FA). Ngày 21/5/1904 tại Paris các nước Thụy Sĩ, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đan Mạch đã lập nên một tổ chức bóng đá gọi là Liên đoàn Bóng đá Thế giới (Fédération Internationale de Football Association, viết tắt FIFA) Năm 1875 luật việt vị ra đời, đến năm 1925 có sự sửa đổi lớn, về cơ bản giống như luật việt vị ngày nay. Năm 1930 một người Anh tên là Hoop Man trên cơ sở luật việt vị mới tạo ra đội hình chiến thuật “WM”. Tại giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 6 năm 1958, đội tuyển Brazil đưa ra đội hình chiến thuật 1-4-2-4 giành ngôi vô địch. Năm 1974 tại giải vô địch bóng đá thế giói lần thứ 10 đội tuyển Hà Lan đã biểu diễn lối chơi toàn công toàn thủ. Hiện nay trên thế giới ngoài hai giải đấu lớn FIFA, UBO, còn có các giải châu lục. Hiện nay trào lưu xu thế phát triển của bóng đá toàn diện trên tất cả các mặt: kĩ thuật, chiến thuật, thể lực, tâm lý... Bóng đá ngày nay đã không còn đơn thuần là một môn thể thao, mà nó còn là một công cụ hữu hiệu trong việc mở rộng quan hệ về mọi lĩnh vực như chính trị, văn hóa, kinh tế, du lịch... 3. Lịch sử phát triển môn bóng đá. Bóng đá, còn gọi là túc cầu, là môn thể thao đồng đội chơi giữa hai đội, mỗi đội có 11 cầu thủ. Trò chơi dùng quả bóng chơi trên sân cỏ hình chữ nhật với hai khung thành ở hai đầu sân. Mục tiêu của trò chơi là ghi điểm bằng cách đưa bóng vào khung thành của đội đối địch. Ngoài thủ môn, các cầu thủ không được cố ý dùng tay hoặc cánh tay để chơi bóng. Đội chiến thắng là đội ghi được nhiều điểm hơn khi kết thúc trận đấu. Bóng đá được chơi ở đẳng cấp chuyên nghiệp trên thế giới. Hàng triệu người đến sân vận động để xem các trận bóng có đội mà họ yêu thích, và hàng triệu người không thể đến sân vận động thì phải xem qua tivi. Ngoài ra, còn rất nhiều người chơi môn thể thao này ở đẳng cấp nghiệp dư.