Content text Chương 10 - Chủ nghĩa kiến tạo và học tập tương tác.docx
Chương 10 Chủ nghĩa kiến tạo và học tập tương tác Sổ tay giáo viên: Nhu cầu/sự cần thiết là động lực cho giảng dạy sáng tạo. Bạn sẽ làm gì? Tại trường của bạn, mọi người đã không thể lên trường trong thời kỳ bùng phát COVID-19 và việc giảng dạy từ xa được triển khai ngắt quãng. Ngay cả khi trường học mở cửa trở lại, rất nhiều phụ huynh vẫn ngần ngại để con quay lại trường do một số quan ngại về vấn đề sức khỏe. Bạn buộc phải lên kế hoạch dạy học từ xa cho những học sinh này trong khi vẫn tiếp tục giảng dạy trực tiếp cho các em còn lại trong lớp. Trong một khoảng thời gian, việc tạo điều kiện cho học tập hợp tác trở nên khó khăn. Dù có nhiều thách thức như vậy, bạn đã tìm ra một số phương pháp để tận dụng ưu thế của mô hình đào tạo và tài nguyên trực tuyến cho việc giảng dạy và quản lý. Có thể nói, thời điểm khó khăn đó đã mở ra những tiềm năng mới cho việc dạy và học. Tư duy phản biện/Một số câu hỏi gợi mở ● Các đặc tính quan trọng của việc giảng dạy hiệu quả dựa trên ứng dụng công nghệ là gì? ● Khi bạn lập kế hoạch cho các bài toán tương tự trong tương lai, những chiến lược (trực tuyến hoặc kết hợp), tài nguyên, bài tập hoặc phương thức đánh giá nào bạn có thể cân nhắc kết hợp vào chương trình giảng dạy? ● Làm thế nào để giúp học sinh phát huy khả năng học tập độc lập nhưng đồng thời vẫn tham gia hiệu quả cùng lớp khi học từ xa? ● Làm thế nào bạn có thể giúp học sinh hợp tác với nhau một cách có ý nghĩa, ngay cả khi các em cách xa nhau?
Giới thiệu tổng quan và các mục tiêu chính Ba chương trước đã phân tích qua các khía cạnh khác nhau của việc học. Chúng ta đã xem xét các hướng tiếp cận về hành vi, qui trình xử lý thông tin và khoa học nhận thức về cách mà con người học hỏi. Chúng ta cũng đã tìm hiểu về các quá trình nhận thức phức tạp, chẳng hạn như kỹ năng giải quyết vấn đề và siêu nhận thức. Những cách giải thích trên tập trung vào mỗi cá nhân và những gì đang diễn ra trong "đầu" họ. Trong chương này, chúng ta sẽ mở rộng các phân tích và chuyển trọng tâm vào vai trò của bối cảnh xã hội trong cách người học kiến tạo ý nghĩa trong quá trình học tập. Chủ nghĩa kiến tạo là một hệ thống quan điểm sâu rộng nhấn mạnh hai khía cạnh quan trọng của việc học tập, đó là yếu tố xã hội và yếu tố văn hóa. Các lý thuyết kiến tạo văn hóa-xã hội có nguồn gốc từ cách tiếp cận nhận thức nhưng đã phát triển hơn rất nhiều so với xuất phát điểm ban đầu. Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số phương pháp và cách tiếp cận trong việc giảng dạy tương thích với thuyết kiến tạo văn hóa-xã hội – chẳng hạn như giáo viên hỗ trợ và truyền cảm hứng, học tập truy vấn, phương pháp học dựa trên vấn đề, phương pháp học tập cộng tác và thực tập nhận thức (cognitive apprenticeships). Chúng ta cũng sẽ chú ý đến cách mà công nghệ số cho phép học tập tương tác diễn ra trên không gian trực tuyến và thông qua các phương pháp học hỗn hợp như lớp học đảo ngược. Sau khi hoàn thành chương này, bạn sẽ có thể: 10.1 Giải thích các quan điểm khác nhau về chủ nghĩa kiến tạo (ở đây được hiểu như là một lý thuyết học tập và giảng dạy). 10.2 Xác định các điểm chung trong hầu hết các lý thuyết kiến tạo đương đại 10.3 Áp dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa kiến tạo vào các thực hành trong lớp học, bao gồm việc áp dụng học tập truy vấn, phương pháp học dựa trên vấn đề, hay thực tập nhận thức (cognitive apprenticeships). 10.4 Kết hợp các hoạt động hợp tác vì mục tiêu chung với phương pháp học tập cộng tác trong lớp học một cách phù hợp. 10.5 Mô tả những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy đối với quá trình phát triển và học tập của trẻ em và thanh thiếu niên. DÀN Ý CHUNG Sổ tay giáo viên: Nhu cầu/sự cần thiết là động lực cho giảng dạy sáng tạo. Bạn sẽ làm gì? Giới thiệu tổng quan và các mục tiêu chính MODULE 31: Chủ nghĩa kiến tạo và việc giảng dạy
Thuyết kiến tạo nhận thức và thuyết kiến tạo xã hội Quan điểm của chủ nghĩa kiến tạo về học tập Kiến thức được tạo thành như thế nào? Kiến thức: Phụ thuộc tình huống hay phổ quát? Những điểm chung của phương pháp dạy học lấy người học làm trung tâm Thiết kế môi trường học tập theo chủ nghĩa kiến tạo Hỗ trợ học sâu (deep learning) trong lớp theo chủ nghĩa kiến tạo Học tập truy vấn Thực tập nhận thức (cognitive apprenticeships) MODULE 32: Hợp tác và cộng tác trong giảng dạy và học tập Hợp tác và cộng tác (Collaboration and Cooperation) Học tập nhóm Học tập thông qua cộng tác Thiết kế các bài tập trong học tập cộng tác Thiết lập các nhóm cộng tác Ví dụ về các kỹ thuật học tập cộng tác Tiếp xúc với từng học sinh: Ứng dụng học tập cộng tác một cách khôn ngoan MODULE 33: Công nghệ trong giảng dạy và học tập Thiết kế môi trường học tập số tương tác Công nghệ và học tập Các môi trường giàu tính công nghệ Tư duy tính toán và lập trình Ứng dụng phương tiện truyền thông, công dân số, và năng lực học hiểu truyền thông cơ bản (Media Literacy) Kết hợp và đảo ngược: Sư phạm được hỗ trợ bởi công nghệ Những nan đề trong thực hành chủ nghĩa kiến tạo Tổng kết chương 10 Các thuật ngữ quan trọng • Kết nối và mở rộng để cấp phép • Hồ sơ của giáo viên – Sự cần thiết là động lực cho giảng dạy sáng tạo: Họ sẽ làm gì?
MODULE 31: Chủ nghĩa kiến tạo và việc giảng dạy Mục tiêu học tập 10.1 Giải thích các quan điểm khác nhau về chủ nghĩa kiến tạo (ở đây được hiểu như là một lý thuyết học tập và giảng dạy) Mục tiêu học tập 10.2 Xác định các điểm chung trong hầu hết các lý thuyết kiến tạo đương đại. Mục tiêu học tập 10.3 Áp dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa kiến tạo vào các thực hành trong lớp học, bao gồm việc áp dụng học tập truy vấn, học tập dựa trên vấn đề, hay thực tập nhận thức (cognitive apprenticeships). Thuyết kiến tạo nhận thức và thuyết kiến tạo xã hội Hãy xem xét tình huống sau: Một em nhỏ - vốn chưa từng đến bệnh viện trước đây - đang nằm trên giường bệnh ở khoa nhi. Từ dưới sảnh, y tá gọi cho em qua hệ thống liên lạc gắn phía trên giường bệnh. “Chào Naomi, con thế nào rồi? Con có cần gì không?” Cô bé bối rối và không trả lời. Y tá lặp lại câu hỏi, nhưng kết quả vẫn vậy. Cuối cùng, y tá hỏi lại với một chút nhấn mạnh “Naomi, con có ở đó không? Con nói gì đi chứ!” Cô bé trả lời một cách ngập ngừng, “Chào bác tường, con đây ạ” Bé Naomi đã gặp phải một tình huống hoàn toàn mới—một bức tường biết nói. Bức tường kiên cố và nghe có vẻ như là một người lớn. Cô bé biết mình không nên nói chuyện với người lạ, nhưng nói chuyện với một bức tường thì cô bé không chắc lắm. Cô bé sử dụng những điều mình biết và những gì tình huống mang lại để kiến tạo ý nghĩa và phản ứng lại. Sau đây là một ví dụ khác về việc kiến tạo ý nghĩa và sự hiểu biết – khi Maria và con trai Isaac 9 tuổi của cô cùng đến mua sắm tại tiệm tạp hóa: Isaac: (chạy đi lấy xe đẩy hàng) Mình có cần lấy xe lớn không mẹ? Maria: Có thể đó, thà lấy cái lớn một chút còn hơn không đủ chỗ. Đây là danh sách những món cần mua, mẹ con mình nên bắt đầu từ đâu nhỉ? Isaac: Mình cần mua kem cho bữa tiệc! (Isaac đi về phía khu đồ đông lạnh.) Maria: Ồ! Thế chuyện gì đã xảy ra với hộp kem mà con để trên bàn bếp? Isaac: Kem đó chảy mất rồi, dù là nó không bị bỏ ở ngoài lâu lắm đâu. Thật đó! Maria: Đúng vậy đấy, và có thể chúng ta sẽ ở cửa hàng này một lúc lâu, nên hãy bắt đầu với những thứ không dễ bị tan chảy khi chúng ta đang mua sắm. Mẹ thường mua nông sản trước.