Content text 2. ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HỌC.docx
CHUYÊN ĐỀ ĐẶC TRƯNG CỦA VĂN HỌC 1. Khái niệm văn học - Văn học hiểu theo nghĩa rộng là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, có vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. - Theo nghĩa hẹp, văn học là một bộ môn nghệ thuật: + Lấy hiện thực đời sống làm chất liệu, + Lấy ngôn từ làm phương tiện xây dựng hình tượng, + Lấy hình tượng nghệ thuật làm phương thức phản ánh đời sống, + Lấy con người làm đối tượng trung tâm trong nhận thức, phản ánh, và tác động + Thể hiện tư tưởng tình cảm, và nhằm nhằm thỏa mãn nhu cầu về tình cảm vô cùng phong phú của con người theo quy luật của cái đẹp. 2. Đặc trưng của văn học Lưu ý: - Khi tìm hiểu đăc trưng của văn học cần đặt văn học trong mối quan hệ so sánh với các hình thái ý thức xã hội khác, các loại hình nghệ thuật khác. - Đặc trưng của văn học thể hiện qua các phương diện cơ bản sau đây: + Chất liệu ngôn từ của văn học + Đối tượng phản ánh của văn học + Nội dung phản ánh của văn học + Phương thức phản ánh của văn học. + Cách thức tác động của văn học đến đời sống.
2.1. Đặc trưng về ngôn từ của văn học Ngôn từ là lời nói, viết được dùng làm phương tiện để sáng tác văn học, như màu sắc đối với hội họa, âm thanh đối với âm nhạc, hình khối đối với kiến trúc,… Các nhà văn nhà thơ sử dụng ngôn từ một cách nghệ thuật để tạo ra tác phẩm nghệ thuật ngôn từ. Theo đó, nghệ thuật ngôn từ là cách nói chỉ hoạt động sử dụng ngôn từ trong sáng tạo văn học. Ngôn từ nghệ thuật là khái niệm dùng để chỉ ngôn từ trong tác phẩm văn học; đó là ngôn từ đã được tinh luyện, tổ chức một cách đặc biệt để phản ánh đời sống, thể hiện tư tưởng tình cảm và tác động thẩm mĩ tới người đọc. Ngôn từ nghệ thuật vì thế mang những nét đặc trưng so với ngôn ngữ đời sống, cụ thể như sau: 2.1.1. Ngôn từ trong văn học mang tính biểu cảm Tình cảm là yếu tố then chốt trong văn học. Tính biểu cảm của ngôn từ trong văn học biểu hiện dưới nhiều dạng thức: - Tính biểu cảm biểu hiện gián tiếp, có hình ảnh hoặc là ngôn ngữ thuần túy. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. (Nguyễn Trãi) Trong ví dụ trên, các từ “nướng”, và “vùi” chứa chất tất cả lòng phẫn nộ của nhà thơ đối với giặc Minh. Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông. (Nguyễn Khuyến). Ở ví dụ này, từ “lèn” vừa diễn tả chính xác hành vi của kẻ cướp, vừa bộc lộ thái độ châm biếm, chế diễu của tác giả đối với viên quan tuần phủ. Ôi những cánh đồng quê chảy máu Dây thép gai đâm nát trời chiều. (Nguyễn Đình Thi).