Content text 15. Pháp luật Hoa Kỳ về tịch thu tài sản liên quan đến tội phạm ma tuý không phụ thuộc vào phán quyết hình sự và kinh nghiệm cho Việt Nam - Ths. Nguyễn Thị Thu Hằng.pdf
1 PHÁP LUẬT HOA KỲ VỀ TỊCH THU TÀI SẢN LIÊN QUAN ĐẾN TỘI PHẠM MA TUÝ KHÔNG PHỤ THUỘC VÀO PHÁN QUYẾT HÌNH SỰ VÀ KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM Nguyễn Thị Thu Hằng Tóm tắt Tịch thu tài sản (TTTS) không phụ thuộc vào phán quyết hình sự là một cơ chế được Hoa Kỳ áp dụng và mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Bài viết này tìm hiểu về lịch sử hình thành, quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành của cơ chế TTTS liên quan đến tội phạm ma tuý không phụ thuộc vào phán quyết hình sự tại Hoa Kỳ, từ đó, đưa ra một số gợi mở nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về vấn đề liên quan. Từ khoá: tịch thu tài sản, tội phạm ma tuý, phán quyết hình sự Đặt vấn đề Theo quy định tại Điều 45 BLHS năm 2015, TTTS chỉ được áp dụng đối với người bị kết án. Điều này có nghĩa là, tại Việt Nam, chỉ khi có bản án kết tội của toà án mới có thể tiến hành TTTS đối với tội phạm nói chung và tội phạm về ma tuý nói riêng. Trong khi đó, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ lại cho phép TTTS liên quan đến tội phạm ma tuý không phụ thuộc vào phán quyết hình sự. Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng cơ chế này đã mang lại những hiệu quả nhất định cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý tại Hoa Kỳ. Pháp luật liên bang Hoa Kỳ hiện hành quy định có 03 phương thức TTTS: (i) tịch thu hình sự; (ii) tịch thu theo thủ tục tư pháp (tịch thu dân sự); (iii) tịch thu phi tư pháp (tịch thu hành chính). Đối với tài sản có liên quan đến tội phạm ma tuý, cả ba hình thức tịch thu trên đều có thể được áp dụng. Tịch thu hình sự là hành động “chống lại cá nhân” (in personam), đòi hỏi phải có bản án hình sự và tịch thu là một phần trong bản án đó. Ngược lại, tịch thu dân sự và tịch thu hành chính là hành động “chống lại tài sản” (in rem), việc TTTS có thể được thực hiện mà không cần có bản án hình sự. Tịch thu dân sự cho phép Thạc sĩ, giảng viên Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật Tp.HCM
2 chính phủ đệ đơn kiện đối với tài sản có nguồn gốc từ tội phạm hoặc được sử dụng để phạm tội. Trong một vụ TTTS dân sự, chính phủ là nguyên đơn, tài sản được xem là bị đơn, và bất cứ ai tuyên bố có quyền lợi đối với tài sản đó được gọi là người khiếu nại. Tịch thu hành chính là hành động cho phép TTTS mà không cần nộp đơn kiện lên tòa án liên bang. Tịch thu hành chính được chính phủ thực hiện khi không có ai nộp đơn khiếu nại phản đối việc TTTS.1 Trong phạm vi của bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu cơ chế tịch thu dân sự và tịch thu hành chính đối với tài sản có liên quan đến tội phạm ma tuý tại Hoa Kỳ, gọi chung là TTTS liên quan tới tội phạm ma tuý không phụ thuộc vào phán quyết hình sự. 1. Tịch thu tài sản liên quan đến tội phạm ma tuý không phụ thuộc vào phán quyết hình sự theo pháp luật Hoa Kỳ 1.1. Lịch sử hình thành cơ chế tịch thu tài sản liên quan đến tội phạm ma tuý không phụ thuộc vào phán quyết hình sự tại Hoa Kỳ Trước năm 1970, Hoa Kỳ đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng ngừa và xử lý các tội phạm liên quan tới ma tuý thông qua những cách thức khác nhau. Tại thời điểm này, Hoa Kỳ chủ yếu dựa vào truy tố hình sự để chống lại tội phạm ma tuý và TTTS chỉ xảy ra trong trường hợp có phán quyết kết tội rõ ràng. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, những hoạt động này không thực sự mang lại hiệu quả trong cuộc chiến chống ma tuý.2 Từ những năm 1970, tình trạng tội phạm liên quan tới ma tuý có xu hướng gia tăng mạnh. Đối mặt với vấn đề trên, các nhà lập pháp của Hoa Kỳ đã tăng cường hình sự hoá tội phạm ma tuý và thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát tài sản, lợi nhuận từ hành vi phạm tội. Đạo luật Phòng, chống lạm dụng ma túy toàn diện năm 1970 (Comprehensive Drug Abuse Prevention and Control Act of 1970) đã thiết lập nền tảng cho hoạt động TTTS không phụ thuộc vào phán quyết hình sự thông qua quy định tất cả các chất bị kiểm soát, cùng với các thiết bị được sử dụng trong sản xuất và phân phối đều phải bị tịch thu. Qua hai lần bổ sung vào năm 1978 và năm 1984, quy định này tiếp tục được mở rộng đáng kể khi cho phép tịch thu cả bất động sản được sử dụng cho hành vi phạm tội, lợi nhuận thu được từ hoạt động buôn bán 1 U.S. Department of Justice, “Types of Federal Forfeiture”, https://www.justice.gov/afp/types-federal-forfeiture, truy cập ngày 22/10/2024. 2 Paul Stahl, “Civil Asset Forfeiture in Drug Enforcement”, p. 22, https://digital.library.unt.edu/ark:/67531/metadc3204/m2/1/high_res_d/Thesis.pdf, truy cập ngày 23/10/2024.
3 ma túy cũng như bất kỳ tài sản nào được mua từ những khoản lợi nhuận đó.3 Theo cơ chế này, các cơ quan thực thi pháp luật có quyền thu giữ tài sản nghi ngờ có liên quan đến hoạt động buôn bán ma túy, ngay cả khi không có bản án hình sự đối với người sở hữu tài sản. Tuy nhiên, việc TTTS chỉ thực sự phổ biến khi Cơ quan thực thi pháp luật về ma túy (Drug Enforcement Administration - DEA) ban hành Đạo luật mẫu về tịch thu lợi nhuận từ ma túy năm 1981 (Model Forfeiture of Drug Profits Act of 1981) và khuyến khích các cơ quan thực thi pháp luật ở tiểu bang áp dụng các biện pháp TTTS thông qua sổ tay “Hướng dẫn của đặc vụ ma túy về TTTS” (DEA Agent’s Guide to Asset Forfeiture) vào năm 1982. Sau đó, Đạo luật Kiểm soát Ma túy Toàn diện năm 1984 (Comprehensive Crime Control Act of 1984) đã thành lập Quỹ TTTS để hỗ trợ tài chính cho các cơ quan thực thi pháp luật trong hoạt động chống lại tội phạm ma túy. Tiếp đó, Đạo luật chống lạm dụng ma túy năm 1988 (Anti-Drug Abuse Act of 1988) đã đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm ma túy, đồng thời cung cấp nhiều nguồn lực hơn cho các cơ quan thực thi pháp luật. Điều này giúp các cơ quan có nguồn lực tài chính để tiếp tục thực hiện các hoạt động chống ma túy.4 Các quy định kể trên từng là công cụ hữu hiệu trong thời kỳ cao trào của cuộc chiến chống ma túy tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nhiều mối lo ngại về nguy cơ lạm dụng và thiếu công bằng khi chỉ cần có lý do hợp lý (probable cause) để tin rằng tài sản có liên quan đến các tội phạm là đủ để chính quyền thực hiện TTTS. Chính vì vậy, sau nhiều năm tranh luận, Quốc hội đã thông qua Đạo luật cải cách tịch thu dân sự năm 2000 (Civil Asset Forfeiture Reform Act - CAFRA), đưa ra một số điều chỉnh cụ thể nhằm khắc phục các vấn đề đã tồn tại liên quan tới hoạt động TTTS, đặc biệt là đối với tội phạm ma tuý.5 Việc TTTS không phụ thuộc vào phán quyết hình sự ban đầu được áp dụng trong luật hàng hải của Anh để đối phó với nạn cướp biển, và sau đó được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua với mục đích tương tự. Tuy nhiên, việc áp dụng tịch thu dân sự tại Hoa Kỳ chỉ thực sự bắt đầu từ những năm 1970 và 1980, khi chính phủ liên bang đẩy mạnh chiến dịch 3 Tarnell Brown, “Civil Asset Forfeiture: The War on DrugsTM as a Law Enforcement Revenue Center”, https://www.econlib.org/civil-asset-forfeiture-the-war-on-drugs-as-a-law-enforcement-revenue-center/, truy cập ngày 23/10/2024. 4 Paul Stahl, tlđd, p. 25. 5 Congressional Research Service, “Asset Forfeiture: Selected Legal Issues and Reforms”, p. 3 https://crsreports.congress.gov/product/pdf/r/r43890, truy cập ngày 25/10/2024.
4 chống tội phạm có tổ chức và ma túy.6 Quy định cho phép TTTS không phụ thuộc vào phán quyết hình sự đã mang lại một công cụ mạnh mẽ trong cuộc chiến chống ma túy, trao cho chính phủ Hoa Kỳ một quyền hạn hiệu quả để tịch thu lợi nhuận từ các hoạt động liên quan đến ma túy, từ đó mở rộng khả năng kiểm soát tài chính của tội phạm. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc làm suy yếu mạng lưới tội phạm, không chỉ bắt giữ người phạm tội mà còn chặn đứng việc tái đầu tư lợi nhuận từ ma túy vào các hoạt động phạm pháp khác. 1.2. Quy định của pháp luật Hoa Kỳ về tịch thu tài sản liên quan đến tội phạm ma tuý không phụ thuộc vào phán quyết hình sự 1.2.1. Điều kiện tịch thu tài sản Pháp luật Hoa Kỳ đã thiết lập một nền tảng khá chi tiết và cụ thể về việc TTTS liên quan đến tội phạm ma tuý. Để có thể thực hiện việc TTTS, cơ quan thực thi pháp luật phải tuân thủ các điều kiện chặt chẽ. Điều này nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của “chủ sở hữu vô tội”, trong đó có quyền liên quan tới tài sản, giảm thiểu nguy cơ lạm quyền và bảo đảm sự công bằng trong quá trình TTTS. Qua đó, quá trình thực hiện TTTS liên quan đến tội phạm ma tuý cũng trở nên nhanh chóng và khả thi hơn. Trên cơ sở các quy định tại Bộ luật liên bang Hoa Kỳ, có thể thấy, để TTTS liên quan đến tội phạm ma tuý cần thoả mãn các điều kiện sau đây: Thứ nhất, tài sản bị tịch thu thuộc các tài sản được phép tịch thu theo quy định và có liên quan đến hoạt động phạm pháp. Pháp luật Hoa Kỳ có xu hướng ngày càng mở rộng phạm vi các loại tài sản có thể bị tịch thu liên quan đến tội phạm nói chung và tội phạm về ma tuý nói riêng. Khác với tịch thu hình sự, tài sản bị giới hạn ở quyền sở hữu tài sản của bị cáo, đối với tịch thu không phụ thuộc vào phán quyết hình sự, tài sản có thể bị tịch thu khi được cho là có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động tội phạm. Các quy định hiện hành cho phép chính phủ tịch thu không chỉ các chất kiểm soát (controlled substance)7 bất hợp pháp mà còn cả các tài sản khác liên quan đến hành vi phạm tội hoặc có liên hệ rõ ràng về lợi ích từ các 6 Cody Mello-Klein, “What is civil asset forfeiture, the unlikely center of Netflix’s action movie ‘Rebel Ridge’? Expert explains the reality behind the movie”, https://news.northeastern.edu/2024/09/12/rebel-ridge-civil-asset- forfeiture/, truy cập ngày 25/10/2024. 7 Thuật ngữ “chất kiểm soát” (controlled substance) được định nghĩa tại 21 U.S. Code § 802(6) là một loại thuốc hoặc chất khác, hoặc tiền chất trực tiếp, được bao gồm trong các Bảng I, II, III, IV, hoặc V của phần B của tiểu mục này (bao gồm cả ma tuý).