Content text Kinh tế học số _ Chương 5.pdf
Giáo trình Kinh tế học số 232 Chương 5: QUẢN LÝ, ĐIỀU TIẾT THỊ TRƯỜNG SỐ MỤC TIÊU HỌC TẬP Sau khi hoàn thành chương này, người học có thể: - Giải thích quá trình dẫn đến phá bỏ độc quyền viễn thông và hậu quả của việc phá bỏ độc quyền đối với cấu trúc thị trường viễn thông. - Giải thích sự cần thiết của việc phát triển các tiêu chuẩn cho các hệ thống, các giao thức và các chức năng khác của ITC, hiểu được vai trò các tổ chức tiêu chuẩn hóa, phân tích tác động của các tiêu chuẩn đối với thị trường dịch vụ số. - Giải thích tính trung lập mạng thúc đẩy đổi mới, cạnh tranh và hỗ trợ trao đổi thông tin miễn phí trên Internet như thế nào. - Giải thích tại sao và làm thế nào thông tin di động được điều tiết, sự phức tạp của việc điều tiết Internet. - Thảo luận tại sao pháp luật không phải là cách duy nhất để điều tiết thị trường, mà chính thị trường, công nghệ và công chúng cũng góp phần vào việc điều tiết đó. 5.1. SỰ PHÁT TRIỂN VÀ TỰ DO HÓA THỊ TRƯỜNG TRUYỀN THÔNG SỐ 5.1.1. Viễn thông với tư cách là độc quyền tự nhiên Ngành viễn thông đã trải qua một quá trình phát triển trong cấu trúc thị trường từ độc quyền sang thị trường cạnh tranh như minh họa trong Hình 5.1. Quá trình này được gọi là quá trình phi độc quyền hóa trên thị trường viễn thông. Các thuật ngữ thường được sử dụng khác là phi điều tiết hóa thị trường và tự do hóa thị trường. Chương này mô tả quá trình tiến hóa này đã diễn ra như thế nào trong Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA). Hình 5.1: Sự phát triển của ngành kinh doanh viễn thông Nguồn: Harald Øverby, Jan Arild Audestad (2021)
Giáo trình Kinh tế học số 233 Sự phát triển ở EEA diễn ra theo ba bước: 1. Thị trường bán lẻ thiết bị người dùng được mở ra để cạnh tranh trong giai đoạn 1985– 1987. 2. Cạnh tranh được áp dụng cho hoạt động mạng di động, đầu tiên ở Anh (1982) và khoảng 10 năm sau ở các nước EEA khác (1991). 3. Cạnh tranh toàn diện trên tất cả các khía cạnh của hoạt động mạng điện thoại ở Châu Âu được đưa ra vào năm 1998 (năm 1996 tại Hoa Kỳ). Theo truyền thống, hầu hết các nhà vận hành viễn thông ở châu Âu là các công ty độc quyền thuộc sở hữu nhà nước. Cũng có các công ty điện thoại và điện báo thuộc sở hữu tư nhân, nhưng các công ty này độc quyền cung cấp dịch vụ viễn thông ở các vùng cụ thể của đất nước. Lập luận ủng hộ độc quyền là người dùng sẽ phả trả chi phí đắt hơn nếu có nhiều hơn một nhà vận hành điện thoại trong khu vực, vì cần phải đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng viễn thông. Hơn nữa, công nghệ được sử dụng trước những năm 1980 (tổng đài điện thoại cơ điện được kết nối với nhau bằng cáp đồng trục và rơ le vô tuyến) có tuổi thọ kinh tế vài thập kỷ, thường là 50 năm. Do đó, việc cho phép một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông xây dựng mạng lưới truyền thông của riêng họ cung cấp cùng một nhóm dịch vụ được coi là không hiệu quả. Khi đó, viễn thông được coi là độc quyền tự nhiên. Nhà nước độc quyền sở hữu mạng, cung cấp một số ít dịch vụ được mạng hỗ trợ và bán hoặc cho thuê điện thoại, tổng đài nội hạt, modem dữ liệu và các thiết bị đầu cuối khác. Các hãng viễn thông này được gọi là các công ty độc quyền tích hợp theo chiều dọc. Người tiêu dùng thường có một sự lựa chọn liên quan đến nhà cung cấp mạng, dịch vụ viễn thông và loại thiết bị của người dùng. Chính phủ cũng quyết định mức phí mà người đăng ký phải trả cho việc đăng ký và sử dụng dịch vụ. Tình hình phức tạp hơn đối với các hệ thống liên lạc đường dài như cáp ngầm xuyên lục địa và hệ thống vệ tinh. Một số tập đoàn sở hữu các hệ thống cáp xuyên lục địa cạnh tranh và tổ chức quốc tế Intelsat là đối thủ cạnh tranh của các hệ thống này, cung cấp một giải pháp thay thế cho các kết nối đường dài qua vệ tinh địa tĩnh. Các hệ thống này không phải là đối tượng để tranh luận trong cuộc thảo luận về phi độc quyền hóa diễn ra sau đó. Vào cuối những năm 1980, người ta đã đặt câu hỏi rằng liệu có nên mở cửa cho cạnh tranh toàn diện trong lĩnh vực viễn thông hay không khi xét đến sự phát triển nhanh chóng của mạng số và chuyển mạch số, nhu cầu ngày càng tăng về truyền thông máy tính và những tiến bộ trong công nghệ mạng di động. Điều này xảy ra cùng lúc với quá trình quốc tế hóa các ngành công nghiệp nói chung. Nhiều công ty mở rộng trở thành tập đoàn quốc tế với các nhà máy ở một số quốc gia. Sự phát triển này cũng khiến các chính phủ xem xét mở cửa các công ty độc quyền quốc gia để cạnh tranh đầy đủ nhằm tăng cường đổi mới và làm cho dịch vụ và sản phẩm công nghiệp rẻ hơn đối với người tiêu dùng. Phá bỏ độc quyền và niềm tin vào thị trường tự do đã trở thành xu hướng chủ đạo vào cuối những năm 1980. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi các nhà vận hành điện thoại độc quyền thành các doanh nghiệp cạnh tranh trong một thị trường cạnh tranh mất nhiều thời gian vì luật cạnh tranh mới và luật thị trường phải được ban hành trước tiên và phải có đủ thời gian để các công ty độc quyền cấu hình lại mô hình kinh doanh của họ đối mặt với tình huống họ phải đấu tranh để giành được quy mô thị trường và doanh thu.
Giáo trình Kinh tế học số 234 5.1.2. Xóa bỏ độc quyền thiết bị người dùng Vào đầu những năm 1980, các mạng dữ liệu công cộng đầu tiên được đưa vào hoạt động, và các mạng di động tự động đầu tiên được thiết lập và vận hành. Số lượng các loại thiết bị người dùng khác nhau đã bùng nổ, và các công ty độc quyền quá quan liêu và quá kém cỏi trong việc xử lý lượng thiết bị mới dồi dào. Đáp ứng điều này, bắt đầu từ khoảng năm 1985, các nhà chức trách đã mở cửa thị trường bán thiết bị người dùng để cạnh tranh tự do; tuy nhiên, thiết bị phải được nhà vận hành viễn thông hoặc cơ quan quản lý riêng phê duyệt trước khi thiết bị mới có thể được kết nối với mạng để đảm bảo rằng thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn hoạt động quốc tế và quốc gia. Số lượng các nhà bán lẻ độc lập nhiều loại thiết bị người dùng khác nhau tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là bán lẻ điện thoại thông thường và điện thoại di động. Một hệ quả quan trọng của việc phi điều tiết hóa là các nhà vận hành viễn thông không còn sở hữu thiết bị điện thoại, modem dữ liệu hoặc tổng đài nội hạt tại cơ sở người dùng như trước khi việc bán thiết bị của người dùng được mở ra để cạnh tranh. Thiết bị này được coi là phần mở rộng kỹ thuật của mạng và do đó, là một phần không thể thiếu của mạng. Sau khi phi điều tiết hóa, trách nhiệm của nhà vận hành và quyền sở hữu thiết bị kết thúc ở thiết bị giao diện mạng (Network Interface Device - NID) trên tường của ngôi nhà; công nghệ này thường được gọi là “dây dẫn-tới-tường” (“wire- to-the-wall”) và trong thời đại quang học được gọi là “cáp quang-tới-cơ sở” (“fiber-to-the- premises”). Các nhà sản xuất hiện có thể nhúng modem dữ liệu vào, chẳng hạn như máy tính, máy fax và máy copy. Điều này đã đơn giản hóa việc sử dụng truyền thông dữ liệu, nhưng có ít tác động đến số lượng người sử dụng truyền thông dữ liệu cho đến khi Internet được đưa vào danh mục đầu tư của các nhà vận hành viễn thông vào giữa những năm 1990. Một số thuật ngữ viễn thông Các thuật ngữ thường được sử dụng trong tài liệu liên quan đến dây, cáp hoặc sợi quang cục bộ kết nối giữa thuê bao và mạng viễn thông là: - Đường dây cục bộ, hay đường dây thuê bao (local loop) là kết nối từ tổng đài điện thoại nội hạt (hoặc bộ định tuyến Internet) đến cơ sở của thuê bao. - Dặm cuối (last mile) đề cập đến phần nói trên của kết nối. - Thiết bị giao diện mạng (Network Interface Device - NID) là điểm phân giới giữa đường cục bộ và hệ thống dây bên trong cơ sở của người dùng. Trách nhiệm của nhà vận hành viễn thông kết thúc ở NID. Các cơ quan quản lý đầu tiên được thành lập trong thời kỳ này để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và tránh việc các công ty độc quyền viễn thông lạm dụng sức mạnh thị trường của họ cản trở các nhà bán lẻ khác thành lập doanh nghiệp độc lập. Các cơ quan quản lý cũng cấp giấy phép bán thiết bị và theo dõi các nhà bán lẻ có đủ khả năng chuyên môn kỹ thuật để lắp đặt và bảo trì thiết bị hay không. 5.1.3. Xóa bỏ độc quyền vận hành mạng di động Năm 1981, hệ thống Điện thoại di động Bắc Âu (Nordic Mobile Telephone - NMT) mới được đưa vào hoạt động ở các nước Bắc Âu. NMT là hệ thống di động đầu tiên cung cấp khả
Giáo trình Kinh tế học số 235 năng chuyển vùng tự động và chuyển giao cuộc gọi không gián đoạn khi thiết bị đầu cuối di động chuyển sang một ô mới. Vào năm 1982, NMT trở thành hệ thống di động mặt đất phổ biến ở Châu Âu được ưa chuộng. Viễn thông Anh đã tham gia vào dự án này. Năm 1982, Thủ tướng Margaret Thatcher và chính phủ của Bà quyết định cần có sự cạnh tranh toàn diện về truyền thông di động ở Anh với hai nhà vận hành độc lập. Điều này ngụ ý rằng Vương quốc Anh phải chọn một hệ thống khác ngoài NMT; nếu không, một trong những đối thủ cạnh tranh sẽ có lợi thế quá lớn. Châu Âu sau đó chỉ còn lại bốn hệ thống di động mặt đất tự động không tương thích: NMT ở Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland, Tây Ban Nha, Hà Lan và Thụy Sĩ; TACS ở Vương quốc Anh và Ireland; C Netz ở Đức; và Radiocom 2000 ở Pháp. Trên thực tế, đây là động lực chính để Hà Lan đề nghị vào năm 1982 rằng Châu Âu nên phát triển một hệ thống di động số toàn Châu Âu mới - Hệ thống Toàn cầu cho Truyền thông Di động (Global System for Mobile Communications - GSM). GSM ban đầu là tên viết tắt của nhóm phát triển công nghệ - Groupe Spécial Mobile. Năm 1992, hệ thống GSM được đưa vào hoạt động, EU và EFTA quyết định rằng mỗi quốc gia phải có ít nhất hai mạng di động mặt đất cạnh tranh. GSM là một nơi lý tưởng để bắt đầu xóa bỏ độc quyền viễn thông. Các nước phát triển tiêu chuẩn GSM đã đồng ý rằng toàn bộ hoạt động kinh doanh viễn thông nên sớm được xóa bỏ độc quyền. GSM là một mạng hoàn toàn mới mà tất cả các nhà vận hành phải xây dựng cơ sở hạ tầng mạng từ đầu. Cơ sở hạ tầng mới bao gồm các trạm gốc, tổng đài điện thoại hỗ trợ các chức năng hoàn toàn mới và cơ sở dữ liệu hoàn toàn mới để xử lý thuê bao và quản lý vị trí. Lợi thế duy nhất mà các công ty độc quyền về điện thoại có được là đường truyền có thể được sử dụng để kết nối các thiết bị mới, do đó giảm nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản; tuy nhiên, theo các yêu cầu quy định đơn giản, tất cả các nhà vận hành di động trong khu vực đều có cơ hội như nhau để thuê các đường dây đó từ nhà vận hành độc quyền với mức giá tương đương với một công ty con của nhà vận hành độc quyền. Các nhà vận hành mạng cố định sẽ vẫn độc quyền cung cấp dịch vụ điện thoại cố định. Do đó, từ năm 1992 trở đi, người tiêu dùng có thể lựa chọn giữa ít nhất hai nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động ở Châu Âu. Một nhà vận hành di động được thành lập ở một quốc gia giờ đây cũng có thể thành lập các công ty con ở các quốc gia khác, nhờ vậy gia tăng thị trường thuê bao tiềm năng và do đó nâng cao triển vọng kinh doanh và giá trị tài chính của họ. Một số công ty viễn thông di động sau đó đã nhanh chóng phát triển thành các tập đoàn quốc tế lớn. Một tình thế chiến lược khó xử đặc biệt thú vị mà tình huống này dẫn đến được minh họa trong Hộp 5.1. Hộp 5.1: Tình thế khó xử trong cạnh tranh Hình 5.2 minh họa tình thế cạnh tranh khó xử mà nhiều nhà vận hành dịch vụ di động phải đối mặt, sử dụng thị trường điện thoại di động ở Na Uy và Thụy Điển làm ví dụ. Telia và Telenor là các nhà vận hành di động thống trị ở Thụy Điển và Na Uy, với thị phần (về số lượng người đăng ký) lần lượt là khoảng 35% và 60% (tính theo năm 2019). Telenor là nhà vận hành thiểu số ở Thụy Điển, và Telia là nhà vận hành thiểu số ở Na Uy