Content text ĐỀ SỐ 13.docx
ĐỀ SỐ 13 I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm) Câu 1 (0,5 điểm): Các hình ảnh thiên nhiên có trong bài thơ: dòng sông, sao, trăng, phong cảnh bốn bề, buổi rạng đông nhuốm màu hồng đẹp tươi. Câu 2 (0,5 điểm): Từ bàn hoàn trong bài thơ có nghĩa là băn khoăn, trăn trở, nghĩ ngợi vương vấn, quanh quẩn mãi; thể hiện tâm trạng lo nghĩ không dứt về việc khôi phục cơ đồ đất nước của nhân vật trữ tình. Học sinh có thể chọn cách diễn đạt khác, miễn là phù hợp. Câu 3 (1,0 điểm): Phong vị Đường thi được thể hiện thông qua các yếu tố: (1) Cấu tứ của bài thơ: Bài thơ gồm 8 dòng lục bát nhưng có bố cục và cách triển khai hình ảnh, cảm xúc giống như một bài bát cú Đường luật: Dòng thơ 1, 2: Khung cảnh đi thuyền trên sông trong đêm trăng, là thời gian, không gian nghệ thuật; Dòng thơ 3, 4: Cảnh khuya vắng lặng trên sông; Dòng 5, 6: Nỗi lòng, tâm sự lo nghĩ cho non sông đất nước; Dòng 7, 8: Con thuyền cập bến trong bình minh ngày mới với dự cảm về tương lai tốt đẹp. Bài thơ cũng có kết cấu tiền giải, hậu giải như một bài thơ Đường luật: 4 dòng thơ đầu: Cảnh sông nước; 4 dòng thơ cuối: Tâm sự non sông. (2) Bài thơ có nhiều hình ảnh sử dụng thi liệu quen thuộc của Đường thi: đêm khuya (thâm dạ), sáng sớm (thanh tảo/bình minh), dòng sông, con thuyền trong đêm vắng, trăng, sao, con người ngồi trên thuyền lo nghĩ thời cuộc. (3) Bài thơ có sử dụng các từ Hán Việt trang trọng, hàm súc: phong cảnh, bàn hoàn, giang san. (4) Nhà thơ sử dụng bút pháp lấy động tả tĩnh: dùng tiếng chèo thuyền nan cót két để tả sự tĩnh mịch, vắng lặng của khung cảnh trên sông lúc đêm khuya. Câu 4 (1,0 điểm): (1) Tứ thơ vận động theo thời gian từ đêm khuya tới ngày mới, theo sắc thái cảnh vật từ tối tăm, vắng vẻ đến rạng rỡ, đẹp tươi. (2) Sự vận động tứ thơ cho thấy tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan, luôn hướng tới ánh sáng, ngày mới, tương lai của nhà thơ Hồ Chí Minh. Điều này cũng thể hiện tâm hồn người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh luôn thường trực niềm phấn chấn, tin tưởng vào thành công tất yếu của sự nghiệp cách mạng dân tộc. Câu 5 (1,0 điểm): (1) Học sinh nêu được tên bài thơ (Ví dụ: Chiều tối (Mộ), Ngắm trăng (Vọng nguyệt), Cảnh khuya, Cảnh rừng Việt Bắc,...). (2) Chỉ ra, làm rõ mối liên hệ với bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy: Đều thể hiện tình yêu thiên nhiên; niềm lạc quan, yêu đời; tinh thần cách mạng, phong cách thơ Hồ Chí Minh,... Đọc những bài thơ như thế, ta càng thấy rõ hơn: “Vần thơ của Bác vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông, bát ngát tình” (Hoàng Trung Thông),... II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm) Câu 1 (2,0 điểm) a. Mở đoạn: Nêu vấn đề nghị luận: Tác giả Linh Nga Nie Dam đã khắc họa được không gian, thời gian độc đáo trong một văn bản kể sự việc, phong tục của người Ê đê ở Tây Nguyên, làm nổi bật âm hưởng, không khí, sắc thái Tây Nguyên của truyện. b. Thân đoạn: Làm rõ sự độc đáo của không gian, thời gian trong văn bản: (1) Thời gian được kể trong văn bản là khoảng giữa của lúc đêm đã sâu, lúc bóng đêm bao trùm và “ngày đã đến.” Lúc này chỉ còn lại những người thân trong gia đình bên nhà mồ của người đã khuất. Đây là thời gian thiêng liêng trong phong tục lễ Pơ thi của người Ê đê. Không gian trong văn bản hiện ra với bóng đêm, rừng già, dòng sông Srêpôk, đất trời, rừng cây, đỉnh núi Cư Minh,... Trong không gian ấy, hiện lên “âm vang chiêng trầm hùng, khoan nhặt, nhịp múa và vẻ mặt thành kính của những người phụ nữ,” “tiếng chiêng xoay xoáy,” “tiếng thầy cúng: ‘ơ Yang atâo, ơ Yang,’...” của nghi lễ Pơ thi. Đó là không gian Tây Nguyên, xưa đã vậy và nay vẫn thế. (2) Hiệu quả nghệ thuật của việc tái hiện không gian, thời gian độc đáo trong văn bản: + Gợi ấn tượng về sự thiêng liêng trong phong tục lễ Pơ thi của người Ê đê, gợi màu sắc Tây Nguyên; + Làm cho sự việc
được kể có chất phiêu diêu, giao thoa, đan quyện nhiều màu sắc, có xa xưa, truyền thống, có hiện tại, mới mẻ, đưa nhân vật vào trạng thái chập chờn giữa thực và mơ, giữa diễn biến sự việc hiện tại với kí ức cổ đại, giữa nền văn hóa hiện đại với văn hóa truyền thống, tập tục truyền thống, giữa văn hóa của cha ông nơi đất này với tâm tình của con cháu đến từ những nền văn hóa khác; + Làm cho câu chuyện không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa hai thế hệ mà còn là sự đối thoại giữa hai nền văn hóa. Câu chuyện vừa mang sắc thái linh thiêng, thấm thía của một cuộc dặn dò, truyền trao, giáo huấn, vừa rất gần gũi, chân tình bởi sự thương lượng, đối thoại, chia sẻ giữa ông bà và con cháu. c. Kết đoạn: Khẳng định lại vấn đề nghị luận: Việc tái hiện không gian, thời gian độc đáo cùng ngôn từ đậm màu sắc Tây Nguyên đã đem đến cho văn bản màu sắc truyền thống và hiện đại, lôi cuốn người đọc vào một thế giới mới lạ, hấp dẫn, có chút liêu trai mê mị, vẫn giữ được tính lý trí, giáo dục truyền thống. Đây là thế mạnh của truyện ngắn Linh Nga Nie Dam, một người con dân tộc Ê đê viết về Tây Nguyên. Câu 2 (4,0 điểm) a. Mở bài: Giới thiệu Chương trình vận động “Nói không với bạo lực học đường”: Cuộc vận động “Nói không với bạo lực học đường” nhằm giải quyết tình trạng bạo lực học đường đang gia tăng, tạo hệ lụy khôn lường trong nhà trường và ngoài xã hội. Trong tư cách của một học sinh, người viết hưởng ứng cuộc vận động “nói không với bạo lực học đường” và kêu gọi mọi người cùng chung tay giải quyết các nhiệm vụ của chương trình hành động. b. Thân bài b1. Vì sao mọi người cần quan tâm đến Chương trình vận động “Nói không với bạo lực học đường”? (1) Bạo lực là việc sử dụng sức mạnh thể chất để thực hiện các hành vi như đánh đập, đối xử thô bạo, vi phạm quy tắc và chuẩn mực xã hội, xúc phạm đối tượng khác, đồng thời gây tổn thương cả về mặt thể chất và tinh thần đối với họ. Học đường là một môi trường quan trọng, nơi người học tiếp xúc với điều hay lẽ phải, được giáo dục, đào tạo về kỹ năng, kiến thức, tình cảm, tâm hồn để có thể trở thành những người sống có ích và đóng góp cho xã hội. Bạo lực học đường bao gồm những hành vi thô bạo, ngang ngược, vi phạm quy tắc và chuẩn mực xã hội, gây tổn thương về mặt tinh thần và thể xác cho người học. (2) Trong môi trường học đường, tình trạng bạo lực đang ngày càng gia tăng, từ các hình thức bạo lực có vũ khí, bạo lực tinh thần, đánh đập trực tiếp, tấn công trên mạng đến tràn lan các hình thức đe dọa, ăn hiếp, phân biệt đối xử dựa trên giới tính, tôn giáo, giàu nghèo,... Hiện nay, bạo lực học đường không giới hạn chỉ trong phạm vi một cá nhân hay một trường hợp cụ thể, mà đã lây lan trong môi trường trường học, từ nông thôn đến thành thị, từ học sinh tiểu học đến sinh viên đại học. Bạo lực học đường không hạn chế ở nam giới, mà còn bao gồm cả nữ giới, đặc biệt ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Không chỉ xuất hiện bạo lực giữa học sinh và học sinh, mà còn có cả tình huống bạo lực giữa học sinh và giáo viên cũng như giữa giáo viên với học sinh. Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, chỉ trong một năm học, đã có xấp xỉ 1,600 trường hợp bạo lực học đường được ghi nhận, bao gồm cả những vụ xảy ra trong và ngoài khuôn viên nhà trường. Dựa trên thống kê này, khoảng 5,200 học sinh có ít nhất một vụ đánh nhau và cứ khoảng 11,000 học sinh thì có một em phải nghỉ học do bị bạo lực học đường. Trong số các trường hợp bạo lực, có hơn 75% trường hợp liên quan đến học sinh và sinh viên. Đáng chú ý, tình trạng bạo lực học đường hiện đang có xu hướng trẻ hóa và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng lên. (3) Những hành vi bạo lực học đường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến học sinh: cơ thể bị thương tích, tinh thần bị tổn thương, gây hậu quả trước mắt và lâu dài. Cả người thực hiện bạo lực và nạn nhân của bạo lực học đường đều chịu những hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, bạo lực
học đường cũng tác động tiêu cực, nặng nề đối với gia đình, nhà trường, và xã hội. Đưa ra một vài ví dụ về bạo lực học đường và hậu quả của nó. (4) Bạo lực học đường không chỉ là vấn nạn ở Việt Nam, mà trên thế giới, đây cũng là một vấn đề nhức nhối. Trước tình hình này, năm 2012, Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 4/5 là Ngày Chống Bắt Nạt của Liên Hợp Quốc. Đồng thời, UNESCO đã công bố ngày thứ năm đầu tiên của tháng 11 là Ngày Quốc tế Chống Bạo Lực và Bắt Nạt tại trường học, bao gồm cả bắt nạt qua mạng. b2. Chúng ta cần phải làm gì để hưởng ứng cuộc vận động “Nói không với bạo lực học đường”? (1) Cần có sự thay đổi nhận thức về vấn đề này: nhận thức được nguyên nhân sâu xa của bạo lực học đường để có giải pháp tuyên truyền, tác động ngăn chặn sớm và tận gốc; đối tượng giáo dục và vận động ngăn chặn bạo lực học đường đồng thời là kẻ gây bạo lực và nạn nhân của bạo lực học đường; nhiều người cùng chung tay mới giải quyết tốt được vấn đề này,... (2) Cần có hành động tức thời và hiệu quả: cùng hưởng ứng cuộc vận động này để thực hiện tuyên truyền đến mọi thành viên trong nhà trường, tìm các giải pháp phù hợp và nhân văn để giải quyết các mâu thuẫn, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi có dấu hiệu bạo lực; chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân và kiên quyết đấu tranh bài trừ đến cùng bạo lực học đường,... Đưa ra lí lẽ và bằng chứng về việc cần làm và hiệu quả tác động tích cực khi chúng ta cùng chung tay giải quyết bạo lực học đường. b3. Phản bác kiểu thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm “tôi không thực hiện bạo lực, tôi không bị bạo lực học đường thì tôi không cần phải nói, phải làm gì” Bạo lực học đường như một loại độc tố, khi lan tràn, lây nhiễm trong nhà trường, trong cộng đồng sẽ làm nhiễm độc môi trường học đường, tác động xấu đến mỗi chúng ta. Đưa ra chi tiết, câu chuyện cho thấy bạo lực học đường tác động tiêu cực đến bản thân như thế nào, đưa yếu tố thuyết minh, biểu cảm vào lí lẽ, dẫn chứng. c. Kết bài: Đưa ra thông điệp hưởng ứng ngắn gọn, thúc giục người nghe cần đồng lòng, chung tiếng nói: “Nói không với bạo lực học đường,” thay đổi nhận thức và có hành động đáp ứng phù hợp hưởng ứng phù hợp, mạnh mẽ. Ví dụ: “Hãy lên tiếng! Im lặng là tiếp tay cho bạo lực học đường”; “Không để bạo lực làm độc hại trường học của chúng ta”; “Trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực!”,...