Content text 2021 - luat co tuong viet nam - shopcotuong.com.pdf
LIÊN ĐOÀN CỜ TƯỚNG VIỆT NAM (Vietnam Chess Federation) LUẬT CỜ TƯỚNG VIỆT NAM NĂM 2021
Luật Cờ tướng Việt Nam 1 LỜI NÓI ĐẦU Cờ tướng môn Thể thao trí tuệ được đưa vào và phát triển ở Việt Nam hàng ngàn năm. Cờ tướng trở thành thú chơi tao nhã từ bậc Đế Vương đến người dân thường, từ già đến trẻ, cả nam và nữ, từ thôn xóm, làng bản, đến tổ dân phố, khu dân cư đều có những người yêu thích môn Cờ tướng. Ngày 09 tháng 01 năm 1965, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ ra Quyết định số: 10/NV thành lập Hội Cờ tướng Việt Nam. Đầu những năm 80 của thế kỷ XX phát triển thêm Cờ vua, Cờ vây...Để phù hợp với tình hình phát triển phong trào Bộ môn Cờ, ngày 25 tháng 11 năm 1981 Bộ Trưởng Tổng Thư ký Hội đồng Bộ Trưởng có Quyết định số: 65/BT đổi tên Hội Cờ tướng Việt Nam thành Hội Cờ Việt Nam, đến năm 1992 đổi thành Liên đoàn Cờ Việt Nam. Với sức sống mãnh liệt, sự lan toả phong trào và đáp ứng nguyện vọng của những người đam mê môn Cờ tướng, ngày 05 tháng 4 năm 2018 Bộ Trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định số: 477/QĐ–BNV thành lập Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam (tách ra từ Liên đoàn Cờ Việt Nam), đánh dấu sự trở lại và tiếp tục phát huy truyền thống hơn nửa thế kỷ của Hội Cờ tướng Việt Nam. Để hội nhập và nâng cao năng lực, trình độ của vận động viên, Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam đã gia nhập và là thành viên sáng lập Liên đoàn Cờ tướng Thế giới (WXF) từ tháng 4 năm 1993, là thành viên của Liên đoàn Cờ tướng Châu Á (AXF) từ tháng 11 năm 1994. Việt
Luật Cờ tướng Việt Nam 2 Nam đã cử các Đoàn vận động viên tham gia các Giải thi đấu do Liên đoàn Cờ tướng Thế giới, Liên đoàn Cờ tướng Châu Á tổ chức, nhiều vận động viên đã đạt thứ hạng cao được phong tặng Đại Kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế, Kiện tướng Liên đoàn. Là thành viên của Liên đoàn Cờ tướng Thế giới (WXF), Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam luôn tuân thủ các quy định về chuyên môn của Liên đoàn Cờ tướng Thế giới (WXF), trong đó có Luật Cờ tướng do Liên đoàn Cờ tướng Thế giới ban hành năm 2018. Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam lần thứ III nhiệm kỳ (2018 – 2023) ngày 27 tháng 9 năm 2020 đã ra Nghị quyết số: 224/NQ - LĐCTVN về việc trên cơ sở Luật Cờ tướng Thế giới tổ chức dịch, biên tập ban hành Luật Cờ tướng Việt Nam thay thế Luật Cờ tướng do Tổng cục Thể dục Thể thao ban hành năm 2004, tạo sự thống nhất và hội nhập trong tổ chức thi đấu Giải Cờ tướng trên phạm vi cả nước. Luật Cờ tướng không thể bao quát hết các tình huống diễn ra trong quá trình một ván Cờ. Nếu xuất hiện tình huống xảy ra trong một thế Cờ không được qui định cụ thể trong Luật Cờ, thì Trọng tài có thể nghiên cứu các Điều luật tương tự để đưa ra một quyết định chính xác. Luật Cờ tướng quá chi tiết có thể làm hạn chế khả năng phán quyết của Trọng tài và vì thế cũng làm mất đi khả năng tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý sát với thực tế đã xảy ra để giải quyết tình huống đó.
Luật Cờ tướng Việt Nam 3 Với tinh thần Thể thao cao thượng thực hiện các Điều Luật qui định trong Luật Cờ tướng Việt Nam là điều quyết định, song quá trình tổ chức các Giải thi đấu từ cơ sở đến toàn quốc Ban Tổ chức Giải, Tổng Trọng tài cần có những quyết định phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Giải đấu, đảm bảo chính xác, khách quan, trung thực tạo sự đồng thuận của các vận động viên tham gia Giải, đó chính là sự thành công của mỗi Giải đấu. Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam xin chân thành cảm ơn Lãnh đạo Tổng cục Thể dục Thể thao, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các Vị Uỷ viên Ban Chấp hành Liên đoàn Cờ tướng Việt Nam, Huấn luyện viên, Kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc gia, Trọng tài, Doanh nhân, Doanh nghiệp, những người hâm mộ môn Cờ tướng đã góp ý kiến để xây dựng Luật Cờ tướng nói riêng và sự nghiệp phát triển phong trào Cờ tướng nói chung, trong thời gian tới rất mong được sự ủng hộ và hợp tác của các Quý vị. LIÊN ĐOÀN CỜ TƯỚNG VIỆT NAM