Content text TÓM TẮT LÝ THUYẾT CHƯƠNG 2
CHƯƠNG II: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG I- VẬT CHẤT VÀ Ý THỨC 1. Vật chất và các hình thức tồn tại của vật chất 1.1. Quan điểm của chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật trước C.Mác về phạm trù vật chất - Chủ nghĩa duy tâm: tuy có thừa nhận sự tồn tại của vật chất nhưng lại phủ định đặc trưng “tồn tại tự thân” của vật chất. + Chủ nghĩa duy tâm khách quan coi sự tồn tại của vật chất là sự “tha hóa” của “ý niệm tuyệt đối” của “tinh thần thế giới”. + Chủ nghĩa duy tâm chủ quan thừa nhận vật chất tồn tại phụ thuộc vào ý thức, coi vật chất là sự“phức hợp” của ý thức con người. - Chủ nghĩa duy vật thời cổ đại: Hầu hết các nhà duy vật thời kỳ này quy vật chất về một hay một vài dạng cụ thể xem chúng là khởi nguyên của thế giới, tức đồng nhất vật chất
nói chung với những sự vật cụ thể, hữu hình. Quan niệm về vật chất của các nhà triết học duy vật thời cổ đại mang tính trực quan,thô sơ, mộc mạc, tự phát và phỏng đoán. + Ưu điểm: Các nhà triết học duy vật thời cổ đại đã coi vật chất là cơ sở, bản nguyên của mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới; xuất phát từ chính thế giới vật chất để giải thích thế giới. + Hạn chế: Đồng nhất vật chất nói chung với vật thể vì vậy quan niệm về vật chất của họ mang tính trực quan, phỏng đoán. - Chủ nghĩa duy vật thế kỷ XV - XVIII: Bắt đầu từ thời kỳ Phục hưng, với sự phát triển mạnh của khoa học tự nhiên - thực nghiệm , đặc biệt là cơ học cổ điển, do vậy, nhận thức của con người ở thời kỳ này, bị chi phối bởi quan niệm siêu hình. Quan niệm triết học về thế giới cũng bị chi phối bởi quan niệm siêu hình: các nhà triết học vẫn coi nguyên tử là phần tử vật chất nhỏ nhất, không thể phân chia... Vận động của vật chất chỉ được coi là vận động cơ học, nguồn gốc của vận động nằm ngoài sự vật. + Ưu điểm: Các nhà triết học lý giải vật chất dựa trên cơ sở khoa học phân tích thế giới vật chất. Đó chính là bước tiến lớn của chủ nghĩa duy vật so với thời cổ đại(mặc dù vẫn dựa trên sự quan sát bề ngoài thế giới vật chất). Đồng thời, cũng như chủ nghĩa duy vật thời cổ đại, quan niệm này đã xuất phát từ chính bản thân thế giới để giải thích thế giới. + Hạn chế: Lý giải về vật chất và sự vận động của thế giới vật chất mang tính siêu hình, máy móc. 1.2. Cuộc cách mạng trong khoa học tự nhiên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và sự phá sản của các quan niệm duy vật siêu hình về vật chất Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, vật lý học, nhất là vật lý vi mô đã có những phát hiện mới về cấu trúc của vật chất, làm thay đổi quan niệm về nguyên tử. - Năm 1895: Rơnghen tìm ra tia X - một loại sóng điện từ có bước sóng cực ngắn. - Năm 1896: Béccơren phát hiện ra hiện tượng phóng xạ chứng tỏ quan niệm về sự bất biến của nguyên tử là không chính xác. - Năm 1897: Tômxơn phát hiện ra điện tử và chứng minh được điện tử là một trong những thành phần cấu tạo nên nguyên tử. - Năm 1901: Kaufman đã phát hiện ra khối lượng của điện tử tăng khi vận tốc chuyển động của nó tăng.
Những phát hiện trong vật lý nói trên làm cho quan niệm về vật chất trước đó bộc lộra những hạn chế, không giải thích được. Những nhà triết học đứng trên lập trường duy vật tự phát, siêu hình dao động, hoài nghi về tính đúng đắn của chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa duy tâm đã lợi dụng tình hình đó để tuyên truyền quan điểm duy tâm: tuyên bố vật chất “tiêu tan”, vật chất “biến mất”. Triết học duy vật đứng trước yêu cầu của sự phát triển khoa học là phải xây dựng một quan niệm mới, cao hơn về vật chất để khắc phục cuộc khủng hoảng trong khoa học tự nhiên và sự bất lực của chủ nghĩa duy vật siêu hình về vật chất. 1.3. Quan niệm của triết học Mác - Lênin về vật chất Trên cơ sở tổng kết những thành tựu của khoa học tự nhiên, V.I. Lênin chỉ ra tính vô tận của vật chất, rằng không phải vật chất tiêu tan, vật chất biến mất mà ở đây giới hạn nhận thức của con người đã thay đổi, ông đưa ra định nghĩa: “Vật chất là một phạm trù triết học dùng để chỉ thực tại khách quan được đem lại cho con người trong cảm giác,được cảm giác của chúng ta chép lại, chụp lại, phản ánh và tồn tại không lệ thuộc vào cảm giác”. 1.4. Các hình thức tồn tại của vật chất a. Vận động -Vật chất, cái thực tại khách quan đem lại cho con người trong cảm giác, các dạng tồn tại cụ thể của vật chất vốn hết sức phong phú đa dạng mà theo Ph. Ăng ghen “các hình thức và các dạng khác nhau của vật chất chỉ có thể nhận thức được thông qua vận động; thuộc tính của vật thể chỉ bộc lộ ra qua vận động”. -Theo Ph. Ăngghen: “Vận động, hiểu theo nghĩa chung nhất, - tức được hiểu là một phương thức tồn tại của vật chất, là một thuộc tính cố hữu của vật chất, - thì bao gồm tất cả mọi sự thay đổi và mọi quá trình diễn ra trong vũ trụ, kể từ sự thay đổi vị trí giản đơn cho đến tư duy”. -Với cách hiểu như thế, vận động là phương thức tồn tại của vật chất, nhờ vận động và thông qua vận động mà vật chất biểu hiện sự tồn tại của mình. Vận động của vật chất là tự thân vận động, là tuyệt đối, vĩnh viễn. -Các hình thức vận động cơ bản của vật chất: Dựa vào các thành tựu khoa học, Ph.Ăngghen chia vận động thành 5 hình thức cơ bản: + Vận động cơ học: sự di chuyển vị trí của sự vật trong không gian. +Vận động vật lý: sự vận động của các phân tử, điện tử, các hạt cơ bản, của các quá trình nhiệt, điện...
+Vận động hóa học: sự phân giải và hóa hợp của các chất... +Vận động sinh vật: sự biến đổi gen, trao đổi chất giữa cơ thể sinh vật với môi trường. +Vận động xã hội: sự biến đổi trong các lĩnh vực của xã hội, sự thay thế nhau các hình thái kinh tế - xã hội. —--->Mỗi hình thức vận động cơ bản trên khác nhau về chất, nhưng giữa chúng lại có mối quan hệ hữu cơ với nhau, trong đó hình thức vận động cao xuất hiện trên cơ sở của hình thức vận động thấp hơn và bao hàm trong nó những hình thức vận động thấp hơn và các hình thức vận động có thể chuyển hóa cho nhau. Đứng im là một trạng thái đặc biệt của vận động, vận động trong trạng thái cân bằng, trong sự ổn định tương đối, nói lên sự vật còn là nó mà chưa chuyển hóa thành cái khác. b. Không gian, thời gian Chủ nghĩa duy vật biện chứng thừa nhận không gian và thời gian là hình thức tồn tại của vật chất vận động, được con người khái quát khi nhận thức về thế giới. - Không gian là hình thức tồn tại của vật chất xét về mặt quảng tính (chiều cao,chiều rộng, chiều dài), sự cùng tồn tại, trật tự (trước hay sau, trên hay dưới, bên phải hay bên trái) và sự tác động lẫn nhau. - Thời gian là hình thức tồn tại của vật chất, xét về mặt độ dài diễn biến, sự kế tiếp nhau của các quá trình vật chất (lâu, mau, nhanh, chậm). - Không gian và thời gian có tính khách quan, vĩnh cửu và vô tận. Không gian có tính ba chiều, thời gian có tính một chiều. 1.5. Tính thống nhất vật chất của thế giới a. Tồn tại của thế giới là tiền đề cho sự thống nhất của thế giới Thế giới vật chất quanh ta là tồn tại, những hình thức tồn tại của thế giới vật chất là hết sức đa dạng. Chủ nghĩa duy vật xem sự tồn tại của thế giới như một chỉnh thể và bản chất của nó là vật chất, tồn tại của thế giới là tiền đề cho sự thống nhất của thế giới,thế giới thống nhất ở tính vật chất của nó. Ngược lại, chủ nghĩa duy tâm thừa nhận thế giới thống nhất ở tính tinh thần. b. Tính thống nhất vật chất của thế giới - Chỉ có một thế giới duy nhất là thế giới vật chất, thế giới vật chất tồn tại khách quan.